Số người được thuê Số người trả lời %
Từ 1 đến 3 35 17.5%
Từ 3 đến 5 65 32.5%
Từ 5 đến 7 16 8%
Trên 7 người 14 7%
Nguồn: Khảo sát tại xã Chuyên Mỹ 2008
Số liệu bảng trên cho thấy hầu hết các cơ sở làm nghề thủ công đều thuê lao động ngoài số lao động có trong gia đình, chứng tỏ rằng lao động trong gia đình không đủ để đáp ứng số lượng công việc. Các cơ sở sản xuất đều phải thuê thêm người vào làm. Số lao động được thuê làm việc tại các cơ sở thường là từ 3 đến 5 người, chiếm 32,5%. Số cơ sở sản xuất thuê từ 7 người trở lên chỉ chiếm 7%. Như vậy, các cơ sở sản xuất ở Chuyên Mỹ chủ yếu là cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Nghề này không chỉ cung cấp việc làm cho những lao động ở địa phương mà còn thu hút rất nhiều lao động, những thợ trẻ từ nơi khác đến. Theo ông Chủ tịch Hội làng nghề cho biết: “những người thợ đến đây học và làm nghề họ ở từ khắp nơi như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hoá...” Ở đây thường xuyên có từ 600 đến 800 lao động từ địa phương khác đến học nghề và làm thuê, có lao động lưu trú qua đêm, có lao động đi về trong ngày. Vài năm gần đây, do nhà xưởng chật hẹp nên nhiều cơ sở sản xuất không thuê thợ đến làm tại nhà mà chỉ giao việc và hẹn ngày phải trả hàng. Cách làm mới này khiến người thợ được thuê cảm thấy tự do thoải mái mà chủ cơ sở sản xuất cũng đỡ vất vả lo cơm nước, sinh hoạt. Hơn nữa, điều này còn thể hiện trình độ chuyên môn của người thợ cao hơn trước, người chủ không cần phải luôn luôn kiểm tra chi tiết sản phẩm nữa. Nghề truyền thống không những chỉ tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương mà còn giải quyết việc làm đem lại thu nhập ổn định cho một số không nhỏ những lao động ở các vùng lân cận, đồng thời quảng bá và nhân nghề ra diện rộng hơn. Giới tính của những lao động từ địa phương khác chủ yếu là nam, họ đến có thể là để học nghề, khi đã thành thợ có thể tách ra làm độc lập, có lao động học xong ở lại làm cùng gia đình chủ. Đặc biệt học nghề ở đây thường không mất học phí, nếu học
xong ở lại làm cho chủ thì có thể được tạo điều kiện về ăn, ở, sinh hoạt... và thậm chí còn được hưởng thêm tiền công phụ làm.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ngành nghề nông thôn thì thực trạng về trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của lao động trong các doanh nghiệp ngành nghề cũng như trong các hộ ngành nghề ở nông thôn hiện nay còn thấp so với các hộ ở thành thị. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật kém từ 1,7 đến 3,3 lần, tỷ lệ có trình độ trung học chuyên nghiệp kém từ 2.4 đến 5 lần. Kết quả điều tra vào tháng 7 năm 2006 của xã Chuyên Mỹ cho chúng ta thấy trình độ học vấn của lao động cũng không cao. Số lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên so với tổng số lao động chỉ chiếm 1,1%, trình độ sơ cấp và trung cấp chuyên nghiệp chiếm 4,7%, còn lại là những lao động chưa qua trường lớp đào tạo chuyên môn nào cả [79, tr. 4]. Nhưng tất cả các lao động ở Chuyên Mỹ đều đã trải qua thời gian học việc ở ngay trong gia đình mình hoặc ở nhà các nghệ nhân hay ở các cơ sở khảm trai trong xã. Do đó trình độ trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề của những người thợ khá điêu luyện và tinh xảo. Trình độ học vấn không cao là một trong những yếu tố trực tiếp cản trở sự phát triển của ngành nghề truyền thống cũng như khả năng tiếp nhận có hiệu quả các hỗ trợ đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Qua khảo sát và phỏng vấn những người thợ khảm, sơn mài, chúng tôi nhận thấy yếu tố kinh nghiệm và công nghệ thủ công cổ truyền hiện nay vẫn chiếm ưu thế. Đây là đặc điểm quan trọng phản ánh tính chất sản xuất thủ công, yếu tố cần tri thức để áp dụng và sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất là chưa đáng kể.
3.1.1.7. Thu nhập và mức sống
Qua một số đề tài nghiên cứu về thu nhập, mức sống ở các làng nghề đồng bằng sông Hồng nói chung và Hà Tây (cũ) nói riêng thường cao hơn các làng thuần nông. Qua số liệu thống kê của UBND xã Chuyên Mỹ và qua khảo sát thực tế cho thấy: thu nhập từ nghề thủ công trong các hộ gia đình khá cao. Những gia đình có quy mô sản xuất càng lớn thì thu nhập càng cao. Ngược lại, những hộ thuần nông có thu nhập và mức sống thấp hơn. Năm 2005 thu nhập bình quân của hộ thuần nông là 12 triệu đồng/năm, của hộ chuyên hoặc kiêm làm thủ công nghiệp là 28-30 triệu đồng/năm, của hộ chuyên kinh doanh - dịch vụ là 27-30 triệu/năm. Như vậy thu nhập từ nghề thủ công gấp hơn 2 lần so với làm nghề nông.
Mức thu nhập của thợ khảm trai so với các ngành nghề khác không chỉ cao hơn mà còn tăng lên theo thời gian. Có thể thấy rõ điều này khi xem xét 10 năm trở
lại đây, từ năm 2000 đến năm 2008. Đây là khoảng thời gian đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của các loại nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Bảng 3.4. Thu nhập bình quân của lao động nghề khảm, sơn mài
Năm Thu nhập bình quân tháng của thợ cá thể Thu nhập bình quân tháng của thợ xã viên HTX. 2001 750.000 - 800.000 600.000 - 650.000 2002 800.000 - 850.000 650.000 - 700.000 2005 800.000 - 1.200.000 700.000- 1.000.000 2008 1.000.000 - 1.500.000 900.000 - 1.300.000
Nguồn: Báo cáo kinh tế xã hội của xã Chuyên Mỹ năm 2001, 2002, 2005, 2008
Về vấn đề này, một thợ thủ công có tay nghề giỏi ở đây cho biết: “Nếu ngày nào làm nhiều thì được 80 - 90 ngàn đồng, còn nếu làm ít cũng được 50 - 60 ngàn đồng, tính ra bình quân một ngày được khoảng 75 ngàn. Đây mới chỉ làm công nghệ thủ công truyền thống và chưa thuê thêm thợ làm, nếu có phương tiện kỹ thuật, máy móc và thuê thêm nhân lực thì chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn. Nhưng không làm hết được cả tháng, một tháng chỉ làm được 20 ngày công” Trích phỏng vấn sâu: Nam, 29 tuổi, xã Chuyên Mỹ.
Ngoài ra nghề khảm trai mỹ nghệ còn thu hút lao động mùa vụ nông nhàn và lực lượng lao động phụ (người già, trẻ em, học sinh) tham gia. Do sản xuất - kinh doanh ở quy mô hộ là chủ yếu và địa điểm ngay tại nhà, nên các cơ sở sản xuất kinh doanh trong xã thường tận dụng được lao động phụ giúp.
Trong mỗi hộ sản xuất, cơ sở sản xuất hầu như đều có lực lượng những người làm thuê. Theo kết quả điều tra cho thấy mỗi cơ sở sản xuất thường có từ 3 đến 7 người làm thuê. Dưới đây là bảng thể hiện thu nhập của thợ làm thuê.