Từ tượng hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đối chiếu từ tượng thanh, từ tượng hình trong tiếng hàn và tiếng việt (Trang 26 - 33)

6. Cấu trúc của luận văn

1.5. Từ tượng hình

Từ tượng hình theo thuật ngữ tiếng Anh là mimesis [30,tr.1], được hiểu một cách đơn giản là những từ mô tả hình dáng, trạng thái hay sự chuyển động của người hoặc vật. Nếu như từ tượng thanh gợi cho người nghe cảm giác về âm thanh bằng ngôn ngữ, thì từ tượng hình lại khiến người nghe dễ dàng hình dung ra hình ảnh, trạng thái của sự vật một cách rõ nét, sinh động. Từ tượng hình được sử dụng rộng rãi trong cả tiếng Hàn và tiếng Việt.

Ví dụ:

Trong tiếng Hàn:

(15) 아장아장 [a chang a chang]: dáng đi chập chững của em bé (chập chà chập chững)

(16) 엉금엉금 [eong geum eong geum]: điệu bộ di chuyển từ từ, chậm chạp của loài vật, như con rùa (chầm chậm, đủng đỉnh)

(17) 번쩍번쩍[beon tcheok beon tcheok]: ánh sáng đột ngột lóe lên rồi lại vụt tắt mất ( loe lóe, lập lòe)

Trong tiếng Việt:

(18) Sáng lấp la lấp lánh.

(19) Núi non trùng trùng điệp điệp.

(20) Anh ta ăn vội vội vàng vàng.

Trong Hàn ngữ học, song song với khái niệm về từ tượng thanh, chúng ta cũng sẽ bắt gặp các khái niệm về từ tượng hình được đề cập đến trong các từ điển và trong nhiều công trình học thuật. Theo “Đại từ điển quốc ngữ chuẩn”18, từ tượng hình là “từ mô phỏng dáng điệu hoặc sự di chuyển của con người hoặc sự vật”. Bên cạnh đó, trong các công trình nghiên cứu của mình, nhiều học giả Hàn Quốc đã nêu lên khái niệm về từ tượng hình mang nhiều nét tương đồng với định nghĩa trong từ điển. Theo Yoon Hee Won (1993), “từ tượng hình là từ được tạo thành từ việc mô phỏng dáng điệu của đối tượng…có thể phân tách âm tiết dựa theo hệ thống âm vận của ngôn ngữ đang nói đến … đồng thời cũng được hình thành dựa trên nền tảng là tính xã hội và tính tùy ý của ngôn ngữ”. Nam Pung Hyun (1993) cũng đồng ý rằng “từ tượng hình là từ mô phỏng trạng thái hoặc dáng điệu của sự vật”, bao gồm tất cả những từ mô phỏng theo cảm nhận về vị giác, khứu giác, xúc giác, thị giác, trừ thính giác. Ngoài ra, từ tượng thanh, từ tượng hình còn có cả phạm trù mô tả tâm lý tình cảm của con người. Còn Park Dong Geun (1997) thì cho rằng từ tượng hình là “từ mô phỏng hình dạng”, “mô phỏng trạng thái hoặc hình dạng của các sự vật thuộc thế giới tự nhiên bằng âm vận đặc trưng” và “là nhóm từ đặc thù của tiếng Hàn”.

Bên cạnh các khái niệm được đưa ra trong Hàn ngữ học, Việt ngữ học cũng có thể bắt gặp một số ý kiến đề cập đến khái niệm từ tượng hình, tuy nhiên, các nghiên cứu, công trình học thuật đi sâu về từ tượng hình chiếm số lượng hạn chế

hơn hẳn so với từ tượng thanh. Trong từ điển tiếng Việt, từ tượng hình được định nghĩa là từ “1. Phỏng theo hình ảnh, dáng vẻ của sự vật: chữ tượng hình; 2. Gợi lên hình ảnh làm liên tưởng tới sự vật cụ thể: lom khom, gập ghềnh…”. Còn theo Nguyễn Như Ý (1997), định nghĩa từ tượng hình được đưa ra một cách ngắn gọn là “từ có tác dụng gợi tả hình ảnh, dáng điệu của sự vật. Ví dụ: lom khom, lừng lững, lụp xụp, lung linh.”[21, tr.402]

Cùng với từ tượng thanh, các từ tượng hình cũng đóng vai trò quan trọng trong ngôn ngữ, tuy không phải là sự lựa chọn bắt buộc trong mối quan hệ trên trục đối vị của từ, nhưng về mặt ý nghĩa và biểu đạt, từ tượng hình lại giúp cho người nghe, người đọc có thể hình dung các sự vật một cách dễ dàng và sinh động hơn. Tuy nhiên, đối với người ngoại quốc, có thể nói, việc hiểu được ý nghĩa của từ tượng hình lại khó khăn hơn là từ tượng thanh. Đó là bởi vì từ tượng thanh vốn là những từ mô tả âm thanh, tiếng động của người và sự vật, nên có thể liên tưởng và hiểu được phần nào nghĩa của từ theo cảm nhận chủ quan của mỗi người. Nhưng ngược lại, các từ tượng hình bị chi phối bởi lối tư duy khác nhau của mỗi dân tộc, vì vậy, nó buộc người tiếp nhận ngôn ngữ cần phải có kiến thức từ vựng nhất định và nắm được lối tư duy ngôn ngữ của người bản địa mới có thể hiểu được.

So với từ tượng thanh, từ tượng hình có đặc trưng riêng biệt. Các từ tượng hình không phải là những từ thiết yếu như các từ tượng thanh trong ngôn ngữ sinh hoạt thường ngày. Nếu như các từ tượng thanh chỉ có thể biểu hiện dưới dạng tượng thanh, thì các từ tượng hình lại có khả năng biểu đạt đa dạng hơn, đó là có thể diễn đạt thông qua cả lối nói thông thường. Ví dụ như khi diễn đạt câu:

(21) 개가 멍멍/ 컹컹/왈왈 짖는다.

[ kae ka meong meong/ k’eong k’eong/ wal wal jit neul ta] ( con chó sủa meong meong/ k’eong k’eong/ wal wal)

Cho dù có sử dụng từ tượng thanh nào để mô phỏng tiếng chó sủa thì âm thanh đó cũng chỉ có thể được mô tả dưới dạng từ tượng thanh. Tuy nhiên, khi muốn nói:

(22) 버들가지가 하늘하늘/ 한들한들/ 살랑살랑 바람에 흔들린다.

[beo teul ka ji ka haneul haneul/ hanteul hanteul/ sallang sallang baram e heun teul lin ta]

(Cành liễu đung đưa trong làn gió hiu hiu)

Mặc dù câu này không diễn đạt một cách rõ ràng bằng các từ tượng hình mà chỉ nói đơn giản là “Cành liễu đung đưa trong gió nhẹ” thì nội dung mô tả cũng không bị khác biệt lắm, có chăng chỉ là ở sắc thái ngữ nghĩa. Đây cũng chính là điều khiến cho trong quá trình học ngoại ngữ, người học dễ dàng né tránh việc sử dụng từ tượng hình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng điều này chỉ giải quyết vấn đề truyền tải thông tin, còn ở góc độ tu từ học, hiệu quả biểu đạt của phát ngôn sẽ khác nhau khi có sự xuất hiện của đa dạng các từ tượng hình, góp phần làm phong phú đời sống sinh hoạt ngôn ngữ.

Tiểu kết chương 1

Nhìn chung, định nghĩa từ tượng thanh, tượng hình trong các tài liệu của Hàn Quốc và Việt Nam đều là những từ mô phỏng một cách trực tiếp hay gián tiếp hiện thực khách quan thông qua phương tiện ngôn ngữ. Không những thế, một điểm tương đồng nữa về từ tượng thanh, tượng hình tiếng Hàn và tiếng Việt, đó là trong hai ngôn ngữ đều tồn tại những từ vừa có thể coi là từ tượng thanh, nhưng cũng có thể là từ tượng hình. Điều này có nghĩa là có một số từ vừa có khả năng mô phỏng hình dáng, vừa có thể gợi tả âm thanh. Đó là trường hợp âm thanh được mô phỏng xuất hiện và kéo theo sự phát sinh của một trạng thái hay sự vận động. Do vậy, một từ tượng thanh cũng có thể mô phỏng sự di chuyển, hay trạng thái của sự vật; hoặc ngược lại, một từ tượng hình có thể mô phỏng âm thanh sự vật. Ví dụ, trong tiếng Việt có từ “vút” – vừa mô tả tốc độ di chuyển nhanh của sự vật (“mũi tên bay vút đi”), lại vừa có thể mô phỏng âm thanh tạo ra do chuyển động nhanh của sự vật

(“Tên bắn nghe vun vút”). Trong tiếng Hàn cũng có ví dụ với ý nghĩa tương tự, như

từ 휙 [hwik] vừa diễn tả chuyển động của mũi tên vừa mô phỏng âm thanh phát ra do sự chuyển động đó tạo nên (화살이 휙 소리와 함께 과녁에 꽂혔다 và 화살이 휙

날아가 과녁에 꽂혔다).

Tuy nhiên, bên cạnh đó, từ tượng thanh, tượng hình tiếng Hàn và tiếng Việt cũng có những khác biệt do đặc trưng về loại hình ngôn ngữ của hai dân tộc là khác nhau. Điều này chi phối đến sự hình thành, các đặc trưng cú pháp, từ loại của từ tượng thanh, từ tượng hình trong tiếng Hàn và tiếng Việt. Từ tượng thanh tiếng Hàn có sự phân loại, xác định từ loại, cấu tạo từ khác với từ tượng thanh tiếng Việt. Từ tượng thanh, tượng hình tiếng Hàn khi chưa kết hợp với các phụ tố để chuyển loại từ, có phần căn tố là phó từ. Còn từ tượng thanh, từ tượng hình tiếng Việt có thể ở dạng danh từ, động từ, nhưng đa phần là ở dạng tính từ. Bởi vậy, chúng mang đặc trưng, chức năng cú pháp của từ loại đó. Nếu như trong tiếng Việt, nhóm từ tượng thanh, tượng hình chỉ mô phỏng âm thanh, hình dáng, đặc điểm, trạng thái hoạt động của sự vật, hiện tượng, được cảm nhận chủ yếu qua thính giác, thị giác, hoặc

có thể qua xúc giác, thì trong tiếng Hàn, nhóm từ tượng hình lại khá đa dạng về ý nghĩa biểu đạt, được cảm nhận qua nhiều kênh khác nhau, thông qua tất cả các giác quan, gồm thị giác, xúc giác, vị giác, thậm chí cả cảm giác, mô tả trạng thái tâm lý, tình cảm của con người.

Như vậy, trong chương này, chúng tôi đã nêu lên các khái niệm về hình vị, từ, làm rõ sự khác nhau của các đơn vị ngôn ngữ này trong tiếng Hàn và tiếng Việt. Đồng thời chúng tôi cũng cho thấy sự sắp xếp, vị trí của lớp từ tượng thanh, tượng hình trong hai thứ tiếng, nêu rõ quan điểm cho thấy sự phân biệt rõ ràng giữa các khái niệm từ láy, từ tượng hình, từ tượng thanh... Đây sẽ chính là tiền đề để chúng tôi có thể tiếp tục triển khai khi đề cập tới các nội dung khác có liên quan trong quá trình đối chiếu lớp từ này trong hai ngôn ngữ, đặc biệt về các mặt cấu tạo, ngữ nghĩa, chức năng cú pháp v.v...

CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM VỀ CẤU TẠO TỪ TƯỢNG THANH, TỪ TƯỢNG HÌNH

Ngôn ngữ có hai mặt tồn tại song song, đó là hình thức và nội dung, nói cách khác là mặt cấu tạo (vỏ âm thanh) và mặt ngữ nghĩa biểu đạt. Đành rằng mối quan hệ giữa mặt âm thanh và mặt nghĩa trong ngôn ngữ mang tính võ đoán, song không phải lúc nào cũng vậy. Đôi khi, ta phát hiện ra tính lý do nhất định trong mối quan hệ giữa âm và nghĩa, thậm chí chặt chẽ tới mức có thể ảnh hưởng tới nhau. Điều này đặc biệt có thể thấy rõ ở trường hợp của từ tượng thanh. Mỗi sự thay đổi về hình thức âm tiết sẽ ảnh hưởng đến sự chuyển biến về ngữ nghĩa, sắc thái biểu đạt của từ. Do đó, trong chương 2 này, chúng tôi xin trình bày về đặc điểm cấu tạo nhưng cũng sẽ có sự phân tích về mặt ngữ nghĩa ở một số vấn đề có liên quan, để có cái nhìn toàn diện hơn về mối quan hệ cũng như sự tác động qua lại lẫn nhau giữa hai phương diện cấu tạo và ngữ nghĩa, giữa hình thức và nội dung của từ tượng thanh, từ tượng hình trong hai ngôn ngữ.

Có thể nói, khi tìm hiểu về các từ tượng thanh, tượng hình, đặc biệt là ở tiếng Việt, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều trong các tài liệu viết về từ láy. Bởi các từ tượng thanh, từ tượng hình có mối quan hệ khá chặt chẽ với từ láy do đặc trưng cấu tạo của nhóm từ này. Đây cũng là một trong nhiều phương thức cấu tạo nên nhóm từ tượng thanh, tượng hình tiếng Việt, đồng thời cũng là một trong những đặc điểm cấu tạo của nhóm từ tượng thanh, tượng hình tiếng Hàn. Đa phần các từ tượng thanh, tượng hình ở cả hai ngôn ngữ đều có phương thức cấu tạo là phương thức láy, do vậy, thật dễ hiểu khi các ví dụ về từ tượng thanh, tượng hình, đa phần là các từ láy. Tuy nhiên, không phải từ láy nào cũng mang ý nghĩa tượng thanh, tượng hình, hay nói cách khác, không phải tất cả các từ tượng thanh, tượng hình ở cả hai thứ tiếng đều là từ láy. Láy chỉ là một trong các phương thức cấu tạo từ, nhằm biểu đạt ý nghĩa mô phỏng sự vật, hiện thực một cách hiệu quả. Do đó, cần phải nhận thức rằng tuy có sự giao thoa giữa nhóm từ tượng thanh, tượng hình với nhóm từ láy,

nhưng giữa hai nhóm từ này vẫn có ranh giới, được phân định bởi các từ tượng thanh, tượng hình cấu tạo theo các phương thức khác ngoài phương thức láy.

Bên cạnh đó, tuy chiếm số lượng ít hơn so với phương thức láy, nhưng từ tượng thanh, từ tượng hình có phương thức cấu tạo từ các từ đơn (từ hóa hình vị) cũng có tồn tại trong tiếng Hàn và tiếng Việt. Bên cạnh đó, yếu tố tượng thanh, tượng hình cũng xuất hiện trong cả cấu trúc ghép ở hai ngôn ngữ.

Với mục đích tiếp cận và nghiên cứu một cách hiệu quả từ tượng thanh, từ tượng hình, trong luận văn này, phương thức cấu tạo từ tượng thanh, từ tượng hình, đối tượng chính là các từ trong tiếng Hàn, được chia ra thành ba phần mục lớn: phần một - từ tượng thanh, từ tượng hình cấu tạo theo phương thức láy; phần hai - cấu tạo là từ đơn; phần ba - từ tượng thanh, từ tượng hình trong cấu trúc từ ghép. Trong từng phần mục, luận văn có sự đối chiếu giữa tiếng Hàn với tiếng Việt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đối chiếu từ tượng thanh, từ tượng hình trong tiếng hàn và tiếng việt (Trang 26 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)