Xu thế hội nhập quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chuyển biến cơ cấu kinh tế vùng ven biển Nam Định (1986- 2006) (Trang 40 - 42)

6. Kết cấu của luận văn

2.1. Các nhân tố tác động đến chuyển biến kinh tế

2.1.3. Xu thế hội nhập quốc tế

Chặng đường 20 năm đổi mới đất nước cũng là chặng đường Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Chính nhân tố này đã tác động không nhỏ đến quá trình chuyển biến kinh tế của cả nước nói chung và cả vùng ven biển Nam Định nói riêng. Xu thế hội nhập quốc tế trong một bối cảnh toàn cầu hoá đã trở thành xu thế tất yếu, cho dù chặng đường đó gặp vô vàn khó khăn. Quãng thời gian từ năm 1986 đến 1991 chính là thời điểm chúng ta bắt đầu nhận thức xu thế phát triển của thời đại, mở rộng quan hệ đối ngoại với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế. Từ năm 1991 đến nay, đất nước bắt đầu hội nhập theo chiều sâu. Bằng nỗ lực của mình và được bạn bè quốc tế ủng hộ, Việt Nam đã gia nhập tổ chức khu vực và quốc tế như: ASEAN (28/7/1995), APEC (14/11/1998), WTO (7/11/2006). Từ xu thế cũ chuyển sang hội nhập hoà bình, đất nước đã phải trải qua một chặng đường khó khăn. Việt Nam đã nắm được thời cơ trong hoà bình. Sự giao lưu, mở rộng quan hệ với thế giới giúp cho Việt Nam có điều kiện tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật, văn hoá từ bên ngoài vào, tạo điều kiện nâng cao dân trí, mức sống của người dân.

Hoà mình trong xu thế hội nhập quốc tế đó, vùng ven biển Nam Định thực sự cũng chịu sự tác động của nhân tố này. Khi đất nước mở cửa hội nhập với quốc tế thì đường biển chính là con đường ngắn và nhanh nhất để nối liền các quốc gia với nhau. Hội nhập quốc tế vừa mang lại cả cơ hội lẫn thách thức, là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình chuyển biến kinh tế - xã hội của một vùng ven biển khi mặt hàng gạo và nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu là để xuất khẩu. Một mặt, vùng ven biển khi có yếu tố hội nhập quốc tế đã thu hút được một nguồn vốn đầu tư lớn. Mặt khác, thị trường xuất khẩu cũng rộng mở hơn rất nhiều.

Mở rộng giao lưu kinh tế với các nước vừa là một nhu cầu tất yếu vừa là động lực và thách thức cho quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội ở vùng ven biển Nam Định trong chặng đường 20 năm đổi mới vừa qua.

Tất cả những nhân tố trên đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội của cả tỉnh Nam Định và vùng ven biển. Trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và đánh giá đúng sự thật” của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhân dân vùng ven biển hứng khởi bắt tay vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước trong điều kiện còn nhiều khó khăn, phức tạp và những vấn đề mới nảy sinh. Từ năm 1986, các huyện vùng ven biển lần lượt tiến hành các kỳ Đại hội Đảng bộ, phân tích rõ thực trạng kinh tế - xã hội và đề ra nhiệm vụ mới. Năm 1986 cũng là năm chuyển tiếp từ cơ chế bao cấp sang hạch toán kinh tế, từ bảo thủ trì trệ sang đổi mới, phát triển. Vì vậy, trong những năm đầu của tiến trình đổi mới, vùng ven biển Nam Định còn gặp rất nhiều khó khăn. Thời kỳ này nông nghiệp vẫn được xác định là mặt trận hàng đầu và chịu sự tác động mạnh mẽ của quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị TW 5 khoá VII về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Do đó, năng lực sản xuất trong nông nghiệp của vùng ven biển đã từng bước được giải phóng, tạo ra những động lực mới cho tiến trình đổi mới. Kinh tế tập thể và kinh tế hộ có sự tác động hỗ trợ,

thúc đẩy nông nghiệp phát triển hơn nữa ở vùng đất vốn trù phú này. Bộ mặt nông thôn của vùng ven biển đã bước đầu có sự thay đổi. Trong những năm 1986 - 1998, Đảng bộ các huyện vùng ven biển đã đưa ra nhiều chủ trương nhằm khuyến khích sản xuất phát triển như: đổi mới mô hình hợp tác, cụ thể là các hợp tác xã phải đảm nhận tốt các khâu dịch vụ sản xuất là: thuỷ lợi, giống, phân bón, làm đất, bảo vệ thực vật... tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, tích cực tìm hướng đi nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, vùng ven biển của tỉnh Nam Định cũng ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đổi mới cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và áp dụng các biện pháp thâm canh. Nhờ chủ trương chú trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vùng ven biển Nam Định đã thu được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt, trong đó sự biến đổi về kinh tế đã diễn ra hết sức ấn tượng. Sự chuyển biến đó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh mà rõ nét nhất là trong sự phát triển của kinh tế nông nghiệp. Vùng ven biển Nam Định đã có sự chuyển mình chung, hoà nhịp với bước chuyển của nền kinh tế đất nước, đi những bước đầu tiên trên con đường phát triển kinh tế và văn hoá xã hội của một vùng đất luôn năng động, đầy khí phách trước sóng gió của biển cả. Chính vì vậy, cho đến năm 1998, vùng ven biển tỉnh Nam Định đã vượt qua được khó khăn, ổn định đời sống nhân dân và có bước phát triển ban đầu. Những chuyển biến trong giai đoạn ban đầu của tiến trình đổi mới từ năm 1986 đến 1998 đã cho thấy rõ điều đó.

2.2. Những chuyển biến bƣớc đầu về cơ cấu kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chuyển biến cơ cấu kinh tế vùng ven biển Nam Định (1986- 2006) (Trang 40 - 42)