Khắc họa nhân vật qua ngôn ngữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn bảo ninh (Trang 61 - 64)

6. Cấu trúc luận văn

2.1. Nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh

2.1.3.3. Khắc họa nhân vật qua ngôn ngữ

Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên khi ta bắt đầu tiếp cận với tác phẩm. Ngôn ngữ cũng chính là yếu tố để nhà văn cụ thể những ý tưởng nghệ thuật của mình. Ngôn ngữ nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng trong việc làm bộc lộ tính cách nhân vật, tạo nên sự cá biệt, những sắc thái riêng trong tính cách nhân vật. Bảo Ninh đã rất thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ độc thoại như một thủ pháp nghệ thuật có hiệu quả trong việc xây dựng hình tượng nhân vật. Bảo Ninh không chỉ làm cho nhân vật của mình sống, hành

động mà còn suy nghĩ, trăn trở như chính con người thực. Ông đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật khám phá và thể hiện. Nhân vật của Bảo Ninh được khắc họa một cách rõ nét qua ngôn ngữ độc thoại.

Ngôn ngữ độc thoại được Bảo Ninh sử dụng với tần số cao và đạt được nhiều thành công trong việc khắc họa tính cách nhân vật. Với ngôn ngữ độc thoại nhà văn có thể thâm nhập vào sâu bên trong mọi ngóc ngách tâm hồn nhân vật, nắm bắt được các sự việc một cách đa dạng hơn. Qua những dòng độc thoại mà tính cách, suy nghĩ cũng như những tâm sự thầm kín của nhân vật được bộc lộ một cách chân thực nhất. Tính cách nhân vật thể hiện rõ trong những dòng độc thoại nội tâm, suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời và con người. Những dòng độc thoại nội tâm được diễn đạt bằng ngôn ngữ rất đỗi nhẹ nhàng và duyên dáng. Lối diễn đạt này làm cho thế giới nội tâm của nhân vật hiện ra tự nhiên hơn, không câu nệ vào ngôn từ hay cách diễn đạt của tác giả. Thông qua ngôn ngữ nội tâm những dằn vặt, mâu thuẫn trong nhân vật được diễn đạt một cách chân thực, nó như một cách để giải phóng tâm trạng. Ngôn ngữ nội tâm là thứ ngôn ngữ đầy xúc cảm và thấu hiểu, tạo nên chiều sâu trong tính cách nhân vật. Nhân vật Tư trong Hữu khuynh thường có những giấc mơ về người con gái anh yêu. Tư bề ngoài thì tỏ ra lạnh lùng, lãng quên nhưng thực chất chưa bao giờ Tư quên hình ảnh của Ngà, người con gái ấy vẫn thường đến trong những giấc mơ của anh, trong niềm nhớ thương: "Thời gian gần đây, trong những đêm dài, nơi góc cùng khuất nẻo nhất của giấc chiêm bao, anh thường xuyên thấy lại hình dáng của Ngà. Khuôn mặt trái xoan hiện ra trong bóng tối, vừa mờ nhạt, vừa rõ nét. Mái tóc dày tỏa xuống vai. Tư đưa tay. Anh vuốt nhẹ mái tóc ấy, gỡ ra. Cánh tay trần và đôi vai trắng ngà mềm dịu của người đàn bà vô hình đã mất hút còn run rẩy dưới tay anh. Những năm anh bị đày đọa trong tù, Ngà cũng thường đến với anh như thế, nhưng về sau không bao giờ nữa, đằng đẵng."[40,224-225]. Hay như nhân vật

Tâm trong Vô cùng xưa cũ: "hết sức giữ gìn một dáng vẻ nguội lạnh, hững hờ và xa cách"[40,12] với người bạn gái tên Loan, nhưng từ khi Loan nhập ngũ thì những gì vốn được giấu kín mà từ trước tới giờ nhân vật chưa bao giờ bộc lộ đã được bùng phát, thể hiện qua những giấc mơ của Tâm: "Nhưng từ ngày Loan đi bỗng dưng tình bạn chưa bao giờ có với Loan lại khiến Tâm chao đảo. Bỗng dưng anh trở thành đa cảm, và vô cớ mà tâm trí anh trùng hẳn xuống trong ủy mị. Thậm chí có đêm Tâm nằm mộng thấy Loan. Cô đến với anh vào quãng hai giờ sáng, thời gian thầm kín nhất của giấc ngủ, rồi cô biến mất khi đồng hồ đổ chuông báo thức. Một làn hương mơ hồ như là hương thơm từ giấc mơ cứ mãi vương vấn trên căn gác xép"[40,13]. Sử dụng ngôn ngữ độc thoại nhà văn đi sâu vào cả tiềm thức lẫn ý thức của nhân vật, lắng nghe nỗi lòng của nhân vật, câu chuyện cứ thế diễn ra một cách tự nhiên bởi nhân vật đã tự nói lên nỗi lòng mình mà không cần phải mượn lời người khác nói giùm.

Ngôn ngữ độc thoại trong truyện ngắn của Bảo Ninh tạo nên sức lôi cuốn đặc biệt cho những truyện ngắn của ông. Đó là thứ ngôn ngữ có sức chinh phục người đọc, tạo nên sự cảm thông, chia sẻ, giãi bày mà bình thường họ không dễ bộc lộ. Khoảng cách giữa nhân vật và người đọc dường như thu hẹp hơn. Bên cạnh đó, ngôn ngữ độc thoại giúp nhà văn có thể bày tỏ những tâm sự, những cảm nghĩ riêng của mình về cuộc đời và con người. Với ngôn ngữ độc thoại, Bảo Ninh đã tạo cho nhân vật của mình một thế giới riêng, một cuộc sống riêng. Thông qua ngôn ngữ độc thoại mà tính cách nhân vật, những trạng thái tâm lý, tình cảm của nhân vật được bộc lộ một cách chi tiết, đó chính là cách để nhà văn có thể đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, khám phá con người ở chiều sâu một cách chân thật và bản chất nhất. Trong cuộc sống thường nhật con người thường ẩn mình đi, tạo cho mình những vỏ bọc, những chiếc mặt nạ. Xây dựng nhân vật thông qua ngôn ngữ độc thoại chính là cách để đi sâu khám phá và thể hiện bản chất nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn bảo ninh (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)