Láy bộ phận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đối chiếu từ tượng thanh, từ tượng hình trong tiếng hàn và tiếng việt (Trang 42 - 47)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1. Cấu tạo theo phương thức láy

2.1.2. Láy bộ phận

Nói về đặc điểm của âm tiết trong tiếng Hàn, một âm tiết của tiếng Hàn có cấu trúc đầy đủ là CVC (phụ âm đầu-nguyên âm-phụ âm cuối). Ngoài ra, một âm tiết tiếng Hàn cũng có thể tồn tại ở các dạng: CV (phụ âm đầu-nguyên âm), VC (nguyên âm -phụ âm cuối), V (nguyên âm). Ở dạng V, âm tiết chỉ có một thành phần duy nhất là nguyên âm mà không có sự tham gia của các thành phần âm đầu hay âm cuối. Phức tạp hơn so với âm tiết của tiếng Hàn, một âm tiết trong tiếng Việt có cấu trúc đầy đủ bao gồm năm thành phần âm đầu-vần (âm đệm-âm chính- âm cuối) và thanh điệu. Tuy nhiên, một âm tiết tiếng Việt nếu xét theo mô hình cấu trúc giống như trường hợp tiếng Hàn thì cũng có đầy đủ các loại như V, C-V, V-C, C-V-C. Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là trong một âm tiết tiếng Việt còn có cả các thành phần đặc biệt chỉ xuất hiện trong tiếng Việt, đó là thanh điệu, âm đệm. Do đặc trưng ngôn ngữ của tiếng Hàn và tiếng Việt là khác biệt nên phương thức láy bộ phận trong hai ngôn ngữ này cũng khác nhau. Trong tiếng Việt, láy bộ phận bao gồm láy âm và láy vần. Còn trong tiếng Hàn, láy bộ phận đơn thuần là thay đổi một phần hình thức của âm tiết. Đứng ở góc độ nào đó, một âm tiết tiếng Hàn cũng có thể phân theo mô hình âm đầu - vần giống như cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Như vậy, cấu trúc đầy đủ của một âm tiết trong tiếng Hàn lúc này sẽ là CVC. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là âm tiết tiếng Hàn không có âm đệm và thanh điệu như trong tiếng Việt, nên thành phần cấu tạo của “vần” này trong âm tiết tiếng Hàn sẽ khác với tiếng Việt. Kéo theo đó, phương thức láy bộ phận của tiếng Hàn cũng sẽ có cơ chế khác với tiếng Việt.

Về số lượng âm tiết của các từ tượng thanh, tượng hình thuộc kiểu láy này, trong tiếng Việt bắt gặp cả láy đôi, láy ba, láy tư, còn trong tiếng Hàn thì các từ tượng thanh, tượng hình có số lượng âm tiết khá đa dạng, có thể bao gồm từ ba đến năm âm tiết.

Các từ tượng thanh, từ tượng hình trong tiếng Hàn được hình thành từ phương thức láy bộ phận không giống như hình thức láy âm đầu hay láy vần trong tiếng Việt, do trong tiếng Hàn không có thanh điệu hay vần như của tiếng Việt. Về số lượng âm tiết, các từ tượng thanh, tượng hình tiếng Hàn được cấu tạo từ phương thức láy bộ phận thường có khoảng từ ba đến năm âm tiết. Các âm tiết đứng sau có lặp lại một phần nào đó (nguyên âm, phụ âm đầu) của âm tiết đứng trước. Trong cơ chế láy, chúng tôi chia các từ láy bộ phận của tiếng Hàn ra thành các loại dựa theo thành phần được láy, đó là: loại láy âm tiết 2, loại láy âm tiết 3, loại láy nguyên âm, loại láy phụ âm.

-Loại láy âm tiết 2: ở loại láy này, âm tiết thứ hai của từ được láy lại nguyên vẹn,

cả về âm đầu lẫn nguyên âm. Ví dụ:

(43 ) 사르르[sa reureu]

(44) 자르르[cha reu reu]

(45 ) 쿵작작[k’ung chak chak],

-Loại láy âm tiết 3: ở loại láy này, âm tiết thứ ba của từ được láy lại nguyên vẹn,

bao gồm cả phần âm đầu và nguyên âm. Ví dụ:

(46) 데구르르[te ku reu reu],

(47) 번지르르[peon chi reu reu],

-Loại láy nguyên âm (láy “vần”): ở loại láy này, phần nguyên âm được láy lại.

Trong nội bộ một từ có nhiều âm tiết, có thể xảy ra trường hợp có nhiều hơn một nguyên âm được láy lại.

(48) 따르릉[tta reu reung]: là từ tượng thanh gồm ba âm tiết, mô phỏng tiếng chuông điện thoại “renggg... ”. Ở đây, nguyên âm ㅡ[eu] ở hai âm tiết cuối được

láy lại.

(49) 팽그르르[p’aeng keu reu reu]: láy nguyên âmㅡ[eu] ở ba âm tiết cuối

(50) 닥다그르르[ tak takeu reu reu]: láy nguyên âm ㅏ[a] ở hai âm tiết đầu tiên và láy nguyên âm ㅡ[eu]ở ba âm tiết cuối.

(51) 드르륵[teu reu reuk]: láy nguyên âmㅡ[eu] ở cả ba âm tiết

(52) 아사삭[a sa sak] : láy nguyên âm ㅏ[a] ở cả ba âm tiết

(53) 오도독[o to tok]: láy nguyên âm ㅗ[o] ở cả ba âm tiết

- Loại láy phụ âm đầu: ở loại láy này, phần phụ âm đầu được láy lại. Trong nội bộ

một từ có nhiều âm tiết, có thể xảy ra trường hợp có nhiều hơn một phụ âm được láy lại.

Ví dụ:

(54) 두둥실[tu tung sil]: láy phụ âm đầu ㄷ [t] ở hai âm tiết đầu tiên

(55) 바지직[pa chi chik]: láy phụ âm đầu ㅈ [ch] ở hai âm tiết cuối

(56) 파드득[p’a teu teuk]: láy phụ âm đầu ㄷ [t] ở hai âm tiết cuối

Trường hợp láy toàn bộ âm tiết (láy âm tiết 2, láy âm tiết 3) là hai trường hợp có thể dễ dàng nhận diện và phân loại. Đặc biệt, ở trường hợp láy nguyên âm và láy phụ âm đầu, có nhiều từ thuộc cả hai loại này, tức là có thể vừa láy nguyên âm, vừa láy phụ âm đầu.

(57) 두둥실[tu tung sil]: vừa láy nguyên âm ㅜ[u] ở hai âm tiết đầu tiên, nhưng đồng thời cũng láy phụ âm đầu ㄷ[t] ở hai âm tiết này.

(58) 오도독[o to tok]: vừa láy nguyên âm ㅗ[o] ở ba âm tiết, nhưng đồng thời cũng láy phụ âm đầu ㄷ[t] ở hai âm tiết cuối.

*So sánh với trường hợp của tiếng Việt

Đây là một trong những phương thức láy cấu tạo nên một nhóm khá đông đảo các từ tượng thanh, từ tượng hình trong tiếng Việt. Láy bộ phận có thể hiểu là phương thức láy có sự phối hợp ngữ âm của từng bộ phận âm tiết theo những quy tắc nhất định. Láy bộ phận gồm có láy âm và láy vần.

-Láy âm: là hiện tượng phụ âm đầu được láy lại. Các từ tượng thanh, tượng hình

cấu tạo từ kiểu láy âm đầu đại đa số là những từ láy bao gồm hai âm tiết. Ví dụ:

(59) xì xào, rúc rích, rì rầm, khúc khích, sa sả, tí tách, chằm chặp, phần phật, bập bềnh, hấp háy, khúc khuỷu...

Ngoài ra, để tạo cảm giác rõ rệt, mạnh mẽ và liên tiếp hơn so với các từ chỉ có hai tiếng như trên, tiếng Việt còn có các từ có bốn tiếng (láy tư) dạng ABAC được mở rộng ra dựa trên cơ sở các từ hai tiếng.

Ví dụ:

(60) chòng chành --> chòng chà chòng chành

(61) bập bềnh --> bập bà bập bềnh

(62) hấp háy --> hấp ha hấp háy

(64) rì rầm --> rì rà rì rầm

-Láy vần: là hiện tượng phần vần được láy lại, nhưng phụ âm đầu có thể bị thay

đổi. Ví dụ:

(65) lầu bầu, lào xào, lịch kịch, bâng khuâng, bơ vơ, lừng chừng, lù đù, lã chã, càu nhàu, thao láo, hấp tấp, tủn mủn, lụp xụp, lảng vảng, lúng túng,...

Gần nửa số lượng từ láy vần có âm đầu của tiếng thứ nhất là âm /l-/ và phần lớn chúng có chứa một tiếng còn rõ nghĩa. Tuy vậy, vẫn có không ít từ mà cả hai tiếng đều không rõ nghĩa.[4, tr. 142-152]

Ví dụ:

(66) hấp tấp, lập cập, bầy hầy, thình lình, liểng xiểng, lấc cấc...

Cũng tương tự như trường hợp láy âm đầu, ở láy vần cũng có phát sinh ra nhóm những từ tượng thanh, từ tượng hình có bốn tiếng đem lại cảm giác rõ rệt hơn. Nói cách khác, đây là nhóm từ tượng thanh, tượng hình láy tư, xuất phát từ những từ gốc hai tiếng. Các từ tượng thanh, tượng hình láy vần bốn tiếng ở đây cũng có dạng kết

cấu ABAC tương tựnhư các từ láy âm ở phần trên.

Ví dụ:

(67) lầu bầu --> lầu bà lầu bầu

(68) lào xào--> lào xà lào xào

(69) tủn mủn --> tủn mà tủn mủn

(70) lúng túng --> lúng ta lúng túng

Tóm lại, ở phương thức láy bộ phận, nếu như tiếng Việt chia ra thành láy âm và láy vần thì tiếng Hàn lại chia ra thành nhiều nhóm, láy lại một âm tiết của từ, hoặc láy phụ âm, hoặc láy nguyên âm. Từ láy bộ phận trong tiếng Việt đa phần là

hai âm tiết, tuy nhiên số lượng âm tiết trong một từ cũng có thể tăng lên thành bốn âm tiết thông qua cơ chế tách xen, thêm tiếng. Các từ láy bộ phận trong tiếng Hàn có số lượng tiếng trong một từ đa dạng hơn, có thể có từ ba đến năm âm tiết. Mỗi âm tiết của từ láy bộ phận ở cả hai ngôn ngữ không thể tách riêng và hoạt động độc lập, mà phải kết hợp với nhau dựa trên những quy tắc nhất định về ngữ âm, ngữ pháp của ngôn ngữ bản địa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đối chiếu từ tượng thanh, từ tượng hình trong tiếng hàn và tiếng việt (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)