Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội còn nhiều bất cập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền con người trong hoạt động xét xử vụ án hình sự (Trang 62 - 63)

3.1. Một số tồn tại trong xét xử vụ án hình sự

3.1.3. Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội còn nhiều bất cập

Hiện nay vấn đề này được quy định tại chương XXXII của phần thủ tục đặc biệt trong BLTTHS 2003. Tuy nhiên, những quy định cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho người chưa thành niên thì chưa đủ đồng thời những quy định đã có thì chưa được thực hiện chuẩn xác.

Điều 302 BLTTHS quy định:

“Những người tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên”.

Tuy nhiên, quy định này chỉ mang tính hình thức vì trên thực tế, cả CQĐT, VKS và Tòa án đều chưa có lực lượng nhân sự chuyên biệt để tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên.

Mặt khác, trình tự, thủ tục xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội vẫn chưa được quy định cụ thể. Cho nên, các phiên tòa xét xử người chưa thành niên cũng giống như với xét xử người đã thành niên, không hề có sự khác biệt nào dù rằng người chưa thành niên cần phải có môi trường xét xử thân thiện hơn. Không những thế, với những vụ án có đồng phạm là người đã thành niên thì các bị cáo cũng bị đưa ra xét xử trong cùng một vụ án và đều cùng tuân thủ một trình tự tố tụng như nhau, không có sự phân biệt nào. BLTTHS có những quy định riêng cho người chưa thành niên phạm tội từ giai đoạn điều tra, truy tố, vậy tại sao tại phiên

tòa lại không thể hiện được những chính sách mà Nhà nước ưu tiên giành cho những đối tượng này? Ngoài ra, BLHS quy định không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội cho thấy rằng việc xử lý người chưa thành niên phạm tội không nhằm mục đích trừng trị mà chủ yếu là để giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Nếu sau khi chấp hành hình phạt mà việc tái hòa nhập trở nên khó khăn, không có cơ hội làm lại cuộc đời dẫn đến ngựa quen đường cũ thì thà phải chịu một mức án nặng ban đầu còn tốt hơn. Để cho việc tái hòa nhập của người chưa thành niên được đảm bảo về sau, thiết nghĩ, các phiên tòa xét xử người chưa thành nên cần phải được xử kín. Khoản 1 điều 307 BLTTHS quy định “Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể quyết định xét xử kín”. Theo tôi, đối với các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên thì cần phải xét xử kín và tuyên án công khai là được. Việc xét xử kín sẽ tránh cho bị cáo tâm lý nặng nề bị sự phán xét của dư luận. Từ phiên tòa Lê Văn Luyện ta có thể thấy mọi nhất cử nhất động của bị cáo đều bị soi xét đến từng chân tơ, kẽ tóc. Việc hình ảnh của bị cáo bị lan truyền chóng mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng làm cho hình ảnh của Lê Văn Luyện tràn ngập khắp mọi nơi, cái tên, khuôn mặt, ánh mắt của Lê Văn Luyện ai cũng biết. Với mức độ phủ sóng như thế thì cơ hội tái hòa nhập xã hội của Luyện sẽ như thế nào, hay rồi sẽ cùng đường tiếp tục lấn sâu vào tội lỗi?

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền con người trong hoạt động xét xử vụ án hình sự (Trang 62 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)