Phần kết luận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong trào đấu tranh đòi quyền tham chính của phụ nữ ở nhật bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945) đến nay (Trang 92 - 96)

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc (1945) đã mở ra thời kỳ “hiện đại” trong lịch sử thế giới, cũng là mốc đánh dấu nhiều thay đổi có tính chất bước ngoặt trong trong tiến trình lịch sử của nhiều quốc gia. Đối với Nhật Bản, 1945 là năm

đón tin bại trận và buộc phải đứng lên từ đống đổ nát của cuộc chiến tranh. Vấn đề xây dựng một đất nước hòa bình và xã hội dân chủ là mục tiêu cốt lõi trong các chương trình của lực lượng GHQ khi vào tiếp quản quốc gia này. Các cải cách dân chủ của GHQ đã được chính phủ và nhân dân Nhật bản nhiệt thành đón nhận. Những cải cách này cũng là là nguồn động lực và tạo ra những điều kiện thuận lợi mới thúc đẩy sự phát triển của phong trào tham chính của phụ nữ Nhật Bản.

Lần đầu tiên trong lịch sử phụ nữ Nhật được thực hiện quyền bầu cử và ứng cử một cách bình đẳng với nam giới trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội năm 1946. Ngay trong cuộc bầu cử đầu tiên đó, 39 phụ nữ đã trở thành những nữ nghị viên đầu tiên trong Quốc hội Nhật Bản. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt, đánh dấu sự thắng lợi có tính bước ngoặt của phong trào đấu tranh tham chính của phụ nữ Nhật, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ mà quyền tham gia chính trị của phụ nữ được quy định và đảm bảo trong Hiến pháp và pháp luật.

Mặc dù vậy, phong trào đấu tranh tham chính của phụ nữ Nhật vẫn không dừng lại mà vẫn diễn ra đa dạng để chống lại định kiến phân biệt vai trò của nam – nữ vẫn đang tồn tại sâu sắc trong xã hội. Ngày nay phụ nữ đã góp mặt hầu hết các lĩnh vực trong xã hội Nhật Bản, không ít trong số họ nắm các vị trí lãnh đạo trong bộ máy chính quyền, các Đảng chính trị, số lượng các nữ Bộ trưởng trong Nội các cũng tăng lên. Nhưng tựu chung lại sự tham gia chính trị của phụ nữ Nhật còn mờ nhạt so với nam giới và chưa xứng đáng với tiềm năng. Không chỉ ở chính trị, trên các lĩnh vực khác, Nhật Bản cũng là nước có chỉ số bình đẳng giới thấp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do sự thiếu “tiếng nói” của phụ nữ trong việc hoạch định các chính sách. Bởi vậy, công cuộc đấu tranh tham chính của phụ nữ Nhật Bản vẫn đang được đòi hỏi hết sức bức thiết, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Để cuộc đấu tranh tham chính của phụ nữ không đơn độc và sớm bắt kịp với thành tựu trong công cuộc trao quyền tham gia chính trị cho phụ nữ ở các quốc gia khác, Nhật Bản đang rất cần có sự quyết

tâm chính phủ, sự chung tay giúp sức của các Đảng chính trị, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội.

Để các chính sách của chính phủ Nhật Bản và sự quyết tâm hành động của các cấp chính quyền phát huy hiệu quả, sự thay đổi trong suy nghĩ của người dân về vai trò, năng lực của phụ nữ là rất quan trọng. Để thay đổi được định kiến xã hội, trước hết bản thân mỗi người phụ nữ cần có suy nghĩ tiến bộ, tự tin vào khả năng của bản thân, có nguyện vọng muốn tham gia vào lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.

Không khó để có thể thấy sự thay đổi của đông đảo phụ nữ Nhật Bản trong xã hội ngày nay. Khoảng cách về trình độ học vấn, sức mạnh tri thức dường như không còn khi so sánh phụ nữ với nam giới ở Nhật Bản. Không ít những phụ nữ Nhật đã vượt qua được quan niệm về vai trò của người phụ nữ truyền thống để phấn đấu cho sự nghiệp của mình. Mặc dù vậy, nếu không được xã hội ủng hộ và hỗ trợ, sự “quyết tâm” trên của phụ nữ có nguy cơ đưa đến những hệ quả không mong muốn cho xã hội, làm nảy sinh các vấn đề như tình trạng kết hôn muộn, giảm thiếu trẻ em, già hóa dân số,…

Vì vậy, để phụ nữ có thể giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa sự nghiệp và gia đình, được phát huy hết khả năng để đóng góp cho xã hội, sự chỉ đạo sát sao và kịp thời chính quyền cùng sự ủng hộ của xã hội là hết sức quan trọng. Ở bất kỳ quốc gia hay trong bất cứ thời kỳ nào, phụ nữ luôn gắn liền với thiên chức làm mẹ và đảm nhiệm phần lớn trách nhiệm nuôi dạy con cái. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là họ yếu kém hơn nam giới trong các lĩnh vực bên ngoài xã hội. Vì lẽ đó, để phụ nữ có thể vẫn thực hiện được thiên chức cao quý lại vừa đảm trách được các công việc bên ngoài, phụ nữ cần có sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn nữa. Xây dựng xã hội bình đẳng không thể không gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho phụ nữ. Điều này dường như càng đúng đắn với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

“Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ” là một trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc đã được 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhất trí đạt được vào năm 2015. Có lẽ chưa khi nào vấn đề bình đẳng giới được xem trọng như hiện nay. Xây dựng xã hội bình đẳng là xu thế chung của cả thế giới. Nhật Bản và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Ngay từ những năm đầu thế kỷ, nhiều chuyên gia cho rằng “thế kỷ XXI là thế kỷ của phụ nữ”. Nhận định này chứng tỏ sự nhận thức được sức mạnh, trí tuệ và năng lực của phụ nữ, rằng phụ nữ hoàn toàn có thể làm chủ thế giới, tạo ra những bước ngoặt lớn lao.

Có thể nói, trong thời đại ngày nay rất nhiều cơ hội đang mở ra cho phụ nữ, đòi hỏi mỗi người phụ nữ phải nỗ lực, tự tin vào bản thân trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng, nắm lấy những cơ hội để khẳng định mình. Để làm được điều đó, phụ nữ không thể đứng ngoài lĩnh vực tham chính mà ngược lại họ cần chủ động và tích cực hơn nữa trong cuộc đấu tranh giành quyền tham chính còn nhiều cam go này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong trào đấu tranh đòi quyền tham chính của phụ nữ ở nhật bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945) đến nay (Trang 92 - 96)