Các dạng phân loại tội phạm trong phần chung Bộ luật Hình sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân loại tội phạm trong luật hình sự việt nam (Trang 41 - 51)

Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÂN LOẠI TỘI PHẠM

2.1. Phân loại tội phạm trong Bộ luật Hình sự 2015

2.1.1. Các dạng phân loại tội phạm trong phần chung Bộ luật Hình sự

2.1.1.1. Phân loại tội phạm theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

Việc phân loại tội phạm có ý nghĩa lớn về mặt chính trị, xã hội, pháp lý và thực tiễn, không chỉ trong lĩnh vực lập pháp và áp dụng luật hình sự mà còn có ý nghĩa đối với hoạt động lập pháp tố tụng hình sự, thực tiễn áp dụng nhiều quy định của luật tố tụng hình sự. Ngoài ra việc phân loại có ý nghĩa đối với hoạt động phân loại và xây dựng chế độ của từng trại giam giữ… Đặc biệt trong lĩnh vực luật hình sự, việc phân loại tội phạm có ý nghĩa đối với việc xây dựng nhiều chế định của phần chung như tái phạm, tái phạm nguy hiểm, chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm... và trong phần các tội phạm, việc phân loại tội phạm là cơ sở để thống nhất cho việc xây dựng các cấu thành tội phạm và các khung hình phạt tương ứng đối với từng loại tội. Thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước, việc phân loại tội phạm trong luật hình sự vừa là biểu hiện rõ rệt các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam mà trước hết là nguyên tắc pháp chế XHCN, nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự vừa là đòi hỏi của các nguyên tắc này trong thực tiễn áp dụng. Với những ý nghĩa to lớn đó, việc phân loại tội phạm đã được đặt ra và thực hiện trong luật.

Đối với căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và mức hình phạt với các tội phạm. Điều 9 BLHS 2015 quy định:

“1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này”.

Như vậy, căn cứ vào tính chất mức độ, nguy hiểm của tội phạm thông qua mức hình phạt trong chế tài quy định đối với các tội phạm, tội phạm được chia thành 4 loại:

- Tội phạm ít nghiêm trọng:

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Quy định về tội phạm ít nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng hơn so với Bộ luật Hình sự 1999. Bộ luật Hình sự cũ chỉ căn cứ vào mức hình phạt tù có thời hạn không quá 3 năm nên không bao quát hết các khung (khung cơ bản) không có hình phạt tù. Do đó quy định theo hướng ngoài mức phạt tù có thời hạn là 3 năm còn có phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ là phù hợp. Việc các nhà làm luật đưa ra các quy định để xác định một tội phạm thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng (có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù) và tội đặc biệt nghiêm trọng (có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình), theo tác giả là đầy đủ, rõ ràng và chính xác.

Về quy định để xác định là một tội phạm ít nghiêm trọng mặc dù trong BLHS năm 1999 và nay là BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung có một số điều luật có quy định mức án cao nhất của khung hình phạt đối với các tội phạm ấy cũng không đến 03 năm tù nhưng tất cả đều thống nhất hiểu là tội phạm ít nghiêm trọng bởi lẽ đó là loại tội phạm nhẹ nhất trong 04 loại tội phạm của pháp luật hình sự Việt Nam (tức là không thể thuộc loại tội phạm khác).

Ví dụ: Tội giết con mới đẻ quy định tại Khoản 1 Điều 124 BLHS, Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Khoản 1 Điều 126), Tội hành hạ người khác (Khoản 1 Điều 140), Tội làm nhục người khác (Khoản 1 Điều 155), Tội vu khống (Khoản 1 Điều 156), Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Khoản 1 Điều 157)… đều chỉ có mức án cao nhất của khung hình phạt đối với các tội phạm ấy là đến hai năm tù (hoặc đến mức ba năm tù theo quy định).

- Tội phạm nghiêm trọng:

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù. Quy định của luật nêu lên khái niệm “Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;”.

Như vậy, có thể hiểu một tội phạm được coi là tội phạm nghiêm trọng khi tội phạm đó có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy từ trên ba năm tù (từ ba năm tù trở xuống là thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng) cho đến bảy năm tù. Có nghĩa là tất cả những tội phạm mà mức án cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy là từ bảy năm tù trở xuống đến trên ba năm tù thì đều thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.

Ví dụ, các tội như: Tội vô ý làm chết người quy định tại Khoản 1 Điều 128 BLHS có mức án cao nhất cho khung hình phạt đối với tội phạm ấy là đến 06 năm tù; Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Khoản 1 Điều 145), Tội Cướp giật tài sản (Khoản 1 Điều

171), Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Khoản 1 Điều 322)… đều có mức án cao nhất cho khung hình phạt đối với tội phạm ấy là đến 05 năm tù… nên đều là loại tội nghiêm trọng do mức án cao nhất của khung hình phạt đối với các tội phạm ấy đều trên ba năm tù nhưng cũng chưa quá bảy năm tù.

- Tội phạm rất nghiêm trọng:

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù. Quy định này cũng nêu ra khái niệm “Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù”. Như vậy, những tội phạm mà mức án cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy là từ trên bảy năm tù đến mười lăm năm tù thì đều thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng. Ví dụ như: Khoản 3 Điều 147, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm có khung hình phạt từ 7 năm đến 12 năm, hay Khoản 1 Điều 150, tội mua bán người với khung hình phạt từ 5 năm đến 10 năm tù…những tội phạm này có mức cao nhất của khung hình phạt là 12, 10 năm tù nên nằm trong khung hình phạt thuộc tội phạm rất nghiêm trọng - mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 7 năm đến 15 năm tù.

- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng:

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ví dụ như Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người tại Khoản 3 Điều 154 BLHS năm 2015 có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, hay tội giết người theo Khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 có khung hình phạt từ 12 năm, 20 năm tù chung thân hoặc tử hình…. hai tội này đều có mức cao nhất của khung hình phạt thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Có thể thấy một trong các điểm khác biệt lớn nhất ở Bộ luật Hình sự 2015 so với Bộ luật Hình sự 1999 là đã tách quy định về phân loại tội phạm ra thành một

điều luật riêng, không còn chung với điều luật quy định về khái niệm tội phạm. Việc này đã góp phần đảm bảo tính minh bạch khi các chủ thể áp dụng Bộ luật để nghiên cứu và thực thi.

2.1.1.2. Phân loại tội phạm theo hình thức lỗi

Lỗi theo quy định của Luật hình sự được hiểu là quan hệ giữa cá nhân người phạm tội với xã hội mà nội dung của nó là sự phủ định chủ quan những đòi hỏi cụ thể của luật hình sự. Sự phủ định chủ quan này tồn tại trên cơ sở và trong sự thống nhất với sự phủ định khách quan là tính gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội là khách thể được luật hình sự bảo vệ. Cũng như quan hệ khách quan và chủ quan, sự phủ định khách quan có thể tồn tại độc lập. Với ý nghĩa là nội dung của lỗi thì quan hệ cá nhân giữa cá nhân người phạm tội với xã hội luôn được thể hiện và tồn tại là quan hệ tâm lý nhất định của chủ thể với hành vi gây thiệt hại cho xã hội. Đó là hình thức của lỗi. Như vậy, giáo trình trường Đại học Luật Hà Nội định nghĩa lỗi như sau: Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý1. Như vậy, trên cơ sở lỗi thì việc phân loại tội phạm theo hình thức lỗi có thể được phân thành:

- Tội cố ý:

Tội cố ý là tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trong những trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

Trường hợp thứ hai, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Khoa học pháp lý hình sự chia tội phạm thực hiện do lỗi cố ý hay còn gọi là cố ý phạm tội bao gồm các hình thức như: cố ý có dự mưu và cố ý đột xuất; cố ý xác định và cố ý không xác định. Việc xác định hình thức này không có ý nghĩa trong việc định tội mà có ý nghĩa để đánh giá về tính chất mức độ của hành vi khi xác định khung hình phạt.

+ Cố ý có dự mưu là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi đó đã suy nghĩ, tính toán cẩn thận mới bắt tay vào việc thực hiện tội phạm.

+ Cố ý đột xuất là trường hợp một người vừa có ý định phạm tội đã thực hiện ngay ý định đó.

+ Cố ý xác định là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi đã xác định được hậu quả.

+ Cố ý không xác định là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi không hình dung chính xác hậu quả xảy ra như thế nào.

Thông thường nếu phân loại tội phạm theo hình thức lỗi cố ý thì bao gồm tội phạm thực hiện với lỗi trực tiếp và tội phạm thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp.

Trong đó, cố ý trực tiếp phạm tội là trường hợp mà người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại đến các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ và chủ thể đó nhận thức được hành vi của mình có tính chất nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Xét về lý trí, người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nghĩa là khi thực hiện hành vi chủ thể biết được hành vi của mình có hại cho xã hội, đi ngược lại lợi ích, các yêu cầu và chuẩn mực xã hội. Sự nhận thức này phụ thuộc vào những phẩm chất của chủ thể như kinh nghiệm sống, học vấn, trí tuệ, hiểu biết pháp luật… khả năng nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi là phẩm chất đặc trưng của mọi người phát triển bình thường, điều cần đặc biệt nhấn mạnh là sự nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi không có nghĩa phải nhận được tính trái pháp luật của hành vi. Một người biết hay không biết tính trái pháp luật của hành vi, không phải là điều kiện bắt buộc để xác định họ có lỗi hay không có lỗi khi thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội.

Thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi là hình dung ra những nét chung nhất, những đặc điểm nổi bật nhất của hậu quả do hành vi sẽ gây ra. Sự

thấy trước hậu quả của hành vi, có thể ở mức độ hình dung ra hậu quả tất nhiên sẽ xảy ra hoặc có thể xảy ra và sự thấy trước này xuất hiện trước hoặc trong khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Về ý chí, người phạm tội mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra, mong muốn hậu quả mà họ đã “thấy trước”, đã hình dung ra khi thực hiện hành vi sẽ xuất hiện trên thực tế. Xác định tồn tại trong ý thức của chủ thể sự mong muốn xuất hiện hậu quả nào đó là vấn đề rất phức tạp, thông thường người ta phải đánh giá, phân tích toàn bộ các tình tiết khách quan điển hình của hành động ý chí và cả những xử sự sau đó của chủ thể để xác định vấn đề này.

Tội phạm thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp là trường hợp chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó, không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Để mặc cho hậu quả xảy ra có nghĩa là hậu quả xảy ra hay không xảy ra đối với người phạm tội đều có ý nghĩa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân loại tội phạm trong luật hình sự việt nam (Trang 41 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)