Chương 3 NHẬN XÉT CHUNG VÀ NHỮNG KINH NGHIỆM CHỦ YẾU
3.1. Nhận xét chung về sự lãnh đạo phát triển giáo dục đào tạo của Đảng bộ
3.1.1. Những thành tựu cơ bản
Sau 10 năm Đảng bộ tỉnh Nam Định lãnh đạo phát triển giáo dục đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:
- Hệ thống mạng lưới trường, lớp, cơ cấu ngành học, cấp học được tiến hành sắp xếp, quy hoạch hợp lý đảm bảo trường lớp gần dân, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong toàn tỉnh.
Tiến hành nhiều biện pháp sắp xếp lại mạng lưới trường lớp như xây dựng thêm ở những địa phương đông dân một số trường mầm non, trường tiểu học, thành lập một số phân hiệu của các trường như Phân hiệu Nguyễn Bính tách ra từ trường THPT Hoàng Văn Thụ, Phân hiệu Nguyễn Đức Thuận tách ra từ trường THPT Lương Thế Vinh. Đến năm 2006, 100% số xã trong toàn tỉnh đã có trường tiểu học cao tầng. Ngoài trường chính còn có nhiều lớp học ở các phân trường do trường chính quản lý, xã ít nhất có 2 phân trường và xã nhiều nhất có tới 5 phân trường. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân tự nguyện động viên con em đi nhà trẻ mẫu giáo tại các trường mầm non. Do vậy, số trường mầm non cả công lập lẫn bán công, tư thục đã tăng lên không ngừng. Các trường THCS và THPT cũng đã được xây dựng hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở các địa phương trong tỉnh.
Các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và trung tâm hướng nghiệp dạy nghề không ngừng được củng cố, đầu tư và nâng cấp. Ngành học giáo dục thường xuyên được phát triển mạnh, năm học 2005 - 2006 toàn tỉnh đã có 17 trung tâm giáo dục thường xuyên tại tất cả các huyện và Thành phố Nam Định. Cùng với giáo dục phổ thông, giáo dục thường
xuyên của tỉnh đã góp phần tích cực để nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi, đồng thời mở rộng và nâng cao độ tuổi xoá mù chữ, chống tái mù chữ trở lại.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục đào tạo lựa chọn các chương trình thích hợp từng vùng dân cư, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện học tập của các em nhỏ. Tổ chức nhiều hình thức lớp linh hoạt, lớp tình thương, lớp tư thục, dân lập, bán công... nhằm thu hút tối đa số học sinh vào học, từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho địa phương.
- Cùng với quy hoạch mạng lưới trường lớp là việc tiến hành củng cố, tổ chức đội ngũ cán bộ quản lý, hoàn thiện đội ngũ này từ văn phòng Sở đến các phòng giáo dục - đào tạo, các trường học của tất cả các cấp học, ngành học. Quán triệt quy trình về công tác cán bộ, hàng năm đều có sự đầu tư xem xét, kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ quản lý các cấp. Từ đó có cơ sở để đề bạt, bổ nhiệm và miễn nhiệm cán bộ làm công tác quản lý theo phương châm "đúng người, đúng việc", khắc phục nhiều khó khăn, kiện toàn tổ chức các cơ sở giáo dục, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã trong việc quy hoạch cán bộ quản lý.
Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục được chỉ đạo sát sao. Từ năm 1997- 2006 đã luân phiên tổ chức mở 12 lớp bồi dưỡng hiệu trưởng trường tiểu học cho 431 người, cử 129 người tham gia các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý của Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức và cử 95 người đi đào tạo cử nhân chính trị nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ, năng lực và kinh nghiệm quản lý để từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.
- Chất lượng giáo dục - đào tạo ổn định, một số mặt có tiến bộ, nhất là chất lượng giáo dục "mũi nhọn".
Xác định được vai trò quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, coi đó là một nội dung cơ bản của công tác giáo dục đào tạo, Đảng bộ
tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục đào tạo Nam Định thường xuyên chú ý đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Từ chỗ chất lượng giáo dục của các ngành học còn nhiều hạn chế, đã từng bước khắc phục và nâng cao dần qua từng năm học. Chất lượng đại trà được giữ vững và có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này đã khẳng định nội lực to lớn của đội ngũ giáo viên và các em học sinh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc của ngành giáo dục đào tạo.
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS, THPT tiếp tục được củng cố và phát triển vững chắc. Nam Định đã hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và hoàn thành phổ cập THCS vào năm 2001, phổ cập giáo dục bậc trung học đạt kết quả bước đầu. Số học sinh được tuyển vào học lớp 10 THPT và Bổ túc THPT năm sau tăng hơn năm học trước, trung bình 10 năm từ 1997- 2006 đạt tỷ lệ 60 - 72 % số học sinh tốt nghiệp THCS.
Nam Định luôn là một trong những địa phương có số lượng học sinh thi đạt giải quốc gia, giải quốc tế và đỗ đại học với tỷ lệ cao của cả nước. Tỷ lệ này tăng hàng năm. Nếu như năm học 1996- 1997 Nam Định đứng thứ 6 cả nước về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đỗ đại học thì năm học 2005- 2006 Nam Định xếp hạng 3. Hiện tại Nam Định đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đỗ đại học.
Như vậy, do làm tốt việc phát hiện tài năng, chú trọng đầu tư đúng mức trong bồi dưỡng học sinh giỏi nên số lượng học sinh tham gia thi và đạt giải cấp quốc gia ngày càng tăng và cũng chứng tỏ một điều rằng chất lượng dạy của thầy và học của trò từng bước được khẳng định.
Những năm qua, tỉnh cũng đã chú trọng đến chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, vì thế giáo dục thể chất trong trường học đã có nhiều tiến bộ. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy chính khóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được đẩy mạnh nhằm tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong học tập, rèn luyện của học sinh.
- Tổ chức đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ và tự bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với trường Đại học Sư phạm I, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên… mở các lớp cao đẳng, đại học liên thông, không chính quy nhằm nâng cao trình độ cho các giáo viên. Đồng thời lên kế hoạch tuyển mới giáo viên, cán bộ quản lý phù hợp với những lĩnh vực chuyên môn còn thiếu. Do vậy, đến năm học 2005-2006, về cơ bản đã đủ giáo viên cho các cấp học với tổng số 22.942 giáo viên và cán bộ quản lý, trong đó 6.588 giáo viên tiểu học, 7.687 giáo viên THCS và 2.190 giáo viên THPT.
Cùng với việc đào tạo, đào tạo lại, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được chú trọng, tổ chức cho hầu hết giáo viên các ngành học, bậc học được được tham gia chương trình bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đây chính là nhân tố tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo.
- Các tổ chức đảng trong trường học được xây dựng và được tăng cường củng cố.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy các cấp đã tạo nên sự thống nhất cao về việc xây dựng tổ chức Đảng trong trường học. Bởi vậy, số lượng đảng viên và chi bộ Đảng được phát triển mạnh trong toàn ngành. Các chi bộ, đảng bộ trường học đã xác định được chức năng, nhiệm vụ thể hiện vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực chuyên môn, chính trị, tư tưởng. Công tác cán bộ, chăm lo xây dựng các tổ chức đoàn thể quần chúng, thực hiện tốt chế độ sinh hoạt đảng với nội dung sinh hoạt cụ thể gắn với hoạt động dạy và học. Từ đó đội ngũ đảng viên phát huy vai trò gương mẫu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của ngành.
Nguyên nhân của những thành tựu:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới giáo dục của Đảng, các Nghị quyết chuyên đề về giáo dục đào tạo, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy
đảng và chính quyền địa phương có những chủ trương, chính sách và biện pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tập trung ưu tiên cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo, thật sự coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”, là “động lực của sự phát triển”, giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc CNH, HĐH đất nước và của tỉnh.
Thứ hai, các cấp quản lý giáo dục trong tỉnh tích cực, chủ động làm tốt chức năng tham mưu, quản lý nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức giáo dục, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, gắn bó với nghề nghiệp và khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là cán bộ, giáo viên đang công tác ở ngành học mầm non, ở các vùng nôn thôn xa trung tâm tỉnh, những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục được triển khai nghiêm túc.
Thứ ba, phần lớn sinh viên, học sinh các cấp học, ngành học kế thừa truyền thống hiếu học của quê hương, đều chăm ngoan, luôn cố gắng trong học tập, rèn luyện và có chí tiến thủ vì tương lai của mình, của quê hương đất nước. Người dân có ý thức với việc học tập là công việc cao cả của mọi người, mọi nhà nên đã động viên con em mình đến lớp, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập.
Thứ tư, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định: Nền kinh tế tiếp tục tăng và phát triển khá. Đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, vấn đề học tập của con em càng được quan tâm hơn và tích cực đóng góp vì mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Thứ năm, thực hiện tốt nhiệm vụ xã hội hoá giáo dục, tuyên truyền nâng cao dân trí, đã huy động được mọi nguồn lực cho giáo dục đào tạo.