Giai đoạn 1976 đến 1999

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà chủ yếu là người trong các cơ quan tiến hành tố tụng (Trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh Đắk Lắk) (Trang 29 - 32)

1.2. Quá trình phát triển của pháp luật hình sự về các tội xâm

1.2.2. Giai đoạn 1976 đến 1999

Với chiến thắng năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước ta hoàn toàn thống nhất. Cả nước bắt tay vào khắc phục những hậu quả của chiến tranh và tiến hành xây dựng đất nước, khôi phục kinh tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Sau thất bại ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã thực hiện nhiều kế hoạch nhằm chống phá chính quyền cách mạng Việt Nam như bao vây cấm vận kinh tế, kích động, dụ dỗ người dân Việt Nam chạy ra nước ngoài hoặc sử dụng người dân Việt sống lưu vong ở nước ngoài chống phá Việt Nam khiến cho tình hình xã hội ở miền Nam chưa được ổn định.

Song song với việc chính thức thành lập Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Sắc luật số 03/SL-76, ngày 15/3/1976, quy định các tội phạm và hình phạt. Sắc luật này trừng trị các tội phản cách mạng, các tội xâm phạm tài sản công cộng, các tội xâm phạm thân thể, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản riêng của công dân, các tội kinh tế (đầu cơ, tích trữ, phá rối trị trường, làm hàng giả...), các tội chức vụ, hối lộ, các tội xâm phạm trật tự, an toàn công cộng [9]. Điều 3 Sắc luật quy định: "biết rõ phần tử phản cách mạng mà che giấu thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm". Hướng dẫn thi hành Sắc luật số 03/SL-76, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/BTP ngày 12/4/1976. Điều 5 Thông tư quy định: Biết rõ phần tử phản cách mạng mà che giấu, chứa chấp thì bị xử phạt từ 1 năm đến 7 năm tù; có nghĩa là hành vi chứa chấp, che giấu, tiếp tế, giúp đỡ cho bọn phản cách mạng lẩn trốn hoặc cất giấu tang vật thủ tiêu chứng cứ về tội phạm của chúng. Ngoài ra, trong nội dung của Thông tư này cũng có một số quy định về những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp khác như: các hành vi bắt, giam người trái phép, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật trái phép do người có chức vụ quyền hạn thực hiện thì bị xử theo quy định của Điều 7 Sắc

luật số 03/SL-76 ngày 15/3/1976, hoặc hành vi trốn trại giam hoặc tổ chức cho kẻ khác trốn trại giam không vì mục đích phản cách mạng thì bị xử theo Điều 9 Sắc luật số 03 về tội xâm phạm đến trật tự công cộng, an toàn công cộng với hình phạt tù từ ba tháng đến năm năm, phạt tiền đến 1.000 đồng và có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp chưa có tính hệ thống, thiếu cụ thể, còn thiếu nhiều, tản mạn và chưa đề cập được hết các khía cạnh và sự phức tạp của các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến việc gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý các tội phạm này. Đứng trước yêu cầu của tình hình mới, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước thực hiện nhiệm vụ bảo vệ những thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền kinh tế nước nhà, cùng với việc hoàn thiện hệ thống các cơ quan tư pháp thì vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống các hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp nói riêng trở nên bức xúc. Để khắc phục những hạn chế trên cần phải có quy định cụ thể và có hệ thống các tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong văn bản quy phạm pháp luật hình sự.

Tại kỳ họp thứ 9, ngày 27/6/1985, Quốc hội khóa VII đã thông qua Bộ luật hình sự, có hiệu lực từ ngày 1/1/1986. Sự ra đời của Bộ luật hình sự năm 1985 đánh dấu bước phát triển cao của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành là một sự kiện chính trị pháp lý quan trọng, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bộ luật hình sự này có sự kế thừa và phát triển luật hình sự của nhà nước ta từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với sự tích lũy kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian trước năm 1985, kế thừa những tinh hoa của pháp luật hình sự tiến bộ, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo

xã hội chủ nghĩa, Bộ luật hình sự ghi nhận được những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự xã hội chủ nghĩa như nguyên tắc pháp chế, nhân đạo, dân chủ, cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt.

Về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, Bộ luật hình sự năm 1985 đã dành một chương riêng ở Phần các tội phạm, cụ thể là Chương X với 19 điều luật, từ Điều 230 đến Điều 248 quy định về nhóm tội phạm này. Trong 19 điều luật này có 1 điều quy định về khái niệm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, 1 điều quy định về hình phạt bổ sung, còn 17 điều quy định 20 tội thuộc nhóm tội xâm phạm họat động tư pháp, trong đó 8 điều quy định về chủ thể là người tiến hành tố tụng đó là: Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 231); Tội ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật (Điều 232); Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật (Điều 233); Tội dùng nhục hình (Điều 234); Tội bức cung (Điều 235); Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (Điều 236); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn tha trái pháp luật người bị tạm giam (Điều 238); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn giam người trái pháp luật (Điều 239). Có thể nói, Bộ luật hình sự năm 1985 lần đầu tiên quy định một cách thống nhất, tổng thể và có hệ thống về tội phạm và hình phạt, quy định khá đầy đủ các hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức độ đáng kể bị coi là tội phạm. Việc quy định các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thành một chương riêng trong Bộ luật cho thấy ý nghĩa quan trọng cụ thể hóa những quy định về chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp bằng các quy phạm pháp luật hình sự nhằm bảo vệ cho hoạt động của các cơ quan này khỏi các hành vi xâm hại.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, phù hợp với những đổi mới của xã hội, Bộ luật hình sự năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung bốn lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997. Tuy nhiên, riêng về chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thì vẫn tương đối ổn định.

Qua 15 năm thực hiện, Bộ luật hình sự năm 1985 đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có những đóng góp không nhỏ vào thành công chung của đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1985 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, chưa chính xác về mặt khoa học. Nhiều tội danh quy định quá chung chung, bố cục một số chương, điều chưa hợp lý; những hành vi phạm tội có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau lại được để cùng một điều luật, một tội danh với một chế tài xử phạt; khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa trong khung hình phạt của nhiều điều luật quá dài đã tạo ra những sơ hở nhất định, dẫn đến sự tùy tiện khi áp dụng, hiệu quả xử lý không nghiêm, không thống nhất trong việc áp dụng hình phạt.

Xuất phát từ tình hình đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, hội nhập khu vực và thế giới, đặt ra yêu cầu phải xây dựng một khung pháp luật hoàn chỉnh vừa khuyến khích các yếu tố tích cực của nền kinh tế thị trường phát triển, vừa có những quy định nghiêm cấm với các chế tài nghiêm khắc nhằm phòng ngừa và xử lý nghiêm minh những tiêu cực của cơ chế. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 21/12/1999, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X tại kỳ họp thứ XI đã thông qua Bộ luật hình sự mới (gọi là Bộ luật hình sự năm 1999), trong đó, chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp được tiếp tục hoàn thiện đáp ứng yêu cầu đấu tranh với các tội phạm này trong hoạt động tư pháp.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà chủ yếu là người trong các cơ quan tiến hành tố tụng (Trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh Đắk Lắk) (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)