CHƢƠNG 2 : NỘI DUNG CỦA TÍNH LÝTIẾT YẾU
c. Phần tăng bổ của TLTY
Mục đích của phần tăng bổ của TLTY hiển nhiên là để bổ sung những nội dung mà phần chính văn “Bùi thị nguyên bản” không có hoặc được cho là không đầy đủ, nói cách khác nó là sự thể hiện cái nhìn khác cái nhìn của Bùi Huy Bích. Như đã nói ở trên từ phần tăng bổ này có thể thấy không phải một mà là hai cái nhìn với một vấn đề, đầu tiên chính là bản ý của tác giả phần tăng bổ thể hiện trong nội dung phần tăng bổ, mà chúng tôi nhận định là Nguyễn thám hoa Nguyễn Huy Oánh, thứ đến là cái nhìn của phía nhà in, chủ thể lựa chọn cách nhìn nhận vấn đề của Nguyễn Huy Oánh để bổ sung cho cách nhìn nhận vấn đề của Bùi Huy Bích. Nói cách khác, trên lý thuyết, cùng chung một vấn đề, xem chính văn có thể biết ý kiến chủ quan của Bùi Huy Bích, muốn biết Nguyễn thám hoa nhìn nhận một vấn đề đó như thế nào, chỉ cần xét riêng phần tăng bổ (tất nhiên là không thể toàn diện, bởi dù sao phần tăng bổ chỉ trích dẫn một bộ phận mà không phải là toàn bộ trước tác của Nguyễn thám hoa), muốn biết phía nhà in nhìn nhận ra sao thì cần xem cả chính văn và tăng bổ. Từ sự xuất hiện của phần tăng bổ tương ứng với chính văn, đồng thời đối sánh với TLĐT, có thể tổng kết phần tăng bổ trên đầu các trang có những mục đích sau:
- Bổ sung những mục phần chính văn không có (mà phía nhà in nhận định là nên có)
- Bổ sung thêm vào một số nội dung phần chính văn đã có (mà phía nhà in nhận định là nên thêm)
Về nội dung của những đoạn được tăng bổ thêm vào có thể phân loại như sau: - Những nội dung được Nguyễn thám hoa toản yếu từ sách TLĐT
- Những nội dung được Nguyễn thám hoa biên soạn, hoàn toàn không có trong sách TLĐT
Đối với phân loại vừa nêu, loại trên chiếm đa số, nội dung cũng đơn thuần là những đoạn tiết lược từ TLĐT, không có gì đặc biệt. Loại dưới tuy ít nhưng lại có phần đặc sắc, nếu không muốn nói là đã làm nên một bộ phận có giá trị quan trọng của TLTY, lưu dấu ấn Việt, phân biệt với các bản Tính lý đại toàn thư tiết yếu khác ví dụ như bản của nhà nho Triều Tiên - Kim Chính Quốc1, đó chính là các đề mục không hề có trong TLĐT cũng như “Bùi thị nguyên bản”, tức là các mục “Nam Việt Đinh triều nhị đế”, “Lý thị bát quân”, “Trần triều” được tăng bổ vào tương ứng với mục lớn “Lịch đại” trong phần chính văn. Ta có thể ước đoán khi Nguyễn thám hoa trước tác những nội dung này cũng như khi các nhà in đưa những mục này vào “Lịch đại” là có ý muốn khẳng định sự tồn tại của “Nam Việt” trong dòng lịch sử, chính thống hóa sự tồn tại đó cũng như đưa nó lên ngang hàng với các triều đại của Trung Quốc.
2.2.2 Ý nghĩa của TLTY
Tuy về vấn đề văn bản, TLTY đã có sự diễn biến để từ một đơn thể trở thành một phức hợp, không còn chỉ đơn thuần là “Bùi thị nguyên bản” thuần túy chứa đựng suy nghĩ chủ quan của riêng Bùi Huy Bích mà đã trở thành một hợp thể của “Bùi thị nguyên bản” và “Nguyễn thám hoa quan chính bản”, chứa đựng cả ý đồ của các nhà in khi gộp chúng với nhau, nhưng dù nói thế nào đi chăng nữa “Bùi thị nguyên bản” trong phức hợp đó vẫn là chủ lưu, là bản nền. Bản khắc in TLTY đầu tiên của Thịnh Văn Đường năm Thiệu Trị 2, tức bản sớm nhất trong các bản được xét tới ở luận văn này, vốn chỉ có “Bùi thị nguyên bản” mà không hề có bất cứ tăng bổ nào. Như vậy nếu muốn xem xét ý nghĩa của việc tạo thành TLTY có lẽ nên xem xét theo hai tầng: Dụng ý của Bùi Huy Bích khi thực hiện TLTY và ý đồ của các nhà in khi đưa thêm phần tăng bổ, kết hợp “Bùi thị nguyên bản” với “Nguyễn thám hoa quan chính bản”.
1Kim Jeong-guk 金正國 (1485-1541), tự Quốc Bật 國弼, hiệu Tư Trai 思齋,là học giả, quan viên dưới thời vua Trung Tông (Jungjong) của Triều Tiên (Joseon). Kim Chính Quốc có biên soạn một bộ Tính lý đại toàn thư tiết yếu gồm 4 quyển, dạng thức tương tự như của Bùi Huy Bích, cũng là sự tiết lược của bộ TLĐT.