Gia đình Việt Nam hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại trong xây dựng gia đình văn hóa vùng ven đô ngoại thành hà nội hiện nay (Trang 35 - 44)

1.1. Quan niệm chung về gia đình

1.1.3.Gia đình Việt Nam hiện đại

Sau những phát kiến lớn về địa lý, người Châu Âu bắt đầu một quá trình lịch sử đầy tham vọng, quá trình săn lùng thuộc địa và thị trường trên phạm vi toàn cầu. Cùng với vũ khí, công nghệ và một đạo quân đông đảo những binh lính thực dân, họ cứ hướng dần về các mảnh đất mới trong đó có phương Đông trù phú và cả Việt Nam. Sự giao thoa văn hóa đã làm xuất hiện một hình thức gia

đình mới, tồn tại song song và đang có xu hướng thay thế cho mô hình gia đình cũ, đó chính là mô hình gia đình hiện đại. Nghiên cứu về gia đình Việt Nam hiện đại, tác giả luận văn đã khái quát đặc điểm của loại hình gia đình này trên một số khía cạnh sau đây:

Một là: Gia đình Việt Nam hiện đại là “gia đình quá độ” trong bước chuyển biến từ xã hội nông nghiệp cổ truyền sang xã hội công nghiệp hiện đại

Gia đình Việt Nam truyền thống với ảnh hưởng của Nho giáo tồn tại bền vững qua hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến dựa trên sự bất bình đẳng nam nữ, với sự coi trọng mối quan hệ gia đình theo chiều dọc và sự hy sinh của cá nhân cho gia đình lần đầu tiên đứng trước sự thử thách của lịch sử khi Việt Nam bị “cưỡng bức” tiếp xúc với văn hóa phương Tây qua sự xâm lược của thực dân Pháp. Bộ máy chiếm đóng cùng với chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã hình thành ở Việt Nam một số đô thị, khu công nghiệp và vùng tập trung dân cư. Ở các thành phố đã xuất hiện những thành phần dân cư hết sức mới mẻ cùng với gia đình của họ. Đó là những người làm công ăn lương như công nhân, viên chức, những trí thức “tây học” làm việc trong bộ máy hành chính hoặc hành nghề tự do như nhà văn, nhà báo, bác sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ, nhà giáo, những nhà buôn, thợ thủ công và dân nghèo thành thị… Các gia đình mới ở thành phố tiếp thu lối sống Âu hóa (một cách tự nhiên hoặc có ý thức). Phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng nam nữ, tư tưởng tự do và cá nhân chủ nghĩa ở các nước phương Tây bắt đầu có ảnh hưởng đến đô thị, đặc biệt là tầng lớp giàu có, tư sản, quan chức, và những người trí thức. Họ là những người đi đầu trong việc bài xích, phê phán những lễ giáo phong kiến và tục lệ cũ. Hôn nhân tự do dựa trên cơ sở tình yêu đôi lứa là biểu hiện sự công khai chống đối lại khuôn phép của gia đình truyền thống. Văn học lãng mạn thời kỳ 1930 - 1945 đã phần nào phản ánh khát vọng của lớp trẻ muốn vươn lên khẳng định quyền tự do của cá nhân trong việc tìm kiếm và định đoạt tương lai, hạnh phúc riêng tư của mình, thoát khỏi sự sắp đặt phi lý của gia đình, dòng họ. Phương thức sinh sống mới và xu hướng xây dựng mối quan hệ vợ chồng bình đẳng trên cơ sở tình yêu đôi lứa của các gia đình ở đô thị Việt Nam trong bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương

Tây, cùng với sự xuất hiện của kinh tế hàng hóa, một số ngành công nghiệp… đã làm cho đô thị phát triển, tác động đến đời sống gia đình.

Tuy nhiên, trong thời kỳ Pháp thuộc, ảnh hưởng Âu hóa cũng mới chỉ dừng lại ở một số đô thị với vài phần trăm dân số cả nước. Đại bộ phận dân cư Việt Nam vẫn sống ở nông thôn trong vòng tối tăm, lạc hậu. Xã hội Việt Nam về cơ bản vẫn là xã hội nông nghiệp, gia đình vẫn là đơn vị sản xuất tự cung, tự cấp khép kín. Cơ cấu và chức năng của gia đình ở nông thôn hầu như không có gì thay đổi. Nó dường như hoàn toàn thờ ơ, xa lạ và bị cắt đứt với những giá trị mới của gia đình ở thành phố. Nó vẫn hoàn toàn theo truyền thống và như truyền thống [57, tr.96].

Sự thay đổi quan hệ gia đình nông thôn Việt Nam truyền thống có lẽ được bắt nguồn từ sau thời điểm cách mạng tháng Tám 1945, đặc biệt là thời kỳ xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vào những năm 60 của thế kỷ XX. Đây là những thời điểm lịch sử làm đảo lộn các quan hệ xã hội và đời sống gia đình ở Việt Nam. Cách mạng tháng tám 1945 thành công đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thực dân phong kiến và sự ra đời của nước Việt Nam mới độc lập có chủ quyền. Xã hội mới, về nguyên tắc, phủ định ý thức hệ phong kiến, thực dân và tư sản, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng của xã hội, xây dựng một nền kinh tế mới, văn hóa mới theo con đường XHCN.

Sự phê phán các thiết chế xã hội cũ (trong đó có thiết chế gia đình), đặc biệt rõ nét trong thời kỳ vận động xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, cải tạo công thương nghiệp ở thành phố. Mục tiêu của xã hội lúc này là tiến lên sản xuất lớn XHCN với công - nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tất cả mọi tàn dư của xã hội cũ, mọi biểu hiện rơi rớt lại của ý thức hệ phong kiến đều không tránh khỏi sự phê phán của xã hội mới. Trong quá trình này, sự giải thể của cấu trúc gia đình truyền thống và sự hình thành hình thái gia đình mới là một tất yếu. Gia đình đơn hay còn gọi là gia đình hạt nhân (một cách gọi khác của gia đình hiện đại) đang trở nên rất phổ biến ở các đô thị và cả ở nông thôn - thay cho kiểu gia đình truyền thống từng giữ vai trò chủ đạo trước đây.

Ra đời trong bước chuyển biến từ xã hội nông nghiệp cổ truyền sang xã hội công nghiệp hiện đại, gia đình hạt nhân chứa đựng trong nó cả những yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực. Trong loại hình gia đình này thường chỉ có một cặp vợ chồng (bố mẹ) và con cái mà họ sinh ra. Hầu hết các gia đình trí thức, viên chức nhà nước, công nhân công nghiệp, gia đình quân đội, công an đều là gia đình hạt nhân. Xét về mặt tích cực, gia đình hạt nhân tồn tại như một đơn vị độc lập, gọn nhẹ, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với các biến đổi xã hội. Gia đình hạt nhân có sự độc lập về quan hệ kinh tế. Kiểu gia đình này tạo cho mỗi thành viên trong gia đình khoảng không gian tự do tương đối lớn để phát triển tự do cá nhân. Cá nhân tính được đề cao. Trong xã hội hiện đại, mức độ độc lập cá nhân được coi là một yếu tố biểu hiện chất lượng cuộc sống gia đình. Tính độc lập cá nhân được gia đình tạo điều kiện nuôi dưỡng, phát triển sẽ tạo ra phong cách sống, tính cách, năng lực sáng tạo riêng khiến cho mỗi người đều có bản sắc. Đó cũng chính là con người mà sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng ta đang cần đến.

Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, gia đình Việt Nam không ngừng đổi mới để thích ứng với xu hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, ra đời trong bước chuyển từ xã hội nông nghiệp cổ truyền sang xã hội hiện đại, gia đình Việt Nam ngày nay vẫn chứa đựng trong nó những tàn dư của gia đình truyền thống, mà biểu hiện rõ nhất là ở tính gia trưởng, bảo thủ, độc đoán, thói coi thường phụ nữ và trẻ em, coi thường pháp luật, bạo lực gia đình... vẫn còn tồn tại trong không ít gia đình Việt Nam hiện nay. Những tàn dư này nếu không được xóa bỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta trong thời kỳ mới.

Hai là: Gia đình Việt Nam hiện đại thường có kết cấu, quy mô nhỏ

Trước đây, nếu gia đình Việt Nam truyền thống là loại gia đình mở rộng có nhiều thế hệ và có quy mô lớn, thì hiện nay kết cấu, quy mô gia đình hiện đại đang có chiều hướng thu hẹp lại, nhỏ hơn và tự chủ hơn.

Về kết cấu: Mô hình gia đình Việt Nam hiện nay đang dần phù hợp với

đình trong toàn quốc [32, tr.80]. Đặc biệt vào những năm đổi mới, với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về lĩnh vực kinh tế thì quá trình hạt nhân hóa của gia đình diễn ra khá mạnh mẽ. Điều này đã trở thành một xu thế chắc chắn không chỉ ở các vùng đồng bằng, đô thị, trong các dân tộc đa số, mà ngay cả ở một số vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong gia đình hạt nhân, đôi vợ chồng có toàn quyền quyết định cuộc sống, song xu thế truyền thống không vì thế mà bị xem nhẹ, trái lại vẫn tiếp tục được tôn trọng. Đó là con cái có nhu cầu ở gần cha mẹ, ông bà để các thế hệ giúp đỡ nhau, gần gũi nhau hơn về mặt tình cảm. Do vậy ở gia đình Việt Nam hiện nay, phần đông người già vẫn được con cái chăm sóc chu đáo, ít khi phải vào viện dưỡng lão như các nước phương Tây. Chính cuộc sống gần gũi giữa trẻ và già đã giúp trẻ được ông bà, cha mẹ chăm sóc, đỡ đần và người già khi cao tuổi không bị cô đơn, thiếu người phụng dưỡng. Đó là cuộc sống lý tưởng của một xã hội mà trẻ em được nhiều người quan tâm, người già được con cháu phụng dưỡng chu đáo. Cũng chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong các gia đình nhiều thế hệ ở Việt Nam hiện nay có nhiều điểm ngày càng khác so với loại hình gia đình nhiều thế hệ trong lịch sử, và gia đình hạt nhân Việt Nam cũng khác biệt so với gia đình hạt nhân ở các nước công nghiệp phát triển phương Tây.

Gia đình hạt nhân Việt Nam trong nhiều trường hợp vẫn sống quần tụ bên nhau trong một giới hạn không gian sinh tồn nhất định. Trong không gian ấy, các thế hệ có điều kiện thăm nom, giúp đỡ nhau khi cần thiết, là mô hình gia đình truyền thống mang những sắc thái mới xuất hiện ở nước ta, đã và đang phát huy được tính tích cực của gia đình đối với việc nâng cao vai trò các thành viên trong đại gia đình mà không loại trừ xu thế hạt nhân hóa gia đình.

Về quy mô: Hiện tượng gia đình hạt nhân phát triển đã dẫn đến việc gia

tăng số lượng các hộ gia đình. Năm 1992, cả nước có 13.743.000 hộ gia đình, đến nay đã có khoảng 15.000.000 hộ. So với loại hình gia đình truyền thống, quy mô gia đình hiện nay có xu hướng giảm dần nhưng không đáng kể. Quy mô trung bình của hộ gia đình Việt Nam có xu hướng biến động từ 4,92 người/hộ năm 1989, 4,97 người/hộ năm 1993 xuống 4,6 người/hộ năm 2000. Ở thành phố,

quy mô trung bình là 5,03 người/hộ và 3,13 người con/hộ, ở nông thôn là 5,24 người/hộ và 3,63 người con/hộ. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn và có sự chênh lệch giữa từng vùng, từng dân tộc [32, tr.81].

Sự tăng giảm số lượng thành viên trung bình trong hộ gia đình được quy định bởi mức sinh, mức tử và quá trình nhập hay tách hộ, nhất là sau khi con cái lập gia đình thường tách khỏi bố mẹ. Ngoài ra, do số tuổi kết hôn trung bình tăng lên cũng như tăng số người sống độc thân đã làm giảm số nhân khẩu bình quân trong gia đình, thu nhỏ quy mô gia đình. Kết cấu và quy mô của gia đình Việt Nam hiện nay phản ánh sự biến đổi của hình thức gia đình vừa giữ gìn được bản sắc riêng, tích cực của gia đình truyền thống, vừa kết hợp với tính chất hiện đại của gia đình mới phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội trong quá trình đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực đó, gia đình hạt nhân cũng có những điểm yếu nhất định. Chẳng hạn, do mức độ liên kết giảm sút và sự ngăn cách không gian giữa các gia đình nên khả năng hỗ trợ lẫn nhau về vật chất và tinh thần bị hạn chế; ảnh hưởng của thế hệ tới nhau ít đi cũng làm giảm khả năng bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình. Dù vậy, gia đình hạt nhân vẫn là loại hình khá phổ biến ở nước ta hiện nay và đó cũng là loại gia đình thịnh hành trong các xã hội công nghiệp - đô thị phát triển. Với nghĩa đó, gia đình hạt nhân cũng là kiểu gia đình của tương lai.

Ba là: Trong gia đình Việt Nam hiện đại, giá trị bình đẳng dân chủ giữa các thành viên được đề cao

Tôn trọng quyền bình đẳng, tự do dân chủ cá nhân là điều luật pháp bảo vệ và đòi hỏi mọi công dân phải chấp hành, là một nguyên tắc xây dựng gia đình hiện đại ở nước ta. Tuy nhiên, trong loại hình gia đình truyền thống, các giá trị về bình đẳng và dân chủ không được thực hiện, nếu có thì chỉ dành cho một bộ phận, một thành phần nào đó trong xã hội. Xã hội phong kiến với ảnh hưởng của Nho giáo đã hình thành những thứ đạo luật thành văn và bất thành văn thủ tiêu quyền bình đẳng, dân chủ của một số thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình theo xu hướng mệnh lệnh “trên bảo dưới phải nghe”.

Khi nói về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, tác giả luận văn muốn lưu ý đó không đơn giản là quan hệ giữa các công dân (mặc dù có bao hàm quyền lợi và nghĩa vụ công dân theo luật pháp nhà nước). Đó còn là những quan hệ bắt nguồn từ những liên hệ máu mủ, ruột thịt được hình thành trên cơ sở tình và nghĩa, trong sự đùm bọc và hy sinh cho nhau giữa các thành viên, nhằm vun đắp cho sự êm ấm và hòa thuận của gia đình. Đó là những quan hệ được xây dựng từ sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích gia đình, không có sự so đo, tị nạnh hơn kém, được thua giữa các thành viên, mà là sự nhân nhượng và tha thứ cho nhau, “chín bỏ làm mười”. Trong gia đình, khi gặp mâu thuẫn, người ta không đem những điều khoản của pháp luật ra đấu lý, mà vận dụng tình và nghĩa để thu xếp cho ổn thỏa.

Quá trình mở cửa hội nhập và giao lưu, hợp tác quốc tế đã làm thay đổi đời sống của nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có gia đình. Loại hình gia đình hiện đại ra đời chứa đựng trong nó nhiều yếu tố tiến bộ, biểu hiện rõ nhất ở giá trị bình đẳng, dân chủ trong quan hệ giữa các thành viên được nâng cao. Trong đó, bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa nam và nữ được thực hiện; vai trò của người phụ nữ được đề cao; mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình dân chủ, cởi mở hơn trước...

Quan hệ giữa vợ - chồng ngày càng bình đẳng hơn

Trong gia đình hiện đại, quan hệ vợ chồng được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Những giá trị đó được biểu hiện trong việc lựa chọn vợ (hoặc chồng) một cách tự do của người trong độ tuổi kết hôn, trong việc tham gia lao động, công việc xã hội, trong việc đóng góp và hưởng thụ tài sản gia đình, trong việc quyết định những vấn đề chung của gia đình (sinh đẻ có kế hoạch, ly hôn,...) giữa vợ và chồng. Mối quan hệ vợ chồng mang sắc thái tốt đẹp: coi trọng giá trị lòng chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, sự hoà thuận, hơn nữa là sự bình đẳng, quyền tự do dân chủ của mỗi người, cùng quan tâm đến lợi ích riêng cũng như lợi ích của cả gia đình... Nền tảng của một gia đình hạnh phúc phải là mối quan hệ tốt đẹp, hiểu biết, thông cảm và thương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại trong xây dựng gia đình văn hóa vùng ven đô ngoại thành hà nội hiện nay (Trang 35 - 44)