Tổng quan về các điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện các qui định của pháp luật Việt Nam về đề nghị giao kết hợp đồng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ thương mại trong điều kiện toàn cầu hóa 07 (Trang 26 - 28)

1.2. Các điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng

1.2.1. Tổng quan về các điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng được pháp luật điều chỉnh và có sự ràng buộc nhất định đối với bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng. Nó khác với một lời mời đàm phán chính ở chỗ: đề nghị giao kết tạo ra một hậu quả pháp lý nhất định, trong khi đó lời mời đàm phán không tạo ra mối quan hệ pháp lý nào nếu như sau đó không có những bước tiếp theo trong qui trình giao kết hợp đồng. Do vậy, để có thể xác định được chính xác một lời đề nghị giao kết hợp đồng phải căn cứ vào những điều kiện của một lời đề nghị giao kết hợp đồng.

Pháp luật của quốc gia đôi khi có những quan niêm và cách nhìn nhận không hoàn toàn giống nhau về điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng. Công ước Viên năm 1980 đưa ra ba điều kiện đối với một đề nghị giao kết hợp đồng: thứ nhất, đề nghị giao kết hợp đồng được gửi đến một hay nhiều người xác định; thứ hai, đề nghị đó phải có tính xác định; và thứ ba, đề nghị

đó phải biểu lộ rõ ý định ràng buộc của ngừời đưa ra đề nghị nếu như người được đề nghị chấp nhận đề nghị. Tính xác định của một đề nghị, theo Công ước này là phải nêu rõ hàng hoá và ấn định số lượng, giá cả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc qui định thể thức xác định những yếu tố này. Tuy nhiên phải hiểu rằng Công ước này chỉ áp dụng cho mua bán hàng hóa quốc tế chứ không bao quát toàn bộ lĩnh vực hợp đồng. Trong khi đó pháp luật Việt Nam (cụ thể tại Bộ luật Dân sự 2005, Điều 390, khoản 1) cũng xác định ba điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng tuy có đối chút khác biệt. Đó là: (1) đề nghị gioa kết hợp đồng phải thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng; (2) bên đề nghị phải chịu sự ràng buộc về đề nghị của mình; và (3) bên được đề nghị phải được xác định cụ thể. Có thể thấy ngay pháp luật Việt Nam không đề cập tới tính xác định của một đề nghị giao kết hợp đồng và không chấp nhận đề nghị gửi tới những người không xác định.

Common Law cho rằng: đề nghị phải thể hiện mong muốn được giao kết hợp đồng [2, tr. 119] hay là phải đưa ra điều khoản mà được hiểu là người đưa ra đề nghị đã chuẩn bị để tạo lập hợp đồng và biểu lộ rõ ràng rằng người đưa ra đề nghị có ý định chịu sự ràng buộc bởi những điều khoản đó nếu như có sự chấp nhận [39].

Tuy có những sự thể hiện khác nhau nhưng về cơ bản pháp luật nói chung đều nhận thức giống nhau về các điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng. Các điều kiện đó có thể bao gồm: (1) điều kiện về tính ràng buộc (serious intent); (2) điều kiện về tính xác định (clarity and definiteness of terms); và (3) điều kiện về việc đề nghị được gửi tới người được đề nghị (communication to the offeree). Từ đó có thể nhận thấy Điều 390, khoản 1 của Bộ luật Dân sự 2005 của Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản của thế giới nói chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện các qui định của pháp luật Việt Nam về đề nghị giao kết hợp đồng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ thương mại trong điều kiện toàn cầu hóa 07 (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)