Liên hệ một số nước trên thế giớ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáp nhập, hợp nhất pháp nhân là ngân hàng thương mại theo pháp luật việt nam hiện nay luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 49 - 55)

*/ Vấn đề sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo quy định của pháp luật Mỹ: - Trường hợp sáp nhập, hợp nhất ngân hàng bình thường:

Tại Mỹ, mỗi bang đều có luật ngân hàng riêng, trong đó quy định hành lang pháp lý cho những ngân hàng thành lập theo luật pháp của bang đó. Trước đây, ngân hàng của mỗi bang không được phép mở chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại các bang khác. Tuy nhiên, theo FDIC, năm 1994, Đạo luật hiệu lực chi nhánh và ngân hàng liên bang Riegle Neal ra đời, đánh dấu một bước ngoặt trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ. Kể từ tháng 6/1997, Đạo luật cho phép sáp nhập giữa các ngân hàng ở các vùng lãnh thổ khác nhau miễn là các ngân hàng này đầy đủ vốn đầu tư và quản lý, đánh giá của các cơ quan xếp hạng tín dụng được FDI chấp thuận. Đạo luật cũng tăng thêm thời gian cho phép FDIC và Tập đoàn giải pháp tín thác (RTC) để xem xét lại các vụ kiện đã hết hạn theo quy định của luật liên

bang. Quản lý ngân hàng nhà nước đã ký kết Hiệp định Hợp tác Toàn quốc và Hiệp định kiểm soát liên bang cho phép việc giám sát phối hợp đối với Ngân hàng liên bang và Ngân hàng của bang.

Như vậy, khi Đạo luật Riegle Neal có hiệu lực, các ngân hàng không bị giới hạn trong hoạt động của tiểu bang của mình nữa mà có thể mở rộng hoạt động thường xuyên giữa các bang của nước Mỹ. Ngoài ra, Đạo luật Riegle Neal không chỉ cho phép các công ty nắm giữ ngân hàng mua lại ngân hàng ở các tiểu bang khác mà còn cho phép các công ty này hợp nhất những ngân hàng mà họ sở hữu thành những ngân hàng với nhiều chi nhánh ở những tiểu bang khác nhau. Việc cho phép các ngân hàng thực thi hoạt động ngân hàng liên bang thông qua các chi nhánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi vì nhiều ngaan hàng cảm thấy rằng không thể khai thác hết quy mô kinh tế chỉ bằng cơ cấu công ty nắm giữ ngân hàng, mà chỉ có thể thông qua mạng lưới chi nhánh mà trong đó tất cả các nghiệp vụ ngân hàng đều được phối hợp một cách toàn diện.

Năm 1997, Quốc hội sửa Đạo luậtRiegle Neal cho phép ngân hàng liên bang có vốn nhà nước hoạt động theo một luật thống nhất và cung cấp sản phẩm và dịch vụ thống nhất với các ngân hàng quốc gia.

- Trường hợp sáp nhập, hợp nhất giữa các ngân hàng gặp khó khăn: Tất cả các ngân hàng đều có quyền thực hiện sáp nhập, hợp nhất với một ngân hàng khác. Tuy nhiên, đối với những ngân hàng không thể tìm được một ngân hàng khác để tiến hành sáp nhập, hợp nhất thì bắt buộc phải nhờ đến sự can thiệp của FDIC.

Tại Hoa Kỳ, nhiệm vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng được giao cho FDIC. FDIC được thành lập năm 1933 sau khủng hoảng tài chính đầu thế kỷ XX. FDIC bắt đầu hoạt động ngày 01/04/1934 theo Luật Bảo hiểm tiền gửi ban hành năm 1933. Đây là mô hình bảo hiểm tiền gửi công khai đầu tiên trên thế giới. FDIC có vị trí độc lập với Chính phủ và chịu sự kiểm soát trực tiếp hoạt động của Quốc hội. Tính đến nay, FDIC là tổ chức bảo hiểm tiền gửi được đánh giá là có nhiều thành công, là mô hình được nhiều quốc gia tham khảo và vận dụng.

Với mục tiêu chủ động giải quyết nhanh các vụ sáp nhập, hợp nhất đạt hiệu quả, Quốc hội đã dành cho FDIC những thẩm quyền đặc biệt để đạt được mục tiêu đó. Cụ thể, FDIC được phép toàn quyền tiếp nhận và thanh lý tài sản của tổ chức nhận tiền gửi thuộc diện sáp nhập, hợp nhất mà không chịu sự chi phối của cổ đông, Tòa án các cấp hay các cơ quan kiểm soát khác. Ngoài ra, để đảm bảo khả năng thanh toán. FDIC được FED và Bộ Tài chính Hoa Kỳ cấp hạn mức tín dụng đặc biệt là 30 tỷ USD để bù đắp các khoản thua lỗ do chi trả bảo hiểm, phát hành và bán các trái phiếu của công ty cho Ngân hàng Tài trợ Liên bang hoặc vay các thành viên của Quỹ theo giới hạn bằng hạn mức tín dụng đặc biệt hoặc số tiền mặt mà Quỹ bảo hiểm đang giữ, hoặc 90% so với giá trị tài sản của công ty tính theo giá thị trường.

Theo phần 14, 15 Luật Bảo hiểm gửi tiền Mỹ, mọi công cụ nợ do FDIC phát hành hoặc đi vay đều có bảo lãnh của Chính phủ Mỹ theo nghĩa được coi như tiền vay của Kho Bạc. Quốc hội Mỹ chấp nhận FDIC duy trì quỹ bảo hiểm ở mức tối thiểu 1,25% trên tổng số tiền bảo hiểm. Khi Quỹ này xuống dưới mức 1,25%, FDIC được quyền điều chỉnh phí bảo hiểm để đảm bảo Quỹ đạt được mức tối thiểu trong thời gian 1 năm. Việc Quốc hội Mỹ chấp thuận tỷ lệ này là một phần trong nỗ lực khẳng định các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải gánh

chịu chi phí cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi thông quan nộp phí chứ không phải là ngân sách nhà nước.

Như vậy, có hai hình thức tiến hành sáp nhập, hợp nhất ngân hàng tại Mỹ. Thứ nhất, đối với các thương vụ sáp nhập, hợp nhất thông thường, các ngân hàng tự thương thảo với nhau, đệ trình lên FED, nếu được FED chấp nhận phương án sáp nhập, hợp nhất thì sẽ tiến hành theo cách thông thường. Thứ hai, đối với các trường hợp sáp nhập, hợp nhất cần sự can thiệp của FDIC thì hoạt động này được bắt đầu kể từ khi được FED gửi thư thông báo cho FDIC về kế hoạch sáp nhập, hợp nhất và chỉ định FDIC thực hiện. FDIC sẽ dàn xếp để một hoặc một số ngân hàng mạnh chấp nhận mua lại một phần hoặc toàn bộ tài sản của ngân hàng thuộc diện sáp nhập, hợp nhất và tiếp nhận các nghĩa vụ nợ của tổ chức đó.

*/ Vấn đề sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo quy định của pháp luật Hàn Quốc

Theo Luật số 5042 được ban hành ngày 19/12/1995 có quy định tại Điều 36 như sau: “Sắp xếp để sáp nhập: KDIC có thể sắp xếp việc sáp nhập, phân công công việc hay tiếp cận với các Tổ chức tài chính được bảo hiểm từ bên thứ ba (Sau đây gọi là “Sáp nhập các Tổ chức được bảo hiểm”)…” (Được sửa đổi theo Luật số 5492 ngày 31/12/1997; Luật số 6232 ngày 30/12/2000).

Như vậy, theo điều khoản này thì KDIC được Chính phủ Hàn Quốc giao nhiệm vụ sáp nhập, hợp nhất tổ chức tài chính. Cụ thể, KDIC sẽ có những quyền sau trong các thương vụ sáp nhập, hợp nhất:

(1) KDIC có thể thành lập tổ chức tài chính để tiến hành kinh doanh hay cơ cấu lại tổ chức tài chính gặp khó khăn hay tiến hành giải quyết công việc của các tổ chức này (Sau đây gọi là Tổ chức dàn xếp về tài chính) khi có chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính khi thấy cần thiết bảo vệ người gửi tiền và sự ổn định của hệ thống tài chính.

(2) Tổ chức dàn xếp về tài chính phải là một công ty.

(3) KDIC phải chuẩn bị quy định về sáp nhập bất cứ một Tổ chức dàn xếp về tài chính bao gồm những vấn đề sau: Mục đích; Tên giao dịch; Tổng vốn đầu tư; Số cổ phiếu phát hành tại công ty; Giá trị danh nghĩa của cổ phiếu; Địa điểm của trụ sở chính; Hình thức thông báo rộng rãi ra công chúng.

(4) Vốn của bất kỳ Tổ chức dàn xếp tài chính nào phải do KDIC đống góp từ tài khoản của Quỹ bảo hiểm tiền gửi

(5) Tổ chức dàn xếp về tài chính có thể lấy danh nghĩa như các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, ngân hàng thương mại, ngân hàng tiết kiệm hay tổ chức tín dụng áp dụng đối với tổ chức đó là tổ chức tài chính bị phá sản trong phạm vi có liên quan đến việc cơ cấu lại tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán.

Tại Hàn Quốc. KDIC là một tổ chức độc lập thuộc Chính phủ, nên KDIC được trao quyền năng rất rộng.Cụ thể:

(1) Yêu cầu Chủ tịch FSC (quốc gia) đệ trình báo cáo kiểm soát tài chính của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị đổ vỡ;

(2) Yêu cầu những người điều hành tổ chức tài chính bồi thường vật chất và những rủi ro do họ gây ra;

(3) Bộ trưởng Bộ tài chính hay văn phòng giám sát phải có nhiệm vụ thông báo ngay cho KDIC khi phát hiện tổ chức tham gia bảo hiểm có dấu hiệu nguy cơ mất khả năng thanh toán;

(4) Được quyền thành lập cơ quan nghiệp vụ để giải quyết các tổ chức tài chính bị đổ vỡ;

(5) Giám sát trực tiếp và đưa ra các biện pháp quản lý hoạt động đối với tổ chức tài chính đổ vỡ thông qua các tổ chức nghiệp vụ;

(6) Khi cần thiết nếu không đủ vốn nhà nước (Vay Chính phủ, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, vay các TCTD khác). KDIC được Chính phủ bảo lãnh các khoản vay từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.

Riêng đối với nhiệm vụ giám sát trực tiếp và đưa ra các biện pháp quản lý hoạt động đối với tổ chức tài chính đổ vỡ thông qua các tổ chức nghiệp vụ, KDIC có nhiệm vụ cụ thể đối với việc xử lý đổ vỡ ngân hàng, bao gồm hai giai đoạn cơ bản: Giai đoạn phục hồi (bao gồm các nghiệp vụ như hỗ trợ tài chính, mua lại nợ, thành lập ngân hàng bắc cầu,…); Giai đoạn thanh lý (sau khi áp dụng các biện pháp khác không hiệu quả thì KDIC áp dụng biện pháp cuối cùng là chi trả tiền gửi được bảo hiểm. Khi đó, KDIC trở thành chủ nợ đối với số tiền đã chi trả cho người gửi tiền.

KDIC đã thực hiện rất tốt chức năng tái cấu trúc hệ thống tài chính, ngân hàng sau khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 thông qua một số công cụ của nghiệp vụ tiếp nhận xử lý như hỗ trợ tài chính, ngân hàng bắc cầu hoặc thông qua một số hoạt động như sáp nhập, mua lại tổ chức tài chính hoạt động yếu kém. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trê, KDIC hoạt động theo mô hình tổ chức giảm thiểu rủi ro với chức năng rộng như kiểm tra, giám sát, xử lý đổ vỡ.

Tóm lại, KDIC đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng quốc gia sau khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á năm 1997.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sáp nhập, hợp nhất pháp nhân là ngân hàng thương mại theo pháp luật việt nam hiện nay luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 49 - 55)