Theo tổng kết năm 2016 và năm 2017 của TANDTC thì số vụ án ly hôn ở Việt Nam đang tăng nhanh cụ thể:
Ở cấp sơ thẩm: Năm 2016 Tòa án đã thụ lý 103332 vụ án, nhưng đến năm 2017 con số này là 121848 vụ án tăng 8,2% so với năm 2016.
Cấp phúc thẩm: Năm 2016 Tòa án thụ lý 2590 vụ án, đến năm 2017 là 2781 vụ án tăng 3,5% so với năm 2016 [41, 42, 43].
Số vụ án thông qua thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm: Năm 2016 có 149 vụ án được thụ lý, nhưng đến năm 2017 số vụ án là 161 tăng 3,9% so với năm 2016 [43].
Qua số liệu trên cho thấy, vụ án ly hôn đang tăng nhanh về mặt số lượng không chỉ ở cấp sơ thẩm mà còn tăng ở cấp phúc thẩm và giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm. Điều này cho thấy chất lượng giải quyết các vụ án còn chưa được đảm bảo nên số vụ án phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được giảm thiểu mà còn tăng.
Ngoài ra, tình hình giải quyết các vụ án về ly hôn vẫn còn chậm, còn nhiều vụ án thụ lý nhưng chưa được giải quyết. Trong hai năm 2016, 2017 số vụ án giải quyết chỉ đạt 94,4% so với vụ án thụ lý. Thậm chí tỷ lệ vụ án được giải quyết so với án thụ lý ở giải đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm năm 2017 giảm so với năm 2016: Năm 2016 số vụ án được giải quyết chiếm 91,2% trên số vụ án thụ lý, nhưng đến năm 2017 chỉ giải quyết được 89,4% số vụ án đã thụ lý [43].
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải quyết các vụ án ly hôn còn chậm, chưa đạt hiệu quả như hiện nay. Riêng đối với các vụ án ly hôn liên quan đến tranh chấp tài sản là nhà ở thì bởi tính chất đặc biệt của tài sản nên việc giải quyết còn nhiều vướng mắc.
Khi giải quyết ly hôn có tranh chấp nhà ở thì Tòa án cần lưu ý những điểm sau:
- Giải quyết tranh chấp nhà ở khi ly hôn khác với giải quyết các tranh chấp về nhà ở trong các giao dịch dân sự thông thường. Bởi lẽ giải quyết tranh chấp này là hệ quả của việc giải quyết quan hệ nhân thân khi ly hôn. Chính vì vậy, việc giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào việc giải quyết tranh chấp quan hệ nhân thân. Ví dụ: Nếu vợ chồng trong quá trình giải quyết ly hôn mà hòa giải thành thì vấn đề tranh chấp tài sản không còn nữa.
- Việc giải quyết tranh chấp nhà ở trong các vụ án ly hôn thì không chỉ cần hợp lý mà còn phải hợp tình. Đảm bảo đúng các nguyên tắc khi xét xử trong đó đề cao yếu tố tình cảm như xem xét công sức đóng góp, bảo vệ quyền lợi bà mẹ và trẻ em, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của các bên.
- Nhà ở là tài sản lớn, do đó trong quá trình giải quyết tranh chấp, Tòa án cần phải tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật về nhà ở, đất đai để đảm bảo quản lý nhà nước nhà ở, đất đai.
Mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp nhà ở trong các vụ án ly hôn thông thường do những nguyên nhân sau:
- Những tài sản là nhà ở của vợ chồng có nguồn gốc rất phức tạp, đôi khi nó chưa được sự thừa nhận hợp pháp của cơ quan Nhà nước. Khi họ thực hiện những giao dịch liên quan đến bất động sản họ không thông qua cơ quan kiểm soát của Nhà nước. Vì vậy, những tài sản đó không được Tòa án giải quyết. Ví dụ:
+ Việc vợ chồng được tặng cho, thừa kế chung nhưng không được lập thành văn bản thì khi họ ly hôn một bên sẽ từ chối quyền sử dụng đất của bên kia.
+ Khi vợ chồng sống chung với bố mẹ vợ hoặc chồng, khi ly hôn họ tranh chấp với nhau về công sức đóng góp mà mỗi bên được hưởng.
+ Trường hợp chỉ có một bên được nhận nhà hoặc nhận đất còn bên kia được nhận phần giá trị chênh lệch thanh toán bằng tiền. Điều này rất dễ xảy ra tranh chấp vì có thể quyết định của Hội đồng định giá không đúng như ý muốn của vợ chồng.
Chính vì vậy việc giải quyết các tranh chấp về tài sản của vợ chồng trong vụ án ly hôn thường rất khó khăn và phức tạp vì nó liên quan trực tiếp tới lợi ích vất chất của mỗi cá nhân.
Ngày nay văn bản pháp luật trong lĩnh vực hướng dẫn giải quyết tranh chấp nhà ở và đất đai được xây dựng khá đầy đủ song vẫn chưa lường trước những tranh chấp phát sinh trên thực tiễn và vẫn còn nhiều văn bản có quy định chồng chéo, chưa thống nhất. Chính vì vậy, việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trên thực tiễn còn nhiều vướng mắc.
Mặc dù các TANDTC đã có nhiều cố gắng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhưng số lượng vụ án đã thụ lý chưa được giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn còn nhiều. Song, thông qua công tác giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm cho thấy nhiều bản án ly hôn được giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm còn có các sai sót, cần được rút kinh nghiệm.