NHU CẦU HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TỊCH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong luật hình sự việt nam (Trang 93 - 97)

VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TỊCH THU VẬT, TIỀN TRỰC TIẾP LIÊN QUAN ĐẾN TỘI PHẠM TRONG THỰC TIỄN

Trong giai đoạn hiện nay, BLHS năm 1999 hiện hành (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) là công cụ pháp luật sắc bén, hữu hiệu của nhà nước và của nhân dân để đảm bảo pháp chế, củng cố và duy trì trật tự pháp luật, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm, cũng như bảo vệ một cách hữu hiệu lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của công dân. Do đó, trong tình hình mới, nhất là khi tội phạm ngày càng gia tăng thì việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung những quy định cũ, xây dựng những quy định mới nhằm hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam là một đòi hỏi có tính cấp bách để kịp thời phục vụ thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm. Tuy nhiên, việc đổi mới và hoàn thiện này phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn và

phải là cơ sở pháp lý vững chắc, thể hiện được các tư tưởng pháp chế, nhân đạo, dân chủ, cũng như phù hợp với pháp luật hình sự các nước trên thế giới trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Có thể nói, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự để nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn là một yêu cầu cần thiết. Điều này hoàn toàn phù hợp với nội dung của Nghị quyết số 48- NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị “ Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”. Bàn riêng về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, sự cần thiết phải hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về biện pháp này được thể hiện cụ thể như sau:

Về thực tiễn, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định

hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật, trong đó có biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Việc làm này mang tính tất yếu và cũng là để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm cần phải được hoàn thiện để có thể theo kịp và phản ánh phù hợp với những biến đổi của tình hình kinh tế - xã hội khách quan, quy định những đặc điểm cơ bản của tình hình tội phạm trong giai đoạn phát triển cụ thể của đời sống xã hội. Đồng thời, những tác động tích cực và tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra cho Việt Nam những cơ hội và thách thức lớn, trong đó có cả sự tác động đối với hệ thống pháp luật phòng chống tội phạm nói chung và các quy định về biện pháp tịch thu

vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm nói riêng. Vì vậy, để đáp úng được yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, góp phần bảo đảm sự hợp lý giữa các quy định của pháp luật hình sự với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc đã ký kết và phê chuẩn, pháp luật hình sự của chúng ta phải có tính thống nhất, ổn định, phù hợp với các chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế. Và điều này chỉ có được khi Việt Nam thực hiện những công việc cần thiết để hoàn thiện hệ thống các biện pháp cưỡng chế hình sự, trong đó có biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thì nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Những yêu cầu về việc hoàn thiện các quy định về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm nhằm đáp ứng những đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền và công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam là:

- Phải được đặt trong tổng thể chiến lược kinh tế - xã hội, công cuộc cải cách tư pháp, cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Phải được xây dựng trên nền tảng của các nguyên tắc pháp lý tiến bộ của nhân loại, như nguyên tắc bình đẳng, công bằng, nhân đạo, dân chủ và pháp chế.

- Phải đề cao vai trò của pháp luật, tuân thủ pháp luật trong đời sống xã hội.

- Phải đảm bảo chủ quyền của nhân dân, phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do và dân chủ của

con người.

Về lý luận, nhu cầu hoàn thiện biện pháp tịch thu vật, tiền

trực tiếp liên quan đến tội phạm bắt nguồn từ chính những tồn tại, hạn chế, khiếm khuyết nhất định của các quy định về biện pháp này trong pháp luật hình sự Việt Nam.

Trước 01/ 07/ 2000, tức trước thời điểm BLHS năm 1999 có hiệu lực, biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được quy định tại điều 33 – BLHS năm 1985. Sau khi BLHS năm 1985 có hiệu lực thi hành và trong một thời gian dài gặp khó khăn trong việc áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm do sự thiếu thống nhất trong quan điểm lý luận thì mới có công văn số 24/1999/KHXX ngày 17 tháng 03 năm 1999 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp bổ sung một số vấn đề áp dụng pháp luật hướng dẫn áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên phạm vi hướng dẫn cũng chỉ là trong một trường hợp cụ thể, đó là trường hợp người chiếm đoạt tài sản là tiền rồi dùng tiền đó mua vé xổ số và trúng thưởng.

Từ 01/07/2000 đến nay, biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được quy định tại điều 41 – BLHS năm 1999. Điều 41 – BLHS năm 1999 đã mở rộng phạm vi chủ thể áp dụng biện pháp tư pháp này. Ngoài việc mở rộng phạm vi chủ thể có thẩm quyền áp dụng thì các nội dung còn lại về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm vẫn theo tinh thần của BLHS năm 1985. Và vì vẫn theo tinh thần của BLHS năm 1985 nên đến nay việc áp dụng biện pháp tư pháp này vẫn gây nhiều khó khăn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đặc biệt, trong khi điều 33 – BLHS năm 1985 còn có

công văn số 24/1999/KHXX ngày 17 tháng 03 năm 1999 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một trường hợp cụ thể thường xảy ta trong thực tiễn thì điều 41 – BLHS năm 1999 đến thời điểm này lại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào để việc áp dụng biện pháp tư pháp này được thống nhất, hiệu quả. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là nhằm khắc phục những khuyết điểm đó.

Trên cơ sở những luận điểm đã phân tích, có thể khẳng định việc hoàn thiện các quy định về biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong LHS Việt Nam hiện nay là một tất yếu khách quan.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong luật hình sự việt nam (Trang 93 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)