.Chủ đích của Nam Phong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề tiếp nhận và bình giải truyện kiều trên nam phong tạp chí ( 1917 1934 ) (Trang 27 - 31)

Nam Phong tạp chí đóng vai trò “mở đầu” trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Cùng “ra đời” với một số báo chí và tạp chí khác đương thời, nhưng Nam Phong là tạp chí tựa như đã làm những công việc chuẩn bị một cách cơ bản và khá đầy đủ những yếu tố cần thiết cho một cuộc “sinh nở” – cuộc sinh nở của một nền văn học Việt Nam hiện đại. Nói cách khác, Nam Phong tạp chí đã làm được khá toàn diện những gì cần thiết cho công cuộc hiện đại hóa văn học.

Trong quá trình hiện đại hóa nền văn học nước nhà, Nam Phong tạp chí

đã bắc một nhịp cầu quan trọng đưa văn học Việt Nam vào quỹ đạo hiện đại trên nhiều phương diện. Nhìn từ góc độ đồng đại, đặt Nam Phong tạp chí vào giai đoạn đầu thế kỷ XX, so với nhiều báo chí, tạp chí khác thời đó, Nam Phong là ấn phẩm đóng vai trò chủ đạo, trụ cột, là nơi “dẫn gió bốn phương vào đô thành văn học Việt Nam” (Kiều Thanh Quế), là tạp chí tham gia một cách có ý thức và đầy đủ nhất vào tiến trình hiện đại hóa văn học. Nhìn từ góc độ lịch đại, Nam Phong tạp chí đóng vai trò xây dựng nền móng ban đầu cho quá trình hiện đại hóa văn học cả về phương diện lý thuyết và thực hành sáng tác, dịch thuật và học thuật. Trong tiến trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, Nam Phong đã góp phần hòa cùng với nhiều mạch nguồn khác của các báo chí đương thời đổ vào đại dương văn chương chung của dân tộc để làm nên một đồng bằng văn học rực rỡ ở mùa sau, giai đoạn văn học Việt Nam 1930 – 1945.

Trong suốt 17 năm hoạt động, Nam Phong tạp chí xuất bản được 210 số báo. Tạp chí xuất bản mỗi tháng một kì vào đầu tháng, do viên quan cai trị Pháp là Louis Marty, Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác sáng lập. Với sự cộng tác của hơn ba mươi cây bút biên tập, tất cả là những thức giả hữu danh đương thời. Vào 11/1932, Phạm Quỳnh được vua Bảo Đại triệu vào Huế và giữ chức Thượng Thư Nam Triều. Quyền chủ bút tờ báo được trao cho Nguyễn Trọng Thuật. Sau đó được vài số, Lê Văn Phúc đứng ra canh tân, và mời nhiều nhà Tây học trợ bút. Tiếp theo, Nguyễn Tiến Lãng đứng ra thừa kế, nhưng không thỏa mãn được thị hiếu thời cuộc, mãi đến cuối năm 1934 tạp chí Nam Phong bị đình bản.

Chủ đích của Nam Phong là thể hiện chủ nghĩa khai hóa của nhà nước, biên tập những bài bằng quốc văn, Hán văn, Pháp văn, để giúp cho sự mở mang trí thức, giữ gìn đạo đức, bảo tồn quốc hồn quốc túy trong quốc dân Việt Nam, và truyền bá các môn khoa học Tây phương, nhất là học thuật tư tưởng Đại Pháp, cùng bênh vực quyền lợi người Pháp, và người Nam trong trường kinh tế. Đặc biệt chú ý đến sự tập luyện, trau dồi văn quốc ngữ để người Việt Nam sớm có một nền quốc văn riêng biệt.

Cụ thể, Nam Phong tạp chí đã thể hiện chủ đích của mình qua các bài Mấy nhời nói đầu (Nam Phong số 1, tháng 7 – 1917); Mục đích của báo Nam Phong (Nam Phong số 192, tháng 1 – 1934); Nam Phong ngày trước, Nam Phong bây giờ (Hán Thư Nam Phong, số 199, tháng 7 – 1934); Tổng luận sự nghiệp Nam Phong (Nguyễn Hữu Tiến, Nam Phong, số 210, tháng 12 – 1934).

Có thể nhận thấy, mục đích mà Nam Phong nêu lên trong lời phi lộ ở trang bìa của tạp chí là “bảo tồn cái quốc túy của Việt Nam ta” về cơ bản là đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Đặt vào thời điểm lịch sử - xã hội của đất nước ta hồi đầu thế kỷ XX, công việc đi tìm kiếm và khảo cứu, khẳng định lại những giá trị của gia tài văn chương dân tộc quả là có ý nghĩa và đáng trân

trọng. Việc này Nam Phong đã làm với một tinh thần khoa học, thận trọng, kiên trì và có những thành tựu đáng kể.

Những cây bút tân học đã đem đến cho Nam Phong không chỉ những tri thức mới, mà còn có cả những thể văn mới. Những thể loại văn xuôi quốc ngữ mới của nước ta, đến Nam Phong mới bước đầu được định hình, hoặc nếu trước đây đã có, cũng “chỉ như một cánh chim lạ đáp xuống cánh đồng văn học của nước ta”, và chỉ đến Nam Phong, chúng mới được đẩy lên một cách có ý thức, đạt được sự hoàn thiện về thể loại, cả chất lượng cũng như số lượng của tác phẩm. Bấy nhiêu thể loại văn mới đó đã dần thay thế cho những thể loại văn học xưa cũ, và đó cũng là dấu hiệu cơ bản của một nền văn học hiện đại. Tuy nhiên, sự có mặt của cả văn cũ và mới trên Nam Phong tạp chí bản thân nó cũng phản ánh rõ nét tư tưởng “thổ nạp Á Âu”, “điều hòa tân cựu” của Nam Phong. Đây cũng là hình bóng, diện mạo chung của văn đàn nước ta buổi giao thời khoảng từ 1900 – 1930; cái cũ chưa qua, cái mới đã tới.

Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã từng nhận định về công lao to lớn của Nam Phong tạp chí: “Trong lịch sử văn học hiện đại, người ta sẽ không thể nào quên được tạp chí Nam Phong. Vì nếu ai đọc được toàn bộ tạp chí này cũng phải thừa nhận là rất đầy đủ có thể giúp cho người học giả một phần to tát trong việc soạn một bộ bách khoa toàn thư bằng quốc văn” [87,95]. Tuy đóng góp về văn hóa, văn học của Nam Phong cho nền quốc văn được xuất phát từ chức năng “công cụ không tự giác” nhưng nó đã góp phần to lớn làm hiện đại hóa nền văn học nước nhà, xây dựng được đội ngũ nhà văn đông đảo có quan điểm thẩm mỹ mới và sáng tạo.

Nhìn vào những gì mà Nam Phong tạp chí đã làm được trong thời gian xuất bản, người ta dễ dàng nhận thấy đó là một kho tàng văn hóa, lịch sử trong đó. Nam Phong không chỉ là một tờ tạp chí đơn thuần mà nó còn “quy tụ” những tinh hoa của những tinh hoa trong thời kỳ 30 năm đầu thế kỷ XX.

Điều thấy rõ ràng nhất trên Nam Phong, đó là tờ tạp chí đầu tiên nhìn nhân một cách nghiêm túc về các giá trị của một đất nước, từ nghiên cứu lịch sử, khoa học, địa lý đến những vấn đề thuộc phạm trù của văn hóa, văn học. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nam Phong thu hút được những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà khoa học “tầm cỡ” thời bấy giờ. Chính vì tạp chí “hội tụ” được những tinh hoa ấy cũng là một trong những nguyên nhân đưa Nam Phong trở thành tờ báo có “sức nặng” trong giới phê bình, nghiên cứu và những độc giả thời bấy giờ. Một điều không kém phần quan trọng nữa trên

Nam Phong tạp chí đó là nhìn nhận rõ sự tiến bộ, sự hiện đại của tờ báo giao thời, đó là một tờ báo được viết với 3 thứ ngôn ngữ: chữ Pháp, chữ Quốc ngữ, chữ Hán đáp ứng các loại độc giả mới cũ khác nhau của giai đoạn giao thời. Chính vì sự tiến bộ này đã là một chìa khóa “khai sáng” cách nhìn nhận về vấn đề cho các trí thức, nhà nho đương thời.

Không thể phủ nhận Nam Phong ra đời nằm trong âm mưu văn hóa của thực dân Pháp. Thế nhưng, Pháp không thể ngờ rằng, tờ tạp chí với dung lượng lớn mỗi kỳ đó lại trở thành nơi tập hợp một đội ngũ sáng tác đông đảo gồm các văn sĩ Nho học và Tây học ưu tú nhất của thời đại để dần dần họ đã chuyển nội dung của tạp chí hướng về hoạt động học thuật và nghệ thuật, tìm hiểu các nền văn hóa Đông Tây, đặc biệt là văn hóa Việt Nam, hô hào nâng cao dân trí, dân khí và dân chí. Cũng từ hệ quả tất yếu của hoàn cảnh lịch sử xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến lối tư duy của các tác giả khi nhìn nhận về mọi vấn đề mà họ nghiên cứu. Đặc biệt trên mảng nghiên cứu văn học, việc đánh giá và khẳng định lại những giá trị văn học như Truyện Kiều lại càng rõ rệt. Những tư tưởng văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức của các nhà nho và những tư tưởng văn hóa của phương Tây du nhập vào Việt Nam qua các trường học đã giúp các nhà trí thức thời bấy giờ biết nhận ra, khẳng định và đánh giá đúng đắn những giá trị của tác phẩm văn học, đặc biệt là tác phẩm vào hàng kiệt tác của nhân loại như Truyện Kiều.

Về chủ quan, hành trình 17 năm 6 tháng cho “cuộc đời” của một tạp chí ở vào giai đoạn trước cách mạng tháng Tám cũng là một hành trình khá dài… Về khách quan, khi Nam Phong tạp chí phải đối mặt với những cuộc cách mạng lớn trên văn đàn: như cuộc cách mạng thi ca mở đầu từ tháng 3/1932 và trào lưu lãng mạn của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn 1933. Nam Phong tạp chí

đã trở nên bất cập trước tiến trình phát triển, trước sự đổi mới của lịch sử văn học nước nhà và trở thành đối tượng công kích của nhiều tờ báo, nhất là tờ Phong Hóa, thể hiện luồng tư tưởng mới với một sự đổi thay mới về hình thức và có sức thu hút ghê gớm trên văn đàn nước ta vào những năm ba mươi của thế kỷ trước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề tiếp nhận và bình giải truyện kiều trên nam phong tạp chí ( 1917 1934 ) (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)