Về giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm tài sản ở Việt Nam 07 (Trang 41 - 49)

1.3.3 .Hình thức của hợp đồng bảo hiểm tài sản

2.2. Thực trạng một số qui định cụ thể về hợp đồng bảo hiểm tài sản

2.2.2. Về giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản

Về nghĩa vụ khai báo đối tượng bảo hiểm và rủi ro

Điểm đặc biệt của hợp đồng bảo hiểm nói chung và hợp đồng bảo hiểm tài sản nói riêng việc giao kết chủ yếu dự trên sự khai báo trung thực của bên tham gia bảo hiểm. Một hợp đồng bảo hiểm tài sản có được thiết lập hay không chủ yếu dựa vào sự khai báo của bên tham gia bảo hiểm về tài sản bảo hiểm.

Cơ sở đầu tiên của việc giao kết hợp đồng là đề nghị của bên mua bảo hiểm. Thông thường đề nghị này được thực hiện qua việc trả lời các câu hỏi hoặc khai báo các thông tin về đối tượng bảo hiểm trong các mẫu in sẵn làm cơ sở cho sự thỏa thuận sau này và là bộ phận của hợp đồng nếu giao kết được

thực hiện. Nội dung các mẫu khai báo thường sao chép lại nội dung của giây chứng nhận bảo hiểm, giấy yêu cầu còn có thể có các văn bản bổ sung tùy theo nghiệp vụ, ví dụ sơ đồ nhà và các công trình xây dựng trong bảo hiểm hỏa hoạn…Căn cứ vào các mẫu khai báo này cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá được rủi ro yêu cầu bảo hiểm và là cơ sở để hình thành các điều kiện riêng của hợp đồng. Giấy yêu cầu không thể coi là cơ sở ràng buộc bên mua bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm. Qua đây thấy rằng giấy yêu cầu bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ là bằng chứng giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm không thể chỉ nhận được yêu cầu bảo hiểm là có thể cấp đơn bảo hiểm để rồi đòi phí bảo hiểm mà không được bên mua bảo hiểm chấp nhận.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 qui định: “Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm” (điểm b, khoản 2, Điều 18); và “Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm” (điểm b, khoản 1, Điều 17).

Điểm đáng chú ý ở qui định này là việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm trong giai đoạn thiết lập hợp đồng bảo hiểm chỉ căn cứ theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, các thông tin khác không được doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu cung cấp, bên mua bảo hiểm không có nghĩa vụ phải cung cấp. Như vậy nghĩa vụ này là nghĩa vụ có điều kiện. Các loại hợp đồng khác nhau luật còn có những qui định riêng như qui định về khai báo về từng loại tài sản như nhà, xe, phương tiện vận chuyển khác…

Chế tài dân sự được đặt ra trong luật kinh doanh bảo hiểm do vi phạm những qui định về khai báo thông tin trong thiết lập hợp đồng như:

+ Bên bảo hiểm sẽ mất phí bảo hiểm đã trả và doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng khi bên mua bảo hiểm “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường”(điểm a, khoản 2, Điều 19).

+ Doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại và bên mua bảo hiểm có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng khi doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm (khoản 3, Điều 19).

+ Trong trường hợp lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm trong cung cấp thông tin về nguyên tắc hợp đồng sẽ được tính lại mức phí bảo hiểm, hoặc doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường bảo hiểm theo giá trị thực tế, theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị thực tế của đối tượng bảo hiểm (bảo hiểm trên giá trị, bảo hiểm dưới giá trị hoặc bảo hiểm trùng đối với bảo hiểm tài sản). Có thể phân thành hai trường hợp căn cứ vào thời điểm phát hiện sự không chính xác của thông tin như sau:

- phát hiện khi xảy ra thiệt hại: doanh nghiệp bảo hiểm có thể duy trì bảo hiểm bằng cách tăng phí bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm không chấp nhận có thể hủy bỏ hợp đồng và mất một khoản phí bảo hiểm;

- phát hiện sau khi xảy ra thiệt hại: Khoản bồi thường của doanh nghiệp sẽ giảm đi theo một tỷ lệ tương ứng do việc áp dụng qui tắc tỷ lệ phí (tỷ lệ giữa số phí đã trả và số phí phải trả).

Về chấp nhận bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm sẽ được giao kết khi doanh nghiệp bảo hiểm trả lời chấp nhận đề nghị bảo hiểm của bên mua bảo hiểm và hai bên thỏa thuận xong về nội dung cơ bản của hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ cấp

ngay cho bên mua bảo hiểm văn bản chấp nhận bảo hiểm tạm thời hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm .

Theo qui định của pháp luật, hình thức đơn giản của việc chấp nhận là bằng chứng giao kết hợp đồng, bằng chứng này được thể hiện qua giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp cấp theo yêu cầu của người được bảo hiểm. Trong Luật Kinnh doanh bảo hiểm 2000 có thừa nhận hình thức đơn giản là chỉ cần “có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm, và bên mua bảo hiểm đã đóng phí…” (Điều 15) thì trách nhiệm dân sự sẽ được phát sinh. Theo qui định này, chỉ cần bên mua bảo hiểm thực hiện trả phí bảo hiểm (có hóa đơn thu phí của doanh nghiệp bảo hiểm) không đòi hỏi phải có văn bản yêu cầu bảo hiểm, thì hợp đồng bảo hiểm tài sản đã có hiệu lực.

Khi thực hiện kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng luôn biết rằng: pháp luật chấp nhận hình thức đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm….nhưng những điều đó chỉ là văn bản giao kết tạm thời. Hợp đồng bảo hiểm tài sản chính thức mang giá trị pháp lý cao, có đầy đủ các điều khoản chủ yếu của hợp đồng phải được lập sau đó bao gồm tập giấy tờ như: giấy yêu cầu bảo hiểm, đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, biên lai lệ phí bảo hiểm…Trong thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm thường chỉ giao dịch thông qua yêu cầu bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm, tránh việc soạn thảo một văn bản hợp đồng mới phù hợp với những thỏa thuận, nhất là đối với các hợp đồng có giá trị nhỏ và thuộc dạng bảo hiểm vì quá phức tạp.

Về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản

+ Đối với thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản, theo Điều 405, Bộ luật Dân sự 2005 qui định về hiệu lực của hợp đồng dân sự như sau: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết,

trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác”. Kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên có quyền và nghĩa vụ thực hiện những thỏa thuận trong hợp đồng. Đối với hợp đồng bảo hiểm, pháp luật còn qui định hợp đồng bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm.

Điều 15, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định: “Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”.

Về nguyên tắc, hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực khi bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, tức là phải xảy ra đồng thời hai điều kiện: trả phí bảo hiểm đã được chấp nhận bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm đã cấp ra văn bản là bằng chứng thể hiện Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết như giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm…; hoặc có bằng chứng thể hiện doanh nghiệp đã chấp nhận bảo hiểm).Tuy nhiên, pháp luật lại cho phép các bên có thể thỏa thuận việc đóng phí, phương thức trả phí. Điều 15, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 qui định các bên có thể có thỏa thuận khác trong hợp đồng; Điều 572, Bộ luật Dân sự 2005 qui định: “Thời hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận hoặc theo qui định của pháp luật. Phí bảo hiểm có thể đóng một lần hoặc theo định kì”. Vậy theo những phân tích trên ta thấy: hợp đồng bảo hiểm có thể coi là đã được giao kết và có hiệu lực ngay cả khi bên mua bảo hiểm vẫn nợ phí bảo hiểm.

Thực tiễn giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản cho thấy, các bên thường thỏa thuận về việc chậm nộp phí sau một khoảng thời gian nhất định sau khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo

hiểm và cấp giấy chứng nhận trên cơ sở bên mua bảo hiểm vẫn nợ toàn bộ số phí bảo hiểm, và thỏa thuận này pháp luật không cấm. Vì vậy nếu trường hợp tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm, và xảy ra trong thời gian đang nợ phí, thì hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải bồi thường bảo hiểm. Nhìn chung, hợp đồng bảo hiểm tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm ghi trong Giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm được cấp và ràng buộc trách nhiệm đối với các bên tham gia quan hệ Hợp đồng bảo hiểm. Thông thường hợp đồng có hiệu lực trong suốt thời hạn hợp đồng và sẽ kết thúc hiệu lực vào thời điểm hết hạn hợp đồng, trừ khi có các trường hợp làm thay đổi, chấm dứt hiệu lực hợp đồng trước thời hạn.

+ Đối với chấm dứt hợp đồng bảo hiểm tài sản, ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo qui định tại Điều 424, Bộ luật Dân sự 2005, theo qui định tại Điều 24, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, hợp đồng bảo hiểm còn chấm dứt trong trường hợp: bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi được bảo hiểm hoặc khi bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ nộp phí.

Trường hợp thứ nhất, bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm: Tồn tại quyền lợi bảo hiểm đối với một tài sản đó là điều kiện để có thể mua bảo hiểm cho tài sản đó, đồng thời cũng là điều kiện để duy trì hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản. Không còn quyền lợi bảo hiểm đương nhiên sẽ dẫn đến chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Việc không còn quyền lợi bảo hiểm có thể xảy ra khi tài sản đó không còn tồn tại do một rủi ro nằm ngoài phạm vi bảo hiểm; hoặc tài sản đó đã được chuyển nhượng cho người khác mà không kéo theo sự chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm; hoặc bị pháp luật tước quyền lợi có liên quan trong đối tượng tài sản bảo hiểm. Trong trường hợp này doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn phí bảo hiểm cho thời gian còn lại tương ứng của hợp đồng và có quyền trừ đi các chi phí có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm tài sản (Khoản 1 điều 24 LKDBH).

Trường hợp thứ hai, bên mua bảo hiểm không đóng đủ hoặc không đóng phí bảo hiểm: Khoản 2, Điều 23, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 qui định hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi: “Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”. Về nguyên tắc, hợp đồng bảo hiểm phát sinh hiệu lực khi bên mua bảo hiểm nộp phí bảo hiểm. Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng theo định kì hoặc cho nợ một phần phí bảo hiểm trong một thời hạn nhất định thì việc người được bảo hiểm không đóng phí đúng hạn sẽ làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Bên bảo hiểm có thể gia hạn cho bên mua bảo hiểm đóng phí và mặc dù hợp đồng đã chấm dứt do bên mua vi phạm nghĩa vụ đóng phí thì bên mua bảo hiểm phải có trách nhiệm đóng phí tương ứng đến hết thời gian gia hạn đóng phí. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền kiện đòi phí bảo hiểm, tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp bảo hiểm hiếm khi tiến hành khởi kiện để đòi phí bảo hiểm mà thường chuyển thành các khoản nợ khó đòi.

+ Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản vô hiệu, hợp đồng bảo hiểm là một loại của hợp đồng dân sự, do đó cũng bị vô hiệu theo các qui định của pháp luật chung về hợp đồng dân sự, được qui định cụ thể tại Điều 410, Bộ luật Dân sự 2005. Bộ luật này đưa ra các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, do trái đạo đức xã hội, do giả tạo, do không tuân thủ những qui định về hình thức, do không đáp ứng được điều kiện về năng lực hành vi dân sự, tiến hành giao dịch dân sự vô hiệu do nhầm lẫn, bị lừa dối đe dọa, do người xác lập không nhận thức được hành vi của mình.

Ngoài các trường hợp vô hiệu qui định tại Điều 410 của Bộ luật Dân sự 2005, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 còn qui định 4 trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu tại Điều 22, khi: (a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm; (b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại; (c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm,

bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; (d) Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm tài sản được coi là vô hiệu sẽ không có hiệu lực pháp lí ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng nghĩa là không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khác với hợp đồng mất hiệu lực hoặc bị chấm dứt hợp đồng do một bên có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng căn cứ vào hậu quả pháp lí của nó khác nhau, đối với việc mất hiệu lực hay chấm dứt hiệu lực có thể xảy ra ở bất kì thời điểm nào khi xuất hiện các điều kiện cần thiết, có thể do pháp luật qui định hoặc do các bên thỏa thuận, và không có hiệu lực hồi tố.Trong khi đó hợp đồng vô hiệu thì toàn bộ hợp đồng coi như không tồn tại, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận.

Ở các nước hợp đồng bảo hiểm tài sản còn có thể vô hiệu trong các trường hợp sau:

- Vào thời điểm giao kết, tổn thất đã xảy ra hay khả năng xảy ra tổn thất không còn nữa.

- Vào thời điểm giao kết, một trong các bên đã cung cấp thông tin sai sự thật để giao kết hợp đồng bảo hiểm.

- Người nhận giao kết hợp đồng bảo hiểm để thu lợi bất chính bằng cách ấn định một giá trị bảo hiểm cao hơn so với giá trị thực tế của hợp đồng bảo hiểm.

- Hợp đồng được giao kết trái pháp luật hay trái trật tự công cộng.

- Vào thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, người yêu cầu bảo hiểm không có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm.

So sánh với Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 của Việt Nam, ta có thể thấy rằng đạo luật này đã không liệt kê trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

do người giao kết hợp đồng bảo hiểm thu lợi bất chính bằng cách ấn định một giá trị bảo hiểm cao hơn so với giá trị thực của hợp đồng bảo hiểm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm tài sản ở Việt Nam 07 (Trang 41 - 49)