Chương 3 NHẬN XÉT CHUNG VÀ NHỮNG KINH NGHIỆM CHỦ YẾU
3.2. Những kinh nghiệm chủ yếu và một số khuyến nghị
3.2.1. Những kinh nghiệm chủ yếu
Giáo dục là một nội dung quan trọng của cách mạng văn hoá, đồng thời nó vun trồng lực lượng cho tương lai, phong trào diệt giặc dốt, xoá mù chữ, phổ cập giáo dục cho mọi người và góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, xây dựng nền văn hoá mới. Phát triển giáo dục còn là chìa khoá để mở rộng hiểu biết của nhân dân, tạo điều kiện cho việc học tập, áp dục khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những thành tựu đã đạt được của giáo dục đào tạo Nam Định sau 10 năm tái lập tỉnh là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của nền giáo dục của tỉnh sau này. Đó là yếu tố giúp cho sự ổn định tình hình, chuẩn bị cho việc phát triển kinh tế, khả năng nhận thức, tư duy sáng tạo của con người, về lý luận cũng như thực tiễn những kinh nghiệm rút ra từ sự nghiệp giáo dục đào tạo Nam Định không những có ý nghĩa cho ngành giáo dục của tỉnh, mà trong một chừng mực nào đó có ý nghĩa cho nhân dân toàn tỉnh. Nhiều kinh nghiệm về phong trào giáo dục thường xuyên, giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục các cấp, xây dựng và phát triển nền giáo dục Nam Định đã được giới thiệu rộng rãi cho các tỉnh bạn.
Từ thực tế, sau 10 năm tái lập tỉnh Nam Định, từ năm 1997-2006, quá trình Đảng bộ tỉnh Nam Định lãnh đạo sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm phong phú:
Một là, nhận thức đúng và vận dụng sáng tạo đường lối giáo dục của Đảng phù hợp với thực tiễn ngành giáo dục - đào tạo của tỉnh.
Đây là yếu tố cơ bản nhất, thiết yếu nhất và đã tác động đến việc tạo ra những kết quả quan trọng khác của sự nghiệp giáo dục đào tạo. Vì có nhận thức đúng thì khâu thực hiện mới đạt hiệu quả cao. Từ nhận thức đúng đắn và quán triệt sâu sắc đường lối phát triển giáo dục - đào tạo của Trung ương
Đảng, Đảng bộ tỉnh Nam Định đã vận dụng cụ thể, triệt để và sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của địa phương.
10 năm phát triển giáo dục đào tạo ở tỉnh Nam Định là khoảng thời gian tuy ngắn nhưng đó là cả một quá trình nghiên cứu vận dụng và bổ sung đường lối, quan điểm phát triển giáo dục đào tạo của Đảng vào điều kiện cụ thể ở địa phương. Đó là quá trình nhận thức, tổ chức thực hiện các Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, VIII, IX của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) và một số Chỉ thị, Nghị quyết khác có liên quan. Vì vậy, sự phát triển giáo dục đào tạo của Nam Định trong thời gian qua luôn đi đúng với đường lối giáo dục của Đảng và gắn liền với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là bài học hàng đầu về sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với sự nghiệp “Trồng người”.
Quan điểm nhất quán của Tỉnh ủy Nam Định về lãnh đạo sự nghiệp giáo dục đào tạo là luôn phấn đấu xây dựng và phát triển nền giáo dục một cách toàn diện; coi trọng giáo dục đạo đức nhân cách, lý tưởng, trí lực và thể lực; gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn. Giáo dục theo hướng cân đối giữa “Dạy người”, dạy chữ, dạy nghề, trong đó “Dạy người” là mục tiêu cao nhất. Đó là ước muốn lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Muốn có chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”, đồng thời phải phù hợp với truyền thống giáo dục của ông cha ta “Tiên học lễ, hậu học văn”. Phấn đấu xây dựng ở Nam Định một nền giáo dục tiên tiến có quy mô, trình độ và cơ cấu ngành nghề hợp lý, xứng đáng với mảnh đất có truyền thống hiếu học. Đó là “nền giáo dục thấm nhuần sâu sắc tính nhân dân, tính dân tộc và tính hiện đại” [21, tr.12].
Những định hướng và quan điểm phát triển giáo dục đào tạo của Đảng phải được quán triệt, thực hiện và cụ thể hoá một cách đồng bộ, hài hòa trong toàn hệ thống tổ chức quản lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận với mục tiêu Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách
mạng to lớn của Đảng và nhân dân. Do đó các ngành, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa cho sự nghiệp này.
Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là Đảng lãnh đạo bằng Nghị quyết, chủ trương và đường lối. Do vậy, tất cả quan điểm, chủ trương của Đảng phải được quán triệt sâu rộng trong cả hệ thống nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng, giữa Đảng với chính quyền, giữa cấp trên với cấp dưới; giữa Đảng với các đoàn thể; giữa quản lý nhà nước với quản lý ngành. Với những phương thức đó, chẳng những quan điểm, đường lối của Đảng được tổ chức thực hiện một cách chu đáo, toàn diện mà còn được kịp thời bổ sung hoàn thiện và phát triển phù hợp với thực tiễn. Vai trò của hệ thống tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở là nhân tố quyết định đến sự thành công hay thất bại việc thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở; đồng thời cấp cơ sở còn là nơi tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận làm cho đường lối của Đảng luôn sát với thực tế đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Vai trò của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã - phường là thể chế hoá các quan điểm, nghị quyết lãnh đạo của từng tổ chức đảng. Tạo cơ sở thống nhất về pháp lý, bao gồm cả kế hoạch, mục tiêu cho từng thời kỳ cụ thể. Những chính sách, cơ chế bảo đảm điều kiện cho sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và quản lý.
Mặt trận Tổ quốc là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn. Vì vậy, Mặt trận là nơi tập hợp lực lượng để động viên, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy các phong trào cách mạng của quần chúng không ngừng phát triển, trong đó có phong trào xã hội hoá giáo dục, thi đua “Dạy tốt, học tốt” có vai trò to lớn trong việc tạo môi trường giáo dục lành mạnh và là nguồn lực dồi dào, bền vững cho sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển cả quy mô và chất lượng.
Hệ thống giáo dục gồm các cấp quản lý giáo dục đến các cấp cơ sở, trường lớp. Phải phát huy cao độ nội lực, tiềm năng là nhân tố quyết định đến
chất lượng phát triển giáo dục; đồng thời phải gắn bó mật thiết với cộng đồng, xã hội để tranh thủ tối đa sự ủng hộ vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, các cấp các ngành, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài địa phương cho giáo dục sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ đó nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân.
Các cấp quản lý giáo dục phải tập trung trí tuệ, tổng kết thực tiễn, tích cực làm tham mưu cho các cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương về chiến lược, chính sách chủ trương, biện pháp có tính khả thi trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, phải làm cho tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, từng tộc họ, gia đình và mỗi người hiểu rằng “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, đẩy mạnh đa dạng hóa, xã hội hoá giáo dục gắn liền với dân chủ hóa là cách phát triển giáo dục có hiệu quả.
Vận dụng quan điểm trên của Đảng, Đảng bộ Nam Định coi giáo dục là mục tiêu quan trọng nhất trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; có chính sách đầu tư thích đáng luôn coi đó là đầu tư cho phát triển (kể cả đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài), được ưu tiên như một nhiệm vụ hàng đầu. Đồng thời có chính sách huy động xã hội tham gia xây dựng ngành giáo dục; có hệ thống chính sách, chế độ tạo động lực cho người dạy và người học. Những chính sách ưu tiên đặc biệt này được thể hiện bằng các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và trong chủ trương của các cấp, các ngành đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo Nam Định trong 10 năm qua. Đặc biệt công tác tuyên truyền, giáo dục đã thực sự đưa Nghị quyết của Trung ương và địa phương đến các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, các lực lượng vũ trang, trong quần chúng nhân dân, nhất là trong phụ huynh học sinh, giáo viên và học sinh các ngành học, cấp học. Từ đó, mọi người dân đều ý thức sâu sắc về vai trò cực kỳ quan trọng của sự nghiệp giáo dục - đào tạo đối với đất nước nói chung và sự phát triển của địa phương nói riêng. Bởi vậy, sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức
đoàn thể và quần chúng nhân dân, tạo điều kiện cho giáo dục - đào tạo từng bước được phát triển.
Hai là, phát huy mọi nguồn lực trong tỉnh vào sự nghiệp giáo dục đào tạo
Những năm qua thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với đà phát triển nhanh về kinh tế, nhu cầu học tập để nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài ở Nam Định đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục rất hạn hẹp khoảng 10- 12% tổng ngân sách chi thường xuyên của tỉnh. Vì vậy không thể đáp ứng mọi nhu cầu của việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục. Sự gia tăng mạnh về số lượng người học đã gây ra tình trạng quá tải đối với hệ thống giáo dục công lập, tạo nên sự bất bình đẳng về cơ hội giáo dục giữa nhóm xã hội các vùng, miền trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, Đảng bộ và ngành giáo dục đào tạo nhận thấy rằng, những bất cập nêu trên chỉ có thể giải quyết bằng công tác xã hội hoá giáo dục nhằm tăng nguồn lực cho giáo dục đào tạo.
Kinh nghiệm về xã hội hoá giáo dục đã được Đảng bộ tỉnh và ngành giáo dục Nam Định thực hiện, rút ra từ những năm xây dựng và phát triển giáo dục đào tạo trong điều kiện những năm chiến tranh ác liệt. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, trong điều kiện nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, trên cơ sở quán triệt chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng, Đảng bộ tỉnh Nam Định đã xác định và thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục với những nội dung sau:
Thứ nhất, tạo ra phong trào học tập sâu rộng trong toàn xã hội; vận động các tầng lớp nhân dân, trước hết là những người trong độ tuổi học tập, làm cho xã hội trở thành một xã hội học tập.
Thứ hai, vận động toàn dân chăm sóc thế hệ trẻ, thực hiện nguyên lý nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội; tăng cường trách nhiệm giữa các
cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, chính trị- xã hội nhằm tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh và phát triển.
Thứ ba, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, trong đó lấy trường công lập làm nòng cốt, chủ đạo bên cạnh mở các loại hình trường lớp như: bán công, dân lập, tư thục và nhiều phương thức học tập (tập trung, tại chức, ngắn hạn, từ xa, bổ túc...) từ các cơ sở có chức năng giáo dục đào tạo hoặc hợp đồng liên kết... nhằm tạo cơ hội cho mọi người trong tỉnh tiếp cận với nền giáo dục mới của nước ta.
Thứ tư, triệt để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội: nhân lực, vật lực, tài lực và trí lực cho phát triển giáo dục đào tạo. Vì vậy, cùng với việc tăng thêm ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển; chủ trương cải tiến chế độ học phí cho phù hợp với địa phương, huy động sự đóng góp của nhân dân có căn cứ vào mức sống và khả năng của từng vùng, miền... các tổ chức xã hội, các đoàn thể nhân dân, đơn vị kinh tế và tranh thủ sự trợ giúp quốc tế.
Việc tạo ra và tranh thủ huy động nguồn lực là vấn đề có ý nghĩa quyết định cho bài toán về kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị duy trì và phát triển ngành giáo dục đào tạo Nam Định ngày càng tăng cả về quy mô và chất lượng giáo dục.
Để giải quyết khâu đột phá về kinh phí cho giáo dục đào tạo, Đảng bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã chủ trương phát huy sức mạnh tổng hợp bằng nhiều cách, tận dụng mọi cơ hội, khai thác triệt để từ nhiều nguồn:
Ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương.
Hàng năm huy động được từ 10-13% trong ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh; thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngành giáo dục đào tạo chi kinh phí xây dựng nên nhân dân và địa phương tự nguyện đóng góp kinh phí còn lại; tranh thủ huy động nguồn vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo và thường xuyên ưu tiên ngân sách cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo.
Huy động vốn xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật dạy và học trong nhân dân bằng các khoản thu theo quy định của Nhà nước; nguồn vốn vay từ Ngân hàng Đầu tư Phát triển của tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; nguồn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản cho các chương trình giáo dục, nước sạch, của tổ chức ODA; những tấm lòng tự nguyện đóng góp của các cá nhân con em người Nam Định đang sinh sống tại địa phương và các địa phương khác trong nước và ngoài nước.
Các nguồn có liên quan đến sự nghiệp giáo dục đào tạo trong các sở, ban ngành như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội... và của từng địa phương trong tỉnh.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý của ngành giáo dục đào tạo tỉnh. Đặc biệt là phối hợp và kết hợp với các cấp, các ngành có liên quan thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí đã có tại địa phương, ở các phòng giáo dục huyện và các trường học nhằm khắc phục kịp thời được tình trạng quản lý lỏng lẻo, rò rỉ, cắt xén, thất thoát, sử dụng sai nguyên tắc, sai mục đích như trước đây.
Các cấp ủy và tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội, các gia đình và mọi người đều có trách nhiệm chăm lo và tích cực đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”. Đây không những là tư tưởng chỉ đạo việc xã hội hoá giáo dục của Đảng bộ tỉnh Nam Định trong nhiều năm qua, mà còn là một trong những nét đẹp truyền thống của người dân Nam Định xưa và nay. Tính đến nay, tỷ lệ người dân Nam Định biết chữ chiếm hơn 96% dân số, cao hơn mức bình quân của cả nước. Mặc dù đời sống của các tầng lớp nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng giáo dục đào tạo của tỉnh vẫn có bước phát triển khá. Số lượng học sinh các cấp học, ngành học liên tục tăng, chất lượng dạy và học có những tiến bộ rõ rệt. Số lượng giáo viên dạy giỏi các cấp ngày càng nhiều, số lượng học sinh giỏi các cấp ngày càng tăng,