Về các hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng với cuộc vận động phụ nữ trong vùng giải phóng miền nam việt nam từ năm 1961 đến năm 1968 (Trang 104 - 109)

Chương 3 : ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ CÁC KINH NGHIỆM CHỦ YẾU

3.1. Đánh giá chung

3.1.2. Về các hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những thành tựu trên, chủ trương vận động phụ nữ ở vùng giải phóng của Đảng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thời kỳ 1961 - 1968 vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định:

Một là: Công tác đào tạo cán bộ phụ nữ của Đảng thời kỳ 1961 - 1968 chưa đáp ứng đủ nhu cầu của phong trào, việc đào tạo không duy trì được thường xuyên và nhiều nội dung đào tạo chưa thật hoàn chỉnh.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ theo chủ trương của Đảng không được duy trì thường xuyên qua các năm. Những năm 1961 - 1962, phong trào bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đều khắp các xã VGP ở miền Nam nhưng bước sang năm 1963 - 1964 và một số năm sau này, do địch điên cuồng bắn phá, lấn chiếm và gom dân nên một số cơ sở đào tạo cán bộ tan rã, hầu hết các địa phương đều buông lơi công tác này, nhiều tỉnh không mở được lớp nào, nhiều xã không còn cán bộ phụ nữ, buộc phải điều người đến thay thế.

Tinh thần đấu tranh cách mạng của chị em phụ nữ rất quyết liệt, song Đảng ta chưa chú ý phát động tư tưởng đúng mức trong quần chúng phụ nữ, chưa có kế hoạch cụ thể để giáo dục giác ngộ họ, chưa tổ chức họ lại tạo cơ sở để xây dựng lực lượng cách mạng, nhất là ở những vùng mới được giải phóng hoặc VGP của ta bị địch chiếm lại. Mặt khác, ta chưa tích cực đào tạo cốt cán từ trong phong trào, đồng thời bồi dưỡng số cán bộ cũ cung cấp cho phong trào cách mạng, do đó, cán bộ lãnh đạo cách mạng rất ít, cán bộ chủ trì nhiều nơi chưa có. Một số địa phương còn coi nhẹ công tác tuyên truyền, vận động và tập hợp lực lượng cách mạng trong quần chúng phụ nữ, có khi cho rằng tổ chức phụ nữ chưa cần thiết nên buông lơi, không quan tâm lãnh đạo, hoặc chủ trương giới hạn, hạn chế sự phát triển, có khi dẫn đến thủ tiêu. Những nơi tổ chức được thì phong trào còn lỏng lẻo, thiếu chất lượng, chưa đảm bảo tính chất cách mạng của tổ chức, bộ máy các cấp và lề lối làm việc chưa hình thành một cách rõ ràng nên chưa có sự hướng dẫn chủ đạo từ trên xuống, cũng như báơ cáo từ dưới lên. Do đó mà tổ chức chưa hoàn thiện đúng vai trò nhiệm vụ của nó đối với yêu cầu và nguyện vọng của quần chúng phụ nữ.

Tổ chức cốt cán của Hội phụ nữ chưa được triển khai rộng khắp, chưa thực sự tạo ra được mối liên hệ khăng khít giữa hội với quần chúng. Công tác tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhiều khi chưa theo

kịp với tình hình phát triển của phong trào nên sự lãnh đạo còn chậm. Cơ sở tổ chức và số lượng tổ chức còn quá ít so với yêu cầu và khả năng thực tế của tình hình cơ sở còn bó hẹp trong một số ít vùng giải phóng nên tổ chức chưa làm tốt cho phong trào đấu tranh cách mạng trong quần chúng phụ nữ nói

chung.

Nội dung giáo dục chủ yếu là về đường lối chính sách chung hoặc là việc vận động công tác trước mắt, ít chú ý đến những vấn đề lý luận. Nội dung đào tạo có sửa chữa, bổ sung như về các tài liệu giáo dục về giới song nhìn chung chưa được tu soạn một cách hoàn chỉnh, nhiều khi chưa thật thiết thực trong việc nâng cao trình độ nhận thức và năng lực thực hành cụ thể cho cán bộ, nhiều chị em phụ nữ đi học rồi không đem ra áp dụng được.

Hai là: Công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đều khắp quần chúng phụ nữ còn ít, thường chú ý phát động những vấn đề về công tác trước mắt, xem nhẹ những vấn đề cơ bản, lâu dài.

Trong quá trình lãnh đạo, các cấp ủy Đảng đã chú ý đến việc tuyên truyền một cách đông đảo nhất tầng lớp phụ nữ song trên thực tế nội dung và phương pháp phát động một cách chung chung, chưa thích hợp với nguyện vọng, trình độ, hoàn cảnh, đặc điểm của mỗi tầng lớp phụ nữ, nhất là phát động về quyền lợi giai cấp, về giới và dân tộc là những quyền lợi khăng khít với bản thân mỗi người phụ nữ làm cho chị em thấy chỉ có đấu tranh chống kẻ thù chung thì mới có những quyền lợi riêng của mình. Tuy nhiên, so với yêu cầu mà khả năng của chị em trong tình hình chiến tranh cách mạng như hiện nay, phong trào phụ nữ tham gia các mặt chiến đấu võ trang vẫn còn ít, chưa thiết thực và chưa đều khắp. Trong vận động chỉ nặng về động viên hơn bồi dưỡng, thường động viên chị em tham gia đấu tranh đóng góp, ủng hộ hoặc tham gia các công tác cách mạng ở hậu phương, ít chú ý đến quyền lợi thiết thân hàng ngày của chị em, nhất là những phúc lợi riêng biệt của phụ nữ thì ít khi được bàn bạc tới. Ngay trong các khẩu hiệu đấu tranh, vẫn ít quan tâm đến những khái niệm phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của chị em mà thường nêu những khẩu hiệu chung, như mọi người, do đó làm cho một số chị em có mệt mỏi,

chán nản trong các phong trào đấu tranh, cũng như mọi mặt công tác khác. Chậm làm cho chị em có sự chuyển biến về tư tưởng nhận thức rõ cuộc chiến tranh yêu nước và nỗ lực cùng với toàn dân tích cực tham gia, đẩy mạnh cuộc chiến tranh đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ba là: Việc động viên quần chúng phụ nữ tham gia các mặt chiến đấu vũ trang, chiến tranh du kích vẫn còn ít, chưa thiết thực và chưa đều khắp.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng đã hết sức chú trọng việc động viên một cách cao nhất quần chúng phụ nữ tham gia vào mọi công tác cách mạng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế chiến trường và khả năng cách mạng của quần chúng phụ nữ ở VGP việc động viên quần chúng phụ nữ tham gia các mặt chiến đấu vũ trang, chiến tranh du kích vẫn còn ít, chưa thiết thực và chưa đều khắp.

Nguyên nhân cơ bản là do các cấp phụ vận nói chung tuy có nhận thức phần nào nhưng chưa đúng mức về tình hình đế quốc Mỹ đang gây ra cuộc chiến tranh xâm lược thực sự ở miền Nam, và nhiệm vụ của nhân dân ta là phải chiến đấu chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ hiếu chiến bằng các hình thức đấu tranh chủ yếu: chính trị, võ trang, du kích. Do đó, trong chỉ đạo ta chưa chưa chú trọng tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong quần chúng phụ nữ để làm cho quần chúng phụ nữ nhận rõ tình hình và khả năng, vai trò củng mình trong phong trào nhân dân du kích, nhất là nhiệm vụ thay chân nam giới ở hậu phương để chị em tích cực tham gia đông đảo hơn nữa. Ta chưa có kế hoạch cụ thể để phát huy và tận dụng hết khả năng của chị em phụ nữ trong các mặt công tác này. Trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo, công tác tuyên truyền giáo dục, vận động chị em phụ nữ tham gia đấu tranh cách mạng cần được quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa để phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong cách mạng.

Bốn là: Cùng với những thành tích đạt được, phong trào Hội mẹ chiến sĩ ở VGP vẫn còn một số thiếu sót lớn về mặt lãnh đạo.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1961 đến năm 1968, Hội mẹ chiến sĩ, cũng như phong trào Hội mẹ chiến sĩ (được phát động

trên toàn miền Nam từ năm 1961) đã thực sự trở thành một công tác cách mạng có đóng góp hết sức quan trọng vào thắng lợi chung của nhân dân. Phong trào Hội mẹ chiến sĩ được phát triển và thu được nhiều hiệu quả nhất ở VGP. Song trong quá trình xây dựng và phát triển Hội mẹ chiến sĩ lại tiến hành chậm ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, do hạn chế về mặt nhận thức nên quan niệm Hội mẹ còn hẹp hòi, ít nhiều hạn chế tinh thần gia nhập Hội của quần chúng phụ nữ. Tiêu chuẩn kết nạp thuộc thành phần cơ bản và đòi hỏi tiêu chuẩn quá cao như phải tham gia ba mặt: đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận. Do đó, số lượng phát triển còn quá ít, chưa tương xứng với yêu cầu của cách mạng, chưa tận dụng hết khả năng của các mẹ. Từ khi phát động trên toàn miền Nam (năm 1961) thì phải "Đến cuối năm 1965, toàn Khu 2 mới chỉ có 2.683 mẹ, có nơi thủ tục kết nạp quá gắt gao như ở An Tường, một xã khá ở Trà Vinh, người muốn vào Hội mẹ phải được chi bộ duyệt lý lịch và chuẩn y, do đó đến nay trong xã chưa tổ chức được Hội mẹ" [122; tr 17].

Vấn đề giáo dục các mẹ trong công tác vẫn chưa được chú trọng, khiến cho ở một số địa phương, vấn đề đoàn kết nội bộ trong các mẹ chưa thật tốt, các mẹ còn thiếu ý thức tự động trong công tác mà có phần nào ỷ lại vào chi bộ cũng như Ban Chấp hành, Ban cán sự phụ nữ. Bên cạnh đó, một vấn đề khó khăn nữa cần giải quyết là các mẹ phải thường xuyên đóng góp tiền bạc ủng hộ chiến sĩ, nuôi dưỡng thương bệnh binh, nhiều nơi chưa có kế hoạch xây dựng quỹ cho Hội, do đó các mẹ phải xuất tiền túi ra ủng hộ bộ đội, lâu ngày không còn sức đóng góp đành phải xin ra khỏi hội.

Nguyên nhân chung của những hạn chế thiếu sót trên phải kể đến đó là: Nguyên nhân quan trọng của những hạn chế này đó là ở nhiều địa phương miền Nam, các cấp ủy Đảng chưa nhận rõ khả năng to lớn của phụ nữ trong đấu tranh nên thiếu chủ động tuyên truyền vận động, giáo dục chị em; đường lối phụ vận của Đảng chưa được quán triệt một cách sâu sắc ở các cấp, các ngành; một số địa phương chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng và vai trò của tổ chức phụ nữ giải phóng nên lơ là cho không cần thiết, hạn chế sự phát triển của tổ chức hội phụ nữ; một số cấp ủy đảng do chưa nhận thức đầy đủ về

vị trí, vai trò của nội dung công tác phụ vận của Đảng nên còn lúng túng trong việc thực hiện nguyên tắc lãnh đạo và chỉ đạo công tác phụ vận; Do trình độ của một số cán bộ nữ còn non yếu nên việc tiếp thu cũng như khả năng ứng dụng vào thực tế kém; tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại khá sâu sắc trong một số cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, thể hiện nhất là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, chưa tin vào khả năng quản lý của phụ nữ, chưa thấy hết khó khăn, trở ngại của phụ nữ; Nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là do sự phá hoại của đế quốc Mỹ đối với phong trào phụ nữ miền Nam và gây ra những khó khăn cho công cuộc vận động phụ nữ của Đảng.

Những thiếu sót trong công tác vận động phụ nữ của Đảng ít nhiều gây ảnh hưởng không tốt đến phong trào đấu tranh của phụ nữ. Tuy nhiên những khó khăn, thiếu sót đó chỉ là tạm thời và đã được Đảng ta dần khắc phục trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng với cuộc vận động phụ nữ trong vùng giải phóng miền nam việt nam từ năm 1961 đến năm 1968 (Trang 104 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)