Về ưu điểm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo công tác giáo dục chuyên nghiệp từ năm 1996 đến năm 2010 (Trang 96 - 100)

Chương 3 : NHẬN XÉT CHUNG VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM

3.1. Nhận xét chung

3.1.1. Về ưu điểm

Trong những năm 1996 - 2010, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối giáo dục của Đảng vào thực tiễn địa phương, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện nhiều giải pháp khả thi đưa ngành giáo dục chuyên nghiệp chuyển biến tích cực, đạt được những thành tựu lớn. Quá trình 15 năm lãnh đạo đó của Đảng bộ Thanh Hóa nổi lên những ưu điểm sau:

Một là, cơ bản giải quyết mối quan hệ giữa mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp dần đáp ứng được nhu cầu lao động trong tỉnh.

Mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục là một yêu cầu bức thiết, là nhiệm vụ giáo dục quan trọng trong bất kỳ giai đoạn nào.Vì sự nghiệp đào tạo ở các trường chuyên nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thị trường lao động nên để phục vụ cho nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu CNH-HĐH của tỉnh, GDCN cần mở rộng quy mô đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu lao động trong tỉnh. Chất lượng nguồn lao động khi ra trường có tiếp cận được với công việc được giao hay không chính là thước đo chất lượng giáo dục chuyên nghiệp.

Cùng với việc mở rộng quy mô, GDCN cũng tích cực đổi mới chất lượng giáo dục, gắn đào tạo với thực tế và việc làm. GDCN ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền, ngành giáo dục đã phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo hướng ngày càng hợp lí hơn. Mạng lưới trường chuyên nghiệp ổn định, quy mô học sinh, sinh viên tăng. Quy mô đào tạo tăng nhanh đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện chất lượng lực lượng lao động. Công tác đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định, có bước chuyển biến rõ nét, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh việc mở rộng quy mô, tăng số lượng, GDCN đã từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề bằng các hoạt động thiết thực như hội thảo, đổi mới phương pháp giảng dạy, cải tiến nội dung chương trình, sáng tạo thiết bị dạy nghề tự làm, tổ chức phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, tổ chức hội thi học sinh giỏi nghề, tham gia hội thi thiết bị tự làm; hội giảng giáo viên đạt kết quả tốt.

Mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề phát triển rộng khắp và tương đối hoàn chỉnh, cơ sở vật chất được tập trung đầu tư, khai thác; trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý được nâng lên; nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy từng bước được đổi mới; cơ cấu ngành, nghề đào tạo ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu lao động qua các năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh; chất lượng nguồn nhân lực ở các trình độ đào tạo được nâng lên, bước đầu đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Hai là, coi trọng chất lượng đội ngũ giáo viên và điều kiện dạy học, để tiếp cận với yêu cầu của nền giáo dục hiện đại.

Ý thức được vai trò mang tính quyết định của đội ngũ giáo viên, giảng viên đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục chuyên nghiệp, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã có những chủ trương cụ thể để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Giai đoạn từ 1996 - 2000, do thiếu hụt lực lượng giáo viên ở các cấp nhiều nên tỉnh đã chú trọng tăng cường số lượng đội ngũ. Cùng với đó là sự chú trọng nâng cao chất lượng giáo viên. Đến giai đoạn 2001 - 2010, lực lượng giáo viên đã ổn định, Đảng bộ tỉnh và ngành giáo dục đã đặc biệt chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng mọi mặt của lực lượng này.Trong 10 năm này, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương phát triển đội ngũ giáo viên như: chính sách thu hút cán bộ, giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ về giảng dạy, công tác tại trường Đại học Hồng Đức; chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chính sách đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ trong và ngoài nước; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Nhờ vậy mà tỉ lệ giáo viên, giảng viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao hơn. Hơn nữa, tỉnh đã chú trọng đến việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cử đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ trong và ngoài nước.

Ngoài ra, để nâng cao kỹ năng dạy và học nên công tác nghiên cứu khoa học và đúc rút sáng kiến kinh nghiệm được thực hiện tốt ở các trường đại học, cao đẳng. Tỉnh rất chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật trường học. Cơ sở vật chất trong các nhà trường ngày càng được tăng cường, kinh phí đầu tư bổ sung cho cơ sở vật chất trong giai đoạn 2001–2011 tăng cao, chủ yếu bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.Về cơ bản, các trường ĐH, CĐ,TCCN đã có đủ phòng học, trang thiết bị dạy học và thực tập, thư viện, ký túc xá,... Đối với các cơ sở dạy nghề hệ thống các phòng học lý thuyết cơ bản được kiên cố hóa; các xưởng thực hành, phòng thí nghiệm và trang thiết bị dạy nghề được trang bị. Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực đào tạo cho các trường: Đại học Hồng Đức, Cao đẳng Thể dục Thể thao, Cao đẳng Y tế, CĐ Văn hóa – nghệ thuật và các trường TCCN do tỉnh quản lý.

Cùng với việc đầu tư ngân sách Nhà nước, các ngành, các địa phương, các cơ sở dạy nghề đã cố gắng tìm kiếm, huy động mọi nguồn lực, tận dụng mọi khả năng hiện có để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, phương tiện dạy và học, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ giáo viên…Đồng thời mở rộng liên kết với các trường đào tạo trong và ngoài tỉnh để duy trì ổn định và có bước phát triển trong công tác đào tạo nghề.

Ba là, chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo được nâng lên bước đầu đáp ứng với nhu cầu đòi hỏi của thực tế xã hội và thị trường sức lao động.

Giáo dục chuyên nghiệp trong 15 năm qua đã góp phần đào tạo được một số lượng CNKT đáp ứng yêu cầu cho lao động xã hội trên địa bàn toàn tỉnh góp phần giải quyết việc làm, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật mới, thích nghi dần với thị trường lao động. Công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội được các nhà trường chú trọng và quan tâm hơn.

Cơ cấu lao động qua đào tạo ngày càng hợp lý hơn, hình tháp trong cơ cấu lao động qua đào tạo bước đầu hình thành: sơ cấp 72,2%; trung cấp và cao đẳng: 20,5%; đại học 7% và trên đại học 0,3%. Do vậy, năng suất lao động xã hội ngày càng tăng. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở nông thôn, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị

đều giảm so với năm 2005; cơ cấu lao động theo ngành tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Bốn là, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và các Sở ban ngành liên quan đã không ngừng xây dựng các trường chuyên nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực.

Năm 2010, địa bàn tỉnh bao gồm: 2 trường cao đẳng nghề, 16 trường trung cấp nghề; 19 trung tâm dạy nghề; 2 trường đại học, 1 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp chuyên nghiệp có tham gia dạy nghề.. với năng lực đào tạo nghề cho 40.517 người. Năm 1997, trường Đại học Hồng Đức thành lập đó giúp cho con em Thanh Hóa có điều kiện được học từ mầm non đến đại học ngay trên quê hương của mình. Đặc biệt trong những năm qua trường Đại học Hồng Đức với nhiệm vụ chính là đào tạo giáo viên đó giúp cho ngành giáo dục Thanh Hóa khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên. Sự ra đời của các trường chuyên nghiệp ngay trên địa bàn tỉnh đó giúp cho số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp PTTH có điều kiện học lên trung cấp, cao đẳng, đại học nhiều hơn so với trước đây.

Năm là, công tác xây dựng chương trình cho các ngành đào tạo, bổ sung các nội dung các học phần mới trong chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy - học, kiểm định đánh giá chất lượng được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo.

Sáu là, công tác xã hội hoá giáo dục – đào tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có bước phát triển mạnh mẽ, đã thu hút được các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đào tạo. Nhận thức sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân và thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Trong 15 năm, Thanh Hóa đã huy động được sự đóng góp của nhiều tầng lớp nhân dân nhất là các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Hệ thống các trường dân lập, tư thục ra đời ngày càng nhiều.

Bảy là, các trường nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tín dụng đối với học sinh – sinh viên; quan tâm tới các hoạt động phong trào của học sinh – sinh viên. Các trường đã nghiêm túc thực hiện các cuộc vận động: “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Nói

không với các tiêu cực trong trong thi cử và bệnh thành tích; nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội".

Tám là, trong giai đoạn này, Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành cũng như các địa phương đã quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho người lao động góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống của người nông dân.

Là một tỉnh thuần nông, toàn tỉnh có hơn 80% dân số là làm nông nghiệp. Do vậy, khi tiến hành CNH, HĐH, Đảng và Nhà nước phải tiến hành đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ lao động ở nông thôn. Hệ thống chính sách của Nhà nước về GDCN do vậy đã từng bước được hoàn thiện tạo hành lang pháp lý cho công tác đào tạo nghề phát triển. Các cấp, các ngành và xã hội đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, vị trí của đào tạo nghề trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đã quan tâm đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống đào tạo nghề cả công lập, dân lập và tư thục đáp ứng nhu cầu người lao động muốn được học nghề để lập thân, lập nghiệp. Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã cho chỉ đạo UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển công tác đào tạo nghề tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2001-2010”. Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định về quy hoạch mạng lưới, đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Đạt được những kết quả trên là do các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, ban hành các cơ chế, chính sách đúng đắn, kịp thời; huy động được các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa của các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa của các thành phần kinh tế và đóng góp của nhân dân, tập trung đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo; nền kinh tế của tỉnh luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tạo tiền đề vật chất quan trọng cho phát triển nhân lực của tỉnh

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo công tác giáo dục chuyên nghiệp từ năm 1996 đến năm 2010 (Trang 96 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)