Kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, những

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hậu quả pháp lý của việc hủy hôn nhân trái pháp luật theo luật hôn nhân gia đình năm 2014 luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 48 - 53)

người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng

Tại điểm d, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

Cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng [14, Điều 5, Khoản 2]. Vì vậy, những người trong trường hợp này thì không được phép kết hôn với nhau.

Trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có định nghĩa: “Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống,

trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau” [14, Điều 3, Khoản 17].

Và tại khoản 18 của điều luật này cũng có quy định:

Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ

hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba [14, Khoản 18].

Đứng dưới góc độ khoa học mà nói, việc pháp luật quy định cấm kết hôn trong trường hợp những người cùng dòng máu về trực hệ và những người có họ trong phạm vi ba đời là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Bởi vì:

Y học đã chứng minh tác hại của những cặp hôn nhân cận huyết: Những cặp vợ chồng khỏe mạnh lại có thể sinh con dị dạng hoặc mang bệnh tật di truyền như: mù màu (không phân biệt được màu đỏ và màu xanh), bạch tạng, da vảy cá... Giải thích hiện tượng này, di truyền học cho biết, mọi đặc điểm trên cơ thể đều được quy định bởi gene, kể cả trường hợp bệnh lý. Cơ thể mỗi người có khoảng 500-600 nghìn gene, trong số đó không tránh khỏi có dăm bảy gene lặn bệnh lý, chưa có điều kiện bộc lộ gây tác hại. Gene lặn bệnh lý tồn tại dai dẳng trong dòng họ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu cuộc hôn nhân được tiến hành với người khác dòng họ thì nguy cơ bệnh bộc phát thường không cao. Trái lại, hôn nhân cận huyết chính là điều kiện thuận lợi cho những gene lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau, sinh những đứa con bệnh tật hoặc dị dạng di truyền [25].

Và Theo PGS.TS Trần Đức Phấn - trưởng bộ môn Sinh y học và Di truyền, Đại học Y Hà Nội thì:

Hầu hết những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống rất dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp của các gien lặn mang bệnh. Các bệnh thường gặp phổ biến như: hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu enzim G6PD (Enzim bảo vệ tế bào), tan máu bẩm sinh (Thalassemia), trẻ có thể bị biến dạng

xương mặt, bụng phình to, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Thực tế y học đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống tạo cho những gen lặn bệnh lý ở chồng và vợ kết hợp với nhau sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt phổ biến là căn bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, với hai thể bệnh tan máu bẩm sinh…[26].

Điều này làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng dân số, gậy ra những hệ lụy cho gia đình và xã hội. Việc Luật hôn nhân và gia đình quy định như vậy nhằm đảm bảo tránh gây ra những hệ lụy không tốt cho thế hệ sau, góp phần đảm bảo cho sự phát triển bình thường và khỏe mạnh của con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình. Mặt khác, dưới góc độ phong tục, tập quán và truyền thống đạo đức của người dân Việt Nam thì quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình mà được xây dựng trên cơ sở huyết thống rất là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp và rất được tôn trọng. Do đó, những quan hệ với họ hàng trong phạm vi ba đời và với những người có cùng dòng máu về trực hệ là không được phép và bị coi là “loạn luân”. Bởi thế, việc Luật hôn nhân và gia đình cấm kết hôn đối với những người có họ trong phạm vi ba đời và những người có cùng dòng máu về trực hệ vừa là quy định mang tính khoa học, vừa là quy định phù hợp với phong tục, tập quán và truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Ví dụ: Anh Vi Văn Đôn và chị Nông Thị Nhung là chị em đời thứ hai. Bà Nông Thị Hạ (mẹ Đôn) và ông Nông Văn Dậu (bố Nhung) là chị em ruột cùng mẹ, cùng cha. Ngày ấy, gia đình họ Nông có nhiều ruộng đất lắm. Vì không muốn rơi vào tay người ngoài nên gia đình đã tác hợp cho Vi Văn Đôn và Nông Thị Nhàn vốn là chị em họ lấy nhau. Khi ấy Đôn mới 15 tuổi và Nhung 16 tuổi. Thế là từ anh em cùng họ thành thông gia với nhau; chị em bỗng nên nghĩa vợ chồng; bác gái (Nông Thị Hạ) gọi là mẹ chồng; cậu ruột

Nông Văn Dậu gọi là bố vợ [27].

Ví dụ nêu trên là một trong những trường hợp hôn nhân cận huyết trong thời đại hiện nay. Do những quan niệm cổ hủ nên đã để kết hôn với nhau. Nhìn lại lịch sử,trong thời kỳ phong kiến, đã có tồn tại hình thức Hôn nhân cận huyết mà tiêu biểu là ở thời kỳ Nhà Trần. Và phong tục cổ hủ này vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Theo thống kê của trung tâm nghiên cứu và phát triển dân số (Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), tại một số dân tộc như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru, Chứt… và đặc biệt là các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Mông Xanh (Lào Cai), Rơ Mân, Brâu (Kon Tum) thì cứ 100 trường hợp kết hôn thì có 10 trường hợp là hôn nhân cận huyết thống. Và họ đang là những dân tộc ít người có nguy cơ suy giảm số lượng và chất lượng dân số rõ rệt nhất do tình trạng giao phối hôn nhân cận huyết gây ra. Cũng theo tài liệu khảo cứu của trung tâm này, thì có vùng đồng bào dân tộc vẫn áp dụng hôn nhân cận huyết thống một cách triệt để đến mức, chỉ cho phép những người trong cùng họ hàng, huyết thống lấy nhau, nếu vi phạm sẽ bị phạt [26]. Những người dân tộc có hôn nhân cận huyết thống lý giải rằng: Chỉ họ hàng, cùng dòng máu lấy nhau thì mới thương yêu nhau, mới giữ được của cải vật chất trong nhà. Tổ tiên truyền lại rằng, lấy trong họ tộc để không mang của cải sang họ khác, vợ chồng cũng không bỏ nhau. Đối với góc nhìn của các nhà xã hội học, đây là một hủ tục mà khó có thể xóa bỏ ngay trong suy nghĩ của người dân bởi nó đã được ngấm vào dòng máu như một thể di truyền từ đời này qua đời khác, không cần biết hậu quả lâu dài của nó là gì. Và dưới góc độ Luật học thì đây là một quan niệm sai lầm và cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ và những người có họ hàng trong phạm vi ba đời.

giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ và những người có họ hàng trong phạm vi ba đời là không hề dễ dàng. Bởi vì có nhiều lý do khác nhau: Thứ nhất: nước ta trải qua nhiều năm chiến tranh nên nhiều gia đình bị thất lạc nhau nên việc xác định quan hệ họ hàng, huyết thống đối với những người này gặp nhiều khó khăn;

Thứ hai: Do quan niệm cổ hủ của một bộ phận người dân đặc biệt là người dân ở những dân tộc thiểu số;

Thứ ba: Hiện nay, sinh con theo phương pháp khoa học có nguyên tắc

“vô danh” tức là người cho tinh trùng, noãn hoặc phôi không biết danh tính, lý

lịch của người cho và ngược lại người cho cũng không biết thông tin của người nhận. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới tình trạng những đứa con được sinh ra theo phương pháp khoa học có thể kết hôn với nhau. Thêm vào đó, hiện nay đã và đang xuất hiện tình trạng “bán tinh trùng” được giao bán trên mạng Internet. Việc mua bán này không hề được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát có thể dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc trong đó có thể dẫn tới việc hôn nhân cận huyết. Hơn nữa việc mua bán được diễn ra trực tiếp làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường sinh dục như HIV, giang mai, lậu...

Vì những lý do đó nên để quy định về cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người có họ trong phạm vi ba đời được thực hiện nghiêm chỉnh đòi hỏi ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia đăng ký kết hôn và gia đình phải cao. Bởi vì trong những trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành đăng ký kết hôn rất khó để xác định xem người tham gia đăng ký kết hôn có cùng dòng máu về trực hệ hay là có họ trong phạm vi ba đời hay không.

Bên cạnh cấm kết hôn đối với các trường hợp có cùng dòng máu về trực hệ và những người có họ trong phạm vi ba đời thì ở điểm d, khoản 2, điều 5, Luật hôn nhân và gia đình còn cấm kết hôn đối với những trường hợp

giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Quy định này đã từng được quy định tại khoản 4, điều 10, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và đến Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định này vẫn được kế thừa. Xét về góc độ sinh học thì những người trong những trường hợp trên không có quan hệ huyết thống với nhau nên việc họ kết hôn không ảnh hưởng tới vấn đề di truyền cũng như là chất lượng giống nòi. Tuy nhiên, dưới góc độ phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, những người trong trường hợp này từng có quan hệ cha mẹ- con cái và có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng. Điều này không phù hợp với phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa người Việt nên những người kết hôn trong trường hợp giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng là kết hôn trái pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hậu quả pháp lý của việc hủy hôn nhân trái pháp luật theo luật hôn nhân gia đình năm 2014 luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 48 - 53)