2.1.1. Quan niệm về sự hình thành của vũ trụ
Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng bản nguyên của vũ trụ là Khí, vạn vật được sinh ra từ Khí, “bẩm thụ cùng một chất khí”. Trong đó, trời, người cũng là những bộ phận cấu thành nên vũ trụ nên trời, người cũng có nguồn gốc từ Khí, vận hành theo quy luật của riêng nó là “đạo trời” và “đạo người”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm ảnh hưởng nhiều của Dịch học nhưng ông không nói tới lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái và sự chia tách của chúng mà tập trung chủ yếu vào Khí, mô tả quá trình phân khí hóa, chuyển đổi thành trời, đất, người. Ông mô tả quá trình sinh thành của vũ trụ theo sự biến chuyển không ngừng của Khí trong bài thơ “Cảm hứng” như sau:
“Thái cực sơ triệu phân Tam tài định quyết vị
Khinh thanh thượng vi thiên Trọng trọc hạ vi địa
Trung tập nhi vi nhân Bẩm thụ thị nhất khí”
(Thái cực khi mới bắt đầu phân chia Tam tài đã ổn định vị trí của chúng. Nhẹ và trong bốc lên tạo là trời Nặng và đục lắng xuống là đất Ở giữa kết tụ lại thành người.
Nguyễn Bỉnh khiêm cho rằng, bản thể của vũ trụ, nhất nguyên là Khí. Khí chưa có hình, nó là tiềm ẩn, tiềm năng của thế giới hiện hữu. Bản thể của vũ trụ không hình, không tướng, không tên, không sắc. Nguyễn Bỉnh Khiêm đúc kết tư tưởng này bằng hai câu như sau:
“Tòng đầu sắc thị không. Bản lai vô nhất vật”. (Từ đầu sắc đã là không.
Vốn không có một vật gì cả) [18, tr. 308 - 309].
Nguyễn Bỉnh Khiêm so sánh tính tương đồng về mặt cấu trúc cũng như đặc tính của tiểu vũ trụ (vi mô) và đại vũ trụ (vĩ mô) trong bài thơ “Kê noãn”:
“Trứng gà không tròn cũng không vuông Ấy thế mà bao bọc cả trời đất trong đó. Chất thái tố trang ở ngoài có hai lần trắng
Chất đan biêm chứa ở trong có một điểm vàng. Thái cực chưa chia, vẫn còn hỗn độn.
Hai khí âm dương hợp lại mới nở ra.
Khi đã thành lông cánh sẽ bay bổng lên trời mây
Hóa làm sao Kim Kê giúp vầng thái dương” [57, tr. 40]
Chính cách hiểu tương đối về hình thái cũng như cấu trúc của quả trứng với vai trò là một tiểu vũ trụ bao hàm trong nó cả âm và dương, trời và đất đã làm cho quan điểm triết học tự nhiên của ông phù hợp với việc xem xét quá trình hình thành và phát triển của đại vũ trụ. Điều đó thể hiện một số cơ sở tồn tại, bản chất, quy luật khách quan của vạn vật trong vũ trụ rộng lớn. Đồng thời, đó cũng là sự chuyển hóa, thống nhất kỳ diệu của tiểu vũ trụ và đại vũ trụ quanh ta. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ dừng lại ở việc mô phỏng,
tạo điều kiện cho việc so sánh sự giống nhau ở tính huyền bí của tiểu vũ trụ và đại vũ trụ bao la, thăm thẳm chứ chưa thấy được bản chất, quy luật hình thành và phát triển tận cùng của vạn vật là ở sự vận động tự thân.
Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu ảnh hưởng sâu sắc các học thuyết Tống Nho xen lẫn tư tưởng Kinh Dịch, Phật giáo và Đạo gia trong quan niệm về thế giới mà đặc biệt là tư tưởng biến dịch, vận động của vạn vật.
2.1.2. Quan niệm về sự biến chuyển của vũ trụ
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lý giải những vấn đề về vũ trụ xuất phát từ trực giác đơn thuần về một thế giới đang diễn biến phức tạp nhưng tất thảy mọi hiện tượng, sự vật trong đó đều vận động theo một quy luật đã định sẵn. Những quy luật thể hiện bản chất tư tưởng về Lý học. Vì vậy, trong tư tưởng của ông khó tách bạch giữa Lý, Đạo. Ông cũng chỉ vận dụng các phạm trù của Lý học thời Tống vào việc suy xét và lý giải thế sự. Nguyễn Bỉnh Khiêm ít dùng các thuật ngữ, “Lý”, “Lý học”, nhưng thay vào đó là thuật ngữ thông dụng nhất, được dùng nhiều nhất là “đạo trời”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng trong thế giới mọi vật đều luôn luôn lưu động, biến đổi, phát triển theo quá trình biến chuyển không ngừng. Trong Thơ Nôm, bài 48 ông viết:
“Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ
Rút dây lại né động rừng chăng” [18, tr. 133].
Trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm những tư tưởng về sự biến dịch, biến hóa của vạn vật, vạn sự là một tất yếu, ẩn chứa bên trong nó. Trong Thơ Nôm, bài 71 có câu:
“Thế gian biến đổi vũng nên doi
Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi” [18, tr. 113].
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhận thức mọi sự đổi thay từ cuộc sống và thể hiện nó thành những vần thơ triết lý, thấm nhuần triết lí, thế sự của vụ
trụ. Theo ông, trong lẽ tự nhiên có biến thì có dịch, có biến thì có hóa. Tư tưởng này chỉ rõ sự thay đổi, biến hóa như một quy luật tất yếu mà vạn vật sẽ trải qua:
“Đã khuất bao nhiêu rồi lại duỗi
Đạo trời lồng lộng chẳng hề sai” (Thơ Nôm, bài 2) [18, tr. 54]. Hay: “Hoa càng khoe nở, hoa nên rữa
Nước chứa cho đầy, nước ắt vơi Mới biết doanh hư đà có số,
Ai từng dời được đạo trời” (Thơ Nôm, bài 48) [18, tr. 92].
Những vần thơ trên là sự tiếp thu những tư tưởng trong dân gian mà nhân dân ta đã nhận thức và tích lũy được trong quá trình sống và lao động. Đó cũng là biểu hiện về tư duy khái quát, trừu tượng của nhân dân ta, là cơ sở hình thành cho tư tưởng triết học của dân tộc.
Nguyễn Bỉnh Khiêm nắm bắt, ghi nhận, khẳng định tính mâu thuẫn với nhiều khía cạnh khác qua sự tồn tại của các mặt đối lập ở trong sự vật như: âm - dương, lành - dữ, phúc - họa, phải - trái, hữu sự - vô sự, hữu đạo - vô đạo... Các mặt không tách rời nhau, mà có sự liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau và tồn tại như một tất yếu. Sự vật, hiện tượng luôn có đối, tức là hai thái cực, hai thế lực đối ngược nhau nhưng lại tạo điều kiện cho nhau để cùng tồn tại thống nhất trong sự vật, hiện tượng. Âm trưởng thì dương tiêu, giữa chúng luôn có sự bù trừ lẫn nhau, tự điều chỉnh để tính hệ thống trong các sự vật và hiện tượng luôn tồn tại và phát triển:
“Cơ ngẫu tòng lai doanh cánh hư Âm dương tiêu trưởng lẽ thừa trừ” Nghĩa là: Chẵn lẻ, xưa nay đầy lại vơi,
Âm dương tiêu trưởng nghiệm rõ lẽ thừa trừ (Hữu cảm) [18, tr. 312]. Khi nói về sự biến đổi của vạn vật, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chỉ ra rằng trong các hiện tượng tự nhiên đều chứa đựng những mâu thuẫn và sự phát triển chính là quá trình đắp đổi lẫn nhau của những mâu thuẫn tương phản:
“Địa địa thấp, Nam nhạc khỏe Cửa tiêu thẳm, Bắc thần cao Lấy khi đầm ấm bù khi lạnh
Chứa thuở khô khan có thủa dào” (Thơ Nôm, bài 44) [18, tr. 88]. Bên cạnh đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn cho rằng sự vận động của sự vật và hiện tượng theo cái vận tuần hoàn hay là sự đắp đổi. Điều đó chỉ ra rằng, Trạng Trình quan niệm sự phát triển của sự vật tuân theo chu kỳ tuần hoàn, hết rồi lại bắt đầu:
“Sen mùa trước đổi, mùa sau mọc Triều cửa này ròng, của khác cường Âm đã lại dương đành máy nhiệm
Bĩ thôi thì thái ấy cơ thường” (Thơ Nôm, bài 98) [18, tr. 136]. Hay là:
“Tái nhất âm hề phục nhất dương, Tuần hoàn vãng phục lý chi thường”
Nghĩa là: Một khí âm vừa qua thì một khí dương lại đến,
Xoay vòng ra đi và trở lại là lẽ thường (Khiển hứng) [18, tr. 321]. Hoặc:
“Nhất chu khí vận chung nhi thủy, Bác phục đô tòng Thái cực tiên”.
Nghĩa là: Khí vận xoay vòng, hết rồi lại bắt đầu,
Quẻ Bác đến quẻ Phục, đều theo đạo Thái cực sắp đặt trước (Cảm hứng, bài 4) [18, tr. 219].
Thực ra, những tư tưởng mang yếu tố biện chứng hợp lí đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới chỉ chỉ ra những biểu hiện bề ngoài chứ chưa tìm ra được nguồn gốc của sự vận động và biến đổi. Ông chưa thấy được bản chất bên
trong, tính chất thực của quá trình hình thành, tồn tại, vận động và biến đổi của mọi sự vật, hiện tượng. Mặc dù, tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có những hạn chế nhưng những quan điểm về vũ trụ của ông đã có những đóng góp lớn lao cho tư tưởng triết học của dân tộc.