* Những hạn chế về ADPL trong các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ, công nhận hòa giải thành, công nhận thuận tình ly hôn:
Qua nghiên cứu thực trạng giải quyết tranh chấp về nhà ở của vợ chồng khi ly hôn của TAND từ năm 2014 đến 2017 thấy rằng, TAND các cấp đã hoàn
thành chức năng, nhiệm vụ của mình, đã triển khai ADPL và giải quyết một số lượng án không nhỏ, nhìn chung đã thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng theo quy định pháp luật, thông qua quá trình ADPL giải quyết những bất hòa nẩy sinh trong quan hệ hôn nhân, tuyên truyền, giáo dục được ý thức pháp luật cho nhân dân, làm lành mạnh quan hệ trong hôn nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần làm ổn định trật tự xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận của TAND các cấp, nhưng qua công tác kiểm tra giám đốc án và hoạt động xét xử phúc thẩm, TAND các cấp cũng đã phát hiện những thiếu sót về ADPL trong quá trình đình chỉ, tạm đình chỉ, hòa giải thành, thuận tình ly hôn.
Đối với việc ADPL, đình chỉ và tạm đình chỉ vụ án đôi khi còn có những thiếu sót như có những vụ căn cứ tạm đình chỉ chưa chính xác, khi hết lý do tạm đình chỉ việc thụ lý lại giải quyết còn chậm trễ. Đối với trường hợp đình chỉ có vụ còn không có căn cứ như sau hai lần báo gọi nguyên đơn không thấy đương sự có mặt tại Tòa án, không tiến hành xác minh mà ra quyết định đình chỉ là không chính xác và vụ án đình chỉ xử lý án phí không theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong các trường hợp hòa giải thành và thuận tình ly hôn, các đương sự đều có thiện chí hướng đến giải quyết các tranh chấp với nhau, nhưng trong trường hợp này cũng ảnh hưởng một phần từ kết quả của hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ còn nhiều thiếu sót, kết quả điều tra đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu như nội dung, chất lượng, biên bản, lấy lời khai, có những vụ án còn ghi sơ sài chưa phản ánh hết những tình tiết khách quan của nội dung vụ án cần điều tra. Việc thu thập chứng cứ tài liệu liên quan đến vụ án còn chưa đầy đủ, có những tình tiết cần làm rõ nhưng chưa được xác minh. Về phần tài sản, có những vụ án còn chưa điều tra hết phần tài sản cũng như các khoản nợ chung và nợ riêng của vợ chồng. Với kết quả điều tra vụ án không đầy đủ ảnh hưởng đến quá trình hòa giải
thành và thuận tình ly hôn. Bên cạnh chất lượng điều tra vụ án còn hạn chế, thì việc hòa giải cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tế như trong quá trình hòa giải Thẩm phán chưa nắm chắc được nội dung hồ sơ vụ án, việc giải thích pháp luật còn sơ sài, khả năng động viên, hòa giải, thuyết phục các đương sự hướng đến giải quyết tranh chấp của một số Thẩm phán còn hạn chế. Do đó, kết quả hòa giải chưa đạt được kết quả cao. Đối với các vụ án thuận tình ly hôn về cơ bản đã giải quyết tốt, nhưng còn một số ít vụ do quá trình hòa giải thuận tình ly hôn sơ sài, không chú ý giải quyết triệt để từng mối quan hệ trong hôn nhân, khi quyết định không chính xác và đôi khi viện dẫn điều luật còn chưa đầy đủ, nội dung quyết định còn có sơ xuất về lỗi chính tả, câu văn chưa rõ ràng, nên dẫn đến việc quyết định công nhận thuận tình ly hôn các đương sự vẫn có đơn khiếu kiện đề nghị Tòa án cấp trên xem xét lại và dẫn đến tình trạng quyết định thuận tình ly hôn vẫn bị hủy theo trình tự giám đốc án để điều tra giải quyết lại từ giai đoạn ban đầu.
* Những hạn chế về ADPL trong trường hợp đưa vụ án ra xét xử bằng bản án:
- Những hạn chế về ADPL trong hoạt động xét xử tranh chấp về nhà ở của vợ chồng khi ly hôn của TAND cấp huyện:
Đối với tranh chấp về nhà ở của vợ chồng khi ly hôn phải đưa xét xử thông thường là vụ án phức tạp hơn những vụ án ra quyết định công nhận sự hòa giải thành và quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn. Những vụ án xét xử từ khi thụ lý, điều tra vụ án, hòa giải không thành, trong trường hợp này được hiểu là giai đoạn chuẩn bị xét xử. Ở Tòa án cấp huyện số lượng án sơ thẩm rất nhiều, Thẩm phán cấp huyện thường không chuyên trách một loại án như Thẩm phán cấp tỉnh, mà thường xử tất cả các loại án, hoạt động ADPL đối với tranh chấp về nhà ở của vợ chồng khi ly hôn ở giai đoạn này có những hạn chế thường mắc phải như trong các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ, công nhận hòa giải thành và công nhận thuận tình ly hôn đã nêu ở trên.
Hoạt động ADPL trong xét xử tranh chấp về nhà ở của vợ chồng khi ly hôn cấp huyện, ngoài việc chịu ảnh hưởng những hạn chế của quá trình điều tra vụ án, còn có những thiếu sót như trong việc nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, không hiểu đúng các quy định pháp luật về giải quyết vụ án, việc xác định tư cách tố tụng chưa đúng, triệu tập những người tham gia tố tụng chưa đầy đủ, có vụ án đưa ra xét xử còn vi phạm về thời hạn tố tụng, việc lựa chọn QPPL có khi còn chưa chính xác, viện dẫn các điều luật còn chưa đầy đủ, do bản án (dự thảo) trước nên không có nhiều thời gian chỉnh lý lại bản án tại phòng nghị án, chưa phản ánh đầy đủ những diễn biến tại phiên tòa, nội dung bản án chưa ngắn gọn, xúc tích, nội dung phần quyết định đôi khi chưa rõ, như những vụ án ly hôn chia tài sản khi giao đất nêu các mốc chỉ giới không cụ thể, tính án phí còn nhầm lẫn, Những vấn đề hạn chế nêu trên là nguyên nhân dẫn đến các vụ án cấp sơ thẩm sửa, hủy, bị dây dưa kéo dài và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi các đương sự. Như vậy, hoạt động ADPL trong xét xử án HN và GĐ ở Tòa án huyện có nhiều hạn chế, có thể xác định những hạn chế cơ bản như sau:
- Hạn chế trong việc thụ lý điều tra, thu thập chứng cứ vụ án chưa đầy đủ, còn có vi phạm thủ tục tố tụng trong hoạt động điều tra.
- Hạn chế trong nghiên cứu hồ sơ đánh giá các chứng cứ tình tiết có liên quan đến vụ án.
- Hạn chế trong điều hành phiên tòa xét xử, quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, tranh tụng tại phiên tòa và nghị án.
- Hạn chế trong việc lựa chọn, phân tích nội dung của các QPPL và ADPL chưa chính xác.
- Hạn chế về công tác soạn thảo và ban hành bản án, các từ ngữ ghi trong quyết định chưa được chính xác.
- Những hạn chế về ADPL trong hoạt động tranh chấp về nhà ở của vợ chồng khi ly hôn của TAND cấp tỉnh
Việc ADPL trong hoạt động xét xử ở cấp tỉnh đối với tranh chấp về nhà ở của vợ chồng khi ly hôn, số lượng án sơ thẩm ở cấp tỉnh thường ít hơn số lượng án ở cấp huyện. Với số lượng án ít, hơn nữa đội ngũ Thẩm phán tỉnh thường là chuyên trách, có bề dày kinh nghiệm về chuyên môn và thực tiễn xét xử, do vậy những hạn chế về ADPL trong hoạt động xét xử sơ thẩm ở cấp tỉnh là không đáng kể. Đối với việc ADPL trong xét xử án phúc thẩm và án giám đốc thẩm có một số hạn chế nhưng rất ít cụ thể như sau: nội dung vụ án thường sao như nguyên của án sơ thẩm, phần nhận định thường nêu chung chung, chưa chỉ ra những thiếu sót cụ thể để Tòa án cấp huyện dễ dàng khắc phục, có những vụ án phúc thẩm tuy sửa án sơ thẩm nhưng sức thuyết phục chưa cao, kết quả phúc thẩm, giám đốc thẩm và những hồ sơ án hủy chuyển về cấp sơ thẩm còn chậm.