1.2. Nhận thức chung về văn hóa nhân quyền
1.2.6. Văn hóa và quyền phát triển
Liên Hợp quốc coi quyền con người cùng an ninh - hòa bình, phát triển là ba cột trụ chính của quá trình phát triển bền vững. Kofi Annan, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp quốc trong bài viết “Tự do rộng rãi hơn” 2005 đã viết “Chúng ta sẽ không có được sự phát triển nếu thiếu an ninh, chúng ta không thể có an ninh nếu không có sự phát triển, và chúng ta sẽ không có cả hai nếu không có nhân quyền” [16]. Hiện nay, trên thế giới chúng ta đang chú trọng đến vấn đề phát triển bền vững. Bởi nếu chúng ta chỉ chú trọng đến kinh tế, thúc đẩy các chỉ tiêu kinh doanh và lợi nhuận, và phát triển mà không chú trọng đến vấn đề văn hóa, nhân quyền thì đằng sau các chỉ số về kinh tế, lợi nhuận là các vấn đề về ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính,..Văn hóa và phát triển đều phải được xây dựng trên nền tảng và nguyên tắc là sự phát triển bền vững. Văn hóa nếu không được xây dựng trên quyền con người thì đôi khi các giá trị văn hóa sẽ không phải là nhân văn. Đôi khi nó sẽ chạy theo các lối sống thực dụng, những giá trị nhỏ bé, hoặc đem lại những hậu quả tiêu cực. Tri thức và sự chấp nhận nền tảng giá trị đó là điều kiện tiên quyết cho sự hợp tác văn hóa và tiền đề cho sự phát triển. Nền tảng giá trị đó phải được áp dụng cho tất cả các dân tộc hay nhóm xã hội trong một quốc gia. Chính vì
thế mà văn hóa và nhân quyền là những giá trị trung tâm trong chính sách phát triển trên thế giới hiện nay.
Văn hóa và phát triển phải được xây dựng trên một nền tảng giá trị thể hiện những giá trị văn hóa và xã hội tích cực. Phát triển có nghĩa là dẫn đến những sự thay đổi tích cực. Trong nhiều dự án hay chương trình phát triển sẽ có một khía cạnh trao đổi văn hóa nhất định. Sự trao đổi văn hóa, với nhiều giá trị văn hóa mới nhiều khi đạt hiệu quả cao trong việc tạo ra sự cạnh tranh và động lực cho sự phát triển. Bởi vậy trao đổi văn hóa được coi là nhân tố kích thích việc thay đổi, thích nghi và phát triển tích cực. Vì lẽ đó văn hóa trở thành phần không thể thiếu trong các chương trình hỗ trợ về dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự và kinh tế.
Kết luận chương 1
Trên đây là những vấn đề lý luận cơ bản về văn hóa nhân quyền. Bao gồm những nội dung, hàm lượng rất súc tích, phong phú. Từ cơ sở nhận thức chung về văn hóa nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cùng với việc nhận thức chung về văn hóa nhân quyền một cách thật toàn diện, sâu sắc theo phép duy vật biện chứng. Việc sáng tạo và xây dựng nền văn hóa nhân quyền trên thế giới hiện nay là mục tiêu chung của nhân loại. Song để hoàn thành sứ mệnh trọng đại này, phải nắm chắc được những vấn đề cốt lõi như: các thành tố cơ bản, các đặc trưng cơ bản cùng với các yếu tố tác động đến văn hóa nhân quyền như ảnh hưởng của yếu tố đạo đức - tôn giáo, pháp luật, chính trị,...Và một vấn đề phải luôn nhất quán xuyên suốt là văn hóa và phát triển đều phải xây dựng trên nền tảng và nguyên tắc là sự phát triển bền vững. Từ những nội dung trên ta có quyền khẳng định: Bản chất của một nền văn hóa nhân quyền nhằm mục tiêu đưa những chuẩn mực nhân quyền thực sự thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển của từng dân tộc, từng quốc gia và toàn nhân loại.
Chương 2
VĂN HÓA NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ VÀ HIỆN NAY
2.1. Đặc trưng cơ bản của văn hóa nhân quyền ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và hiện nay