Miêu tả ngoại hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn bảo ninh (Trang 58 - 61)

6. Cấu trúc luận văn

2.1. Nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh

2.1.3.2. Miêu tả ngoại hình

Trong khi xây dựng nhân vật, Bảo Ninh cũng đặc biệt chú ý đến việc miêu tả ngoại hình nhân vật. Nhà văn cũng thể hiện tính cách nhân vật thông qua ngoại hình. Ngoại hình nhân vật cũng là một cách để nhà văn thể hiện dụng ý nghệ thuật của mình, nó thể hiện quan niệm, thái độ của nhà văn. Thông qua ngoại hình mà tâm hồn, tính cách nhân vật được thể hiện. Và trong truyện ngắn Bảo Ninh, ngoại hình nhân vật nhiều khi là cách để nhà văn dự báo về số phận của nhân vật.

Chỉ thông qua một vài nét phác thảo, một vài câu miêu tả mà chân dung nhân vật được hiện lên. Nhân vật những người lính của Bảo Ninh khi tham gia trận mạc còn rất trẻ, dù là lính của địch hay ta thì "tất cả những người lính đều còn rất trẻ, sáng láng, tươi tắn và còn đầy sức vóc, mạnh mẽ, rắn rỏi, xạm màu nắng gió. Nhưng tất cả cũng đều gầy guộc, hốc hác, hằn nét kham khổ, trĩu nặng cực nhọc"[40,147]. Họ là những người trẻ tuổi, hầu hết là học sinh trung học, những sinh viên tham gia kháng chiến. Họ là những người lính cùng một lứa tuổi, cùng ăn, cùng sống và chiến đấu trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, họ dễ dàng cảm thông, chia sẻ cho nhau, và cả hy sinh vì nhau.

Nhân vật của Bảo Ninh có những nhân vật mang hình hài xấu xí do bẩm sinh, cũng có những nhân vật mang hình hài xấu xí do tác động của cuộc sống tạo nên. Với việc miêu tả những nét tiêu biểu về ngoại hình, Bảo Ninh đã đem đến cho người đọc cái nhìn khái quát và bước đầu hình dung về tính cách nhân vật. Ngoại hình nhân vật phần nào nói lên hoàn cảnh sống cũng như môi trường hình thành nên tính cách của nhân vật.

Nhân vật Mộc trong Trại bảy chú lùn có vẻ ngoài thô kệch: "Vóc người anh to ngang, bè ra. Vai rộng lạ lùng, lưng gấu, hơi còng còng. Da dẻ dường như dày cộp, màu rỉ sắt, nom khô và ráp. Tay chân ngắn nhưng rất khỏe, không cuồn cuộn bắp thịt mà to xù xụ. Còn khuôn mặt thì... thú thực, hiếm khi tôi thấy một bộ mặt trông thô như thế"[40,118]. Mộc có dáng người thô kệch của con người lam lũ, vẻ ngoài của một con người phải lao động thường xuyên trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Vẻ ngoài ấy thể hiện tính cách của một con người rất ít khi bộc lộ tình cảm ra bên ngoài. Nhân vật ông lão trong La mác - xây - e thì có khuôn mặt thật đáng sợ: "Hai con mắt lão thụt sâu trong hai hốc xương"; "cái miệng đen ngòm, chắc chắn là còn rất ít răng"; "Cổ họng ông lão chằng chịt gân tím gân xanh. Yết hầu chạy giật cục"[40,46]. Miêu tả vẻ ngoài đáng sợ của nhân vật như vậy, Bảo Ninh nhằm làm nổi bật sự đối lập và thay đổi của một con người dưới sự tác động của hoàn cảnh sống. Ông lão đáng sợ ấy, có hình dáng của một bóng ma ấy có ai ngờ rằng đã từng là một con người hoàn toàn khác bây giờ, có một thời là một viên chức lưu dung. Xem hình dung của ông lão qua hồi tưởng của nhân vật tôi: "Tuổi về hưu của một ông lưu dung chỉ ngoài năm lăm song ngay cả cái tuổi đó ông cũng có vẻ còn lâu mới già tới. Ở ông luôn toát lên một vẻ sung mãn hồn hậu, một sự hài lòng kín đáo và một sự cao sang mực thước. Dáng dấp của ông thong thả khoan thai với phần nào trịnh trọng"[40,49]. Cùng một con người mà có sự đối lập hoàn toàn, có lẽ chỉ có cái nghiêng mình lịch thiệp khi chào của ông lão là vẫn còn. Thời đại mới đã đến, ngày vinh quang đã tới. Thời của ông lão đã hết, bây giờ là thời đại của những người như con trai ông, còn ông chỉ là một "lão điên", một kẻ lạc thời không còn có thể hòa nhập với thời đại mới.

Thông qua ngoại hình nhân vật, nhà văn phần nào thể hiện những dự báo về số phận của nhân vật. Xuất hiện nhiều trong những truyện ngắn của Bảo Ninh là hình ảnh những người phụ nữ. Hầu như những nhân vật phụ nữ

của Bảo Ninh đều đẹp. Có những vẻ đẹp bẩm sinh từ khi sinh ra đã báo trước tính cách, số phận cũng như cuộc đời của nhân vật. Vẻ đẹp của người phụ nữ được Bảo Ninh miêu tả nhiều khi mang những nét tương đồng, dường như là đang miêu tả về cùng một người. Trong truyện ngắn của ông, ta thường bắt gặp những người phụ nữ với vẻ đẹp hình thể. Người đọc có thể hình dung ra nhân vật một cách dễ dàng với những nét miêu tả đặc sắc, lột tả được chân dung nhân vật. Diệu Nương trong Gió dại hiện lên với một vẻ đẹp hoang dại, đầy quyến rũ, một vẻ đẹp như báo hiệu một số phận đa đoan, đầy tai ương: "Một thân hình thon thả, một dáng đi uyển chuyển. Suối tóc xõa trên lưng. Song đó có thể chỉ là hư ảnh của bài ca, một ảo giác lồng trong tiếng hát. Một bóng ma. Một bóng ma tha thướt và quyến rũ, mềm mại và sống động, nhưng có thể bỗng chốc tan biến trong huyền bí"[40,55].

Trong Tòa dinh thự, ngoại hình nhân vật còn được thể hiện qua những bức ảnh: "Dì tôi áo dài, vành nón nghiêng nghiêng, một cô gái Hà Thành là lượt, điều điệu, dạo xe đạp trên khúc đường vắng bên bờ hồ"[40,495]; và hình ảnh người dì trong ngày cưới: "Cô dâu bận áo cánh, tóc tết đuôi sam, bồng bó lay-ơn, mủm mỉm cười bẽn lẽn. Chú rể áo đại cán, hàm đại úy, vóc dáng cứng cỏi, gầy và cao, tóc húi thật ngắn thật gọn, quân dung tươi tỉnh nhưng mà nghiêm trang, không cười"[40,495]. Hình ảnh dượng Nguyễn hiện lên là một con người cương trực, thẳng thắn: "Luôn luôn ông tề chỉnh quân phục, bốn sao một vạch ve áo, và mỗi bước đi là lộp cộp giày đinh. Cương nghị, ít nói, mà đã nói thì từng lời một đều làm rắn thêm lên vẻ cương nghị tính lập trường"[40,496]. So sánh hình ảnh của người dì lúc trẻ, và hình ảnh của người dì khi già khiến người đọc không khỏi xót xa: "Dì tôi chưa già, thế nhưng đã là người già rồi, một bà má chiến khu, gầy tong teo, xanh mét, tóc hoa râm thưa rụng, khăn rằn, bộ đồ bà ba, dép lốp. Bàn tay dì khô khỏng, sần chai"[40,502]. Hoàn cảnh chiến tranh nơi núi rừng khiến người dì đã không

còn giữ được vẻ đẹp mà già trước tuổi.

Đằng sau ngoại hình nhân vật của Bảo Ninh luôn chứa đựng một tâm hồn, một đời sống nội tâm đầy bí ẩn. Nhân vật Tư trong Hữu khuynh được miêu tả: "Ít lời, ít chuyện, tuồng như không thể cạy răng. Vóc dáng lòng khòng, lênh khênh, xạm đen và sứt sẹo. Cánh tay phải bị xén cụt, ống tay áo vắt lên vai. Mặt dài, xương xẩu, nhưng hàm lại bạnh ra. Môi dày và nhợt. Con mắt trái che kín bằng một miếng vải đen, nhường hết cái nhìn cho con mắt còn lại. Tuy nhiên, trong sự xấu xí ấy ẩn nét duyên dáng âm thầm vẫn thường thấy ở những người đàn ông tốt bụng mà trầm mặc, khiến Tư thu hút được lòng cảm mến của mọi người"[40,212]. Nhân vật Vinh trong Hà Nội lúc không giờ có ngoại hình: "Anh Vinh mang một biệt danh rất dài là "Péc-sô-rin - người anh hùng thời đại", gọi tắt là Pét hay Pét "xồm", bởi đang trẻ măng thế mà đã rì rịt râu quai nón còn hai bắp tay thì lông lá như tây"; "Anh diện một áo da Tiệp, da thật hẳn hoi, quần nhung kẻ, giầy mõm ngóe, tóc hớt đẹp, chải rất mượt. Pét đẹp giai nhất phố. Vai rộng, đô con lại cao người, một dáng vóc rất chuẩn, lại mũi thanh, miệng rộng, lại râu quai nón."[40,541]. Mỗi nhân vật là một ngoại hình, một tâm hồn không ai giống ai. Thông qua việc miêu tả ngoại hình nhân vật Bảo Ninh đã tạo dựng cho nhân vật của mình những nét cá biệt, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình tượng nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn bảo ninh (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)