Gia đình văn hóa Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại trong xây dựng gia đình văn hóa vùng ven đô ngoại thành hà nội hiện nay (Trang 44 - 47)

1.1. Quan niệm chung về gia đình

1.1.4.Gia đình văn hóa Việt Nam

* Cơ sở hình thành

Kế thừa và phát triển những quan điểm của C.Mác - Ph.Ăngghen, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy muốn xây dựng CNXH, phải chú ý hạt nhân cho tốt” [30, tr.111]. Luận điểm của Người vừa khẳng định mối quan hệ không thể tách rời của gia đình và xã hội, vừa khẳng định vai trò to lớn của gia đình đối với xã hội, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải xây dựng gia đình mới để có xã hội mới - xã hội XHCN thực sự.

Với quan điểm đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra chủ trương quan trọng về xây dựng gia đình mới - gia đình văn hoá vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong cuốn “Đời sống mới trong một quốc gia độc lập mới”, Người đã phát động toàn dân tham gia xây dựng đời sống mới. Trong đó, Người coi xây dựng gia đình là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng đời sống mới. Người chỉ ra phương pháp cũng như nội dung được thực hiện trong cuộc vận động này là: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ

mà không xấu nhưng phiền phức, thì sửa đổi cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt thì

phải phát triển thêm” [28, tr.94]. Đây là tư tưởng hết sức sâu sắc, dễ hiểu đã quán triệt đầy đủ quan điểm kế thừa, phát triển lý luận Mácxít để giúp phong trào xây dựng gia đình mới không bị rơi vào xu hướng tả hoặc hữu, kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Phong trào xây dựng gia đình mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh bắt đầu từ năm 1960, từ sáu gia đình tại thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, tỉnh Hưng Yên. Sáu gia đình gương mẫu tham gia xây dựng Hợp tác xã ở thôn Ngọc Tỉnh đã tình nguyện đi đầu xây dựng gia đình văn hoá. Tiếp đó, phong trào trở thành một điển hình thi đua bắt nhịp cùng làn sóng các cuộc thi đua khác của cả nước như: Gió "đại phong", sóng "duyên hải", cờ "ba nhất", tiếng trống "Bắc Lý" lúc bấy

giờ. Bộ Văn hóa cũng đã kịp thời rút kinh nghiệm, chỉ đạo phổ biến nhân rộng điển hình tiên tiến này ra toàn miền Bắc và trong Hội nghị liên hoan gia đình văn hóa tại Hải Phòng cuối năm 1962 đã suy tôn xã Ngọc Long là quê hương sản sinh, là chiếc nôi của phong trào gia đình văn hóa.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, phong trào xây dựng gia đình mới được phát động trong phạm vi cả nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, phong trào tiếp tục được duy trì, mở rộng.

* Những tiêu chí để xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta hiện nay

Từ hạt mầm 6 gia đình tại thôn Ngọc Tỉnh ươm trồng, xây dựng gia đình văn hóa đến nay đã trở thành một phong trào lớn, phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu với hơn 13 triệu hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa toàn quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, lành mạnh hóa môi trường văn hóa ở cơ sở.

Sau khi đất nước hoàn toàn được độc lập, Bộ Văn hoá phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra thông tư số 35/TT ngày 12 - 05 - 1975 về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình mới và đưa ra tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hoá như sau:

- Gia đình hoà thuận, bình đẳng, dân chủ, hạnh phúc, tiến bộ. - Thực hiện sản xuất tốt, sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện tiết kiệm. - Thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ.

Năm 1986, phong trào “Xây dựng gia đình văn hoá” được gọi là phong trào “Xây dựng gia đình văn hoá mới”. Từ năm 1991 tên đó được thay bằng “Xây dựng gia đình văn hoá”. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khoá VII) họp và ra nghị quyết về “Một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt”, Ban chỉ đạo nếp sống văn hoá Trung ương đã sửa đổi nội dung và tiêu chuẩn gia đình văn hóa cụ thể như sau:

- Xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ. - Thực hiện kế hoạch hoá gia đình.

- Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.

Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá” (Ban hành theo Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin) đã đưa ra tiêu chuẩn, thủ tục công nhận danh hiệu danh hiệu “Gia đình văn hóa” thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Thi đua, khen thưởng với những nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất: Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, không vi phạm pháp luật Nhà nước và quy ước, hương ước cộng đồng;

- Giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; nếp sống văn hóa nơi công cộng;

- Không sử dụng văn hóa phẩm thuộc loại cấm lưu hành; không mắc các tệ nạn xã hội; không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

- Tham gia thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua, các sinh hoạt, hội họp ở cộng đồng và bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan của địa phương.

Thứ hai: Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng

- Vợ chồng bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau, có trách nhiệm nuôi dạy con cái; con cháu hiếu thảo với bố mẹ, ông bà;

- Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học trở lên;

- Mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con, không sinh con thứ ba;

- Giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, ăn ở sạch sẽ, có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh và sử dụng nước sạch. Các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao;

- Đoàn kết xóm giềng, tham gia các hoạt động: hòa giải, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, khi khó khăn, hoạn nạn, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện ở cộng đồng.

Thứ ba: Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả

- Kinh tế gia đình ổn định, tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm, có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên;

- Các thành viên trong gia đình đều hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập.

Có thể thấy, việc kế thừa những nét đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của thời đại mới về gia đình đảm bảo được các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa. Do đó, sự kết hợp này là một hiện tượng hợp quy luật, có những nguyên tắc và nội dung cụ thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại trong xây dựng gia đình văn hóa vùng ven đô ngoại thành hà nội hiện nay (Trang 44 - 47)