dựng ý thức pháp luật cho thanh niên
Mục đích, ý nghĩa của công tác xây dựng ý thức pháp luật cho thanh niên là một yếu tố tạo nên cấu trúc bên trong của ý thức pháp luật nói chung và ý thức pháp luật của thanh niên nói riêng. Việc xác định đúng đắn các mục đích có vai trò quan trọng trong lý luận và thực tiễn. Bởi vì các nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng ý thức pháp luật phần lớn phụ thuộc vào việc xác định mục tiêu đặt ra trước quá trình thực hiện. Mục đích của việc xây dựng ý thức pháp luật cho thanh niên phải đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với ý thức pháp luật ở từng giai đoạn, trong các điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau.
Mục đích của xây dựng ý thức pháp luật cho thanh niên là tiêu chí quan trọng nhất để phân biệt xây dựng ý thức pháp luật cho thanh niên với xây dựng ý thức pháp luật đối với các đối tượng khác. Xây dựng ý thức pháp luật cho thanh niên thông qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt trong
việc góp phần xây dựng thế hệ chủ nhân đất nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Đoàn, mục đích của việc xây dựng ý thức pháp luật cho thanh niên được thể hiện qua các khía cạnh cụ thể sau:
Thứ nhất, cung cấp hệ thống tri thức, hình thành, mở rộng và từng bước làm sâu sắc hệ thống tri thức pháp luật cho thanh niên về các quy định của pháp luật hiện hành (mục đích nhận thức), là cơ sở để thanh niên hiểu biết pháp luật, thực hiện các hành vi hợp pháp trong đời sống hằng ngày và hình thành ý thức pháp luật đúng đắn. Đây là mục đích hàng đầu, vì chính sự am hiểu pháp luật, sự nhận thức đúng đắn về giá trị xã hội và vai trò điều chỉnh của pháp luật là điều kiện cần thiết để thanh niên hình thành tình cảm và lòng tin vào pháp luật. Tri thức pháp luật còn giúp thanh niên tự đánh giá, đối chiếu hành vi của mình với các chuẩn mực pháp luật. Thực tế đã chứng minh, nếu thanh niên thiếu hiểu biết pháp luật thì sẽ thiếu phương hướng trong hành vi và những mục đích của việc xây dựng ý thức pháp luật không đạt được. Thanh niên là lớp người trẻ, kiến thức về mọi mặt còn khiêm tốn, rất cần được trang bị những tri thức pháp luật cần thiết, phục vụ xử lý thông tin, xử lý tình huống và vận dụng pháp luật trong giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
Thứ hai, việc xây dựng ý thức pháp luật giúp thanh niên từng bước hình thành tình cảm và niềm tin đối với pháp luật (mục đích cảm xúc), thúc đẩy các hành vi hợp pháp của thanh niên. Điều đó rất quan trọng, vì nếu có tri thức pháp luật mà không có tình cảm tôn trọng và niềm tin vào pháp luật, tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, thì thanh niên rất dễ có hành vi xử sự sai lệch so với chuẩn mực xã hội, chuẩn mực pháp luật. Như vậy, cùng với các hoạt động phong trào của Đoàn, giáo dục chính trị, tư tưởng toàn diện cho thanh niên, thì việc giáo dục pháp luật sẽ đề cao tình cảm công bằng, trách
nhiệm, tình cảm pháp luật cho thanh niên, giúp thanh niên xác định các tiêu chí đánh giá tính công bằng của pháp luật, biết đối xử với người khác và chính mình, với các tiêu chuẩn công bằng, thể hiện qua việc thực hiện các chuẩn mực, các quy phạm pháp luật; hình thành ý thức về quyền và nghĩa vụ pháp lý của người công dân - thanh niên và hoàn thành các nghĩa vụ đó trong mối quan hệ với các chủ thể khác. Đồng thời, giáo dục tình cảm trách nhiệm, xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật ở mọi nơi, mọi lúc, biết phê phán, đấu tranh với các biểu hiện coi thường pháp luật, hành vi vi phạm pháp luật, bênh vực lẽ phải, có thái độ đúng đắn đối với pháp luật. Có được tình cảm đó, thanh niên sẽ có lòng tin vững chắc vào sự cần thiết tuân theo pháp luật, có những hành vi nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Thứ ba, xây dựng ý thức pháp luật nhằm hình thành động cơ, hành vi và thói quen xử sự theo pháp luật cho thanh niên (mục đích hành vi). Động cơ và hành vi hợp pháp là kết quả cuối cùng của quá trình nhận thức pháp luật, đấu tranh nội tâm dưới tác động của những yếu tố tâm lý, tình cảm, lòng tin đối với pháp luật. Thói quen xử sự hợp pháp là thói quen tuân thủ các quy phạm pháp luật, thực hiện đúng đắn các quyền và nghĩa vụ pháp lý, áp dụng các tri thức pháp luật và các quy phạm pháp luật cụ thể để bảo vệ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình, của người khác, của Nhà nước và xã hội. Đó là đích đến, là mong muốn đạt được của tổ chức Đoàn trong việc xây dựng ý thức pháp luật cho thanh niên. Do đó, công tác giáo dục nhằm hình thành và xây dựng ý thức pháp luật của tổ chức Đoàn thúc đẩy việc rèn luyện các hành vi đạo đức, phát triển và củng cố các thói quen ứng xử theo pháp luật, từng bước hình thành ý thức tự giác và nhu cầu thực hiện pháp luật đúng đắn trong thanh niên.
Việc xác định mục đích, ý nghĩa của xây dựng ý thức pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lý luận và thực tiễn của quá trình xây dựng ý
thức pháp luật cho thanh niên. Sự phân chia các mục đích, ý nghĩa đó cũng chỉ mang tính tương đối, giữa chúng có mối quan hệ qua lại trong mối liên hệ thống nhất, từ tri thức pháp luật đến tính tự giác, từ tính tự giác đến tính tích cực, từ tính tích cực đến thói quen xử sự theo pháp luật của thanh niên. Ngược lại, khi có thói quen xử sự theo pháp luật thì lòng tin, tình cảm pháp luật lại được củng cố. Do đó, khi tiến hành xây dựng ý thức pháp luật cho thanh niên phải hướng vào cả ba mục đích trên.
Có thể nói, việc xây dựng ý thức pháp luật cho thanh niên của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức về mọi mặt cho thanh niên, hình thành và bồi dưỡng tình cảm của thanh niên đối với pháp luật, nắm vững phương thức chấp hành pháp luật, đảm bảo hành trang và kiến thức pháp luật cần thiết cho việc thực thi, sử dụng và tuân thủ pháp luật, góp phần củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.