Hoàn thiện nội dung về thời hiệu truy cứu TNHS

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bảo vệ quyền con người bằng các quy định về trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam (Trang 92 - 96)

3.2 Những đề xuất nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định một số quy phạm cụ thể

3.2.2 Hoàn thiện nội dung về thời hiệu truy cứu TNHS

Qua nghiên cứu, một số vấn đề đối với chế định này phát sinh cần có sự ghi nhận chính xác hơn. Đầu tiên, về bản chất, khi một người được hưởng chế định thời hiệu truy cứu TNHS đồng nghĩa với việc họ không bị truy cứu TNHS khi thực hiện hành vi phạm tội. Hậu quả pháp lý trong trường hợp này rõ ràng là người đó được miễn trách nhiệm hình sự. Nói cách khác là họ không phải chịu bất kỳ môt chế tài pháp lý hình sự nào mặc dù đã thực hiện tội phạm bởi họ đã đáp ứng được một số

yêu cầu nhất định. Việc ghi nhận trong các điều luật cần đầy đủ, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật. Thêm nữa, việc ghi nhận như vậy còn hạn chế tối đa sự tùy tiện của các cơ quan này và việc áp dụng quy định nêu trên còn là sự thể hiện trực tiếp nguyên tắc nhân đạo, cho thấy sự đảm bảo tối quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Xác định chính xác vấn đề pháp lý hình sự với một người ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, ảnh hưởng trực tiếp đến số phận pháp lý của họ. Việc xác định có hay không căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt sẽ tạo ra những đảm bảo pháp lý tối đa nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền con người. Như vậy cần quy định trường hợp hết thời hiệu truy cứu TNHS một người đương nhiên được miễn TNHS.

Tiếp nữa, quy định tại khoản 3 điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999 tồn tại khuyết điểm về cách tính lại thời hiệu truy cứu TNHS. Theo đó: “ Nếu trong thời

hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì

thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ”. Điểm hạn chế này ở trong quy định việc tính lại thời hiệu được tính lại với điều kiện người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã. Trong thời hạn của khoản 3 điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định được đối tượng phạm tội và ra quyết định truy nã với những người này, cho thấy hành vi phạm tội và người thực hiện tội phạm đã được phát hiện, và đang trong quá trình xử lý. Việc chưa xử lý hình sự được với những đối tượng này là do hệ quả của việc bỏ trốn, hòng thoát khỏi sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Điều này không thuộc về phạm trù lỗi của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Để khắc phục trường hợp này, quyết định truy nã được đưa ra nhằm truy bắt đối tượng phạm tội một cách nhanh nhất để xử lý nghiêm minh theo đúng quy đinh. Sau khi có quyết định truy nã thì việc người

này có “cố tình trốn tránh” hay không, không mang nhiều ý nghĩa. Bởi từ trước đó,

những người này đã lựa chọn cách xử sự mang tính chống đối lại những yêu cầu mà Nhà nước đặt ra khi họ phạm tội. Vì vậy, trong trường hợp này chỉ cần quy định “ người phạm tội đã có lệnh truy nã” là đủ. Cũng trong quy định này, việc tính lại thời

hiệu được xác định từ ngày “người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ”. Việc xác định lại thời hiệu từ thời điểm người pham tội cố tình trốn tránh và bị bắt giữ là vấn đề mang tính tất yếu, vấn đề đặt ra trong quy định này là việc tính lại thời hiệu từ khi người này ra “tự thú” theo quy định của Điều 23. Trong trường hợp người phạm tội đã có quyết định truy nã theo quy định tại điều luật nêu trên thì không thể nào có trường hợp người này ra “tự thú” với cơ quan chức năng; ở đây chỉ có thể coi đó là “đầu thú”. Bởi hai khái niệm này có sự khác nhau về cơ bản cho nên chúng ta cần xác định chính xác và quy định cụ thể khi nghiên cứu sửa đổi Bộ luật hình sự. Theo hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/CV-TANDTC đã giải thích rõ ràng, cụ thể hai trường hợp “tự thú” và “đầu thú”. Tự thú được hiểu là việc một người tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Còn đầu thú là trường hợp có người đã biết mình phạm tội, người phạm tội biết mình không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Sự khác nhau cơ bản ở đây thể hiện ở việc sự kiện phạm tội đã được phát hiện hay chưa và người phạm tội có thể có lệnh truy nã hay chưa. Riêng đối với trường hợp “tự thú”, do sự kiện phạm tội chưa bị phát giác, cơ quan có thẩm quyền chưa biết đến trường hợp này, do đó, không thể xuất hiện lệnh truy nã. Còn ở trường hợp đầu thú, sự kiện phạm tội đã được xác định, chính vì thế, khi người phạm tội trốn tránh việc trừng trị của pháp luật thì lệnh truy nã là cơ sở pháp lý cần có để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành công tác truy tìm người phạm tội phục vụ công tác xử lý tội phạm.

Thứ ba, vấn đề thời hiệu không được quy định riêng đối với người chưa thành niên phạm tội mặc dù trong Bộ luật hình sự năm 1999 đã xác định một chương riêng về TNHS với người chưa thành niên phạm tội. Quy định về xử lý hình sự đối với người chưa thành niên về cơ bản là mang tính giáo dục hướng thiên là chủ yếu, hình phạt nếu có được áp dụng thì cũng chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết. Việc áp dụng hình phạt hoặc các biện pháp tư pháp hình sự khác với nhóm người dưới 18 tuổi là nhẹ hơn so với người đã thành niên phạm tội. Vì vậy, TNHS đối với hai nhóm đối tượng này là khác nhau mặc dù về hành vi phạm tội và hậu

quả gây ra có thể là tương đương nhau. Với những lý do đó, theo quan điểm của người viết, quy định về thời hiệu nói chung và thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi cần bổ sung việc xác định sau một thời gian nhất định thì người chưa thành niên không bị truy cứu TNHS và thời hạn đó phải ngắn hơn so với quy định trong bộ luật hình sự hiện hành.

Cuối cùng, trong trường hợp tội phạm gây ra những thiệt hại về vật chất, hoặc tội phạm làm phát sinh những tranh chấp dân sự thì mặc dù người phạm tội đã được hưởng chế định thời hiệu truy cứu TNHS nhưng không được loại trừ trách nhiệm dân sự của họ. Việc một người được hưởng thời hiệu truy cứu TNHS chỉ làm cho họ được loại trừ trường hợp bị xử lý bằng những biện pháp tác động nghiêm khắc nhất về hình sự. Đối với những hành vi gây thiệt hại về tài sản không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật hình sự thì việc loại trừ này không được quy định. Việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra là cần thiết nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của Pháp luật cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người chịu những thiệt hại về vật chất, tài sản do tội phạm gây ra, góp phần duy trì trật tự kỷ cương xã hội. Do đó, theo quan điểm của người viết, cần xác định rõ trách nhiệm bổi thường thiệt hại của người phạm tội trong nội dung điều luật về trường hợp này. Với những lập luận này, người viết đề xuất sửa đổi nội dung điều 23 Bộ luật hình sự năm 2015 theo hướng:

Điều 23. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và người đó đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội đã có

quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

4. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ngƣời dƣới 18 tuổi được

tính bằng một phần hai so với mức quy định với người trên 18 tuổi thực hiện cùng loại tội phạm.

5. Nếu trong trường hợp hành vi phạm tội trực tiếp gây ra những thiệt hại vật chất hoặc làm phát sinh những tranh chấp dân sự thì mặc dù đã được miễn TNHS do hết thời hiệu nhưng người này vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự theo những quy định khác của pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bảo vệ quyền con người bằng các quy định về trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam (Trang 92 - 96)