CHƯƠNG I : CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
3. Vận hành và phát triển bếp ăn Công đoàn
3.7. Quan tâm và hỗ trợ các đối tượng học sinh
Trường THPT Thanh Chương 3 tuyển sinh trên một địa bàn rộng, vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều học sinh mỗi ngày đến trường phải đi tới hơn 10 km. Trong số gần 400 học sinh cách trường trên 10 km đó, có nhiều em chọn giải pháp ở trọ nhưng cũng gần 100 em mang cơm trưa đến trường hoặc la cà quán xá ăn qua bữa.
Đặc biệt nhiều học sinh có hoàn cảnh quá khó khăn, không những không có tiền ăn trưa tại các quán ăn gần trường mà trong gói cơm các em mang đi cũng chẳng có gì đáng nói, nhất là các em đồng bào ít người từ xã Thanh Sơn (xã mới chuyển từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ huyện Tương Dương về tái định cư). Các em hàng ngày phải đựng cơm trong những chiếc bọc ni lông, có hôm cơm trắng nhuộm màu xanh, đỏ khiến ai nhìn thấy cũng xót xa. Ý tưởng nấu ăn trưa cho học sinh nghèo của trường cũng xuất phát từ ngày đó.
Hình ảnh chia sẻ cơm cho học trò
Khi mới về nhận công tác, thầy Hiệu trưởng Lê Văn Quyền xúc động và trăn trở khi cuối buổi học sáng thấy nhiều em học sinh ngồi vật vạ ở hành lang, gốc cây để ăn bữa trưa. Tiến lại hỏi thăm một học sinh thì em này tâm sự, sáng nay nhà hết gạo nên không nấu cơm mang đi, em mang tạm mấy củ khoai đến trường làm bữa trưa. Một số em thì mang mì tôm đến để xin nước pha. Có những em may mắn hơn là được ăn cơm, nhưng phần lớn là cơm với muối trắng và ớt, khá hơn thì có miếng đậu khuôn, trứng kho. Vào những ngày học phụ đạo hoặc tăng tiết buổi chiều, có em phải nhịn đói ở lại trường vì nhà xa lại không có tiền để ăn cơm.
33 Hơn một năm trước, bữa cơm đầu tiên của bếp ăn Công đoàn được cung cấp cho các em học sinh khó khăn trong trường. Hàng tuần, sẽ có sáu bữa cơm trưa, trong đó trung bình mỗi bữa sẽ phục vụ cho gần 70 học sinh và 10 giáo viên. Số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ bữa cơm trưa miễn phí tại trường năm học 2021-2022 tăng so với năm trước, nhưng bếp ăn vẫn đủ khả năng phục vụ.
Tất cả vì học sinh thân yêu
Có nhiều bữa trưa, số lượng học sinh tham gia ăn cơm nhiều, để kịp thời gian thì các thầy cô đã tham gia hỗ trợ nấu ăn, phục vụ cùng với nhân viên cấp dưỡng. Ngay cả các thầy cô trong Ban Giám hiệu nhà trường cũng tham gia chia cơm và khẩu phần ăn cho các em, bữa cơm của các em có cả món ăn tinh thần mà thầy cô đã dành trong đó.
Đặc biệt hơn, giữa mùa dịch, khi nhân viên cấp dưỡng bị nhiễm Covid, bốn tổ Công đoàn tham gia nấu ăn cho học sinh và giáo viên ở lại trưa. Tổ nào có nấu ăn là các thầy cô dậy từ sớm đi chợ, mua rau, thịt, cá... về chuẩn bị bữa ăn đủ chất cho học trò. Thậm chí, các thầy cô mua và chế biến thêm những món“sở trường” để các em có bữa cơm ngon hơn ngày thường, vừa có sức học tập và vừa có sức khỏe để phòng dịch. Tất cả được chọn lựa thực phẩm tươi sống và đảm bảo vệ sinh nên có chút vất vả. Tuy nhiên, đối với học trò, mỗi món ăn, bát cơm là cả tình thương, sự quan tâm nên các thầy cô hết sức cẩn thận về điều đó.
Để có nguồn kinh phí thực hiện suất cơm miễn phí, ngoài sự ủng hộ vật chất của thầy cô nhân viên nhà trường, các tổ chức trong nhà trường đều tặng các phiếu cơm cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay các em trong đội tuyển học sinh giỏi. Riêng năm học 2021-2022, có 300 lượt phiếu cơm đã được Đoàn trường trao tặng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay gia đình chính sách, học sinh dân tộc thiểu số.
Thông qua Zalo, Facebook, nhà trường kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người, để hỗ trợ các em học sinh nghèo được đến lớp. Ngoài ra, để việc nấu cơm cho các em ổn định hàng tuần, nhà trường còn kêu gọi các phụ huynh, tiểu thương và đặc biệt là cựu học sinh và mạnh thường quân trên địa bàn ủng hộ.
34