Hoàn thiện nội dung về cơ sở của trách nhiệm hình sự

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bảo vệ quyền con người bằng các quy định về trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam (Trang 89 - 92)

3.2 Những đề xuất nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định một số quy phạm cụ thể

3.2.1 Hoàn thiện nội dung về cơ sở của trách nhiệm hình sự

Qua nghiên cứu cơ sở của trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự năm 1999 cho thấy một số vấn đề nổi lên đặt ra yêu cầu sửa đổi.

Một là, về chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự năm 1999. Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 thì chủ thể của tội phạm luôn luôn là cá nhân, là con người cụ thể, và pháp nhân chưa được thừa nhận là chủ thể của tội phạm. Vấn đề TNHS pháp nhân mặc dù đã được đưa ra thảo luận nhiều lần với nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia pháp lý hàng đầu nhưng trong lần sửa đổi bổ sung năm 2009 vấn đề này vẫn chưa được chính thức luật hóa. Trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm đặc biệt là với hành vi phạm tội của pháp nhân ở các nhóm tội phạm môi trường, tội phạm về kinh tế thì việc quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân là cần thiết. Bởi gần đây, tình hình vi phạm pháp luật nổi lên trong nhiều năm qua đặc biệt là hành vi của các doanh nghiệp gây ra sự ô nhiễm nghiêm trọng với môi trường sống của cộng đồng dân cư việc diễn ra trong thời gian dài mà không bị xử lý nghiêm khắc thể hiện sự yếu kém của nền pháp chế cũng như suy giảm niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật. Sự thiếu sót ấy còn gây cản trở cho hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, gây ra những khó khăn nhất định trong công tác bảo vệ quyền con người. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng sẽ thể hiện được sự tham khảo có chọn lọc những tinh hoa của nền khoa học pháp lý thế giới. Tuy nhiên, cũng cần xác định một cách rõ ràng, không phải bất kỳ pháp nhân nào cũng có thể trở thành chủ thể của tội phạm. Chúng ta chỉ nên ghi nhận trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, còn đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân không nên quy định vấn đề TNHS. Bởi, các hình thức xử lý hình sự với pháp nhân thường chỉ là phạt tiền hoặc

đình chỉ hoạt động. Các cơ quan, tổ chức Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, kinh phí hoạt động trích từ ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, không đặt ra vấn đề xử lý hình sự với nhóm đối tượng này. Thêm nữa, việc xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân không nên chỉ giới hạn trong một số nhóm tội nhất định, ví dụ như tội phạm môi trường, tội phạm kinh tế. Chúng ta cần xác định dứt khoát rằng, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Hai là, về kỹ thuật lập pháp, nội dung Điều 2 Bộ luật hình sự năm 1999 ghi

nhận: " chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu

trách nhiệm hình sự". Với việc quy định như vậy dẫn đến cách hiểu một cá nhân chỉ phải chịu trách nhiệm khi thực hiện một hành vi phạm tội, còn trong trường hợp thực hiện nhiều tội phạm thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là điểm hạn chế đã tồn tại từ lâu trong quy định về cơ sở của TNHS đã được nhiều nhà khoa học đề cập nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Thêm nữa, tại Điều 17 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng xác định: "Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện.". Với quy định như trên, trước hết cho thấy sự chưa thống nhất giữa các quy định của pháp luật hình sự. Theo những quy định này thì trước hết cho thấy sự chưa thống nhất trong quy định của các điều trong BLHS, thể hiện sự chưa hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp. Một mặt, việc một chủ thể thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm được xác định là cơ sở của việc chủ thể đó phải chịu TNHS. Mặt khác, điều 17 lại xác định việc chuẩn bị thực hiện các hành vi khách quan với một số tội phạm cũng bị truy cứu TNHS mặc dù những hoạt động của họ chưa phải hành vi được mô tả trong mặt khách quan của tội phạm. Về cơ bản, việc xác định TNHS trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm có tính nguy hiểm cao đến đặc biệt cao. Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm hình sự của các chủ thể ở hai điều luật nêu trên là chưa đảm bảo được nguyên tắc pháp chế, dẫn đến hiểu chưa đúng, gây ra những sai lầm khi áp dụng pháp luật. Bởi, các quy định

pháp luật hình sự cần đầy đủ, rõ ràng giúp cho việc giải thích đảm bảo tính chính xác, phù hợp với nội dung và lời văn của điều luật.

Thứ ba, trong quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự cần bổ sung thêm việc xác định trách nhiệm hình sự trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội với một số tội phạm nhất định nhằm đảm bảo tính logic và khoa học. Lý do để sửa đổi nằm ở việc tại điều 2 Bộ luật hình sự chỉ ghi nhận việc một người đã thực hiện hành vi được mô tả ở mặt khách quan của cấu thành tội phạm sẽ là căn cứ làm phát sinh việc họ có hay không phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về mặt hình sự. Tuy nhiên, đến Điều 17 Bộ luật hình sự về chuẩn bị phạm tội lại xác định thêm: “một người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng” thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là giai đoạn người phạm tội chưa thực hiện những hành vi được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Về nguyên tắc, nếu một người chưa thực hiện hành vi phạm tội thì không thể áp dụng các quy định để xử lý người này. Tuy nhiên, trường hợp chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cần xem xét xử lý về hình sự đối với chủ thể của tội phạm. Việc xác định TNHS trong trường hợp này còn cho thấy sự thể hiện rất cao của yếu tố phòng ngừa trong Bộ luật hình sự. Đối với trường hợp các tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nếu xảy ra trong thực tế sẽ gây ra những nguy hại và để lại hậu quả rất lớn hoặc đặc biệt lớn; vì thế việc xử lý những tội phạm này cũng không nằm ngoài mục tiêu phòng ngừa tội phạm xảy ra, loại trừ những yếu tố có thể gây phương hại đến quyền con người nói chung. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, trong quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự cũng cần xác định trường hợp chuẩn bị phạm tội cũng phải chịu những hậu quả bất lợi về pháp lý hình sự.

Cuối cùng, trong quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự cần bổ sung thêm cụm từ "thỏa mãn các điều kiện khác của tội phạm cụ thể" vào cuối nội dung điều luật. Bởi như đã biết, việc chủ thể thực hiện hành vi phạm tội chỉ là dấu hiệu cơ bản về hành vi khách quan bên ngoài, để buộc họ phải chịu TNHS cần tổng hợp

người đủ tuổi và có năng lực TNHS, thực hiện hành vi bị luật hình sự coi là tội phạm một cách có lỗi, xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến những khách thể được luật hình sự bảo vệ. Việc xác định được đầy đủ các yếu tố này là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan tiến hành tố tụng bởi nếu chỉ thiếu một trong các yếu tố này, một người không thể là chủ thể của tội phạm. Trong các quy định ở phần các tội phạm cũng đã xác định rằng, trong một số trường hợp, mặc dù một người đã thực hiện hành vi phạm tội do luật hình sự quy định nhưng vẫn không phải chịu TNHS. Đơn cử, quy định tại điều 80 Bộ luật hình sự năm 1999 về trường hợp người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này. Bằng những lập luận này, người viết đề xuất sửa đổi điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 theo hướng:

Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự

1. Chỉ người nào phạm một tội hoặc nhiều tội và thỏa mãn các điều kiện khác của tội phạm cụ thể đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội hoặc nhiều tội và thỏa mãn các điều kiện khác của tội phạm cụ thể đã được quy định trong Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Việc chuẩn bị phạm các tội được quy định tại khoản 2 điều 17 Bộ luật này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo các quy định tại các điều luật tương ứng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bảo vệ quyền con người bằng các quy định về trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam (Trang 89 - 92)