1.3. Điều chỉnh pháp luật về nội quy lao động
1.3.1. Sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật về nội quy lao động
Theo giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật của trường Đại học Luật Hà Nội, “điều chỉnh pháp luật là quá trình nhà nước dùng pháp luật (với tư cách là công cụ điều chỉnh) tác động lên hành vi của các thành viên trong xã hội nhằm đạt được những mục đích đề ra” [38]. Pháp luật tác động lên các quan hệ xã hội bằng cách quy định cho các bên tham gia các quan hệ đó một số quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định, đồng thời pháp luật cũng xác định những điều kiện để đảm bảo cho các quyền và nghĩa vụ đó được thực hiện. Vì vậy, khi tham gia vào các quan hệ do pháp luật điều chỉnh, các chủ thể buộc phải tự điều khiển các hành vi của mình sao cho phù hợp với các yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật không chỉ tác động tới các hành vi của các chủ thể tham gia các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh mà còn có sự tác động mang tính giáo dục chung. Trong nhiều trường hợp, sự giáo dục
không nhằm mục đích thay đổi hành vi của chủ thể mà chỉ giúp chủ thể nhận thức sâu sắc hơn khi thực hiện hành vi đó. Điều chỉnh pháp luật là hoạt động có mục đích, có định hướng, có tổ chức và được thực hiện thông qua một hệ thống các phương tiện, quy trình pháp lý – hay còn gọi là cơ chế điều chỉnh pháp luật. Như vậy, điều chỉnh pháp luật về nội quy lao động là việc nhà nước xây dựng, ban hành các quy định pháp luật về nội quy lao động tác động lên hành vi của các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật về nội quy lao động (cụ thể bao gồm các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện cho tập thể người lao động) nhằm đảm bảo nội quy lao động phát huy được hết vai trò của mình, qua đó duy trì và phát triển bền vững quan hệ lao động.
Trong điều kiện nền kinh tế - xã hội hiện nay, khi sức lao động được coi như hàng hóa, được đem ra mua bán, trao đổi, mọi công dân đều có quyền thuê mướn, sử dụng lao động, khi mục tiêu lợi nhuận được đặt lên hàng đầu thì sự bình ổn quan hệ lao động là một vấn đề cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động, xét về góc độ nào đó thì mục đích của hai bên là thống nhất. Tuy nhiên, xuất phát từ vị thế khác biệt giữa hai bên: chủ sở hữu tư liệu sản xuất và người làm thuê, muốn có sự thống nhất trong quan hệ lao động là một vấn đề không phải đơn giản. Để thiết lập trật tự, kỷ cương trong doanh nghiệp, người sử dụng lao động đề ra các quy tắc, quy định thông qua nội quy lao động để thực hiện quyền quản lý của mình. Những quy tắc, quy định đó xuất phát từ ý chí chủ quan của người sử dụng lao động, nhằm mục đích đưa lại những điều có lợi nhất cho người sử dụng lao động. Những quy tắc, quy định này nhiều khi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động mà người lao động vẫn phải chấp nhận, do vị thế “yếu” hơn của mình so với người sử dụng lao động. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn, không bền vững trong quan hệ lao
động. Vì vậy, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có sự điều chỉnh pháp luật về nội quy lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, hạn chế xu hướng lạm dụng “đặc quyền” của người sử dụng lao động, hài hòa lợi ích của hai bên trong quan hệ lao động, đảm bảo cho quan hệ lao động được duy trì và phát triển bền vững. Hay nói một cách khác, điều chỉnh pháp luật về nội quy lao động có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì và phát triển quan hệ lao động.
Trước hết, điều chỉnh pháp luật về nội quy lao động là sự thể hiện của quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, tạo cơ sở để xây dựng và ban hành nội quy lao động, đảm bảo tính hợp pháp của nội quy lao động. Nhà nước là thiết chế được xây dựng nhằm quản lý xã hội, các đơn vị sử dụng lao động khi tồn tại trong xã hội sẽ phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Và để thực hiện chức năng quản lý của mình, Nhà nước sử dụng công cụ chủ yếu là pháp luật. Vì vậy, doanh nghiệp không thể tùy tiện đặt ra các quy tắc, quy định trái với quy định của pháp luật, trái với thỏa ước lao động tập thể mà phải tuân theo quy định chung của pháp luật nhằm đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với toàn xã hội. Nhà nước cụ thể hóa các quy định dưới hình thức các văn bản pháp luật về lao động, tạo cơ sở cho người sử dụng ban hành và tổ chức thực hiện nội quy lao động một cách đầy đủ, hiệu quả hơn, đảm bảo tính thực thi của nội quy lao động. Theo quy định của pháp luật, quyền ban hành nội quy lao động thuộc về người sử dụng lao động. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người sử dụng lao động có thể tùy tiện ban hành nội quy lao động với những nội dung trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động có nội dung phù hợp với những nội dung mà pháp luật đã quy định, theo một trình tự, thủ tục nhất định, không được trái với thỏa ước tập thể và phù hợp với điều kiện thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, điều chỉnh pháp luật có tác dụng định hướng cho hành vi xử sự của người sử dụng lao động khi ban hành nội quy lao động, nhằm kiểm soát việc ban hành nội quy lao động trái pháp luật, ngăn ngừa sự lạm quyền từ phía người sử dụng lao động. Xuất phát từ vị thế là “chủ sở hữu”, người sử dụng lao động luôn tìm mọi cách để để đưa ra những quy định có lợi nhất cho mình. Thậm chí họ còn lạm dụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Vì vậy, pháp luật lao động đã đưa ra khung pháp lý cơ bản, định hướng cho các hành vi của người sử dụng lao động. Hàng loạt các quy định của pháp luật về nguyên tắc ban hành nội quy lao động, nội dung chủ yếu của nội quy lao động, quy định về trình tự, thủ tục ban hành và đăng ký nội quy lao động,… đã định hướng cho việc ban hành nội quy lao động của người sử dụng lao động. Tùy vào quy mô, tính chất và sự phát triển của mỗi doanh nghiệp mà chủ sử dụng lao động xây dựng và ban hành nội quy lao động phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu người sử dụng lao động không tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt hành chính về nội quy lao động. Bằng những quy định đó, điều chỉnh pháp luật về nội quy lao động đã kiểm soát được hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động trong việc ban hành nội quy lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Thứ ba, điều chỉnh pháp luật về nội quy lao động góp phần điều hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, ngăn chặn những bất đồng xảy ra, đồng thời góp phần nâng cao ý thức của các bên trong việc thực hiện kỷ luật lao động, duy trì và phát triển quan hệ lao động. Điều chỉnh pháp luật về nội quy lao động định hướng cho hành vi xử sự của người sử dụng lao động, điều đó có nghĩa người sử dụng lao động có nhận thức và thực hiện đúng quy định pháp luật về việc xây dựng và ban hành nội quy lao động. Đồng nghĩa với sự việc đó là sự tuân thủ nghiêm chỉnh nội quy lao động của
người lao động. Như vậy, khi các quy định trong nội quy lao động là hợp pháp và hợp lý thì người lao động sẽ có ý thức thực hiện tốt hơn các quy định trong nội quy lao động. Điều này thể hiện sự hài hòa về lợi ích giữa các bên. Đây chính là yếu tố đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển bền vững của quan hệ lao động.
Tóm lại, qua những phân tích trên có thể thấy điều chỉnh bằng pháp luật về nội quy lao động rất cần thiết và là nhu cầu khách quan, tất yếu trong hoạt động quản lý nhà nước về lao động, là điều kiện bắt buộc đối với sự tồn tại của quan hệ lao động cũng như sự tồn tại của một trật tự xã hội thống nhất, kỷ cương và vững mạnh. Đặc biệt, trong xã hội pháp chế xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang hướng tới, sự điều chỉnh bằng pháp luật về nội quy lao động càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều này cũng đã được thể hiện trong Hiến pháp 1992 và được kế thừa tại Hiến pháp 2013. Khoản 1 Điều 8 Hiến
pháp 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp
và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” [39]. Vậy, điều chỉnh bằng pháp luật về nội quy lao
động hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của xã hội xã hội chủ nghĩa.