1.2. Quá trình phát triển của pháp luật hình sự về các tội xâm
1.2.1. Giai đoạn 1945 đến 1975
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (tháng 8/1945), trong những năm tháng đầu tiên sau khi giành được độc lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế đất nước rất nghèo nàn, lạc hậu, vừa trải qua nạn đói năm 1945; người dân không có việc làm; chế độ tài chính kiệt quệ, hầu như không có gì, phải kêu gọi nhân dân ủng hộ tiền, vàng cho cách mạng; trình độ học vấn của nhân dân hầu như rất thấp, có tới 95% dân số toàn quốc hoàn
toàn mù chữ. Trong khi đó, nguy cơ ngoại xâm từ bên ngoài lấy danh nghĩa đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật. Tại miền Bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch tiến vào Hà Nội. Khoảng 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch mượn danh nghĩa Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật. Tại miền Nam, quân đội Pháp được quân Anh yểm trợ xâm lược chiếm Sài Gòn. Bên trong đất nước, bọn phản động người Việt được sự trợ giúp của đế quốc ngoại bang và tàn quân của chế độ cũ nổi dậy chống phá nhằm lật đổ chính quyền nhân dân non trẻ để thành lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng. Đứng trước tình hình đó, nhân dân ta phải thực hiện ba nhiệm vụ lớn là diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật hình sự được xây dựng thời kỳ này chủ yếu tập trung phục vụ ba nhiệm vụ nói trên. Nhưng do tình hình hết sức khẩn trương lúc bấy giờ, nên không thể ban hành kịp các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hình sự cần thiết. Do đó, ngày 10/10/1945, nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh số 47-SL cho tạm thời giữ các luật lệ cũ ở ba miền Bắc, Trung, Nam, nhưng không được xâm phạm vào nền độc lập quốc gia, trong đó có Bộ "Luật hình An Nam", Bộ "Hoàng Việt hình luật", và Bộ "Hình luật pháp tu chính". Điều 1 Sắc lệnh quy định:"cho đến khi ban hành bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam, các luật lệ hiện hành vẫn tạm giữ nguyên như cũ" với điều kiện "Những điều khoản trong luật lệ cũ được tạm giữ lại do sắc luật này chỉ thi hành khi nào không trái với nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa" (Điều 12 Sắc lệnh).
Do tình hình đất nước lúc bấy giờ rất cấp bách trong bảo vệ nền độc lập dân tộc nên vấn đề xây dựng pháp luật chưa có thời gian xây dựng, các văn bản pháp luật được ban hành thường mang tính thời kỳ, phục vụ những nhiệm vụ trước mắt. Tuy nhiên, hàng loạt văn bản liên quan đến hoạt động tư pháp được ban hành. Sắc lệnh 33C ngày 13/9/1945 của Chính phủ lâm thời về
thành lập tòa án quân sự; Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946 và Sắc lệnh số 51 ngày 17/7/1946 về thành lập tòa án các cấp. Để hoạt động của tòa án có hiệu quả, một số văn bản pháp luật đã quy định về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Tại Điều 24 Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/1/1946 về tổ chức Tòa án và các ngạch Thẩm phán có quy định: các hội thẩm nhân dân phải giữ kín những điều đã bàn bạc trong lúc nghị án. Nếu tiết lộ bí mật ấy sẽ bị tòa án nhân dân phúc thẩm khu hoặc thành phố phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm tù. Tại Điều 18 Sắc lệnh số 40 ngày 29/3/1946 có quy định: "Những người phụ trách các đề lao, các trại giam, giữ người sau hạn giam mà không có lệnh gia hạn sẽ bị phạt tù từ hai năm đến năm năm và phạt tiền từ 1.000 đến 10.000 đồng" . Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng đã ghi nhận một số nguyên tắc trong hoạt động của cơ quan tư pháp như Điều 11 quy định: Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ, giam cầm công dân Việt Nam; Điều 68 quy định: "Cấm không được tra tấn, đánh đập, ngược đãi những bị cáo và tội nhân". Điều 3 Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 cho phép bị can có thể nhờ công dân không phải là luật sư bênh vực trước tòa án, nhưng có quy định: người nào để lộ những bí mật đã biết trong khi xem hồ sơ, hoặc trong cuộc thẩm vấn tại phiên tòa... sẽ bị phạt từ 1 đến 5 năm tù và phạt từ 1.000 đồng đến 1.900 đồng. Điều 6 Sắc lệnh số 150-SL ngày 12/4/1953 về việc thành lập Tòa án nhân dân đặc biệt quy định: "Khi hỏi tuyệt đối không được đánh đập, tra tấn".
Để đảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của công dân, Chính phủ đã ban hành Luật số 103/SL- 005 ngày 20/5/1953. Sắc lệnh này quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi tra tấn, dùng nhục hình cũng như một số hành vi khác xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tư pháp, cụ thể Điều 14 quy định: "Đối với những người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam tuyệt đối nghiêm cấm tra tấn hoặc dùng
bất cứ nhục hình nào", "Nếu phạm tội tra tấn, dùng nhục hình sẽ bị xử theo hình luật chung". Điều 16 Sắc lệnh cũng quy định chế tài đối với hành vi bắt, giam người, khám đồ vật, nhà ở thư tín trái đạo luật này thì tùy trường hợp có thể bị thi hành kỷ luật hành chính hoặc bị xử phạt từ 15 ngày đến ba năm tù.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta bị chia làm hai miền: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, còn miền Nam tạm thời bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm thống trị. Trước tình hình đó, pháp luật hình sự thời kỳ này phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc giải phóng miền Nam. Miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước. Đảng và Nhà nước tiến hành cuộc cải cách ruộng đất rộng khắp trên toàn miền Bắc. Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30/10/1967, Điều 17 quy định: "Kẻ nào biết rõ phần tử phản cách mạng mà chưa chấp che giấu, tiếp tế, giúp đỡ cho chúng lẩn trốn hoặc cất giấu tang vật thủ tiêu chứng cứ phạm tội của chúng thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm".
Kể từ khi miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, số lượng tài sản Nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế Quốc gia. Mặt khác, thời kỳ này, nền kinh tế Việt Nam mang đậm tính chất kinh tế bao cấp, tội phạm về kinh tế và tội phạm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa... gia tăng nhiều. Đáp ứng yêu cầu của thực tế và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngày 21/10/1970, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành hai pháp lệnh: Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản công dân. Hai pháp lệnh này có quy định về tội bao che cho kẻ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và tội bao che kẻ xâm phạm tài sản công dân.