Cảng Hải Phòng trong thời gian từ năm 1945 đến năm 1954

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận chuyển và giao thương quốc tế của cảng hải phòng từ năm 1955 đến năm 1975 (Trang 29 - 33)

2. Cảng Hải Phòng trƣớc năm 1955

2.3. Cảng Hải Phòng trong thời gian từ năm 1945 đến năm 1954

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Chính quyền cách mạng vừa thành lập đã phải đương đầu với nhiều khó khăn dồn dập: thiên tai, nạn đói, giặc ngoại xâm... Ngày 22-9-1945, quân đội Tưởng mượn danh nghĩa đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật, đã ào ạt đổ bộ lên Hải Phòng. Một số tàu chiến của thực dân Pháp trước đây chạy trốn quân Nhật nay ngang nhiên hoạt động trở lại ở vùng bờ biển Việt Nam và đã chiếm đóng trái phép một số đảo vùng Đông Bắc như Cô Tô, Vạn Hoa.

Để đối phó với thù trong, giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân, Đảng đã chủ trương vũ trang toàn dân, phát triển quân đội cách mạng. Hàng trăm thủy thủ, công nhân được bổ sung vào lực lượng vũ trang “Đội thủy thủ Yết Kiêu” được thành lập để ngăn chặn các hoạt động của tàu Pháp trên vùng cửa biển Hải Phòng. Bộ tư lệnh chiến khu vùng Duyên Hải đã tổ chức “Ủy ban Hải quân Việt Nam” với số quân gần 200 người và được trang bị một số tàu nhỏ, tàu Bạch Đằng và 3 ca nô, có nhiệm vụ tuần tiễu bảo vệ cửa biển Hải Phòng và cảng Hải Phòng.

Đầu tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp cho chiếc thông báo hạm Crây-sắc tiến vào vùng biển Hòn Gai. Tàu Bạch Đằng và một số thủy thủ cùng trung đội “Ký Con” được lệnh truy kích. Được sự hỗ trợ của cư dân, các thuyền đánh cá, lực lượng vũ trang đã bắt sống tàu Pháp, cùng toàn bộ 20 sỹ quan, thủy thủ và vũ khí các loại. Việt Nam đã đổi tên tàu Crây-sắc thành tàu “Ký Con”. Đây là chiếc tàu lớn nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam lúc đó [71, tr.15-16].

Tháng 02 năm 1946, Tưởng Giới Thạch ký với Pháp Hiệp ước Pháp - Hoa để Pháp chiếm lại Đông Dương. Ngược lại Pháp nhượng cho Tưởng một số quyền lợi

Tưởng được tự do nhập hàng và kiểm soát thuế quan. Đứng trước hai kẻ thù Pháp và Tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam tìm cách gạt Tưởng để tập trung lực lượng đánh Pháp. Sau một thời gian đấu tranh gay go quyết liệt trên mặt trận ngoại giao ở Pháp, ngày 20 - 10 năm 1946, chiến hạm Đuy-mông Đuyếc Vin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về đã cập cảng Hải Phòng. Thủy thủ, công nhân và nhân dân lao động Hải Phòng thay mặt nhân dân cả nước đón Bác với một tình cảm chân thành và một niềm tin sâu sắc.

Sau hiệp định sơ bộ ngày 06-3, Việt Nam tranh thủ thời gian gấp rút xây dựng lực lượng. Ngày 19 - 7 - 1946, quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng ký quyết định thành lập Hải quân Việt Nam. Công việc vừa được tiến hành thì đầu tháng 11 - 1946, thực dân Pháp đã đổ bộ lên Đồ Sơn, Cát Bà.

Ngày 19-11-1946, quân Pháp ngang nhiên khám xét một chiếc tàu của nước ngoài vào cảng, đã có giấy phép của chính quyền Việt Nam. Khi công an Hải Phòng xuống can thiệp thì chúng trắng trợn gây sự và bắn chết một người. Đến 20-11- 1946, Pháp gây hấn chiếm Hải Phòng [71, tr.16].

Các lực lượng vũ trang Việt Nam đã anh dũng đánh trả. Đội thủy thủ “Yết Kiêu” đã góp phần vào những chiến thắng của quân và dân thành phố trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Một trong những trận đánh xuất sắc là ngày 24- 11-1946, ba tàu chiến của Pháp đang trên đường vào cảng đã bị đội thủy thủ “Yết Kiêu” đánh chìm một chiếc, buộc hai chiếc còn lại phải tháo chạy.

Đến đầu năm 1947, xét thấy chưa thể duy trì được lực lượng hải quân, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương tháo gỡ máy móc, thiết bị và đánh đắm tàu để không lọt vào tay Pháp. Đồng thời các lực lượng vũ trang của Việt Nam vẫn hoạt động liên tục, bằng mọi phương pháp cách mạng nhằm tiêu hao lực lượng của Pháp tại Hải Phòng. Bến cảng và con đường từ biển vào cảng không lúc nào an toàn đối với thực dân Pháp. Thủy thủ, công nhân cảng luôn tìm mọi cách phá hủy các phương tiện, thiết bị, hàng hóa phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam. Vụ đánh mìn tàu Kéc-lơ ngày 14 - 7 - 1950, đã phá được kế hoạch của Pháp nhằm chi viện cho một toán quân đang càn quét ở vùng Tiên Yên-Móng Cái. Năm 1952, thủy

thủ, công nhân cảng đã đánh phá được hai chiếc tàu lai: một chiếc bị đốt cháy trên sông Ruột Lợn, một chiếc bị đánh chìm ở Bến Thưa, làm cho thực dân Pháp hoảng sợ, phải kéo còi báo động trong toàn thành phố.

Để đáp ứng nhu cầu cho các chiến trường, từ những năm 50, hoạt động giao thông sông, biển của Việt Nam phát triển mạnh. Các đội vận tải được thành lập với các phương tiện như thuyền buồm, bè, mảng... để vận chuyển vũ khí, đạn dược và lương thực cho các mặt trận. Các đội vận tải này hoạt động kiên cường, anh dũng, mưu trí, sáng tạo, tuy có một số thuyền bị đánh chìm, một số thuyền phải tự đánh chìm để giữ bí mật, nhiều chiến sĩ bị hy sinh, bị địch bắt, nhưng qua hoạt động thực tiễn đã rèn luyện, đào tạo được một đội ngũ cán bộ, công nhân ưu tú, có kinh nghiệm tổ chức, có kỹ thuật hàng hải để làm nòng cốt cho việc xây dựng và phát triển các ngành hoạt động trên sông, biển sau này.

Sau chiến thắng Đông - Xuân năm 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Theo hiệp định Genève năm 1954, quân đội Pháp còn tập kết ở Hải Phòng 300 ngày trước khi rút về nước (từ 21-7-1954 đến 13-5-1955) [71, tr.16-17]. Điều khoản này đã gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh, chính trị và xã hội ở Hải Phòng. Chính vì lẽ đó, Việt Nam luôn đề cao cảnh đối với mọi hoạt động tại Hải Phòng.

Cuối tháng 7-1954, một bộ phận chuyên theo dõi tình hình mọi mặt trên vùng biển, Việt Nam nghiên cứu việc tiếp quản Hải Phòng và chuẩn bị đề án xây dựng lực lượng bảo vệ vùng biển. Bộ phận này phân làm các nhóm: nhóm tiến hành làm dự thảo tổ chức biên chế trường, xưởng, lựa chọn, điều động cán bộ có nghiệp vụ hàng hải, lập kế hoạch thuê thuyền, đóng thuyền, nhóm khác đi nghiên cứu thăm dò các cơ sở đóng thuyền, ca nô, tham khảo các phương tiện hoạt động trên biển, chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc tổ chức lực lượng bảo vệ vùng biển. Thời gian này, thủy thủ, công nhân cảng cùng với các lực lượng vũ trang ngày đêm đấu tranh kiên quyết chống lại âm mưu và hành động của Pháp như: cướp phá tài liệu, máy móc, cưỡng ép, dụ dỗ công nhân vào Nam. Qua đấu tranh cảng Hải Phòng đã giữ lại

được nhiều máy móc, thiết bị, các phương tiện làm việc, các tàu HC1, HC5, Long Châu, Hòn Dáu và hệ thống phao tiêu chỉ đường cho tàu ra vào cảng.

Yêu cầu bảo vệ bờ biển ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là trong những ngày cuối thời gian tập kết của quân Pháp ở Hải Phòng. Ngày 7-5-1955, cục phòng thủ bờ biển ra đời bao gồm trường huấn luyện bờ biển và Xưởng 46, với chức năng bảo vệ bờ biển, đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ, trực tiếp sản xuất phương tiện, dụng cụ thủy. Sự ra đời của Cục phòng thủ bờ biển đã mở đầu cho thời kỳ xây dựng và phát triển những thành phần nòng cốt của Hải quân Nhân dân Việt Nam sau này. Đánh dấu một bước phát triển mới cho quá trình hoạt động trên biển ở Hải Phòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam [71, tr.17].

Ngày 13-5-1955, chuyến tàu biển đưa những tên thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi thành phố, Hải Phòng được hoàn toàn giải phóng. Trước khi rút, bọn thực dân Pháp lén lút mang đi nhiều hồ sơ tài liệu… nhất là sơ đồ về luồng lạch, hệ thống hải đồ từ Hải Phòng ra Nam Triệu, Hòn Gai, những tài liệu kỹ thuật về hàng hải. Thực dân Pháp để lại những tàu thuyền, trang thiết bị kỹ thuật bị hư hỏng nặng, luồng lạch ra vào nông cạn, không có thiết bị nạo vét, nhiều chướng ngại vật làm tàu thuyền ra vào cảng rất khó khăn. Toàn bộ hệ thống phao tiêu, đèn biển không có người biết sử dụng. Cầu tàu bị địch phá hoại nhiều chỗ...nhưng với sự lao động sáng tạo của thủy thủ, công nhân cảng Hải Phòng, chỉ trong 10 ngày sau giải phóng, hai chiếc tàu Véc-đoong (Le-Verdon) trọng tải 10.000 tấn và Xanh-lô-ri-en-cô (Saint Velery en caux) trọng tải 7.000 tấn đã vào cảng an toàn.

Cảng Hải Phòng từ năm 1945 đến năm 1954 là giai đoạn xảy ra nhiều biến cố lịch sử. Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược lần thứ hai, cảng Hải Phòng là cửa ngõ quan trọng nhất miền Bắc mà thực dân Pháp có thể đổ bộ quân lên đất liền một cách dễ dàng. Trong tình thế cách mạng ấy, cảng Hải Phòng đã hoàn thành về căn bản các nhiệm vụ cách mạng như: duy trì các mối liên hệ với các cảng trong nước từ Bắc vào Nam, chống Pháp xâm lược, giữ vững các tuyến vận tải trên sông, biển.

Như vậy, cảng Hải Phòng không những là thương cảng mà còn là một quân cảng mang đầy tính chiến lược mà ngay cả Việt Nam và Pháp đều muốn có được trong cả thời chiến và thời bình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận chuyển và giao thương quốc tế của cảng hải phòng từ năm 1955 đến năm 1975 (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)