Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn bảo ninh (Trang 98 - 100)

2.2.2.2 .Cốt truyện tâm lý

3.2. Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh

3.2.1. Khái niệm thời gian nghệ thuật

Trong tác phẩm tự sự, thời gian nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, góp phần tạo nên thế giới nghệ thuật của tác phẩm, bên cạnh đó thời gian nghệ thuật cũng góp phần thể hiện những cảm xúc, tư tưởng của nhà văn. D.X Likhatrốp nhận xét: “Thời gian với tư cách là sự kiện nghệ thuật. Chính việc nghiên cứu thời gian nghệ thuật có ý nghĩa lớn để hiểu bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật ngôn từ”[62,135]. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì: "Phạm trù thời gian nghệ thuật cung cấp một cơ sở để phân tích cấu trúc bên trong của hình tượng văn học, cũng như nghiên cứu loại hình các hiện tượng nghệ thuật trong lịch

sử"[15,323]. Trong Ngâm khúc quá trình hình thành phát triển và thi pháp thể loại, Ngô Văn Đức cho rằng: "Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình thức của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó"[13,219].

Thời gian nghệ thuật được thể hiện trong tác phẩm với độ dài, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều thời gian là hiện tại, quá khứ, tương lai. Trần Đình Sử trong Giáo trình Dẫn luận thi pháp học đưa ra định nghĩa: "Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai. Thời gian nghệ thuật do được sáng tạo ra nên mang tính chủ quan, gắn với thời gian tâm lý. Nó có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian thực tế. Nó có thể đảo ngược hay vượt tới tương lai. Nó có thể dừng lại. Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tác của tác giả bằng các phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người thưởng thức cảm nhận được: hoặc hồi hộp đợi chờ, hoặc thanh thản vô tư, hoặc đắm chìm vào quá khứ"[50,57].

Thời gian nghệ thuật mang tính chủ quan, nó thể hiện quan niệm, tư tưởng của nhà văn. Trần Đình Sử viết: “Thời gian nghệ thuật là một biểu tượng, một tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người"[50,57]. Thời gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, nó cũng là một hình tượng nghệ thuật kiến tạo nên thế giới nghệ thuật của mỗi nhà văn. Thời gian nghệ thuật được tạo dựng theo chủ ý của tác giả, nên mang tính tự do, chủ quan: "Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật (...) thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình

tượng nghệ thuật. Khi nào ngòi bút nghệ sĩ chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian trôi nhanh, khi nào dừng lại miêu tả chi tiết thì thời gian chậm lại" [15,322]. Tùy từng thời kì lịch sử và giai đoạn khác nhau mà mỗi tác giả có những quan niệm và cách cảm thụ thời gian khác nhau. Bên cạnh đó, "Gắn với phương thức, phương tiện thể hiện, mỗi thể loại văn học có kiểu thời gian nghệ thuật riêng."[15,323].

Thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của tự sự học. Việc tổ chức thời gian tự sự trong tác phẩm sẽ chi phối rất nhiều đến nghệ thuật tự sự của tác phẩm. Trong văn học hiện đại, các nhà văn đã có rất nhiều thể nghiệm trong việc tổ chức thời gian tự sự tạo nên sự đa thanh, phức điệu cho tác phẩm, đồng thời tạo được sự cuốn hút nơi người đọc.

3.2.2. Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn bảo ninh (Trang 98 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)