.Mối quan hệ giữa văn học quốc ngữ và phê bình Truyện Kiều

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề tiếp nhận và bình giải truyện kiều trên nam phong tạp chí ( 1917 1934 ) (Trang 31 - 40)

Người đọc và tiếp nhận Truyện Kiều trong thế kỷ XIX về căn bản là các trí thức nho sĩ. Tất nhiên độc giả ở thế kỷ này chưa có ý thức nghiên cứu văn học, những cảm tưởng, nhận xét của họ về tác phẩm đều trình bày dưới dạng thơ ca đề vịnh, bài đề tựa hay bạt chứ không phải viết bằng văn phong nghiên cứu. Một loạt các bài tựa, bạt cho Truyện Kiều được các nhà nho viết ra trong thế kỷ XIX thường bộc lộ sự đồng cảm, chia sẻ đối với cảm hứng của Nguyễn Du: vấn đề số phận của tài tình, tức của những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh, mối tương liên giữa số phận của họ với số phận của những nhà nho nghệ sĩ tài hoa cũng tự xem là bạc phận. Thế kỷ XIX cũng chứng kiến cách đọc Truyện Kiều quen thuộc của nhà nho: phê bình nhân vật theo quan điểm đạo đức nho giáo, lối phê bình vẫn tiếp tục đến đầu thế kỷ XX.

Bối cảnh hiện đại hóa văn học đầu thế kỷ XX gắn liền với chữ quốc ngữ, nhiệm vụ xây dựng nền văn học tiếng Việt, chính thức từ bỏ văn học viết bằng chữ Hán. Tuy Nam Phong vẫn có cả mục Hán văn, Pháp văn để phục vụ những đối tượng riêng, song văn học viết bằng chữ Quốc ngữ vẫn là mục tiêu chính của họ. Ở giai đoạn đầu của văn học Quốc ngữ, khi chưa có mẫu mực

cho văn học tiếng Việt, các nhà nho, trí thức đã phải tìm kiếm mẫu mực ở văn học tiếng Việt trong quá khứ, mà tiêu biểu là trong Truyện Kiều hay Ngâm khúc. Trong giai đoạn văn hóa Việt Nam đang ở bước chuyển từ văn hóa phương Đông truyền thống sang nền văn hóa hiện đại với ảnh hưởng rõ rệt của văn hóa phương Tây, vấn đề “nền cựu học” đã được đưa ra bàn luận. Nền quốc học phải được xây dựng trên những tảng nền nào? Tiếng Việt có ý nghĩa gì đối với một nền quốc học, nơi mà truyền thống vốn nặng về Hán Văn, hiện tại đang bị đè nặng bởi Pháp văn? Thế là nhiều người, nhất là thế hệ trí thức tân học nghĩ đến vai trò của Truyện Kiều, nghĩ đến tiếng Việt của Truyện Kiều.

Những yếu tố tác động mang tính thời đại của văn học Việt Nam là chữ quốc ngữ và sự ra đời của báo chí. Chữ quốc ngữ được đặt ra từ thế kỉ XVII nhưng chỉ được sử dụng trong phạm vi nhà thờ Thiên Chúa giáo. Ngay từ đầu, chính quyền thống đốc Nam Kỳ đã đem chữ quốc ngữ dạy trong nhà trường, viết các giấy tờ hành chính, phiên âm các truyện Nôm, cho Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của soạn sách vở. Với quan niệm đây là thứ chữ do quân xâm lược sáng tạo, là công cụ tay sai của Pháp, sĩ phu và nhân dân Việt Nam đã tẩy chay chữ quốc ngữ. Đến đầu thế kỉ XX, chữ quốc ngữ từ chỗ bị tẩy chay lại dần được đông đảo người Việt chấp nhận và sử dụng nó với tư cách là phương thức duy nhất phiên âm tiếng Việt. Trên Nam Phong, chữ quốc ngữ là một trong ba chữ viết được sử dụng để phục vụ độc giả (chủ yếu là tầng lớp thị dân không biết chữ Hán, chữ Pháp).

Cố nhiên việc sáng tác văn thơ bằng chữ Quốc ngữ để thay cho chữ Hán và chữ Nôm còn phải trải ngót hai mươi năm trong các thử nghiệm cả về hai phía: người viết và người đọc. Hàng nghìn năm nền văn hóa cổ truyền đã tạo nên một mô hình ổn định cho sáng tác và tiếp nhận, trong đó cả chữ Hán và chữ Nôm đều đã có đời sống riêng gần như không mấy thay đổi. Thế mà không đầy hai thập niên đầu thế kỷ, trong những thức nhận mới của đất nước,

nền văn chương, học thuật của dân tộc bỗng chuyển sang một mô hình khác, mô hình quốc ngữ, với sức chuyên chở và phổ cập được trao cho phong trào báo chí, xuất bản bỗng lần đầu tiên xuất hiện và sớm trở nên sôi nổi như chưa bao giờ có trong ngót nghìn năm nền văn chương học thuật cổ truyền.

Bên cạnh chữ quốc ngữ, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, to lớn của báo chí – một thành tố văn hóa Việt Nam đầu thế kỉ XX. Trong ba thập niên đầu thế kỉ XX, báo chí đã giữ vai trò là chiếc nôi, “bà đỡ của văn học hiện đại”. Năm 1917, Nam Phong tạp chí đã ra đời thay cho Đông Dương tạp chí tiếp tục đảm bảo sự “hướng dẫn” của chính phủ bảo hộ. Phạm Thị Ngoạn đã đưa ra một kiến giải hợp lí “Vào thời kì Nam Phong ra đời, chính quyền thuộc địa kiểm soát chặt chẽ toàn thể báo chí quốc văn, và bất cứ một tác phẩm định kì nào cũng phải tối thiểu có một người Pháp làm sáng lập viên hay chủ nhiệm. Không thể đứng ngoài thông lệ, Nam Phong đã chấp nhận thời thế. Nhưng không ai có thể phủ nhận là tạp chí đã tìm thấy một lối thoát, khả dĩ phục vụ quyền lợi quốc gia.

Giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1930 là thời kỳ thai nghén và hình thành của ngành nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam. Trong khoảng 20 năm đầu thế kỷ này, mọi hoạt động nghiên cứu, phê bình trên báo chí ở nước ta hầu như còn trong tình trạng thưa thớt, vắng vẻ. Từ những năm 20 trở đi, ta mới thấy xuất hiện một số bài nghiên cứu, phê bình trên báo chí đương thời. Đó là những bài giới thiệu và bình luận sách, những bài giảng văn kim cổ, những trang khảo cứu kèm theo những lời “lạm bình”…đăng trên các tờ báo

Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Trung Bắc tân văn, Phụ nữ tân văn, Hữu thanh…Ví dụ, dõi theo Nam Phong tạp chí, ta có thể phần nào hình dung ra quá trình phôi thai, hình thành, vận động của nghiên cứu và phê bình văn học những năm đầu thế kỷ này. Với 210 số báo trong suốt 17 năm tồn tại của mình (1917 – 1934), Nam Phong tạp chí đã là nơi cung cấp từ ngữ, thuật ngữ

mới dùng trong nghiên cứu, phê bình cùng với các kiểu bài phê bình khác nhau theo cả lối cổ và kim. Có thể nói Nam Phong tạp chí là một hiện tượng tiêu biểu cho việc nghiên cứu, phê bình đang dần trở thành một hoạt động xã hội đặc thù, một bộ môn không thể thiếu được của nền văn học hiện đại lúc đó. Trong giai đoạn này, nghiên cứu và phê bình văn học mới chỉ tồn tại ở dạng những bài viết lẻ tẻ in trên báo chí, chưa có những công trình lớn đáng kể, chưa có người nghiên cứu phê bình văn học chuyên nghiệp.

Nghiên cứu và phê bình văn học lúc này đã kế thừa truyền thống khảo cứu, phê bình của ông cha ta thời xưa và chịu ảnh hưởng sâu sắc lý luận nghiên cứu phê bình hiện đại của phương Tây. Truyền thống khảo cứu, phê văn bình thơ của ông cha ta xưa là một hoạt động văn hóa tao nhã của những người có học vấn cao trong xã hội phong kiến. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, truyền thống này vẫn tồn tại trong đời sống văn học nước ta. Các thế hệ sau đã kế thừa một cách sáng tạo những tinh hoa của truyền thống nghiên cứu, phê bình văn học ấy, đặc biệt là sự tinh tế, nhạy cảm cùng với lối thẩm văn tài hoa của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình thời xưa.

Kế thừa có đổi mới một cách sáng tạo truyền thống nghiên cứu phê bình văn học dân tộc, tiếp thu có chọn lọc các lý thuyết nghiên cứu, phê bình văn học phương Tây hiện đại là một đặc điểm quan trọng của nghiên cứu, phê bình văn học nước ta lúc đó. Rõ ràng những bài viết những tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học có giá trị, có sức hấp dẫn người đọc lúc ấy thường là những bài, những tác phẩm kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp nghiên cứu phê bình truyền thống của dân tộc ta với phương pháp phê bình hiện đại của phương Tây.

Việc nghiên cứu, bình giải văn chương Truyện Kiều được nhìn nhận ở nhiều chuẩn mực khác nhau. Tính hiện đại của nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam thời kì này còn được thể hiện rõ ở những chuẩn mực mới mà các

nhà nho, các trí thức “thấu triệt” được từ việc tiếp nhận văn hóa, văn học phương Tây. Nếu ngày trước, ông cha ta coi trọng văn chương mỹ thuật, văn chương hình tượng, lấy việc tuân thủ nghiêm ngặt những luật lệ văn chương (niêm luật, điển tích, điển cố, hệ thống hình tượng ước lệ…) của các tác phẩm là nguyên tắc chuẩn thì lúc này, lớp người kế cận lại chủ trương chống thứ văn chương rập khuôn theo mẫu của người xưa, đề cao tính độc đáo và sự chân thực của chủ thể sáng tạo.

Quan điểm thẩm mỹ thay đổi nên những chuẩn mực để đánh giá văn học cũng biến đổi. Hầu như toàn bộ những chuẩn mực cũ để đánh giá văn chương đã bị thay thế. Giờ đây các nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã có những chuẩn mực mới. Những chuẩn mực này rất đa dạng phong phú, tùy theo quan niệm khác nhau của từng xu hướng nhưng lại phù hợp với tính chất hiện đại của nền văn học Việt Nam lúc đó.

Sự hình thành và phát triển của ngành nghiên cứu, phê bình văn học lúc này đã tạo điều kiện cho việc nghiên cứu và phê bình Truyện Kiều bước sang một giai đoạn mới, phong phú và đa dạng cả về số lượng và chất lượng. Những ý kiến bình luận tác phẩm giờ đây không chỉ tồn tại dưới dạng đề tựa, đề từ, đề vịnh… phổ biến trong thời kỳ văn học Trung đại mà đã xuất hiện trên các mặt báo, các tạp chí dưới dạng những bài phê bình khảo cứu ít nhiều có tính khoa học. Đặc biệt là sự xuất hiện của một loạt bài nghiên cứu về

Truyện Kiều trên Nam Phong tạp chí đã đánh dấu những điểm mốc đáng kể trong việc nghiên cứu, phê bình tác phẩm lúc đó.

Nội dung nghiên cứu, bình giá Truyện Kiều khi ấy cũng được mở rộng hơn. Kiệt tác của Nguyễn Du không chỉ được xem xét ở lĩnh vực đạo đức luân lý, ở sự đồng cảm của kiếp người tài hoa bạc mệnh mà còn được đi sâu tìm hiểu ở nhiều vấn đề cụ thể xoay quanh vấn đề nguồn gốc Truyện Kiều, thiên tài sáng tạo của Nguyễn Du trong tác phẩm, tư tưởng triết lý của Truyện Kiều,

vẻ đẹp của tác phẩm về nội dung và nghệ thuật, giá trị đích thực của Truyện Kiều trong đời sống văn hóa, văn học dân tộc… Tác phẩm giờ đây được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau tùy theo chỗ đứng và điểm nhìn của mỗi nhà nghiên cứu, phê bình. Cũng vì thế, giai đoạn này đã xuất hiện những cuộc tranh luận khá gay gắt trên báo chí về Truyện Kiều: Cuộc bút chiến của Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng với Phạm Quỳnh xoay quanh Truyện Kiều

(những năm 20 – 30), cuộc tranh luận giữa hai phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” mà Truyện Kiều được dẫn làm ví dụ minh họa (nửa sau những năm 30) và các bài phê bình xoay quanh tác phẩm “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của Nguyễn Bách Khoa (những năm đầu thập kỷ 40). Rõ ràng ở giai đoạn này, cách nhìn nhận, cách nghiên cứu đánh giá Truyện Kiều

của các nhà bình luận đã vượt ra khỏi khuôn khổ phong kiến chật hẹp để vươn tới giao lưu với những quan điểm văn học mới, hòa vào những bước đi của nghiên cứu phê bình văn học giai đoạn này.

Có thể nói, không chỉ có vai trò với phong trào nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam trên Nam Phong tạp chí, Phạm Quỳnh còn là người giữ vai trò nòng cốt trong việc đẩy hoạt động phê bình nói chung những năm đầu thế kỷ thành một sinh hoạt thường xuyên và có chất lượng. Đặc biệt công trình nghiên cứu phê bình Truyện Kiều đăng nhiều kỳ trên Nam Phong thể hiện rõ nhất việc vận dụng phê bình của phương Tây để tìm hiểu một kiệt tác văn chương cổ của dân tộc. Cách nghiên cứu của học giả thường vừa chỉ cho độc giả thấy, vừa cung cấp thêm tư liệu (như các tư liệu để xem xét nguồn gốc của

Truyện Kiều) nhằm giúp độc giả có thể mở rộng hướng nghiên cứu tác phẩm mà đối chiếu, so sánh, từ đó tự mình nhìn nhận, đánh giá thêm những sáng tạo độc đáo, tài tình của Nguyễn Du. Trong bài viết này, Phạm Quỳnh cũng vận dụng lý luận khai thác tâm lý nhân vật của phương Tây để phân tích tâm lý cô Kiều. Năm 1919 trên báo Nam Phong số 30, Phạm Quỳnh đã đem cái sở đắc

về phương pháp phê bình khảo cứu của văn học thái tây để phân tích Truyện Kiều, một kiệt tác phẩm văn chương chữ nôm của cụ Nguyễn Du , từ khi ra đời (đầu thế kỷ XIX) đến nay vẫn được từ vua quan trí thức đến hạng dân giả quê mùa đều ưa thích. Theo họ Phạm, phải dùng phương pháp đó “mới mong phát huy được cái đặc sắc, bày tỏ được cái giá trị của một nền tuyệt tác trong quốc văn An Nam ta.”

Kết quả hiển nhiên, Phạm Quỳnh đã phát hiện ra được những nét độc đáo về nghệ thuật của Truyện Kiều, thôi thì từ cách kết cấu điểm xuyết khéo léo đến lời văn điêu luyện, ý tứ thâm trầm. Từ nghệ thuật tả người, tả cảnh đến tâm lý cô Kiều đều là tuyệt bút: “Truyện Kiều thật là đủ các lối văn chương, mà lối nào cũng tới cực điểm, mỗi lối một vẻ, lối nào cũng là „mười phân vẹn mười‟.. .” Và theo Phạm Quỳnh “có lẽ không văn chương nào có quyển truyện, bộ thơ mà phổ cập bằng Truyện Kiều ở nước ta”, bởi không những văn chương nghệ thuật nó hay, lại phản chiếu được tâm sự của con người ta mà còn là quyển sách cao thượng. “Không đâu có quyển sách nào vừa cao thượng đủ cảm được người học thức, vừa giản dị đủ cảm được kẻ bình dân nhưTruyện Kiều [43,491]”.

Cũng vì nhận thấy tiếng mẹ đẻ có liên hệ mật thiết với sự tồn vong của dân tộc “có quốc âm mới có quốc hồn, có quốc hồn nước mới sống được”, từ đó Phạm Quỳnh đã nhìn ra được cái công to của Nguyễn Du qua Truyện Kiều

đối với nước nhà. Truyện Kiều giúp cho quốc âm được trường tồn vì “người nước ta, ai là người không thuộc ít nhiều câu trong Truyện Kiều, không ai là người không ưa thích Truyện Kiều…” Lại nữa, “nay nhờ cụ Nguyễn Du mà hương hoả của tổ tiên ta để lại, thêm được một hạt trân châu vô giá, đủ bổ cứu cho sự nghèo nàn của giống nòi ta; hạt trân châu ấy là cái áng phong tình kiêm tiết nghĩa của nàng Kiều vậy, (và) Cụ Tiên Điền ta cũng đã dựng nên cái nhà vàng cho nàng Kiều ở thì đủ biết Cụ là một tay thơ tài, và tài liệu của ta

nếu khéo biết dùng cũng không phải là không sung túc.[43,495]” Như thế, mặc nhiên đối với Phạm Quỳnh, Cụ Nguyễn Du đã thi hành được cái sứ mệnh của một bậc “quốc sĩ”, phá được cho dân tộc cái nghi án thiên cổ “tiếng ta nghèo”.

Cụ Nguyễn Du còn là vị sứ giả làm vẻ vang cho nòi giống trên trường văn hoá quốc tế: “Lạ thay, tiếng An nam ta nhiều người chê là nghèo nàn, non nớt, thế mà Truyện Kiều thời rõ ra là một áng văn chương lão luyện, tưởng có thể so sánh với những hàng kiệt tác trong các văn chương khác mà không thẹn vậy. Đủ biết rằng tiếng ta cũng đủ phong phú, nếu khéo luyện tập cũng làm nên văn chương hay, chẳng kém gì tiếng nước khác chớ không phải như nhiều người tưởng lầm là một thứ tiếng bán khai, đành lòng bỏ đi để đem công mà học văn chương nước khác"[43,498].Cũng chính từ những bài viết này của Phạm Quỳnh đã khơi ngòi nổ cho Phong trào phê bình Truyện Kiều trên Nam Phong. Phong trào phê bình Truyện Kiều là sự kiện đáng lưu ý nhất trong sinh hoạt phê bình văn học đầu thế kỷ. Nó đã góp phần quan trọng vào việc tạo điều kiện và dẫn bước cho hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học cổ của dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề tiếp nhận và bình giải truyện kiều trên nam phong tạp chí ( 1917 1934 ) (Trang 31 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)