Bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch làng gốm phù lãng ở bắc ninh (Trang 74 - 78)

CHƢƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ LÀNG GỐM PHÙ LÃNG

3.2. Những chiến lược lâu dài

3.2.4. Bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững

Du lịch bền vững là du lịch đi cùng với giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương, có thể được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi mà nó phụ thuộc vào. Du lịch bền vững trong phạm vi một quốc gia chính là việc cung cấp những sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với thị trường nhưng đảm bảo hiệu quả kinh tế và giữ gìn môi trường sinh thái xã hội. Hay nói cách khác, phát triển những loại hình sản phẩm du lịch mà chu kì sống của chúng là gần như không có giới hạn. Xét trên góc độ toàn bộ thị trường du lịch thế giới, phát triển bền vững là việc một quốc gia thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm xây dựng hình ảnh của mình như một điểm đến hấp dẫn trên thị trường, đồng thời đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm ở mức độ tốt nhất.

Phát triển bền vững trong du lịch thực ra không còn là vấn đề mới mẻ nữa. Tuy nhiên, nhu cầu phát triển ngành công nghiệp không khói này theo hướng bền vững bằng cách thực sự đưa ra những chính sách cụ thể thì mãi tới vài năm gần đây mới trở nên bức thiết. Chủ yếu là do kết quả của việc nhận thức ngày càng tăng của thế giới về ảnh hưởng biến đổi khí hậu đối với thị trường du lịch toàn cầu. Việc ngày càng có nhiều quốc gia kinh doanh dịch vụ du lịch và trở thành các thị trường nhận khách đã tác động đáng kể tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên và việc tiêu thụ nó, làm ô nhiễm và ảnh hưởng tới cấu trúc xã hội. Điều đó thúc đẩy các nước phải nỗ lực tìm biện pháp để ngành du lịch phát triển bền vững, nhất là bảo vệ môi trường, giúp cho du lịch

tồn tại, khai thác, phát huy tiềm năng lâu dài mà không làm tổn hại tới không gian sống của những thế hệ sau.

Hầu hết các làng nghề của Bắc Ninh hiện nay đang phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường. Có những làng nghề đã đến mức trầm trọng, Phù Lãng cũng là một làng nghề gặp phải hiện trạng đó. Tại Phù Lãng, một phần những mảnh sành vỡ được tận dụng để lấp ao, san nền, phần còn lại thì đổ rải rác khắp làng. Những phế liệu, phế thải của làng gốm tuy không gây hại cho con người, nhưng lại hại cho đất bởi chúng chiếm quá nhiều diện tích. Hơn nữa, nếu như các bãi gốm này không bị thời gian và những biến động của tự nhiên đảy lún sâu xuống lòng đất thì nó trở thành đất trống, đồi trọc vì không một sinh vật nào có thể sống trên khoảnh đất đầy những mảnh sành, sa mốt, xỉ than đó. Bao bọc quanh làng gốm không chỉ có phế liệu, phế thải mà còn bụi, khói, hơi đốt tỏa ra từ các lò nung gốm, gây ô nhiễm cả một khoảng không gian rộng, ảnh hưởng tới đời sống của dân cư trong và ngoài làng. Các lò gốm ở Phù Lãng hiện nay do cấu tạo và cách vận hành lạc hậu (chủ yếu là lò rồng), khiến tro, bụi, khói và đặc biệt là hơi nóng trong lò gây tác hại trực tiếp đến sức khoẻ người lao động và làm ô nhiễm không khí.

Đốt lò bằng củi cũng là hành động làm biến đổi môi trường sinh thái. Cả làng hiện có 17 lò, mỗi năm đốt gần 2 vạn mét khối củi. Vậy khi không còn củi thì người dân làng gốm sẽ ra sao? Gốm Phù Lãng sẽ làm thế nào để tồn tại? Phát triển theo hướng bền vững chính là tìm ra những hướng đi đúng đắn cho mai sau. Những lò gốm Phù Lãng hiện nay được cấu tạo để đun củi, không thích hợp với việc đun than. Nếu đun than thì người dân sẽ phải cải tạo lại toàn bộ hệ thống lò nung và cũng độc hại đáng kể. Bởi vậy Phù Lãng nên từng bước chuyển dần đốt lò bằng gas là hợp lí và có hiệu quả cao nhất.

Bắc Ninh nên thành lập quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh nhằm tài trợ cho dự án đầu tư xây dựng mô hình xử lý ô nhiễm trên địa bàn tỉnh và địa phương, tập trung xử lí ô nhiễm môi trường trong làng nghề. Đồng thời nên huy động vốn vay của quỹ bảo vệ môi trường quốc gia để có kinh phí cho việc bảo vệ môi trường làng nghề. Khuyến khích các ngân hàng, công ty bảo hiểm, các tổ chức tín dụng khác tham gia vào việc cung cấp tài chính cho bảo vệ môi trường.

Bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững là tích cực thúc đẩy nhịp độ phát triển kinh tế nông thôn, giúp tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm sức ép cho các đô thị do việc di dân tự do. Phát triển làng nghề truyền thống vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, đồng thời bảo tồn được các giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Phát triển du lịch làng gốm Phù Lãng cần chú ý đến việc xây dựng cộng đồng trong làng nghề, trả lương cho những nghệ nhân, thợ thủ công ở các cơ sở để họ yên tâm sản xuất. Có thể thấy, thực trạng sản xuất gốm ở Phù Lãng hiện nay là “mạnh ai nấy chạy”. Các hộ sản xuất gốm trong tình trạng lẻ tẻ, không có sự gắn kết với nhau, dẫn đến việc không có tiếng nói chung để cùng nhau xây dựng và bảo vệ thương hiệu gốm Phù Lãng. Đến bây giờ làng nghề này vẫn chưa thành lập được một tổ chức ngành, nghề cho riêng mình, đồng nghĩa với việc gốm Phù Lãng chưa xây dựng được tiếng nói chung. Hiện tại, Phù Lãng có khoảng 250 hộ làm gốm nhưng chỉ có ba cơ sở có thể tự xuất khẩu sang nước ngoài, đó là công ty gốm Nhung, công ty Trí Việt và hợp tác xã (HTX) gốm. Cho đến thời điểm này, Hội sản xuất gốm Phù Lãng chưa ra đời. Nguyên nhân quan trọng nhất là chưa có sự thống nhất của tất cả các hộ sản xuất gốm trong xã. Điều này bắt nguồn từ việc gốm Phù Lãng hiện nay được chia làm hai dòng: gốm mỹ nghệ và gốm truyền thống, lợi ích của hai dòng gốm này khác nhau và nhất là

không chung thị trường. Mặt khác, các hộ sản xuất gốm truyền thống ở Phù Lãng chưa hiểu về mục đích, ý nghĩa, phương thức hoạt động… và lợi ích được thụ hưởng khi tham gia.Vấn đề thành lập hội ngành nghề gốm Phù Lãng không phải là vấn đề mới bởi nó đã là đề tài gây nhiều trăn trở cho các hộ sản xuất có ý thức quảng bá, xây dựng thương hiệu cho gốm quê mình. Việc chưa xây dựng được Hội cho riêng mình dẫn đến các hộ sản xuất gốm Phù Lãng phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Đơn cử như việc họ muốn xuất khẩu hàng ra nước ngoài buộc phải qua khâu trung gian. Gốm Nhung – một loại gốm nổi tiếng được nhiều người yêu thích đã bước đầu tiếp cận được với thị trường nước ngoài nhưng vẫn còn hạn chế. Hầu hết những lô hàng gốm của Phù Lãng xuất ra nước ngoài đều phải thông qua các cơ sở gốm của Bát Tràng. Chỉ có một số ít sản phẩm được bán cho khách du lịch và khách tham quan. Như vậy ở một góc độ nào đó các nghệ nhân làng gốm Phù Lãng vẫn chỉ là những người… “làm thuê”. Phần lợi nhuận đáng kể nhất thu được từ hoạt động thương mại thì họ không được hưởng. Thương mại điện tử, một trong những cách thức tiếp cận thị trường hiệu quả và chi phí thấp vẫn chưa được áp dụng ở đây. Thành lập được Hội sản xuất gốm sẽ giúp liên kết, bảo vệ cho các hộ sản xuất. Đó sẽ là “đầu não” của gốm Phù Lãng để giải quyết những vấn đề chung của làng nghề. Tổ chức được Hội thì các khách hàng tìm hiểu về gốm hay mở tour du lịch sẽ dễ dàng hơn nhiều bởi có tổ chức đón tiếp họ. Hiện nay nhiều khách hàng muốn tìm hiểu về dòng gốm lại không biết vào đâu trước, tìm hiểu như thế nào bởi không có một cá nhân, tổ chức nào phụ trách vấn đề chung này. Làng nghề chỉ tập trung sản xuất, chưa chú trọng khâu tiếp thị, kinh doanh. Sản phẩm họ làm ra để đến được khách hàng phải qua nhiều khâu trung gian, lợi nhuận thu về rất thấp... Giải quyết

được vấn đề này sẽ là yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch làng gốm Phù Lãng.

Bảo tồn và phát triển du lịch gốm Phù Lãng theo hướng bền vững cần có sự nghiên cứu cẩn thận, cụ thể về văn hóa làng nghề. Trong đó cần khẩn trương điều tra sưu tập các nguồn tư liệu về nguồn gốc và lịch sử làng nghề, về vị tổ sư, về các phong tục tập quán của làng, các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian như truyền thuyết, địa danh, truyện kể dân gian, ca dao, dân ca, những di tích, tài liệu, hiện vật mang giá trị lịch sử văn hóa của làng. Đây là nguồn di sản văn hóa phong phú, có giá trị lịch sử nhưng chưa được quan tâm, chưa được đầu tư nhằm quảng bá cho hoạt động du lịch.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch làng gốm phù lãng ở bắc ninh (Trang 74 - 78)