CHƢƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ LÀNG GỐM PHÙ LÃNG
1.3. Những giá trị để phát triển du lịch làng gốm Phù Lãng
1.3.3. Lễ hội và Phong tục tập quán
* Lễ hội
Những lễ hội truyền thống đó là sinh hoạt văn hóa, là những phong tục tập quán không thể thiếu trong đời sống. Hiện nay, nguồn tài nguyên này đã và đang được khai thác ở những mức độ khác nhau để phục vụ cho phát triển du lịch.
Như mọi làng quê khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng Phù Lãng cũng có chùa thờ Phật, đình, đền thờ Thành hoàng làng, cũng có sự lệ, đình đám, lễ hội với nhiều nghi thức trang nghiêm trọng thể, cùng nhiều sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú hấp dẫn khác.
Phù Lãng có hội lớn nhất là hội đình được tổ chức từ ngày 10 đến 16 tháng Giêng hàng năm. Trước đây khi chưa có đình thì làng làm lễ tế thành hoàng ở đền với quy mô nhỏ hơn. Đình làng Phù Lãng có sắc phong vào thời Nguyễn. Cả ba ngôi đình của ba thôn (thượng, trung, hạ) chỉ có được một hòm sắc, nên lệ làng chia ra mỗi thôn được giữ hòm sắc một năm. Khi làng vào hội, hòm sắc lại được rước từ đình thôn nọ sang đình thôn kia. Việc rước hòm sắc cứ
thế quay vòng. Ngày rước hòm sắc được các vị cao niên, chức sắc của làng chọn, thường trong khoảng từ 10 đến 12 tháng Giêng.
Trước ngày vào hội, làng cũng có những cuộc tập dượt, chuẩn bị chu đáo, trong đó ngày mùng 8 – ngày làm lễ rước nước từ sông Cầu về đình được xem là vui và long trọng nhất. Vào ngày này, làng chọn mười cô gái đẹp, bơi thuyền rồng ra giữa dòng sông, lấy đầy nước vào một chóe cổ, trên miệng có phủ vải điều. Khi thuyền ghé vào bờ, họ đặt chóe nước lên trên chiếc kiệu sơn son thiếp vàng rồi rước về đình. Nước này dùng để làm lễ “mộc dục” (tắm tượng) và để làm đồ lễ cúng thần quanh năm. Ngày mùng 10 là ngày tế thần. Trong số các vật phẩm dâng cúng, ngoài xôi, gà, oản, hoa quả, rượu thịt, có hai đặc sản quê hương thường chỉ được làm vào dịp hội làng là chè kho và bánh dày.
Trong suốt 10 ngày hội, ngày nào tại sân đình cũng có các trò vui chơi như: đánh vật, đánh cờ, đánh đu…, ban đêm thì có hát chèo, hát chầu văn, hát trống quân. Người dân Phù Lãng vào ngày hội như quên mình để sống với văn hóa tâm linh, tìm lại về nguồn cội xa xưa. Du khách đến Phù Lãng vào những ngày hội trong tháng Giêng cũng cảm nhận được không khí trang nghiêm của buổi hành lễ nhưng ấm áp tình người.
Ngoài ra, Phù Lãng cho đến năm 1945 vẫn còn gìn giữ được tín ngưỡng cầu mưa được tổ chức vào tháng ba âm lịch hàng năm tại chùa Cao. Lễ cầu mưa bắt đầu từ cuộc rước nước dưới sông Cầu lên đỉnh núi Cáng (chùa Cao nằm trên đỉnh núi Cáng, có chiều cao so với mặt bằng khoảng 100m). Nước được đựng trong một chóe (hoặc một be sành) phủ vải điều. Các bô lão trong làng với trang phục khăn xếp, áo thụng, thân hành rước nước lên gò. Đi kèm cuộc rước nước này có cờ, quạt, trống ầm ĩ, kéo dài cho tới khi người hành lễ đọc văn cầu đảo. Từ sau năm 1951, khi chùa Cao bị tàn phá, lễ cầu mưa này
chỉ còn được lưu truyền trong các câu chuyện kể của người dân cho thế hệ con cháu đời sau.
* Tục thờ tổ nghề
Làng Phù Lãng có phong tục thờ tổ nghề gốm và tôn thờ sư tổ. Lễ sư tổ gốm ở Phù Lãng được những gia đình làm thợ tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng với nghi thức đơn giản, phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình. Thông thường mỗi nhà làm mâm cỗ dâng cúng tổ nghề phù hộ cho họ một năm làm ăn may mắn và gặp nhiều thuận lợi. Vào ngày đốt lò đầu tiên trong năm (thường là sau ngày lễ sư tổ), gia đình người thợ nào cũng sửa soạn một mâm lễ đặt lên trên “đậu lò” (ống khói) để cầu khấn một năm đốt lò thuận lợi, làm ăn phát đạt, có nhiều mẻ gốm đẹp.
* Tục lệ cưới gả con gái
Cũng như hầu hết các làng quê của vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, những tục lệ ở làng Phù Lãng như: khao vong, giỗ, tết, kết chạ không có gì khác biệt. Duy chỉ có tục cưới hỏi thì mang một số nét đặc trưng riêng của các làng gốm. Ngày nay, những phong tục ấy đã đôi nét khác xưa nhưng tập quán Phù Lãng không gả con gái cho người làng ngoài vẫn tồn tại. Đây là điều thường xảy ra trong các làng nghề truyền thống thủ công. Cùng xuất phát từ mục đích bảo lưu nghề nghiệp, giữ gìn bí quyết trong công nghệ và trong phương thức làm ăn, nhưng mỗi nơi có một quy lệ khác nhau. Phù Lãng cho phép con gái học nghề nhưng không cho phép lấy chồng thiên hạ. Có câu châm ngôn rằng “Nam thú đồng hương, nữ giá bản quán” (Nghĩa là: Trai khôn lấy vợ cùng làng, gái khôn khén bạn đồng sàng cùng quê). Người làm gốm từ khi còn nằm trong bụng mẹ đã biết làm gốm, cho nên khi lên năm, lên ba đã quen dần với đất, lò, củi, cỏ. Thợ gốm có thể chỉ cần nhìn bề mặt nguyên liệu cũng đánh giá được chất lượng và phân loại, đất nào có thể làm
được sành, đất nào chỉ làm gạch ngói. Bởi vậy, con trai con gái Phù Lãng theo phong tục thường tìm đến với nhau để thành thân hơn là đi tìm người làng ngoài. Hơn nữa, xuất phát từ quy trình gia công, các sản phẩm gốm bao giờ cũng cần một thợ chuốt – công việc dường như chỉ thích hợp với đôi bàn tay và vóc dáng của người phụ nữ. Phụ nữ ở làng gốm Phù Lãng đều được truyền nghề và trở thành lao động chính trong những công việc có yêu cầu cao về kỹ thuật. Đó là nguyên nhân người phụ nữ ở đây lấy chồng là người làng, trừ một số ít đã thoát ly khỏi làng và lấy chồng là dân ngụ cư. Trong những trường hợp như thế, họ buộc phải bỏ nghề. Hiện nay, cho dù xã hội có nhiều đổi thay nhưng người Phù Lãng vẫn không thừa nhận dân ngụ cư, không cho phép người dân ngụ cư gia nhập các sinh hoạt văn hóa bàn về truyền thống ở làng. Họ cho rằng người ngụ cư không phải người làng nên rất khó có thể bảo được nhau. Sự khắt khe trong phong tục của người Phù Lãng chắc chắn có nguyên nhân của nó. Nó liên quan đến việc gìn giữ, bảo lưu những bí quyết nhà nghề.
Việc chủ yếu gả con gái trong phạm vi các thôn của làng gốm Phù Lãng thực chất có thể coi là việc giữ thợ chuốt cho làng. Nó còn xuất phát từ một nguyên nhân khác nữa. Đó là sự khó trong việc học nghề chuốt. Chuốt gốm tưởng chừng như một công việc đơn giản, nhàn hạ dành cho phụ nữ, nhưng để chuốt được một sản phẩm, người khéo tay nhất cũng phải học mất vài ba tháng, có người phải học mất hàng năm, và cũng có biết bao người học mãi cũng không thành nghề. Trong khi đó, ở các khâu khác, việc học nghề được tiến hành thuận lợi hơn nhiều (trừ một số khâu thợ cả không có ý định truyền). Phù Lãng là địa phương có ruộng canh tác nhưng không tự cấy cày mà thường thuê người làng bên làm. Bởi trong nghề gốm, chuốt là công đoạn quan trọng và là công việc chính của phụ nữ, nên phụ nữ trong làng gốm Phù Lãng không học nghề nông, không biết cấy hái.
* Truyền thống trọng lão
Có nhiều phong tục tập quán hiện nay không còn giữ nguyên giá trị ban đầu nhưng vẫn còn tồn tại qua nếp sống, tư tưởng và sinh hoạt văn hóa của người Phù Lãng, đặc biệt là truyền thống trọng lão tốt đẹp. Tôn ti trật tự ở làng thể hiện rõ trong việc phân ngôi thứ ở chốn đình Trung. Những người cao tuổi, có chức sắc trong xã, trong tổng, có hàm phẩm khi làng vào đám được đọc văn tế - gọi là ngôi Tiên chỉ. Ngôi cụ Thượng là những cụ ông, nhiều tuổi, có đạo đức nhất làng. Khi làng có việc, cụ Thượng được ngồi một mình một mâm (trong khi những mâm khác đều ngồi 4 người). Ngôi ông Đám là ngôi dành cho người đàn ông đại diện cả làng, không có hành vi bất hảo, gia đình không có tang trở, ra đình làm nhiệm vụ phục vụ cúng tế ở đình và trông nom quét dọn đồ thờ. Mỗi làng có một lệ riêng về việc cắt cử ông Đám. Làng Phù Lãng quy định tuổi ông Đám phải từ 50 trở lên. Ông Đám được làng dành cho 2 mẫu ruộng tốt để lấy hoa lợi dùng vào việc đèn hương thờ thánh. Trong thời gian ông Đám làm việc sự thần ngoài đình, vào những dịp làng có việc, ông được ngồi ngang hàng với cụ Tiên chỉ ở chốn đình Trung. Cụ Tiên chỉ, ông Đám và chức dịch trong làng được ngồi gian giữa đình trong những đám hay tiết lệ hàng năm. Đó là vị trí trang trọng nhất trong Đình. Hai gian bên là chỗ ngồi của các cụ từ 50 tuổi trở lên. Ngồi gian đầu là cụ Thượng, sau đó tùy theo tuổi tác mà lần lượt các cụ cao tuổi hơn ngồi trên, cụ ít tuổi hơn ngồi dưới. Hai gian bên cạnh dành cho những người chưa đến tuổi lên lão và không có chức vụ gì. Chỗ ngồi của các cụ và chức dịch ở gian giữa được trải chiếu hoa, tất cả gian khác đều trải chiếu liền hoặc chiếu trơn. Làng Phù Lãng chẳng những có quy định chặt chẽ về chỗ ngồi trong đình mà ngay cả khẩu phần ăn uống ở chốn đình Trung cũng được quy định rất cụ thể trong hương ước. Những tập tục đó ngày nay không còn nhưng trong nếp sống của
người dân Phù Lãng vẫn giữ được những tinh túy trong lệ xưa, nếp cũ, khiến cho người dân nơi đây luôn sống theo đạo hiếu trọng người già và có đức.
* Tập quán ca hát, Phù Lãng không phải là làng quan họ gốc, quan họ cổ nhưng là một phần máu thịt của Bắc Ninh nên những làn điệu quan họ đã đi vào đời sống tâm hồn của mỗi người dân nơi đây. Từ những câu hò bên nôi đến những câu hát mời nhau nơi đầu làng cuối thôn đã trở thành niềm tự hào trong tâm thức mỗi con người. Họ càng tự hào hơn nữa khi dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESSCO công nhận là di văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy vào năm 2008.
Tiểu kết chương 1
Phù Lãng là một làng quê Bắc Bộ có lịch sử bảy, tám trăm năm nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống làm gốm từ lâu đời. Những giá trị về cảnh quan làng quê, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, lễ hội và cả sự độc đáo trong từng sản phẩm gốm rất thu hút du khách. Giống như một dòng sông kết nối truyền thống với hiện đại, Phù Lãng mang một vẻ đẹp riêng có. Đây chính là tiềm năng, là cơ hội để Phù Lãng phát triển loại hình du lịch làng nghề. Loại hình du lịch làng nghề nói chung và Phù Lãng nói riêng có ưu điểm vượt trội là đáp ứng được nhu cầu của du khách về tham quan, mua sắm, nghiên cứu, mở mang nhận thức đối với cuộc sống, tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc thông qua lễ hội tưởng nhớ thành hoàng làng, tưởng niệm vị tổ nghề và qua sản phẩm thủ công đầy xúc cảm, thẩm mỹ và sự khéo léo của thợ thủ công. Chương viết này đề cập đến cơ sở lý luận cơ bản về du lịch và du lịch làng nghề, đưa ra cái nhìn tổng quan về Phù Lãng với những điều kiện phát triển du lịch làng nghề ở một vùng “đất rộng sông dài ” này.
CHƢƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH LÀNG GỐM PHÙ LÃNG - BẮC NINH
Làng gốm Phù Lãng hiện tại là điểm du lịch nhỏ nằm trong tổng thể du lịch Bắc Ninh, chưa có một hành trình du lịch riêng của mình. Bởi vậy, trong đề tài nghiên cứu này, ngoài việc tìm hiểu những đặc điểm riêng biệt của du lịch làng gốm Phù Lãng, tác giả tiến hành đặt nó trong tương quan tổng thể của du lịch cả tỉnh để có cái nhìn bao quát nhất về thực trạng du lịch, từ đó có giải pháp đúng đắn, hợp lý và đồng bộ.