7. Bố cục của luận văn
2.2. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội truyền thống
Căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, cảnh quan môi trường sinh thái và tình hình dân cư khá đặc biệt của huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ như trên, có thể nói rằng đây là vùng đất sớm được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt từ lâu đời. Đó là vùng Ngã ba sông, hợp lưu của ba dòng chảy lớn nhất, quan trọng nhất cung cấp phù sa tạo nên châu thổ Bắc Bộ mầu mỡ.
Đấy là vùng Tam giang - Tam Đái thời Lý Trần, vùng Tây Đạo thời Lê, Xứ Đoài của dân gian Lê - Nguyễn sông Thao - Năm Tao của người Tày Khao - Thái - Tây Đạo theo cách phiên âm và viết lách của người Hoa từ thế kỷ VI (xem Thủy kinh chú quyển 36,37) - nay gọi là Hồng hà - Nhị Hà, từ Vân Nam - hay đúng hơn từ cao nguyên Vân Quý (Vân Nam - Quý Châu) chảy xuống, sau khi đã chảy qua và bóc mòn các dải đồi núi trên 4.000 m cao và chở nặng phù sa về xuôi, về biển Đông... Đó là con sông không dài nhất thế giới nhưng lượng phù sa trên 1km3 nước thì được xếp vào hàng đầu thế giới. Nó tạo nên tam giác châu sông Hông [Trần Quốc Vượng, 1998, tr. 29- 30]. Đỉnh của tam giác châu sông Hồng đó chính là Việt Trì - Bạch Hạc, hay còn thường được gọi là vùng ngã ba sông. Nơi gặp gỡ của ba con sông đã tạo nên vùng Việt Trì - Bạch Hạc của con sông Lô chảy từ Hà Giang, Tuyên Quang về, con sông Hồng mà dân gian ta thường gọi là sông Thao từ Lào Cai, Yên Bái xuống và con sông Đà vượt hàng trăm thác ghềnh từ Mường Tè, Lai Châu rồi Sơn La qua Hòa Bình hơi vòng lên gặp gỡ hai con sông kia tại ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì.
Tại đây, đỉnh của tam giác châu sông Hồng đã tạo ra ao lúa - Việt Trì,
núi xuống từ vùng xuôi, miền biển lên. Chính nơi đây đã tạo nên địa bàn đắc địa của một trung tâm lúa nước người Việt cổ, trong đó người Việt Lâm Thao, Phú Thọ đóng một vai trò quan trọng.
Theo tài liệu của ngành khảo cổ học người Phùng Nguyên chính là những lớp cư dân Việt cổ đã góp công sức khai thiên lập địa nơi này. Làng Phùng Nguyên xưa nằm trên gò cao, bên dòng sông Thao quanh năm nặng trĩu phù sa, xung quanh là các đồi rừng rậm. Đây quả là vùng đất trù phú, màu mỡ để con người khai phá lập làng lập nghiệp lâu dài [Hán Văn Khẩn, 2005, tr. 43]. Cảnh quan sinh thái đó là cơ sở thuận lợi và thích hợp cho việc làm nông nghiệp lúa nước, xây dựng đời sống xóm làng trù phú, định cư lâu dài trên mảnh đất này. Đây chính là địa bàn sinh tụ của người Việt cổ đã được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt. Theo các nhà địa chất, sau đợt biển tiến Holoxen lùi dần thì diện mạo đồng bằng châu thổ sông Hồng còn lại như ngày nay. Nghĩa là đỉnh tam giác châu Bắc Bộ, vùng Việt Trì - Bạch Hạc, trung tâm huyện Lâm Thao, Phú Thọ vẫn không mấy thay đổi. Sau khi biển lùi, các dòng sông, dòng suối tiếp tục đổ phù sa về đây, bồi tụ cho châu thổ Bắc Bộ ngày càng màu mỡ, tươi tốt hơn. Nhờ đó, đất đai thuộc phạm vi cư trú của người Phùng Nguyên - huyện Lâm Thao càng tươi tốt, màu mỡ hơn, không chỉ với ruộng lúa nước mà còn thích hợp hơn với đồng màu, một thế mạnh khác của châu thổ Bắc Bộ.
Bên cạnh sông suối, ao đầm, lạch... cũng thường xuyên cung cấp cho người Phùng Nguyên nhiều nguồn lợi từ các nguồn thủy sản như tôm, cá, ốc, hến... Xưa kia, làng xóm của người Phùng Nguyên thường tập trung trên các gò đất cao có nhiều cây cối mọc um tùm, rậm rạp. Cho nên, ngoài nguồn thủy sản, nơi ở của người Phùng nguyên còn có nhiều loại lâm sản như gỗ quý, thú rừng, chim chóc, cây quả hoang... Tất cả những điều kiện tự nhiên đó tạo cho cảnh quan môi trường sinh thái khá lý tưởng
cho một vùng dân cư đông đúc tồn tại và phát triển. Khi nhận xét, nơi ở của cư dân Phùng Nguyên xưa, nay là địa bàn sinh sống của dân huyện Lâm Thao được hưởng sự ưu đãi đặc biệt của tự nhiên là có cơ sở. Có lẽ, chính nhờ những điều kiện tự nhiên ưu ái như thế, nên từ thời các Vua Hùng đã chọn nơi đây - huyện Lâm Thao làm nơi định đô rất sớm.
Qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử, vùng đất Lâm Thao vẫn giữ được những giá trị vật chất, tinh thần của nó. Đỉnh tam giác châu Việt Trì - Bạch Hạc vẫn là đỉnh của châu thổ sông Hồng, nơi tụ cư lâu đời của người dân Việt cổ - Lâm Thao. Từ đó đến nay, cho dù Lâm Thao có những lúc đổi thành một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc hay xê dịch chút ít về địa giới, lúc mở rộng, lúc thu hẹp, nhưng cuối cùng, địa bàn Lâm Thao, Phú Thọ vẫn là Lâm Thao, Phú Thọ. Vùng đất đó nằm trong sự ôm ấp, nuôi dưỡng của hai con sông Lô và sông Thao. Đó là hai nguồn phù sa màu mỡ và những ưu đãi đặc biệt của tự nhiên nơi này, tạo cho đất đai và con người Việt cổ xưa và người Việt huyện Lâm Thao ngày nay tồn tại và phát triển với những đặc điểm kinh tế - xã hội độc đáo.
Trung tâm của huyện Lâm Thao chính là sự hợp nhất của ba làng cổ
Cao Mại, Sơn Thị, Lâm Nghĩa và gọi chung là xã Cao Mại. Theo truyền thuyết, đây là vùng đất mà Vua Hùng phong tặng cho phò mã Lý Văn Lang
và công chúa Nguyệt Cư (con gái Vua Hùng thứ 17) cùng với 12 chàng trai đã có công giúp nhà Vua dẹp giặc Thục, giữ yên bờ cõi. Đồng thời, họ cũng là những người hợp sức chống thú dữ, thiên tai, mở mang, củng cố địa giới đất đai, phát triển văn hiến làm cho làng ngày càng trù phú, thịnh vượng. Sau khi hai vợ chồng phò mã Lý Văn Lang mất, dân làng đã lập đền thờ, suy tôn vợ chồng công chúa Nguyệt Cư thành thần làng, sức cho dân các làng hương khói, thờ phụng quanh năm.
Ngoài Đền Nhà Bà, vùng này có cả quần thể di tích như đình, miếu do dân làng đóng góp công sức xây dựng nên để thờ những người đã có công cùng Vua Hùng giữ gìn, bảo vệ bờ cõi. Tiêu biểu cho những công trình đó, hiện nay vẫn còn 10 bức hoành phi và 32 câu đối ở các đình Đông Chấn, đình làng Suối, đình làng San, đình làng Khến, đền Nhà Bà. Trong đó, Đền Nhà Bà thờ Nguyệt Cư công chúa và phò mã Lý Văn Lang, có quy mô khá lớn, hoành tráng hơn cả. Ngôi đền này được xây dựng theo hình chữ "Khẩu", xung quanh đền được thưng ván kiểu "bức bàn" và mở nhiều cửa ra vào. Có hai hành lang nối với nhà tiền tế đóng chấn song quân bài. Trước nhà tiền tế có sân rộng, hai bên là hai "tào mạc" mỗi cái ba gian dùng làm nơi mổ trâu, bò trong ngày tế lễ.
Sau Đền có rừng Quan Hội nhiều loại cây cổ thụ vây quanh như cây me, cây lân, cây mít to đến hai người ôm, cao hàng chục mét. Trước đền có ba cổng (tam quan), cổng lớn ở giữa để khênh kiệu, hai bên có cánh nhỏ để dân làng ra vào. Ngoài cổng có ao bán nguyệt, xung quanh là nơi họp chợ hàng ngày. Riêng ngày mồng Bốn tháng Tám hàng năm nơi này là Chợ Trâu Cao Mại để các nơi đến mua bán trâu.
Ngoài Đền Nhà Bà, vùng này còn có đình Đông Chấn, đình Bình
Chính và Chùa Vĩnh Ninh đã được Bộ Văn hóa xếp hạng. Chung quanh quần
thể di tích này, nhiều lễ hội dân gian đã được tổ chức. Trong các lễ hội đó, những tín ngưỡng dân gian, trong đó có tín ngưỡng cầu mùa của cộng đồng cư dân nơi đây đã được diễn ra khá sinh động. Sau những ngày mùa vất vả của một vùng thuần nông, dân làng Cao Mại xưa thường tổ chức các dịp lễ tết, hội hè. Dân làng thường tụ tập tại đình xem hát, tuồng, hát Xoan, hát Ghẹo và các trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, thi vật, chơi cờ người... Đặc biệt là trong các ngày từ mồng ba đến mồng bảy tháng Giêng, dân Cao
Mại tổ chức hội làng để kỷ niệm ngày công chúa Nguyệt Cư sinh hạ hoàng tử có rước bánh chay ngũ sắc xanh, đỏ, tím, vàng và bánh dầy. Theo tục lệ, bột bánh được làm từ loại nếp cái thơm ngon, kiệu rước có lọng che, được dân làng hò reo từ nhà chủ tế ra đến Đền Nhà Bà. Ngày mồng bốn làng còn rước kiệu Ông và kiệu Bà (lúc ở trong sân, kiệu ông đi trước, ra khỏi cổng thì kiệu bà lại vượt lên trước). Đoàn rước đi trong tiếng nhạc phường bát âm và tiếng trống, lúc lúc lại hú lên theo sự điều khiển của người đánh trống khẩu. Chủ tế cùng các quan tế mặc áo thụng xanh, đội mũ, đi hia theo sát sau kiệu, tiếp đến là những người đánh trống khẩu, trống hồ và dân làng lũ lượt nối theo.
Đến đình Đông Chấn đoàn rước kiệu dừng lại, chờ tại đó đến sáng ngày mồng bảy, đoàn rước trở lại Đền Nhà Bà. Sáng ngày mồng năm làng vào đình tế thần làng, đọc chúc văn và dâng hương, rượu rồi tế tạ và hóa văn chúc. Sau đó, đến ngày mồng sáu, sáng rước xôi ngũ sắc từ nhà chủ tế ra đình Đông Chấn cúng, đến chiều tế đình lần hai và tổ chức hát Xoan. Phường Xoan An Thái và trai làng hát suốt đêm. Mờ sáng hôm mồng bảy, dân làng lại rước kiệu chạy thật nhanh về Đền Nhà Bà. Tục đó bắt nguồn từ truyền thuyết kể lại rằng, trong lúc mang thai thái tử Lý Văn Tràng, công chúa Nguyệt Cư và mọi người mải đi đánh giặc. Sau khi thắng trận, đoàn chiến binh về qua làng An Thái rồi nghỉ chân tại đó và được dân làng chào đón bằng các điệu hát Xoan. Đêm đó, mải mê xem hát, công chúa Nguyệt Cư quên cả đau đẻ, đến lúc trở dạ công chúa mới vội truyền kiệu chạy nhanh về trang ấp ở Cao Mại. Sau đó công chúa sinh hạ được chàng trai khôi ngô tuấn tú, tức là thái tử Lý Văn Tràng.
Vì thế, theo tục truyền, sau này mới có lệ hát Xoan cửa đình của phường Xoan tại đình Đông Chấn đêm mồng sáu tháng Giêng và sáng mồng bảy phải rước kiệu chạy nhanh về Đền Nhà Bà để công chúa kịp sinh hạ
phát triển và lan rộng ra các vùng xung quanh. Trong đó, tiêu biểu là phường Xoan làng Đức Bác hát đối đáp với phường Xoan Phù Đức, hai phường Xoan này kết nghĩa anh em, theo trật tự phong tục thì phường Xoan Phù Đức là em, còn phường Xoan Bác Đức là anh. Theo tục lệ, chiều mồng một tháng hai âm lịch, nam thanh nữ tú cùng dân làng Đức Bác đi rước vật cúng ở đền thánh Ông và thánh Bà về đình làng (còn gọi là đình hội đồng). Trong khi đó, một tốp nam thanh niên 12 người và mấy vị trung niên mặc lễ phục ra đứng ở bến sông đợi phường Xoan Phù Đức tới. Sau khi gặp nhau hai bên chúc tụng vui vẻ. Các thanh niên Đức Bác đem những chiếc trống nhỏ khoác lên vai các cô đào Xoan làng mình rồi hai bên cùng đối đáp điệu trống quân mở màn cho các làn điệu hát Xoan giữa hai làng đối đáp nam nữ thâu đêm suốt sáng.
Ngoài cuộc hát Xoan cửa đình trên đây mang ý nghĩa mở màn cho lễ hội hát xoan vùng Lâm Thao, ở đây còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, thi vật, chơi cờ người... Đặc biệt, trong các ngày mồng ba đến mồng bảy tháng Giêng, nhân dân vùng này còn tổ chức hội làng vào ngày mồng ba, mừng công chúa Nguyệt Cư sinh hoàng tử bằng các loại bánh chay nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng và bánh dày... đặt trên mâm rước, có lọng che được dân làng rước từ nhà chủ tế ra đến Đền Nhà Bà cùng tiếng hò reo vui vẻ của dân làng.
Qua đó, có thể nói, từ thời xa xưa sinh hoạt cộng đồng của người Việt ở Lâm Thao đã trở thành truyền thống với những thuần phong, mỹ tục độc đáo mang nét đặc trưng tộc người. Trong đó, nổi bật lên là tính cố kết cộng đồng thông qua phong tục, tập quán thuần phác, chân chất của người nông dân châu thổ Bắc Bộ.
Điều kiện tự nhiên, xã hội đó đã tạo cơ sở hình thành và phát triển những nghi lễ trong lễ hội của người Việt ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nói riêng, châu thổ Bắc Bộ nói chung.