Các điều kiện phát triển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái miệt vườn tỉnh bến tre (Trang 28 - 31)

6. Cấu trúc của luận văn

1.1. Cơ sở lí luận

1.1.3 Các điều kiện phát triển

Để phát triển DLSTMV tại một tỉnh, cần đảm bảo một số điểu kiện cơ bản bên cạnh một số điều kiện đặc thù liên quan như: tài nguyên du lịch, cộng đồng dân cư, khả năng cung ứng các dịch vụ du lịch, khả năng tiếp cận điểm đến, thị trường khách du lịch, liên kết các điểm du lịch tạo thành tuyến du lịch, chính sách phát triển du lịch và sự liên kết giữa địa phương với các doanh nghiệp du lịch,…

1.1.3.1. Tài nguyên du lịch

Hoạt động du lịch sinh thái miệt vườn được hình thành và phát triển gắn với các tài nguyên. Đây là điều kiện tiên quyết để tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách.

Cảnh quan: Cảnh quan thôn xóm gắn với thiên nhiên, bao gồm các yếu tố nhân văn như kiến trúc, kết cấu, các yếu tố đặc trưng của thôn xóm, cùng với các yếu tố tự nhiên sẵn có, các sản phẩm nội tại của hoạt động sản xuất, canh tác của người dân. Cảnh quan có thể được được biết tới là cảnh quan nông nghiệp, điển hình là miệt vườn, sông nước. Đây là những yếu tố thu hút khách du lịch.

Phong tục tập quán: bao gồm các lễ hội, phương thức và không gian sống, đặc điểm sinh hoạt tín ngưỡng hay văn hóa ẩm thực của vùng miệt vườn sông nước. Đối với nhóm tài nguyên này mang tính chất đặc trưng riêng của vùng miền và có giá trị thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch.

Hoạt động canh tác, thu hoạch: là cách thức canh tác, thu hái hay cách thức chăm sóc các vườn cây trái.

Các hoạt động này có giá trị trong việc tạo cho du khách có được sự trải nghiệm, thỏa mãn nhu cầu hiểu biết và tò mò của du khách trong quá trình tham gia vào hoạt động tại các làng quê.

1.1.3.2. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch

Cũng như việc phát triển các loại hình du lịch khác, hoạt động phát triển DLSTMV không thể thực hiện nếu không có cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất tiếp cận điểm đến. Đây là đặc điểm rất đặc trưng của du lịch khi sản phẩm du lịch được xây dựng và tiêu thụ tại chỗ. Điều này khác với hoạt động sản xuất kinh doanh khác khi sản phẩm thương mại có thể được sản xuất ở một nơi rồi vận chuyển đến thị trường tiêu thụ ở nơi khác. Chính vì thế, các yếu tố về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật (cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí…) cũng là những yếu tố quan trọng đối với phát triển du lịch.

1.1.3.3. Chính sách phát triển du lịch

Nhà nước, chính quyền địa phương có cơ chế chính sách hợp lý sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch và sự tham gia của cộng đồng. Nhà nước cần coi trọng vai trò của kinh tế du lịch trong sự phát triển kinh tế của đất nước, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ trương phát triển đa dạng loại hình du lịch, đầu tư theo chiều sâu các loại hình đó.

Có chủ trương chính sách hỗ trợ cho hoạt động DLSTMV như: hỗ trợ ngân sách cho các dự án bảo tồn thiên nhiên, văn hóa; cấp kinh phí đào tạo lao động du lịch cho địa phương.

Phát triển DLSTMV cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước về nhân lực, tài chính, kinh nghiệm phát triển du lịch dựa vào địa phương và các công ty lữ hành trong vấn đề tuyên truyền, quảng cáo thu hút khách du lịch đến tham quan.

1.1.3.4. Năng lực của cộng đồng địa phương

Du lịch sinh thái miệt vườn phải dựa vào một hệ thống quan điểm về tính bền vững và sự tham gia của địa phương, của cư dân nông thôn ở những nơi có tiềm

năng lớn về DLSTMV. DLSTMV phát triển phải có một nỗ lực kết hợp giữa nhân dân địa phương và những khách tham quan để duy trì những thế mạnh về sinh thái và văn hóa, thông qua sự hỗ trợ của cộng đồng địa phương. Giao quyền hạn cho những nhóm địa phương để họ kiểm soát và quản lý các tài nguyên có giá trị theo cách không chỉ sử dụng tài nguyên bền vững mà còn đáp ứng được các nhu cầu xã hội, văn hóa, kinh tế của họ.

Bến Tre là một trong những tỉnh nghèo của Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, do điều kiện đi lại khó khăn nên du lịch không thể phát triển được. Hiện nay, với hệ thống đường sá khá tốt, cầu Rạch Miễu đã được xây dựng xong, việc phát triển du lịch ở Bến Tre bắt đầu khởi sắc. Người ta đề cập nhiều đến loại hình du lịch sinh thái miệt vườn ở Bến Tre. Tuy nhiên, người dân thật sự tham gia nhiều nhất vào việc sản xuất và chế biến những sản phẩm từ nguyên liệu đặc trưng của tỉnh là dừa (cây dừa, trái dừa, lá dừa, gỗ dừa,…). Nếu không có sự tham gia của cộng đồng, các sản phẩm đặc trưng của Bến Tre sẽ khó vượt qua được rặng dừa nước để đến với những thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đưa sản phẩm về dừa tham gia cung ứng cho nhu cầu của du khách (như vật dụng hàng ngày hoặc hàng lưu niệm sau chuyến đi), Bến Tre đã bắt đầu có được thương hiệu du lịch riêng cho mình.

Một thực tế hiển nhiên là đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân phải dựa vào tài nguyên thiên nhiên thông qua các hoạt động như: chèo xuồng, bán đồ lưu niệm, quần áo, trái cây, dầu dừa...

Có thể nói, hoạt động DLSTMV đang bị tác động từ nhiều phía, nhất là cộng đồng người dân địa phương. Từ đó chúng ta phải xác định được việc phát triển DLSTMV phải gắn liền với việc phát triển sinh kế người dân địa phương và đề cao vai trò của người dân địa phương đến hiệu quả phát triển.

1.1.3.5. Thị trường

Thu hút khách du lịch theo các phân đoạn thị trường, chú trọng thị trường có khả năng chi trả. Phát triển mạnh thị trường nội địa, chú trong nguồn khách du lịch thuần túy, nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, vui chơi giải trí,…

Đối với thị trường khách quốc tế thì cần được xem xét khi xây dựng các sản phẩm du lịch, cần phải xác định chiến lược phát triển thị trường cụ thể nhằm thu hút các thị trường tương ứng. Dựa trên những nét đặc thù về tài nguyên du lịch, tâm lý và sở thích của các thị trường khách du lịch quốc tế,... có thể kết hợp và xây dựng một số sản phẩm du lịch tương ứng với đặc điểm về sở thích của một số thị trường cơ bản.

Bên cạnh đó việc thực hiện các mục tiêu quảng bá theo hướng chuyên nghiệp, nhằm vào thị trường mục tiêu lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch sinh thái miệt vườn và các thương hiệu doanh nghiêp, sản phẩm nổi bật.

1.1.3.6. Công tác xúc tiến, quảng bá

Chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý về du lịch cần có chính sách hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; có các chương trình xúc tiến, quảng bá giới thiệu điểm đến trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các ấn phẩm quảng bá điểm đến…

Chiến lược xúc tiến quảng bá DLSTMV phải được thực hiện ở quy mô toàn tỉnh, đồng thời đặt trọng tâm xây dựng thương hiệu, lấy chiến lược phát triển sản phẩm làm nội dung xây dựng chiến lược và kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch.

Chiến lược xúc tiến quảng bá DLSTMV cũng dựa trên quan điểm phát triển thị trường và sản phẩm, do đó cần tiếp cận theo phân đoạn thị trường và tập trung có tiêu điểm.

Đầu tư ứng dụng công nghệ cao cho hoạt động xúc tiến quảng bá: khai thác tối đa công nghệ thông tin, truyền thông và phối hợp tốt với các đối tác trong khu vực, trong nước và quốc tế trong xúc tiến quảng bá du lịch.

Hoạt động xúc tiến quảng bá DLSTMV cần huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện theo cách liên kết giữa các tỉnh trong khu vực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái miệt vườn tỉnh bến tre (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)