Cảng Hải Phòng không chỉ là vị trí trụ cột trong việc phát triển kinh tế mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong mối liên hệ nội vùng với các cảng miền Bắc như các cảng than Hòn Gai, Cẩm Phả, cảng Bến Thủy (Nghệ An). Cảng Hải Phòng là nơi tập kết và tiếp nhận hàng hóa của các cảng trong nước để vận chuyển và giao thương với các nước trên thế giới. Các nước cũng đã và đang đặt quan hệ thương mại, ngoại giao với Việt Nam thông qua cảng cửa ngõ này. Vì vậy, cảng Hải Phòng trong mối liên hệ với các cảng trong nước và quốc tế không thể tách rời.
Qua sự phân tích về vị trí trụ cột kinh tế của cảng Hải Phòng, ta nhận thấy cảng Hải Phòng là tổng hòa các đầu mối giao thông đường thủy và đường bộ mà từ các nơi đến đây rất thuận lợi. Trong giai đoạn (1955-1975), tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, thành phố Hải Phòng là nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp, phần nào cũng thuận lợi hơn cho việc vận chuyển, giao thương hàng hóa, vị thế và vai trò của cảng biển lại càng được khẳng định hơn bao giờ hết.
Trong nghị quyết hội nghị thành ủy Hải Phòng lần thứ nhất (từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 03 tháng 4 năm 1955), xác định nhiệm vụ: nhanh chóng khôi phục quan hệ mậu dịch giữa miền Nam và miền Bắc [2, tr.10]. Giữ vững và xây dựng quan hệ bình thường Nam - Bắc. Trước khi tiếp quản Hải Phòng, theo Hiệp định đình chiến Genève, Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền. Đế quốc Mỹ âm mưu lợi dụng tình trạng đó để vĩnh viễn chia cắt, phá hoại việc thống nhất đất nước Việt Nam bằng tổng tuyển cử.
Để chống phá âm mưu của đế quốc Mỹ, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở hội nghị hiệp thương bàn về việc tổ chức tổng tuyển cử, Đảng đề ra nhiệm vụ phải tranh thủ lập lại và phát triển mọi quan hệ giữa hai miền, tiến lên tổ chức tổng tuyển cử tự do thực hiện thống nhất. Trong cuộc đấu tranh đó, Hải Phòng là cửa ngõ của Bắc Bộ, có hải cảng và vốn có sẵn quan hệ giữa hai miền. Việc giữ vững và xây dựng mối quan hệ Bắc - Nam cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng [2, tr.16].
Như vậy, việc duy trì mối liên hệ giữa hai miền Bắc - Nam mà Đảng xác định là những nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai miền.
Để thực hiện các nhiệm vụ của thành phố Hải Phòng nói chung, cảng Hải Phòng nói riêng với đầy đủ tính chất của nó là phải duy trì, kết nối với miền Nam bằng đường giao thông trên biển ở mọi phương diện nhằm chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Đây không chỉ là nhiệm vụ của cảng Hải Phòng mà là nhiệm vụ của quốc gia dân tộc trên hết.
Vì vậy, mối liên hệ giữa cảng Hải Phòng với các cảng biển miền Nam là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện trong mọi hoàn cảnh. Khuyến khích nhân dân cố gắng lợi dụng mọi khả năng đặt quan hệ với nhau. Mặt khác, cần nghiên cứu tổ chức tiếp đón đồng bào từ trong Nam ra Bắc và giúp đỡ đồng bào ở miền Bắc có điều kiện dễ dàng đi lại buôn bán với miền Nam, tránh những hành động cản trở cho việc xây dựng mối quan hệ đó. Phải theo dõi tình hình để tận dụng mọi khả năng thuận lợi và kịp thời giải quyết những khó khăn…
Động viên mọi ngành, mọi người tham gia vào việc lập lại quan hệ giữa hai miền, như kinh tế phải có kế hoạch mau chóng phục hồi quan hệ giữa hai miền Nam và miền Bắc. Việc lập lại quan hệ giữa hai miền là một việc lớn, quan trọng của đất nước, nên mỗi việc đều phải theo đúng nguyên tắc, đúng đường lối chính sách của Đảng và có kế hoạch cụ thể. Chống tư tưởng hẹp hòi cản trở việc lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, nhưng cũng phải cảnh giác đề phòng Mỹ - Diệm lợi dụng đưa tay sai ra phá hoại miền Bắc [2, tr.16].
Ngoài sự liên hệ với miền Nam, cảng Hải Phòng không thể thiếu đi các mối quan hệ nội tại ở miền Bắc. Cảng Hải Phòng là cảng chính, cảng cửa ngõ của miền Bắc. Các cảng như Hòn Gai, Cẩm Phả, Quảng Yên, cảng cạn Lạng Sơn, cảng Bến Thủy… có vị trí, vai trò và nhiệm vụ khác nhau, có sự liện hệ mật thiết và bổ sung hỗ trợ nhau, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ của đất nước.
Nhiệm vụ của các cảng Hòn Gai, Cẩm Phả là hai phân cảng nhỏ, vận chuyển than đá là chủ yếu, còn các nhiệm vụ khác là thứ yếu nhưng cũng rất quan trọng trong việc tập kết hàng hóa, vận chuyển đến cảng Hải Phòng và từ cảng Hải Phòng chuyển tải đi các nơi. Hai cảng Hòn Gai và Cẩm Phả chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ban giám đốc cảng Hải Phòng, có nhiệm vụ thu gom, tập kết hàng hoá cho cảng Hải Phòng.
Bến Thủy còn gọi là cảng sông, đã thực hiện nhiệm vụ thu gom, tập kết hàng hóa để chuyên chở ra cảng Hải Phòng đi xuất khẩu và là nơi tiếp nhận hàng hóa từ các tàu ở cảng Hải Phòng, vận chuyển hàng hóa đi miền Nam và miền Trung (chia lẻ lượng hàng hóa cho các tàu nhỏ bí mật làm nhiệm vụ giao thương hoặc chi viện cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ).
Như vậy, vai trò của các phân cảng góp phần rất lớn trong việc tập kết hàng hóa cho cảng Hải Phòng.
Từ khi tiếp quản Hải Phòng, Đảng và Chính phủ đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc bảo vệ, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế cảng biển. Thông qua cảng, Việt Nam đã tranh thủ sự ủng hộ quốc tế về mọi mặt.
Sự kế thừa về cơ sở vật chất của thực dân Pháp để lại cũng là một ưu thế của cảng Hải Phòng trong tình thế khó khăn khi nhà nước non trẻ mới ra đời. Mối liên hệ nguồn hàng với các địa phương khác ở miền Bắc và miền Bắc Trung Bộ được tập trung về một mối rất thuận lợi, không những về giao thông mà còn đối với công tác quản lý hải cảng trong giai đoạn 1955-1975.
Tóm lại, cảng Hải Phòng trong giai đoạn từ 1955-1975 có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế, vị trí trụ cột về kinh tế này không nơi nào ở miền Bắc có thể thay thế được trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và là hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến miền Nam kháng chiến trống Mỹ thống nhất đất nước.