Thiết kế tour du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch làng gốm phù lãng ở bắc ninh (Trang 79 - 115)

CHƢƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ LÀNG GỐM PHÙ LÃNG

3.3. Thiết kế tour du lịch

Tour 1: Du lịch làng gốm Bát Tràng và Phù Lãng

Thời gian: 01 ngày Phương tiện: Ôtô

Lộ trình: Quốc lộ 5, 1A mới và 18

7h30’: Xe đón khách tại Hà Nội đi làng gốm Bát Tràng. 8h05’: Đến Bát Tràng

- Du khách tham quan Đình làng Bát Tràng, thăm các cơ sở sản xuất gốm sứ. Nghe hướng dẫn viên thuyết minh về sản phẩm gốm, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất gốm của người Bát Tràng.

- Du khách tham quan và mua sắm đồ lưu niệm tại chợ gốm Bát Tràng. Tại đây du khách có thể thể hiện sự khéo léo, sáng tạo, trình độ thẩm mỹ của mình thong qua việc tự nặn cho mình một món đồ theo sở thích, ý tưởng của mình, và tự trang trí màu cho sản phẩm đó.

11h00’: Khách ăn trưa và nghỉ ngơi tại Bát Tràng.

12h30’: Khách lên xe, tiếp tục hành trình thăm làng gốm Phù Lãng. 13h35’: Đến Phù Lãng.

- Sau khi thăm chùa Phù Lãng với những bức tường được trang trí bằng chính sản phẩm gốm của làng, du khách sẽ đến thăm một vài xưởng gốm nổi tiếng ở Phù Lãng như xưởng gốm Nhung, xưởng gốm Ngọc, gốm Trí Việt…. và tham gia vào một công đoạn sản xuất gốm với sự hướng dẫn của các thợ gốm trong xưởng. Du khách sẽ nhận thấy sự khác biệt lý thú của hai dòng gốm ở đây.

- Du khách tham quan và mua sắm đồ lưu niệm ở chợ Lãng hoặc tại các xưởng gốm, mang sản phẩm mình vừa sang tạo về làm kỉ niệm cho chuyến đi. - Tham quan khu lò nung gốm bên bờ sông Cầu, gặp gỡ giao lưu với nghệ nhân làm gốm, nghe kể về lịch sử làng nghề, truyền thuyết tổ nghề, cách thức chồng lò và đốt lò…Du khách sẽ khám phá sự kì thú trong từng khâu sản xuất gốm và sự nhọc nhằn của người dân làm gốm nơi đây.

16h30’: Tạm biệt Phù Lãng. Du khách lên xe trở về Hà Nội. 17h30’ Về đến Hà Nội, kết thúc tour.

Giá cho 01 khách: 10 USD

Giá bao gồm: - Xe ôtô theo chương trình

- 01 bữa ăn trưa theo chương trình

- 01 chai nước suối/khách/ngày

- Hướng dẫn viên

Giá không bao gồm: - Thuế VAT

- Đồ uống trong bữa ăn và các chi phí cá nhân khác.

Tour 2: Du lịch làng nghề Bắc Ninh

Thời gian: 01 ngày Phương tiện: Ôtô

Lộ trình: Quốc lộ 5, 1A mới và 18

7h30’: Xe đón khách tại Hà Nội thăm làng tranh Đông Hồ nổi tiếng. 8h25’: Đến làng Đông Hồ.

- Du khách tham quan làng và các hộ gia đình sản xuất tranh. Tìm hiểu kỹ thuật làm tranh dân gian của làng.

- Gặp gỡ, giao lưu với nghệ nhân nổi tiếng Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Đăng Chế, nghe kể về lịch sử làng tranh và ý nghĩa của những bức tranh mang “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

- Mua sắm đồ lưu niệm.

11h00’: Trong khi ăn trưa và nghỉ ngơi ở thành phó Bắc Ninh, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm, trữ tình.

13h15’: Du khách tiếp tục đến làng gốm Phù Lãng. 13h40’: Đến làng Phù Lãng.

- Sau khi thăm chùa Phù Lãng với những bức tường được trang trí bằng chính sản phẩm gốm của làng, du khách sẽ đến thăm một vài xưởng gốm nổi tiếng ở Phù Lãng như xưởng gốm Nhung, xưởng gốm Ngọc, gốm Trí Việt…. và tham gia vào một công đoạn sản xuất gốm với sự hướng dẫn của các thợ gốm trong xưởng.

- Du khách tham quan và mua sắm đồ lưu niệm ở chợ Lãng hoặc tại các xưởng gốm, mang sản phẩm mình vừa sang tạo về làm kỉ niệm cho chuyến đi. - Tham quan khu lò nung gốm bên bờ sông Cầu, gặp gỡ giao lưu với nghệ nhân làm gốm, nghe kể về lịch sử làng nghề, truyền thuyết tổ nghề, cách thức chồng lò và đốt lò…Du khách sẽ khám phá sự kì thú trong từng khâu sản xuất gốm và sự nhọc nhằn của người dân làm gốm nơi đây.

16h30’: Tạm biệt Phù Lãng. Du khách lên xe trở về Hà Nội. 17h30’ Về đến Hà Nội, kết thúc tour.

Giá cho 01 khách: 10 USD

Giá bao gồm: - Xe ôtô theo chương trình

- 01 chai nước suối/khách/ngày

- Hướng dẫn viên

Giá không bao gồm: - Thuế VAT

- Đồ uống trong bữa ăn và các chi phí cá nhân khác

Xây dựng bài thuyết minh.

Như trên đã trình bày, tour thứ nhất là tour đi qua hai làng gốm nổi tiếng. Du khách có thể thấy sự khác biệt và kì lạ của hai dòng gốm cả về nguyên liệu, cách thức chế tác, kĩ thuật nung gốm… Tour thứ hai được xây dựng với mục đích quảng bá cho làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh. Trong mục này, bài thuyết minh được xây dựng cho tour thứ hai.

Xin kính chào quý khách! Tên tôi là E.F.G.H, là nhân viên của công ty du lịch I.O.P. Hôm nay tôi rất vui được cùng quý khách tham gia chuyến hành trình tìm hiểu khám phá vẻ đẹp, sự phong phú và sức hấp dẫn của các làng nghề truyền thống Bắc Ninh. Thay mặt cho toàn thể đồng nghiệp trong công ty, kính chúc quý khách có một chuyến thật vui và bổ ích.

Kính thưa quý khách! Bắc Ninh là một tỉnh có hệ thống làng nghề phong phú (62 làng nghề). Mỗi làng một vẻ, sắc thái khác nhau, nhưng tất cả đều chứa đựng trong mình giá trị văn hoá to lớn của ngàn năm văn vật. Nói đến bản sắc văn hóa dân tộc không thể không nói, không nghiên cứu, khai thác vốn quý giá của làng nghề truyền thống. Đằng sau luỹ tre xanh, mỗi làng nghề đều có những sản phẩm thủ công, những phong tục tập quán riêng, có quy ước, khoản lệ riêng nhằm đảm bảo sự đoàn kết thống nhất của cộng đồng làng xã, giữ gìn văn hoá cộng đồng. Cùng với đó là những lễ hội, truyền thuyết, giai thoại riêng rất đặc sắc và phong phú cang tô điểm cho sắc thái của cộng đồng làng. Hôm nay chúng ta sẽ cùng khám phá những điều đó ở làng tranh

Đông Hồ và làng gốm Phù Lãng – hai làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh Bắc Ninh.

Làng tranh Đông Hồ thuộc huyện Thuận Thành của tỉnh. Nằm ở phía Nam sông Đuống, làng Đông Hồ xưa kia có tên là làng Mái, và nghề làm tranh có từ bao giờ cũng không ai biết nữa mà chỉ còn truyền nhau câu ca: “Làng Mái có lịch có lề. Có sông tắm mát, có nghề làm tranh”. Câu ca: “Dù ai buôn bán trăm nghề. Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh” ý nói rằng xưa kia chợ của làng chỉ họp để bán tranh vào năm ngày 6, 11, 16, 21, 26 của tháng Chạp, tức là tháng có tết cổ truyền của dân tộc ta. Vào tháng Chạp, không khí trong làng nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng chày giã Điệp và các thao tác làm tranh của thợ. Không khí Tết rộn rã không chỉ ở kẻ bán người mua tấp nập, mà bởi cả vẻ rực rỡ, sắc màu tươi rói của những bộ tranh gà, lợn, mèo, chuột, ngựa v.v… Có thể nói, cái đặc biệt của tranh Đông Hồ là ở chỗ đó. Tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Huế… không thể có cái sắc màu muôn hồng vạn tía của tranh Đông Hồ, cũng không thể có nền giấy Điệp quyến rũ đó: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong. Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Người sành tranh Đông Hồ chính bởi chất dân gian chứa đựng trong tờ tranh nền giấy Điệp trắng ngà ấy. Tranh Đông Hồ có một thời lên đến điểm “cực thịnh”, đã từng sáng giá trong các triển lãm nghệ thuật lớn ở các nước trên thế giới với nét vẽ nhuần nhị, tươi tắn như hồn người đất Việt. Cũng có một thời gian bị chìm lắng do cơ chế thị trường khắc nghiệt, tiêu thụ khó khăn. Nhưng làng tranh vẫn trụ lại với thời gian và nét đẹp của nó vẫn lắng đọng trong tâm hồn mỗi người Việt.

Kính thưa quý khách! Sau khoảng thời gian ăn trưa, nghỉ ngơi và thưởng thức giai điệu quan họ mượt mà, đằm thắm chúng ta sẽ tạm biệt làng tranh

Đông Hồ để tiếp tục cuộc hành trình đến với làng Phù Lãng – xứ sở của gốm sành nâu.

Phù Lãng là một xã thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh, nằm ngay bên dòng sông Cầu thơ mộng từ lâu đã đi vào nhạc hoạ thi ca. Đến Phù Lãng, đầu tiên chúng ta đến thăm chùa Phù Lãng để được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc công cộng độc đáo của làng. Điều đặc sắc của ngôi chùa này không hẳn là nằm ở lối kiến trúc mà là ở cách trang trí tranh gốm trên những bức tường xung quanh chùa. Chúng ta được tìm hiểu cách thức làm gốm sành của làng có tuổi nghề bảy, tám trăm năm này, và cũng có thể tự mình sáng tạo ra một sản phẩm theo ý tưởng riêng với sự hướng dẫn nhiệt tình của các thợ gốm hiếu khách. Để làm ra được một sản phẩm gốm thì phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là công đoạn chọn và xử lý đất, khác với những sản phẩm lấy chất liệu từ “xương” đất sét xanh của Thổ Hà, sét trắng của Bát Tràng, gốm Phù Lãng được tạo nên từ “xương” đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Đất được chở về Phù Lãng bằng đường sông. Điều này rất thuận lợi do Phù Lãng không phải lấy đất đất sét tại chính làng họ, tránh phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan làng nghề. Đất để làm đồ sành phải là loại đặc biệt, có độ dẻo. Lấy được đất về, người thợ phải phơi cho đất bạc màu, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm” nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sao cho tới khi đất pahỉ nhuyễn mịn như một miếng giò. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên banà xoay nắn thành sản phẩm. Dưới bàn tay của người thợ thủ công, đất sét được luyện thất nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định và được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn.

Công đoạn thứ hai là tạo hình: gốm Phù Lãng được sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng, với những hình khối đa dạng. Nhưng nhìn chung có thể quy vào hai phương pháp cơ bản: tạo hình trên bàn xoay và in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại. Mỗi loại hình sản phẩm, mỗi chủng loại hàng đều có những kỹ thuật, kỹ xảo riêng, tất cả đều nhằm đạt được hiệu quả tối đa về hai phương diện kinh tế và thẩm mỹ.

Cũng như nghề gốm ở Bát Tràng (Gia Lâm), và Thổ Hà (Bắc Giang), phương pháp tạo hình sản phẩm ( có tiết diện tròn) là chuốt. Tất cả các sản phẩm đều đưa lên bàn xoay tay. Hoạt động xung quanh bàn xoay tay cần phải có hai người, trong đó một người chuyên ngồi chuốt, một người vần bàn xoay. Người vần bàn xoay đông thời làm nhiệm vụ lăn đất thành đòn để chuốt (còn gọi là xe đòn). Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong, để cho se dần, đến khi sờ tay vào không thấy dính, lúc bấy giờ người thợ tiến hành đấm, thúc bên trong của sản phẩm cho thành hình đồ vật, rồi lại để cho ráo.

Bước cuối cùng trong khâu hoàn thành sản phẩm là ve, nạo sản phẩm sau khi sản phẩm đã thành bạc hàng (chuyển sang màu trắng). Ve, nạo xong sản phẩm được tráng một lớp men lên, tạo mầu sắc.

Công đoạn tiếp theo là tráng men. Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng (loại cây mà khi đốt, tàn tro trắng như vôi, như tàn thuốc. Ngày nay nghệ nhân Phù Lãng thường dùng tứ thiết là Lim, Sến, Táu, Nghiến), hai là vôi sống (vôi tả), ba là sỏi ống nghiền nát, bốn là bùn phù sa trắng. Bốn chat liệu này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định rồi để khô, đập nhỏ, cho vào nước, gạn qua rây bột, từ đó chế thành một chất lỏng quánh, vàng như mật ong. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bề ngoài của sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sauk hi quét men và phơi khô, sản phẩm có mầu trắng đục.

Công đoạn cuối cùng là nung sản phẩm. Sau công đoạn vào men, tạo màu, phơi khô, sản phẩm được đưa vào lò nung ở nhiệt độ 1000 độ C, để đảm bảo gốm sành nâu có lớp da ngoài đanh mặt, nhẵn bong và chắc. Xếp sản phẩm trong lò phải tuân theo nguyên tắc tiết kiệm tối đa không gian trong lò. Một lò thường được 1000 sản phẩm và phải đun liền trong ba ngày ba đêm. Vì vậy những sản phẩm đạt tiêu chuẩn phải có mầu da lươn vàng óng hay mầu cánh gián, khi gõ vào sản phẩm có tiếng vang. Phù Lãng vẫn sử dụng phương pháp truyền thống – dùng củi để nung, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế. Xương đất sét có mầu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao, xương gốm chuyển sang mầu gan gà, với hai mầu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen (thường gọi là men da lươn). Có thể thấy, sản phẩm chính của Phù Lãng xưa là chum vại, ấm đất, chậu cảnh, tiểu sành… Ngày nay với những bàn tay tài hoa muốn khôi phục và gìn giữ nghề truyền thống của làng, các nghệ nhân thế hệ mới như Vũ Hữu Nhung, Nguyễn Minh Ngọc… đã phát triển những tinh hoa của nghề gốm với nghệ thuật tạo hình khối, hoa văn. Nhiều sản phẩm và mẫu gốm mới như: tranh gốm, lọ hoa gốm, ấm chén gốm, gốm trang trí, gốm ốp tường, lư hương… đã và đang được khách, doanh nhân, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước yêu thích. Nếu vẻ đẹp của gốm Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, những nét vẽ tinh tế, thì hồn cốt của Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc của nước men da lươn này. Chính những sản phẩm gốm này thu hút tâm trí người chiêm ngưỡng đến kỳ lạ. Chúng không hề hoàn hảo, không kiêu sa, nhưng thực như cuộc sống. Chúng minh chứng một triết lý rằng, trong đời không có gì hoàn hảo, rằng hoàn hảo là khô cứng, chính những gì không hoàn hảo mới thực sự là hoàn hảo, vì chúng là đời thực. Hơn nữa, mỗi sản phẩm là duy nhất trong thế giới này. Và cũng chính từ chỗ thiếu hoàn hảo đó đã phát sinh sự sáng tạo, sự đa dạng đến vô cùng… tạo nên vẻ đẹp của

cuộc sống. Không phải vô cớ mà những chiếc lọ sành xù xì, gai góc với những mầu sắc dung dị đầy vẻ dân dã, những chiếc bình gốm méo lại cuốn hút các nghệ sĩ, du khách và chinh phục biết bao người khi đặt chân đến vùng quê bên con sồng Cầu xưa cũ hiền hoà. Cùng với gốm sứ Bát Tràng, đồ gốm sành Phù Lãng chính là những sản vật tạo nên nét văn hoá nổi tiếng.

Thưa quý khách! Ráng chiều tà đang in bong xuống dòng sông êm đềm kia là dấu hiệu nhắc chúng ta đã đến lúc tạm biệt Phù Lãng để trở về. Hy vọng rằng, sau chuyến đi này quý khách có những cảm xúc thú vị, những cảm nhận và kỉ niệm sâu sắc, những kỉ vật đáng yêu của vùng thôn quê với những sản phẩm mang đậm tâm hồn Việt này.

Tiểu kết chương 3

Hiện nay, làng nghề ở Việt Nam nói chung và Phù Lãng nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển như vấn đề vốn, thị trường, mặt bằng… nhất là vấn đề môi trường đang bị ô nhiễm, dòng gốm truyền thống đang có nguy cơ mai một, mẫu mã nghèo nàn, nghệ nhân không được chăm lo chu đáo… Hàng loạt vấn đề đặt ra đòi hỏi Đảng, Chính Phủ, các ban ngành đoàn thể cần phải lắng nghe và thấu hiểu, đồng thời đưa ra những chính sách, kế hoạch đúng đắn để bảo tồn văn hóa làng gốm Phù Lãng nói riêng và làng nghề Việt Nam nói chung không bị mất đi bản sắc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch làng gốm phù lãng ở bắc ninh (Trang 79 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)