Tiền công (nghìn đồng) Số người trả lời (người) Tỷ lệ %
Dưới 800 32 16%
Từ 800 - 1.000 137 68.5%
Trên 1.000 31 15.5%
Tổng 200 100%
Qua bảng trên cho ta thấy có 16% tiền công được trả dưới 800.000 đồng, còn 15.5% trên 1.000.000 đồng, trong khi đó có tới 68.5%. từ 800.000 - 1.000.000 đồng. Như vậy, hầu hết các cơ sở sản xuất trả tiền công từ 800.000 - 1.000.000 đồng. Đây là mức thu nhập khá cao so với các làng nghề khác ở khu vực nông thông, đặc biệt là so với lao động làm nông nghiệp thuần tuý.
Thu nhập cao sẽ có mức sống cao. So sánh mức sống giữa các hộ ngành nghề khác nhau sẽ thấy mức sống của những hộ làm nghề khảm trai mỹ nghệ cao hơn cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống là một trong những giải pháp góp phần nâng cao mức sống và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Thu nhập bình quân một tháng của các hộ gia đình làm nghề khảm trai mỹ nghệ ở đây là trên 1 triệu đồng/tháng. Từ thu nhập cao dẫn đến đời sống của những người dân Chuyên Mỹ trở nên sung túc hơn. Các hộ gia đình có tiện nghi sinh hoạt tương đối đầy đủ. Qua thống kê, đến đầu năm 2005 số hộ giàu và khá chiếm tỷ lệ 80%, hộ trung bình có tỷ lệ 18,52%, số hộ nghèo chỉ còn chiếm tỷ lệ 5.2%. Từ năm 2000 đến nay, nhìn vào cơ sở hạ tầng của Chuyên Mỹ thấy sự thay đổi rất nhanh. Năm 2000 chỉ có vài ngôi nhà 2 tầng, nhưng hiện nay Chuyên Mỹ có 100% nhà ngói và nhà tầng, trong đó hơn 40% số hộ có nhà hai, ba tầng; gần 100% số gia đình sắm được phương tiện nghe nhìn, 80% số hộ trong xã có xe máy. Quan sát và so sánh cuộc sống của người dân hiện nay với trước kia mới thấy Chuyên Mỹ giầu lên khá nhanh. Trên 70% số hộ làm nghề đã có điện thoại cố định, điện thoại di động cũng có gần 1000 chiếc; 20% số hộ trong xã có máy vi tính, nhiều máy nối mạng internet.
Phát triển làng nghề truyền thống không những đem lại việc làm cho người lao động mà còn trực tiếp hay gián tiếp góp phần vào giải quyết nhiều vấn đề xã hội, giảm tệ nạn xã hội, tăng tính gắn kết cộng đồng. Những kết quả khảo sát cho thấy ý kiến nhận xét chung của người dân Chuyên Mỹ là phát triển làng nghề truyền thống giảm tệ nạn xã hội, tăng tính gắn kết cộng đồng.
Khi hỏi về vấn đề này, nam, 46 tuổi, Chuyên Mỹ cho biết: “Như anh thấy đấy, kinh tế - xã hội phát triển kéo theo nhiều vấn đề tệ nạn khác như: cờ bạc, rượu chè, mại dâm, ma tuý... nhưng ở địa phương này hầu như không có hoặc rất ít tệ nạn xã hội, là một địa bàn giáp Hà Nội là những đô thị lớn nhưng người dân ở đây chấp hành tương đối tốt mọi chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, không loại trừ một số trường hợp lười lao động, thích ăn chơi đua đòi... hơn nữa mọi người dân
ở đây đều làm nghề từ sáng đến tối thì lấy đâu thời gian để chơi, nếu công việc không có thì thường nảy sinh nhiều vấn đề khác như người ta thường có câu “nhàn cư vi bất thiện”.
3.1.2. Tác động đến đời sống văn hóa - xã hội
Với đức tính cần cù, bàn tay khéo léo, tài hoa người thợ Chuyên Mỹ đã tạo ra những sản phẩm được xã hội ưa chuộng, trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cũng như giá trị thẩm mỹ cao. Nhờ đó, đời sống của người thợ được đảm bảo và dần dần trở nên sung túc, làm cơ sở cho đời sống văn hóa phát triển theo.
3.1.2.1. Dân cư
Đặc điểm nổi bật trong vấn đề biến đổi dân cư ở Chuyên Mỹ là việc di dân. Đây cũng chính là điểm đặc biệt khiến Chuyên Mỹ khác với những làng nghề khác. So sánh với một số làng nghề thủ công trên đất nước ta thì Chuyên Mỹ là làng có truyền thống di dân từ lâu đời. Mặc dù ngày nay, nghề khảm trai có thể nuôi sống người thợ khảm, nhưng nhiều người vẫn rời làng đi nơi khác kiếm sống một thời gian rồi lại quay trở về hoặc định cư hẳn ở nơi đó. Vậy nếu không có nghề khảm, người Chuyên Mỹ có thể đi làm ăn ở bên ngoài nhiều như thế được hay không? Có thể khẳng định chắc chắn là: không. Để có thể kiếm sống được ở bên ngoài làng, người đó phải có một nghề nghiệp vững chắc. Nhờ có nghề khảm mà người thợ Chuyên Mỹ có thể lên thủ đô hay các thành phố lớn khác và trụ lại được ở đó.
Lí do di cư của người Chuyên Mỹ trước kia là do không có đủ cơm ăn áo mặc nên người thợ thủ công phải đi xa để làm ăn, sinh sống. Giờ đây, tại quê hương của mình, họ cũng có thể sinh sống ổn định bằng nghề khảm trai ốc. Vậy tại sao người thợ khảm vẫn ra đi? Đó là do làm ăn ở nơi khác có thu nhập cao hơn. Hơn nữa, không phải lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm. Ở làng, có thể chỉ là một người thợ bình thường, còn ra đi, họ được chủ trọng dụng. Cũng có không ít người trở thành chủ kinh doanh sản phẩm khảm trai. Số lượng người di cư của thôn Ngọ là nhiều hơn cả: trong số 369 hộ gia đình thì đến nay có tới 100 hộ di cư vào Nam.
Không chỉ đến các vùng khác trong nước làm ăn mà người thợ khảm trai Chuyên Mỹ còn đi ra cả nước ngoài. Vào năm 1936 Pierre Gourou đã nhận xét rằng: “Thợ khảm xà cừ Bắc kỳ chắc hẳn có một sự nổi tiếng nào đó, và một số làm ăn ở Huế, Sài Gòn, Băng Cốc, Xingapo, Batavia” [26, 443]. Pierre Gourou khi nghiên cứu về công nghiệp làng xã đồng bằng châu thổ Bắc Kỳ đã xếp nghề khảm trai và sơn mài vào cùng một nhóm với công nghiệp gỗ, mà cụ thể là nghề mộc.
Điều này không phải là không có lý do vì theo như lệ làng Chuyên Mỹ Thượng “mỗi người phải vào kinh làm thợ mộc một năm thi được trừ tiền sưu dịch” [74, tr. 44]. Pierre Gourou nhận xét về lý do di cư của những người thợ mộc, thợ khảm: “Có một sự trùng hợp đáng chú ý giữa các vùng ngập nước, không làm được vụ mùa, với những vùng có nhiều thợ mộc: điều đó không có gì lạ, vì những người thợ đó làm việc ở ngoài làng của họ. Ở những nơi đó, trong nhiều tháng ròng công việc ruộng đồng không có, dân chúng buộc phải tìm một công việc có lợi. Như vậy, không kể những ngoại lệ không đáng kể, tất cả những người thợ mộc đó đều đi làm ở ngoài. Ta thấy có những người thợ khảm , thợ sơn mài ở cả ngoài Đông Dương thuộc Pháp, thậm chí sang cả Pari” [26, tr. 441].
Sau năm 1945, nạn đói vẫn còn đeo bám người dân Chuyên Mỹ nên việc di cư vẫn tiếp tục diễn ra. Năm 1955, Chuyên Mỹ là một trong hai xã nghèo nhất huyện. Vì thế nhân dân kéo đi làm ăn ở nơi khác khá đông - trên 200 người [2, tr.18].
Từ truyền thống đến hiện tại, người Chuyên Mỹ khi di dân là đến các thành phố lớn, những nơi có kinh tế phát triển, nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng, đặc biệt là Hà Nội. Ở Hà Nội, người Chuyên Mỹ còn lập nên phố Hàng Khay để sản xuất và kinh doanh hàng khảm của mình. Căn cứ vào các tư liệu còn lưu trữ được, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nhiều dân Chuyên Mỹ vì nghèo đói mà đi làm thuê ở các thành phố lớn [75, tr. 145; 74, tr. 1]. Hiện nay, số người Chuyên Mỹ sinh sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh là nhiều nhất so với các nơi khác. Điểm đáng chú ý trong việc di dân của Chuyên Mỹ là khi ra đi, họ thường sống tập trung thành nhóm, cụm để cùng nhau làm nghề, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Cho đến bây giờ, tại các thành phố đó vẫn tồn tại những cụm dân cư bao gồm toàn người Chuyên Mỹ. Ở Hà Nội có vài nhóm người thợ khảm trai Chuyên Mỹ sống trong một số địa bàn nhỏ như ngõ 381 Bạch Mai, phố Trần Cao Vân,... Trước đây thế hệ cha ông họ làm nghề khảm, nhưng nay do hoàn cảnh thay đổi nên con cháu không có mấy người làm nghề này nữa.
Theo báo cáo của UBND xã, hiện nay có khoảng 200 - 300 hộ, khoảng 500 - 700 khẩu đi làm ăn xa. Nhưng theo điều tra thực tế thì có tới gần 1000 người đi làm ăn xa. Họ đa số tuổi còn trẻ. Có những gia đình ở làng chỉ còn bố mẹ, ông bà và trẻ con, còn con cái khi đã trưởng thành đều đi làm việc ở nơi khác, thỉnh thoảng ngày Tết về thăm nhà một vài ngày rồi lại đi. Trong đó, có một số người khi đã kiếm được số tiền kha khá, đủ vốn để có thể hành nghề ở làng mình thì lại quay về làng,
làm nghề tại làng. Độ tuổi di dân hầu hết là dưới 40 tuổi, chủ yếu là thanh niên chưa kết hôn.
Thông thường họ làm thuê cho những người quen biết, hay do được người quen giới thiệu. Đầu tiên, người ta thường sống cùng với những người trong gia đình, họ hàng hay cùng làng đã đến trước. Một thời gian sau, sau khi đã có được công việc ổn định, họ mới tách riêng. Ở nơi mới, người Chuyên Mỹ đầu tiên thường làm nghề khảm, sau đó, có một số người chuyển sang làm kinh doanh, buôn bán vật liệu phục vụ cho nghề khảm trai, sơn mài như: buôn keo dán, vỏ trai ốc, hoặc lập ra các hợp tác xã để cùng nhau sản xuất và bán sản phẩm. Như vậy là ở nơi di cư đến, có người làm thợ nhưng cũng có người làm chủ cơ sở sản xuất hay kinh doanh.
Việc di cư của người Chuyên Mỹ có những tác động tích cực đối với nghề và làng nghề. Trước hết, điều này làm cho nghề khảm trai sơn mài của làng được phát triển rộng hơn ở các thành phố lớn. Các cơ sở sản xuất của người Chuyên Mỹ tại các thành phố lớn cũng là nơi tiếp nhận các thợ khảm từ làng mình ra làm ăn, sinh sống, tạo công ăn việc làm cho người thợ quê mình. Hơn nữa, vì có người cùng làng đang sinh sống ở các thành phố lớn nên việc buôn bán sản phẩm giữa làng với các nơi đó cũng trở nên thuận lợi hơn. Kết quả là người dân Chuyên Mỹ có thu nhập cao hơn, tạo ra công ăn việc làm cho người làng mình cũng như người nơi họ đến làm ăn.
3.1.2.2. Giáo dục
Cùng với sự phát triển kinh tế, giáo dục của làng nghề trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên, tính năng động, sáng tạo của người lao động được khơi dậy. Trước đây, người dân Chuyên Mỹ ít quan tâm đến việc học hành của con cái nhưng hiện nay khi cuộc sống đã khá giả, đây trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Những năm trước, người ta thường chỉ cho con học hết tiểu học, hay trung học cơ sở, sau đó phải ở nhà làm việc kiếm tiền. Còn giờ đây họ sẵn sàng cho con tiếp tục học lên cấp trung học, đại học. Nhưng nói chung, nghề thủ công thu hút được mọi lứa tuổi, có thể kiếm được tiền từ 12, 13 tuổi khiến nhiều gia đình không chú trọng lắm đến việc học hành của con cái. Nếu không học lên cao được, các em vẫn có thể làm việc giúp gia đình, kiếm được tiền nên không gặp nhiều khó khăn trong đời sống.
Nhờ có cuộc sống khá giả dẫn đến thay đổi trong cách suy nghĩ. Người Chuyên Mỹ chú trọng đến việc học văn hóa nhiều hơn trước. Chất lượng giảng dạy của giáo viên và kết quả học tập của học sinh không ngừng được nâng cao. Đến nay, toàn xã Chuyên Mỹ đã hoàn thành phổ cập chương trình tiểu học và trung học cơ sở. Các cấp học không ngừng được củng cố, phát triển toàn diện, số học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 99%, đứng thứ hai trong huyện. Cán bộ, giáo viên các cấp học đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chương trình cải cách giáo dục. Đội ngũ giáo viên dần dần được chuẩn hoá, chất lượng giáo dục được nâng lên, số học sinh đạt loại giỏi các cấp hàng năm đều tăng. Trong khóa học 2006-2007, ở hai cấp tiểu học và trung học cơ sở đã có 31 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, 52 học sinh giỏi cấp tỉnh, 196 học sinh giỏi cấp huyện. Số lượng học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp tăng lên từng năm. Từ 29 học sinh thi đỗ vào năm 2004, đến năm 2008 đã có tới 44 học sinh thi đỗ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ đối với một xã nghề như Chuyên Mỹ.