3.1. Một số tồn tại trong xét xử vụ án hình sự
3.1.6. Tình trạng tạm giam kéo dài, thời hạn không rõ ràng
Tạm giam với ý nghĩa là một biện pháp ngăn chặn được quy định tại Chương VI BLTTHS. Tuy nhiên, thời hạn tạm giam lại được quy định tại bốn chương khác
nhau: Chương IX. Những quy định chung về điều tra (Điều 120. Thời hạn tạm giam để điều tra); Chương XV. Quyết định việc truy tố (Điều 166. Thời hạn tạm giam để truy tố); Chương XVII. Chuẩn bị xét xử (Điều 177.Thời hạn tạm giam để xét xử sơ thẩm); Chương XXIV. (Điều 243. Thời gian tạm giam để xét xử phúc thẩm)
Các điều luật trên đều quy định một cách cụ thể thời gian tạm giam trong mỗi gian đoạn. Tuy nhiên, tổng thời gian bị tạm giam của một bị cáo không phải là phép cộng của các điều luật trên, mà có khi là sự tạm giam “vô thời hạn”. Sự thật tưởng chừng như quá vô lý, mâu thuẫn với các quy định trên vẫn đang nghiễm nhiên tồn tại trong thực tế. Và “lá bùa hộ mệnh” cho sự phi lý đó là quy định tại Điều 252: “Sau khi Tòa ám cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại thì CQĐT tiến hành điều tra lại, VKS truy tố lại và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục chung”. Quy định này biến việc “tạm giam” không còn là “tạm” nữa mà là “giam kéo dài”. Đây được xem là sự vô lý hợp lý.
Theo số liệu Điều tra, truy tố, xét xử từ 2004 – 2012 của VKSNDTC thì số vụ án mà Tòa án cấp Phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại là 2.229 vụ án với 4.166 bị cáo. Câu hỏi đặt ra ở đây là trong số đó có bao nhiêu bị cáo bị áp dụng biện pháp tạm giam? Và mức án đối với những bị cáo bị áp dụng biện pháp tạm giam là bao nhiêu? Có bị cáo nào phải chịu mức án đúng bằng thời gian đã bị tạm giam hay không? Có mức án nào “lẻ” đến một, hai ngày hay không? Mức án đó là tương xứng hay là hơi nặng vì Tòa án phải tính phương án thoát trách nhiệm bồi thường cho các cơ quan tiến hành tố tụng?
Xin trả lời rằng, các trường hợp trên trong thực tế đều đã xảy ra. Không những thế, còn có những cá nhân bị tạm giam oan từ năm này qua năm khác. Điển hình cho việc “tạm giam kéo dài” trường hợp bà Nguyễn Thị Lâm (trú tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) bị tạm giam oan 07 năm trời trong “Kỳ án vườn điều”; chị Nguyễn Thị Tiến (con gái bà Lâm) bị tạm giam 06 năm; anh Nguyễn Văn Sơn (con trai bà Lâm) bị tạm giam 05 năm…