Quy định của pháp luật Việt Nam từ 1945 đến nay

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về giao dịch đất hương hỏa của Dòng họ qua thực tiễn tại thành phố Hà Nội (Trang 37 - 42)

Chương 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.2. Cơ sở pháp lý về giao dịch đất hương hỏa

1.2.3. Quy định của pháp luật Việt Nam từ 1945 đến nay

1.2.3.1. Giai đoạn trước năm 1975

a) Pháp luật thi hành tại Miền Bắc Việt Nam

Sau ngày 2/9/1945, ngày tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Việc điều hành đất nước phải được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật. Ngày 10/10/1945, không lâu sau ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 03-SL quy định “Cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam, các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam bộ vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ, nếu những luật lệấy không trái với những điều thay đổi ấn định trong sắc lệnh này” (Sắc Lệnh số 03-SL, 1945).

Tiếp đó trong điều kiện chiến tranh khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, để điều hành công việc Nhà nước và điều chỉnh các giao lưu dân sự trong điều kiện và hoàn cảnh mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh, trong đó Sắc lệnh 97/SL ngày 22/5/1950 “Sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật”. Sắc lệnh này một mặt không hủy bỏ những quy định của các Bộ Dân luật cũ, mặt khác nó bổ sung, thay đổi làm cho các bộ luật của “đế quốc phong kiến” có nội dung mới, đem đến những biến đổi thực sự trong cách thức sinh hoạt và tư tưởng của nhân dân Việt Nam, đó là việc thừa nhận chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia đình; người đàn bà có chồng có toàn năng lực về mặt hộ; con cái thành niên có quyền tự lập; quyền thừa kế bình đẳng giữa vợ chồng và các con trai, con gái… Chỉ những điều khoản trong dân pháp điển Bắc kỳ dân pháp điển Trung kỳ, Pháp quy giản yếu 1883 (sắc lệnh ngày 3 tháng 10 năm 1883) thi hành ở Nam kỳ, và những luật lệ theo sau, trái với những nguyên tắc quy định tại Sắc Lệnh này mới bị bãi bỏ.

Hiến pháp năm 1959 ra đời đánh dấu một giai đoạn phát triển của quá trình lập pháp Việt Nam, Hiến pháp của Nhà nước dân chủ cộng hòa, Hiến pháp của thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống

nhất đất nước. Vào thời kỳ này cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong thời kỳ quyết liệt nhất, tình trạng chiến tranh đòi hỏi phải điều hành bằng các biện pháp hành chính, do đó luật dân sự không được chú trọng và không thể áp dụng (Phạm Công Lạc, 2005). Do đó, có thể suy ra rằng các quy định của pháp luật về GDDS cũng như đất đai không được chú trọng.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề giao dịch đất đai là tài sản hương hỏa nói chung cũng như giao dịch đất đai của dòng họ nói riêng không thể không diễn ra trên thực tế vì nó phù hợp với quy luật của tự nhiên một người chết đi phải để lại di sản cho người còn sống đồng thời phải để lại một phần ruộng đất để người thờ tự thờ cúng mình điều này là phù hợp với lẽ tự nhiên và phong tục tập quan từ ngàn đời của người Việt Nam. Chính vì lẽ đó, do trong giai đoạn này thiếu các quy định của pháp luật nên người dân sẽ tự điều chỉnh vấn đề giao dịch đất đai là tài sản hương hỏa theo phong tục, tập quán. Bởi vậy tại Thông tư số 81/TANDTC ngày 24 tháng 07 năm 1981 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế do tòa án nhân dân tối cao ban hành đã phải quy định: “Trường hợp người chồng (hoặc người vợ) do không hiểu pháp luật hoặc còn bịảnh hưởng của phong tục, tập quán cũ, đã định đoạt cả khối tài sản chung của vợ chồng, thì phần tài sản của vợ (chồng) của người chết được tách ra giao cho người đó. Phần còn lại là di sản của người chết sẽ giao cho người được chỉđịnh trong di chúc”

b) Pháp luật thi hành tại Miền Nam Việt Nam:

Sau Cách mạng tháng 08 và Quốc khánh mùng 2 tháng 9 năm 1945, ở Miền Nam nước ta vẫn nằm dưới ách cai trị của Thực dân Pháp cho đến năm 1954, tiếp đó là chế độ Việt Nam Cộng hòa cho đến 30 tháng 4 năm 1975. Trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến trước năm 1972 các quy định về dân luật tại Miền Nam vẫn áp dụng các quy định của Bộ Dân luật giản yếu 1883 từ thời pháp thuộc. Đến năm 1972 Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành Bộ Dân Luật đầu tiên áp dụng trong toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, trong Bộ Dân luật này tiếp tục kế thừa các quy định của pháp luật thời Pháp thuộc

về chế định thừa kế phụng tự gồm các quy định về hương hỏa, kỵ điền và hậu điền (Đào Duy Anh (2014).

1.2.3.2. Giai đoạn sau năm 1975 đến năm 1990

Sau ngày đất nước thống nhất cùng với việc Hiến pháp năm 1980 xác lập sở hữu toàn dân về đất đai, các quan hệ đất đai và dân sự mang nặng phương pháp điều chỉnh hành chính. Một số văn bản quy phạm pháp luật có đề cập đến quan hệ thừa kế đất đai trong giai đoạn này có thể kể đến dưới đây:

- Quyết định số 111/CP ngày 14 tháng 4 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ về việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía nam đã quy định trách nhiệm của người sử dụng đất như sau: “Những trường hợp xin thừa kế, xin hiến nhà, đất và tài sản vắng chủ sẽ được nghiên cứu giải quyết từng trường hợp cụ thể theo chính sách.” (Khoản 5 Mục II).

-Thông tư số 81/TANDTC 24/07/1981 do Tòa án nhân dân Tối cao ban hành hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế đã quy định cụ thể về một số loại tài sản dùng làm di sản thừa kế tại Mục II của Thông tư như sau:

“1. Đất đai.

Theo Điều 19 và Điều 20 của Hiến pháp mới, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Đất đai (kể cảđất canh tác, đất ở, đất hương hỏa…) không thuộc quyền sở hữu riêng của công dân, nên không thể là di sản thừa kế. Nếu người đang sử dụng đất chết thì việc điều chỉnh quyền sử dụng phần diện tích đó sẽ do pháp luật về đất đai quy định. Cây cối và hoa mầu thuộc quyền sở hữu của người đã chết, vẫn thuộc di sản thừa kế.

2. Nhà thờ họ.

- Nhà thờ có từ lâu đời hoặc nhà thờ do các thành viên trong họ đóng góp công sức và tiền của xây dựng nên là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của những người trong họ, nên không thể trở thành di sản của người trưởng họ (hoặc của bất cứ cá nhân nào). Nếu có tranh chấp thì giải quyết theo nguyện vọng chung của các thành viên trong họ.

- Nhà thờ do người trưởng họ bỏ tiền riêng xây dựng rồi cho họ mượn làm nơi thờ cúng hoặc nhà của người trưởng họ được dành ra một phần diện tích để làm nơi thờ cúng vẫn thuộc quyền sở hữu của người trưởng họ. Nếu người trưởng họ chết thì nhà này là di sản thừa kế.”

- Quyết định số 201-CP ngày 01 tháng 07 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước đã quy định trách nhiệm của người sử dụng đất: “Nếu đất không sử dụng hoặc không sử dụng hết đất thì người sử dụng đất phải trả lại phần đất không sử dụng cho Nhà nước. Đối với đất trước kia thuộc sở hữu cá thể hợp pháp, khi người chủđất không sử dụng nữa (hoặc không có người thừa kế hợp pháp sử dụng) thì Ủy ban nhân dân huyện quyết định việc sử dụng theo đề nghị của Ủy ban nhân dân xã.” (Điểm c Khoản 2 Mục III).

- Luật Đất đai năm 1987 quy định: “Người được thừa kế nhà ở hoặc người chưa có chỗ ở, khi được người khác chuyển nhượng nhà để ở, sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở, thì được quyền sử dụng đất ở có ngôi nhà đó.” (Điều 17).

- Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định Di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:“Nếu người lập di chúc có để di sản dùng vào việc thờ cúng thì di sản đó được coi như di sản chưa chia. Khi việc thờ cúng không được thực hiện theo di chúc thì những người thừa kế của người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng có quyền hưởng di sản đó. Nếu những người thừa kế đó đều đã chết, thì di sản thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 25 và Điều 26 của Pháp lệnh này.” (Điều 21).

“Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, quyền sử dụng đất được giao không phải là quyền sở hữu về tài sản của công dân nên không thể trở thành di sản khi công dân chết. Các tranh chấp về di sản có liên quan đến quyền sử dụng đất được giải quyết theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai” (Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990).

- Thông tư liên tịch số 04/TTLN ngày 03/05/1990 của Tòa án nhân dân tối cao và Tổng cục Quản lý ruộng đất về việc giải quyết các tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất đai, trong đó đã xác định nhà thờ họ thuộc dạng vật kiến trúc khác gắn liền với đất.

Như vậy, có thể thấy trong giai đoạn này Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật dể điều chỉnh các quan hệ đất đai dân sự. Đặc trưng của các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ giao dịch về QSDĐ liên quan đến dòng họ trong giai đoạn này là QSDĐ của dòng họ không được phép giao dịch mà các chủ thể chỉ giao dịch các tài sản gắn liền với đất như là nhà thờ họ, nguyên nhân là do chế độ đất đai thuộc sở hữu toàn dân mới được xác lập.

1.2.3.3. Giai đoạn từ sau 1990 đến nay

Đại hội Đảng lần thứ 7 năm 1991 đã đưa ra cương lĩnh chính trị xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Năm 1992, Nhà nước ta ban hành Hiến pháp mới, Hiến pháp của chặng đường đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp năm 1992 đã đặt nền tảng cho xã hội về chính trị, kinh tế, xã hội trong đời sống; tạo tiền đề cho hàng loạt các văn bản pháp luật sau này. Tiếp sau Hiến pháp 1992, hàng loạt các văn bản pháp luật dược ban hành, sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với Hiến pháp:

- Luật Đất đai năm 1993 đã thừa nhận người sử dụng đất có các quyền dân sự liên quan đến QSDĐ trong đó có quyền thừa kế tại Điều 3.

- Điều 650 của BLDS 1995 đã quy định người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Điều 673 của BLDS đã quy định về Di sản dùng vào việc thờ cúng mà vẫn được kế thừa trong BLDS hiện hành.

- Luật Đất đai năm 2003 đã quy định Cộng đồng dân cư có chung dòng họ là một trong những người sử dụng đất (Khoản 3 Điều 9); đồng thời tại Điều 117 Luật cũng không cho phép cộng đồng dân cư có chung dòng họ được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho QSDĐ; không được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng QSDĐ. Tuy nhiên, đối với việc thừa

kế QSDĐ thì được phép. Quy định của Luật Đất đai năm 2003 được tiếp tục kế thừa tại khoản 3 Điều 5 và Điều 181 của của Luật Đất đai năm 2013.

- BLDS năm 2005 vẫn kế thừa nguyên trạng quy định của BLDS năm 1995 về di sản dùng vào việc thờ cúng tại Điều 651 và Điều 672. Tiếp đó, BLDS năm 2015 tiếp tục kế thừa quy định về vấn đề này tại Điều 645.

Như vậy, có thể thấy pháp luật giai đoạn này đã thừa nhận giao dịch về QSDĐ liên quan đến dòng họ qua quan hệ thừa kế QSDĐ. Điều này cũng phù hợp với tính chất tự nhiên của việc di chuyển tài sản của dòng họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, pháp luật giai đoạn này mới chỉ quy định việc dịch chuyển tài sản trong quan hệ thừa kế mang tính nguyên tắc mà thiếu hẳn các quy định cụ thể như pháp luật trong giai đoạn trước đây.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về giao dịch đất hương hỏa của Dòng họ qua thực tiễn tại thành phố Hà Nội (Trang 37 - 42)