Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÂN LOẠI TỘI PHẠM
1.3. Phân loại tội phạm trong lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam
1.3.1. Phân loại tội phạm trong pháp luật hình sự trước pháp điển hoá (1985)
Sau khi cách mạng tháng 8 thành công, trong hoàn cảnh đất nước ta vừa mới đánh đổ sự thống trị của phát xít Nhật để giành lại chính quyền, do còn thiếu kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật nên trong suốt quãng thời gian này các văn bản pháp luật hình sự Việt Nam là một tập hợp các văn bản đơn hành thể hiện dưới nhiều hình thức tên gọi như Sắc lệnh, Thông tư, Điều lệ… Trong khoảng những năm 1970, chính quyền nước Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp luật hình sự có tính pháp điển hóa như Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng vào ngày 30/10/1967; Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa vào ngày 21/10/1970; Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân vào ngày 21/10/1970; Sắc luật số 03/SL của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam vào ngày 15/3/1976; Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ vào ngày 20/5/1981,…
Trong giai đoạn này, do hạn chế về kỹ thuật lập pháp việc phân loại tội phạm không được quy định cụ thể và cũng không được quy định thống nhất trong một văn bản mà mỗi loại tội phạm sẽ được quy định trong một văn bản riêng. Ví dụ như: Tội hối lộ thì có văn bản điều chỉnh là Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ vào ngày 20/5/1981; hay tội xâm hại tài sản xã hội chủ nghĩa thì có Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa vào ngày 21/10/1970,…
Trong các văn bản pháp luật hình sự của Nhà nước ta thời bấy giờ, bên cạnh các hành vi cố ý phạm tội (chiếm đại bộ phận), còn có quy định các hành vi phạm tội vì vô ý trong một số ít trường hợp như sơ suất để lộ bí mật quốc gia; không cẩn thận gây tai nạn làm người khác bị thương hoặc làm chết người; tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản XHCN; tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây ra thiệt hại
nghiêm trọng đến tài sản XHCN,... Tuy nhiên, chưa có văn bản nào giải thích các khái niệm về hình thức lỗi: Cố ý và vô ý.
Trích Nghị định 181-NV-6 ngày 12-6-1951 của Liên Bộ Nội vụ, Bộ Tư Pháp ấn định chi tiết về sự thiết lập, tổ chức, kiểm soát trại giam và ban hành bản quy tắc trại giam:
“Điều 9: Nếu có thể được, những phạm nhân thành án nên phân loại như sau và giam riêng:
1. Sơ phạm;
2. Phạm pháp nhiều lần; 3. Phạm nhân dưới 18 tuổi; 4. Phạm nhân trên 55 tuổi; 5. Phạm nhân tàn tật.”.
Về đường lối xử lý về hình sự đối với những người chưa thành niên phạm tội hiếp dâm, trích bản tổng kết và hướng dẫn số 329-HS2 ngày 11-02-1967 của TANDTC về đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục. Riêng đối với các can phạm còn ít tuổi phạm tội hiếp dâm cần phân biệt đối với những can phạm trong lứa tuổi, từ khoảng 14 đến 16, chủ yếu nên dùng những biện pháp giáo dục như: Giao cho cha, anh, chú, bác bảo lĩnh và giáo dục, giữ trong các trại giáo dưỡng vị thành niên...; chỉ trong một số trường hợp có tình tiết thực sự nghiêm trọng mới cần xét xử.
Đối với các can phạm trong lứa tuổi từ khoảng 16 đến 18 trừ một số trường hợp có tình tiết ít nghiêm trọng, có thể xử lý bằng các biện pháp giáo dục như trên, nói chung cần xét xử về hình sự, nhưng khi xét xử cần chiếu cố thích đáng đến trình độ hiểu biết về pháp luật còn non kém và khả năng dễ tiếp thu cải tạo của họ, đến việc họ chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của hành vi của mình mà xét xử nhẹ hơn các phạm nhân đã lớn tuổi, nếu các tình tiết phạm pháp khác đều tương đương (thông thường mức án tối đa đối với các can phạm đó chỉ vào khoảng ½ mức án đối với các can phạm đã lớn tuổi).
Trong việc áp dụng hình phạt, đối với hình phạt chung thân, trích theo thông tư số 498-P4 ngày 31-10-1946 của Bộ Tư pháp: Chung thân cũng là một hình phạt có tính chất đặc biệt. Cũng như hình phạt tử hình, nó có thể được áp dụng đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng....
Về quy tắc trại giam, cách sắp đặt phạm nhân trong trại giam cũng được phân loại theo loại phạm nhân hoặc theo mức độ phạm tội.
Theo Nghị định số 181-NV/6 ngày 12/6/1951 của Liên Bộ Nội vụ - Tư pháp:
“Điều 8 – Trong trại giam nên giam riêng biệt: - Chính trị phạm
- Những người bị an tri
- Những phạm nhân nguy hiểm hoặc hung dữ không chịu cải hối (có thể giam vào một biệt lao)
- Những người bị giam cứu - Những phạm nhân đàn bà
Điều 9 – Nếu có thể được, những phạm nhân thành án nên phân loại như sau: - Sơ phạm
- Phạm pháp nhiều lần - Phạm nhân dưới 18 tuổi - Phạm nhân trên 55 tuổi - Phạm nhân tàng tật”.
Từ đó cho thấy pháp luật hình sự thời bấy giờ chưa có sự phân loại tội phạm một cách rõ ràng, mà quy định trong từng tội riêng hoặc trong từng chế định riêng về tính nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, về hình thức phạm tội,...
1.3.2. Phân loại tội phạm trong Bộ luật Hình sự 1985
Có thể nói, BLHS năm 1985 là sự kết hợp thành tựu 40 năm hoạt động lập pháp của chính quyền cách mạng Việt Nam, là kết quả của quá trình thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta từ năm 1945 đến thời điểm Bộ luật được ban hành. BLHS năm 1985 là một bộ luật thống nhất xác định rõ các quy định liên quan đến tội phạm và hình phạt.
BLHS 1985 chia tội phạm ra thành hai loại: tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng.
Theo quy định tại Điều 8 BLHS 1985 quy định:
“1- Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ kinh tế và sở hữu xã hội chủ nghĩa, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
2- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên năm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Những tội phạm khác là tội phạm ít nghiêm trọng”.
Như vậy, theo quy định trên ta có thể hiểu tội phạm nghiêm trọng trong BLHS 1985 là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên năm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Còn những tội khác không thuộc loại tội nghiêm trọng là tội phạm ít nghiêm trọng.
Ngoài ra, trong Phần các tội phạm thì BLHS 1985 cũng phân loại tội cụ thể, bao gồm: tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia quy định từ Điều 72 đến Điều 100; tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người quy định từ Điều 101 đến Điều 118; tội xâm phạm các quyền tự do dân chủ của công dân quy định từ Điều 119 đến Điều 128; các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa quy định từ Điều 129 đến Điều 142; các tội phạm xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình và các tội đối với người chưa thành niên quy định từ Điều 143 đến Điều 150; các tội xâm phạm sở hữu của công dân quy định từ Điều 151 đến Điều 163; các tội phạm về kinh tế quy định từ Điều 164 đến Điều 185; các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và quản lý hành chính nhà nước quy định từ Điều 186 đến Điều 218; các tội phạm về chức vụ quy định từ Điều 219 đến Điều 229; các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp quy định từ Điều 230 đến Điều 248; các tội phạm xâm phạm nghĩa vụ,
trách nhiệm của quân nhân quy định từ Điều 249 đến Điều 276; tội chống phá hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định từ Điều 277 đến Điều 280…
1.3.3. Phân loại tội phạm trong Bộ luật Hình sự 1999
BLHS 1999 chia tội phạm ra làm bốn loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đây là điểm mới cơ bản của BLHS 1999 so với BLHS 1985, cũng từ quy định mới này, kéo theo nhiều quy định mới khác trong BLHS.
- Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù.
- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù
- Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là mười lăm năm tù.
- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc từ hình.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 BLHS thì những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. BLHS năm 1999 đã có sự kế thừa các quy định của BLHS 1985 về tiêu chí phân loại tội phạm, nhưng tội phạm được phân thành 4 loại cụ thể hơn làm cơ sở cho việc thực hiện nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự, xây dựng các chế định hình sự, tố tụng hình sự khác nhau và giúp cho việc áp dụng đúng đắn, thống nhất pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người…