1.1 .Các khái niệm về du lịch
1.2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch
1.2.2.1. Vị trí địa lý
Mỗi tài nguyên du lịch được phân bố trên các vùng lãnh thổ nhất định, tạo nên nét đặc trưng cho vùng đất, con người nơi ấy. Nếu tài nguyên du lịch nằm ở những nơi thuận lợi về giao thông, dễ khám phá, gần các trung tâm du lịch lớn… thì tài nguyên ấy sẽ được khai thác có hiệu quả các giá trị của nó. Đối với những du khách có quỹ thời gian hạn chế, thì việc lựa chọn điểm đến, ngoài sự hấp dẫn của tài nguyên du lịch, thì yếu tố quyết định là vị trí điểm đến phải tiện lợi. Vì vậy, vị trí địa lý có vai trò rất quan trọng đối với phát triển du lịch.
Từ việc phân bố tài nguyên du lịch ở những địa bàn khác nhau, sẽ tạo ra nhiều loại hình du lịch như: Du lịch biển đảo gắn liền với biển, nghỉ dưỡng, các môn thể thao biển…; du lịch núi gắn liền với các khu vực có địa hình cao, thuận lợi cho các môn thể thao mạo hiểm, nghỉ mát, treking…; du lịch đô thị với các điểm đến thường là các thành phố, trung tâm kinh tế…
1.2.2.2. Tài nguyên du lịch
Tài nguyên du lịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển du lịch. Tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản để tạo thành sản phẩm du lịch. Số lượng, chất lượng, sự phân bố của các dạng tài nguyên du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô, số lượng, chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động du lịch. Tài nguyên du lịch là cơ sở quan trọng để phát triển các loại hình du lịch. Mặt khác, vì tài nguyên du lịch không bị suy giảm trong quá trình khai thác và nguồn tài nguyên này có thể được sử dụng với số lần không hạn chế, nếu như chúng được bảo vệ và tôn tạo… nên tài nguyên du lịch còn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để tổ chức lãnh thổ du lịch, là cơ sở để tạo nên vùng du lịch.
Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005): “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch”.
Theo sách Địa lý Du lịch Việt Nam [Nguyễn Minh Tuệ, tr.31], các tác giả đã đưa ra định nghĩa: “Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên, văn hóa – lịch sử cùng các thành phần của chúng có sức hấp dẫn với du khách; đã, đang và sẽ được khai thác, cũng như bảo vệ nhằm đáp ứng nhu cầu của du lịch một cách hiệu quả và bền vững”.
Từ những khái niệm trên, có thể thấy tài nguyên du lịch được phân thành 2 nhóm gồm: Tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn đang được khai thác và chưa được khai thác. Tài nguyên du lịch có thể thuộc sở hữu nhà nước hoặc sở hữu của tổ chức, cá nhân.
- Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thuỷ văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.
- Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.
Tài nguyên du lịch chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong tiêu dùng của khách du lịch. Việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống các công trình. Tài nguyên du lịch ảnh hưởng tới công suất, thể loại, thứ hạng của hầu hết các thành phần cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Khả năng tiếp nhận của tài nguyên du lịch là cơ sở xây dựng công suất các công trình phục vụ du lịch. Sức hấp dẫn của chúng có ảnh hưởng đến thứ hạng của các cơ sở này. Sự kết hợp hài hoà giữa tài nguyên du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch giúp cho cơ sở phục vụ du lịch có hiệu quả, kéo dài thời gian sử dụng chúng trong năm. Vị trí của tài nguyên du lịch là căn cứ để bố trí hợp lý cơ sở vật chất kỹ thuật trên các vùng lãnh thổ của đất nước và là tiền đề cơ bản để hình thành các trung tâm du lịch. Sự phụ thuộc của cơ sở vật chất kỹ thuật vào tài nguyên du lịch không chỉ diễn ra theo một chiều, mà về phía mình các công trình, cơ sở phục vụ du lịch cũng có tác động nhất định tới mức độ sử dụng tài nguyên du lịch và việc gìn giữ bảo vệ chúng.
1.2.2.3. Cơ sở hạ tầng
a. Mạng lưới và phương tiện giao thông vận tải là những nhân tố quan trọng hàng đầu: Du lịch gắn với việc di chuyển con người trên phạm vi nhất định. Điều này phụ thuộc chặt chẽ vào giao thông vận tải. Một đối tượng có thể có sức hấp dẫn đối với du lịch nhưng vẫn không thể khai thác được nếu thiếu yếu tố giao thông vận tải. Thông qua mạng lưới giao thông thuận tiện, nhanh chóng du lịch mới trở thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội. Mỗi loại giao thông có những đặc trưng riêng biệt. Giao thông bằng ô tô tạo điều kiện cho khách dễ dàng đi theo lộ trình lựa chọn. Giao thông đường sắt rẻ tiền nhưng chỉ đi theo những tuyến cố định. Giao thông đường hàng không rất nhanh, rút ngắn thời gian đi lại nhưng đắt tiền. Giao thông đường thuỷ tuy chậm nhưng có thể kết hợp với việc tham quan giải trí… dọc theo sông hoặc ven biển. Giao thông là một bộ phận của cơ sở hạ tầng kinh tế, tuy nhiên hiện nay đã có một số phương tiện giao thông được sản xuất với mục đích chủ yếu phục vụ du lịch. Nhìn chung, mạng lưới giao thông vận tải trên thế giới và từng quốc gia không ngừng được hoàn thiện. Điều đó đã giảm bớt thời gian đi lại, tăng thời gian nghỉ ngơi và du lịch.
b. Thông tin liên lạc là một bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch:Là điều kiện cần để đảm bảo giao lưu cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong hoạt động du lịch, nếu mạng lưới giao thông và phương tiện giao thông vận tải phục vụ cho việc đi lại của con người thì thông tin liên lạc đảm nhiện việc vận chuyển các tin tức một cách nhanh chóng và kịp thời, góp phần thực hiện mối giao lưu giữa các vùng trong phạm vi cả nước và quốc tế. Trong đời sống hiện đại nói chung, cũng như ngành du lịch không thể thiếu được các phương tiện thông tin liên lạc.
c. Các công trình cung cấp điện, nước: Khách du lịch là những người rời khỏi nơi cư trú thường xuyên… Khi rời khỏi nơi cư trú thường xuyên đến một địa điểm khác, ngoài các nhu cầu về ăn, uống, ở, đi lại… du khách còn có nhu cầu đảm bảo về điện, nước để cho quá trình sinh hoạt được diễn ra bình thường. Cho nên yếu tố điện, nước cũng là một trong những nhân tố quan trọng phục vụ trực tiếp việc nghỉ ngơi giải trí của khách.
1.2.2.4. Các yếu tố khác a. Dân số
Dân số là tập hợp của những con người đang sống ở một vùng địa lý hoặc một không gian nhất định, là nguồn lao động quý báu cho sự phát triển kinh tế - xã hội,
thường được đo bằng một cuộc điều tra dân số và biểu hiện bằng một tháp dân số. Dân số của một quốc gia nhiều hay ít cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đối với một nền kinh tế. Khi dân số nhiều, đồng nghĩa với việc đất nước đó sẽ có rất nhiều nhân công lao động và dễ dàng phát triển kinh tế khi đất nước đó có những chính sách phù hợp cho từng địa phương hay những cải cách đúng hướng cho kinh tế cũng như nguồn nhân lực quốc gia.
Dân số luôn đóng vai trò hai mặt trong sự phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như hoạt động du lịch nói riêng. Một mặt, dân số là nguồn cung cấp lao động cho xã hội, mà lao động là lực lượng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Mặt khác họ là người tiêu dùng sản phẩm do chính con người tạo ra, dân số và kinh tế là hai quá trình có tác động qua lại một cách mạnh mẽ và có quan hệ mật thiết với nhau.
Dân số và phát triển du lịch là những quá trình tác động lẫn nhau thể hiện ở những khía cạnh sau:
- Sự phát triển dân số tạo nên nguồn lực lao động nói chung và lao động trong lĩnh vực du lịch nói riêng – nhân tố quyết định của mọi quá trình phát triển. Nếu dân số quá thấp hạn chế sự phân công lao động xã hội. Thiếu nhân lực, mọi quá trình phát triển mất đi cả động lực và mục đích của nó. Dân số tăng nhanh sẽ hạn chế sự tích luỹ để tái sản xuất trong phạm vi từng gia đình cũng như phạm vi toàn xã hội. Khi quy mô mở rộng sản xuất thì cả quy mô cũng như vốn đầu tư cho một chỗ làm việc giảm đi. Hậu quả của quá trình này là năng suất lao động tăng chậm hoặc không tăng, thu nhập/người cũng như điều kiện sống và làm việc đều giảm.
- Dân số tăng nhanh gây nên ảnh hưởng xấu tới môi trường. Mật độ dân số cao dẫn đến thiếu đất canh tác, đẩy nhanh quá trình cạn kiệt các nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, thiếu quỹ đất, gây xung đột giữa khách du lịch và cư dân địa phương khi vượt quá ngưỡng sinh thái.
- Dân số tăng nhanh ảnh hưởng đến nhịp độ đô thị hoá và mức độ đáp ứng các nhu cầu khác của đời sống dân cư cũng trở nên khó khăn hơn.
b. An ninh chính trị, an toàn xã hội
Để du lịch không ngừng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh với các hoạt động du lịch cũng như các ngành kinh tế khác có ý nghĩa cực kì quan trọng. Sự bảo đảm vững chắc về
quốc phòng, an ninh tạo môi trường ổn định cho đất nước và khách tới tham quan.
c. Chính sách phát triển du lịch
Chính sách phát triển du lịch là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc phát triển du lịch. Nó có thể kìm hãm nếu đường lối sai với thực tế. Chính sách phát triển du lịch được thể hiện ở hai mặt: Thứ nhất là chính sách chung của Tổ chức du lịch thế giới đối với các nước thành viên; thứ hai là chính sách của cơ quan quyền lực tại địa phương, quốc gia đó. Mặt thứ hai có ý nghĩa quan trọng hơn cả vì nó huy động được sức người, căn cứ vào khả năng thực tế tại mỗi vùng, quốc gia đó để đưa ra chính sách phù hợp.
Chính sách phát triển du lịch của nước ta theo điều 6, Luật Du lịch Việt Nam (2005) như sau:
1. Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư phát triển du lịch để bảo đảm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
2. Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực sau đây:
a) Bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường du lịch; b) Tuyên truyền, quảng bá du lịch;
c) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch;
d) Nghiên cứu, đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới; đ) Hiện đại hoá hoạt động du lịch;
e) Xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch, nhập khẩu phương tiện cao cấp phục vụ cho việc vận chuyển khách du lịch, trang thiết bị chuyên dùng hiện đại cho cơ sở lưu trú du lịch hạng cao và khu du lịch quốc gia;
g) Phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm sử dụng lao động, hàng hoá và dịch vụ tại chỗ, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói, giảm nghèo.
3. Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác quy hoạch; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị du lịch, khu du lịch, điểm du lịch; hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường du lịch, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch.
4. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài ở Việt
Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch.
5. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư tham gia hoạt động du lịch, mở rộng giao lưu hợp tác giữa du lịch Việt Nam với du lịch khu vực và quốc tế.
6. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch từ nguồn đóng góp của các chủ thể hưởng lợi từ hoạt động du lịch, nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Chính phủ quy định cụ thể chính sách phát triển du lịch quy định tại Điều này. Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hoá địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường để tạo sự hấp dẫn du lịch.
2. Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hoá, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống; sản xuất hàng hoá của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.