Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện thực trạng và giải pháp 07 (Trang 34 - 36)

1.4. Nội dung pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện

1.4.3. Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện

Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện là một quỹ tập trung tiền tệ được hình thành từ sự đóng góp của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn khác, được sử dụng chủ yếu để chi trả trợ cấp cho những trường hợp được bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định. Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện giữ vai trò là “xương sống” của cả hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo đảm nguồn tài chính cho mọi sự hoạt động của hệ thống này. Quá trình diễn ra các hoạt động thu - chi bằng tiền từ quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện được tiến hành trên cơ sở luật lệ của Nhà nước.

Nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện được hình thành chủ yếu từ các nguồn sau: thu từ người lao động tham gia bảo hiểm; hỗ trợ của Nhà nước. Phần lớn các nước trên thế giới đều lập quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện từ hai nguồn chủ yếu trên. Tuy nhiên, ở mỗi nước quy định tỷ lệ đóng góp khác nhau. Để chứng minh cho luận điểm này, chúng tôi xin đưa ra quy định tỷ lệ đóng góp quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Trung Quốc, Ba Lan, Phần Lan và Pháp. Tháng 10/2009, Trung Quốc thí điểm chế độ bảo hiểm hưu trí nông thôn mới

với 4 nguyên tắc: “Đảm bảo mức sống cơ bản của người già ở nông thôn; Độ

bao phủ rộng; Cơ chế tài chính linh hoạt; Đảm bảo tính bền vững lâu dài của quỹ” [61]. Quỹ được hình thành từ ba nguồn: đóng góp của cá nhân, hỗ trợ của

tập thể và trợ cấp của Chính phủ (trước đây hoàn toàn do người nông dân tự chi trả và không có bất kỳ trợ cấp nào từ Chính phủ). Theo quy định, nông dân nộp phí với 5 mức (100, 200, 300, 400 và 500 nhân dân tệ (NDT), tối thiểu 100 NDT/năm. Địa phương có thể điều chỉnh mức đóng tùy theo điều kiện kinh tế địa phương (như Bắc Kinh là hơn 2.000 NDT/năm). Đối với người nghèo thu nhập quá thấp, không thể đóng bảo hiểm thì địa phương có thể giảm xuống mức tối thiểu (100 NDT) còn với người khuyết tật, người mất sức lao động thì thấp hơn 100 NDT hoặc miễn [61]. Trong khi đó, ở Ba Lan thì quỹ bảo hiểm

xã hội tự nguyện hình thành từ đóng góp của chủ trang trại và nông dân. Tuy nhiên, quỹ bảo hiểm tự nguyện cũng chủ yếu do Nhà nước tài trợ (phần đóng góp của người tham gia bảo hiểm chỉ đảm bảo được 10% chi trả các chế độ và các hoạt động). Do vậy, việc đóng góp này chủ yếu mang tính “trách nhiệm” của người muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện [61]. Ở Phần Lan, mức đóng bảo hiểm xã hội cho nông dân khá cao và tỷ lệ ngày càng tăng (trên 20% thu nhập cá nhân) tuy nhiên 4/5 trong số này là do Nhà nước hỗ trợ [3]. Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Pháp được hình thành trên cơ sở đóng góp của người tham gia bảo hiểm và được Nhà nước hỗ trợ khi cần thiết. Quỹ này được thành lập ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh và Trung ương. Quản lý quỹ được thực hiện theo cơ chế tự quản do người tham gia tự bầu ra đại diện của mình. Các quỹ tỉnh, liên tỉnh thực hiện thu - chi bảo hiểm xã hội trên địa bàn trong khi đó các quỹ Trung ương thực hiện chính sách điều phối chung dưới sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị. Về hình thức đóng góp, để phù hợp với đặc điểm thu nhập đa dạng của các đối tượng tham gia bảo hiểm, bảo hiểm xã hội tự nguyện của Pháp đã tính toán mức đóng và quy ra điểm, tương ứng với một giá trị nhất định. Tại mỗi thời điểm có thể có giá trị khác nhau, tùy theo giá trị đồng tiền tại thời điểm tính và tổng lượng tiền dự tính cơ quan bảo hiểm xã hội có thể thu được trong năm [3].

Ngoài các khoản đóng góp kể trên, quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện còn có những nguồn thu khác, bao gồm: Nguồn thu từ hoạt động đầu tư quỹ với nhiều hình thức khác nhau như lãi tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu, lãi cho vay, lãi cho thuê tài sản, lãi đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ,...; Tiền do các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cho quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện và các khoản thu khác.

Trên cơ sở quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện được hình thành, nội dung chi quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm: chi trả trợ cấp cho các chế độ

bảo hiểm xã hội tự nguyện, chi phí cho bộ máy quản lý, chi đầu tư tăng trưởng quỹ và chi dự phòng.

Chi trả trợ cấp cho các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện: là khoản chi quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn nhất nhằm thực hiện các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong số các khoản chi thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện ở các nước, thông thường khoản chi lớn nhất là cho chế độ trợ cấp hưu trí.

Chi phí cho bộ máy quản lý: Đây là khoản chi nhằm đảm bảo hoạt động của bộ máy quản lý của cơ quan bảo hiểm xã hội, bao gồm các khoản: chi lương và các khoản có tính chất lương cho cán bộ, nhân viên; chi nghiệp vụ chuyên môn; chi quản lý hành chính,...

Chi dự phòng: Đây là khoản chi được trích hàng năm trên tổng số chi theo một tỷ lệ nhất định nhằm đề phòng và ứng phó với những rủi ro và các chi phí có liên quan dự kiến có thể xảy ra trong quá trình chi trả các chế độ đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện thực trạng và giải pháp 07 (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)