Biểu hiện của quan hệ quyền thế trong hội thoại thông qua các tiểu từ tình thái trong tiếng Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Biểu hiện của quan hệ quyền thế trong các diễn ngôn hội thoại (Khảo sát trên tư liệu một số truyện ngắn hiện đại) (Trang 64 - 76)

- Đấy(4): Thường đứng cuối câu để tạo câu cảm thán nhưng có tính thông báo một thông tin bất ngờ: Nghe nói con bé đó là hoa khôi của trường đấy!

2.2.2. Biểu hiện của quan hệ quyền thế trong hội thoại thông qua các tiểu từ tình thái trong tiếng Việt

tiểu từ tình thái trong tiếng Việt

Khi tham gia cấu tạo câu, tiểu từ tình thái có thể đứng đầu, giữa hay cuối câu để biểu thị các sắc thái ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, dù là vị trí nào thì các tiểu từ này thường thuộc về một trong hai nhóm: nhóm từ biểu thị sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát và nhóm biểu thị sắc thái mềm mỏng, nhẹ nhàng (ngoài ra còn có một số tiểu từ mang sác thái trung hoà, nhưng chúng tôi không tập trung nghiên cứu ở đây). Dưới đây chúng ta sẽ khảo sát các trường hợp cụ thể để xác định vai trò của từng kiểu loại từ tình thái trong việc biểu thị quan hệ quyền thế giữa các vai giao tiếp trong hội thoại.

2.2.2.1. Tiểu từ tình thái mang sắc thái khiêm nhường, mềm mỏng

Có thể thấy, ngay từ tính chất của các từ tình thái trong nhóm này đã phần nào nói lên vai trò của chúng trong hội thoại. Khi thực hiện một chiến lược giao tiếp nào đó, người nói có thể vận dụng hoặc không các tiểu từ tình thái. Nếu có vận dụng, thì các tiểu từ có sắc thái khiêm nhường, mềm mỏng thường được sử dụng trong hai trường hợp điển hình sau:

- Một là, khi người ở vị thế cao, có áp lực quyền thế mạnh nhưng muốn hạ thấp vị thế của mình đồng thời thân mật hoá mối quan hệ, rút ngắn khoảng cách giao tiếp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nâng cao vị thế đang vốn thấp của đối phương, để hai người dần tiến tới mức bình đẳng, do đó dùng những từ tình thái mềm mỏng, nhẹ nhàng là điều cần thiết.

- Hai là, khi người ở vị thế thấp nhưng ý thức khá rõ vị thế của mình, tự ti và muốn giữ nguyên vị thế thấp đó trước đối phương; tức là muốn duy trì một khoảng cách giao tiếp xác định. Lúc này, người nói sẽ sử dụng các tiểu từ có sắc thái mềm mỏng, nhẹ nhàng để tiếp tục đề cao đối phương đồng thời chấp nhận vị

thế thấp của mình. Chúng ta sẽ thông qua các đoạn thoại cụ thể để làm sáng tỏ luận điểm này.

Xét hội thoại 7:

“- Bọn Lý Kinh thế nào? (…) - Dạ, đúng ra thì lão ta… lão ta…

- Em phải nói cho chính xác. Chị cần thông tin đúng.

- Vâng ạ. Bọn em giao đủ hàng theo hợp đồng, nhưng lão Lý Kinh lại khất đến ngày mai mới thanh toán tiền.

- Tại sao lại như vậy, xưa nay Lý Kinh vẫn làm ăn rất nghiêm chỉnh.

- Dạ, lão ấy bảo tiền ở Bắc Kinh chuyển về chậm không rõ lý do. Lão không dám tự quyền quyết định. Lão bảo em cho lão chịu đến cuối giờ chiều mai”.

(Nguyễn Đình Chính - Mùa hè vội vã - 192) Đây là đoạn hội thoại diễn ra giữa hai nhân vật nữ là Thảo và Nguyệt. Theo dõi cuộc thoại ta thấy cả hai đều là những tay buôn lậu và đang nói về chuyện Lý Kinh trở mặt, trong đó Nguyệt là người trình bày sự việc. Xét về vị thế xã hội, Thảo ở vị thế cao hơn so với Nguyệt do các đặc điểm sau: tuổi nhiều hơn, kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm “nghề” nhiều hơn, là người chỉ huy trong nhóm buôn lậu, mặt khác Thảo đang là người xem xét sự việc để đưa ra cách giải quyết. Do đó, ngay từ khi mở đầu cuộc thoại cho đến khi kết thúc, vị thế xã hội cũng như vị thế giao tiếp của nhân vật vẫn được duy trì. Ngược với Thảo là vị thế của nhân vật Nguyệt. Do có áp lực quyền thế yếu hơn, lại đang là người giải trình sự việc để Thảo xem xét, nên Nguyệt chủ ý sử dụng những tiểu từ tình thái có sắc thái mềm mỏng, tỏ ý khiêm nhường, đề cao đối phương: “Dạ”, “Vâng”... Đây cũng là những tiểu từ đứng đầu câu rất phù hợp với vai giao tiếp ở vị thế thấp khi muốn nhận được sự đồng tình, chấp thuận của đối phương cũng

như muốn rút ngắn khoảng cách giao tiếp với đối phương. ở đoạn hội thoại này, nhân tố tuổi tác và địa vị (là người chỉ huy trong băng nhóm) của các nhân vật giao tiếp có vai trò chi phối mạnh đến áp lực quyền thế thể hiện trong suốt đoạn thoại. Chúng ta sẽ xét tiếp một đoạn thoại nữa để thấy rõ vai trò của các tiểu từ đứng đầu câu trong việc biểu thị mối quan hệ vị thế giữa các nhân vật.

Xét hội thoại 8:

“Pháp y hỏi:

- Cái xác để đâu rồi? Mọi người gãi đầu tai:

- Dạ thưa, nếu để thêm thì sẽ ô nhiễm cả khu vực. Chúng tôi cho giải quyết rồi ạ. - Giải quyết? Các bác giải quyết thế nào? Ai đứng ra giải quyết?

(…)

- Dạ, bấy lâu vẫn cứ vậy. (!)

- Thôi được, cũng cứ mời các bác lên đồn làm việc. Mong các bác cộng tác tích cực với chúng tôi.”

(Võ Thị Xuân Hà, Tường thành, 47) Đây là cuộc đối thoại giữa một bên là pháp y - đại diện phía công an điều tra và một bên là tổ bảo vệ của xóm ngụ cư - nơi xảy ra án mạng. Nhìn chung đoạn thoại vẫn có tính nghi thức cao, do pháp y và tổ bảo vệ đều đang trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Xuất phát từ địa vị xã hội, nghề nghiệp... thì pháp y là bên ở vị thế cao hơn so với tổ bảo vệ. Mối quan hệ quyền thế này được thể hiện qua việc sử dụng các tiểu từ tình thái đứng đầu câu trong lời thoại của các bên.

Trước hết, tổ bảo vệ là bên có vị thế thấp, do vậy đã chủ động sử dụng các tiểu từ: “Dạ thưa”, “Dạ” nhằm thể hiện sự kính trọng, đề cao đối phương trong quá trình giao tiếp. Đây là những tiểu từ tình thái có sắc thái mềm mỏng, tỏ ý

khiêm nhường, chứng tỏ tổ bảo vệ khá “tự ti”, muốn duy trì vị thế giao tiếp thấp vốn có của mình. Mặt khác, theo dõi nội dung và chiều hướng phát triển của cuộc thoại, chúng ta có thể thấy tổ bảo vệ đang muốn giải trình sự việc và mong nhận được sự đồng tình, chấp thuận từ phía pháp y, do đó họ đã sử dụng các tiểu từ tình thái này nhằm giảm nhẹ tính căng thẳng của sự việc, cũng như để tranh thủ cảm tình của đối phương. Về phía pháp y, mặc dù là bên có áp lực quyền thế mạnh song do mục đích giao tiếp là muốn đối phương cộng tác điều tra vụ án nên cũng chủ động dùng tiểu từ có sắc thái trung hoà, tỏ ý muốn rút ngắn khoảng cách giao tiếp, có tính khuyến nghị: “Thôi được”.

Nếu hai hội thoại trên là các tiểu từ đứng đầu câu có tính mềm mỏng tham gia vào việc biểu thị quan hệ quyền thế giữa các nhân vật, thì trong đoạn thoại sau chúng ta sẽ xét đến nhóm tiểu từ này nhưng ở vị trí cuối câu.

Xét hội thoại 9:

“Tôi đến bên mẹ ôm ngang lưng. Mẹ gỡ tôi ra: - Thế có chuyện gì đấy?

- Mẹ ơi, hôm nay con nhìn thấy cả ngôi làng trên bầu trời. Con còn nhìn thấy cả biển nữa mẹ .

- ồ, cái con bé này, con lại giống mẹ rồi. Con có kể với ai thì lại bị người ta trêu cười cho thôi”.

(Y Ban, Đi chợ sớm, 55) ở đây chúng ta bắt gặp ngữ cảnh giao tiếp thân mật, không bị hạn định về không gian, thời gian giao tiếp, giữa bà mẹ và cô con gái. Xuất phát từ đặc điểm của các vai giao tiếp, rõ ràng người mẹ trong đoạn hội thoại này ở vị thế cao hơn so với con gái: cao hơn về tuổi tác, về tôn ty trật tự trong quan hệ huyết thống gia đình mẹ - con, về kinh nghiệm sống… Bên cạnh việc sử dụng lối xưng hô

thân mật giữa hai người, ở đây chúng ta còn thấy sự xuất hiện của khá nhiều các tiểu từ tình thái đứng cuối câu biểu thị quan hệ quyền thế của các nhân vật.

Xuất phát là vị thế thấp và cũng muốn duy trì vị thế ấy, người con dùng tiểu từ “ạ” mang tính mềm mỏng, tỏ ý khiêm nhường, tôn kính và đề cao mẹ. Các tiểu từ này khá phù hợp với ngữ cảnh một người con gái đang trò chuyện thân mật, có phần hơi nũng nịu mẹ. Ngược lại, muốn khẳng định vị thế cao tuyệt đối của mình trong quan hệ với con, người mẹ lựa chọn tiểu từ có tính cứng rắn, dứt khoát (“đấy”) trong câu hỏi nhằm thu hút sự chú ý của con đồng thời cũng muốn con thổ lộ rõ chuyện khó nói của mình. Tiếp đó, bà mẹ còn sử dụng tiểu từ có tính trung hoà, đã mang sắc thái mềm mỏng hơn: “cho thôi” với mục đích lúc này là nhằm động viên, giảng giải cho con gái.

Như vậy, qua hai ví dụ trên, chúng ta thấy rằng các tiểu từ tình thái mang sắc thái mềm mỏng, nhẹ nhàng xuất hiện ở cả vị trí đầu câu và cuối câu, cũng góp phần trong việc biểu thị mối quan hệ quyền thế tồn tại trong hội thoại. Các nhân vật giao tiếp tuỳ chiến lược của mình mà sẽ sử dụng các tiểu từ này hoặc làm thân mật hoá mối quan hệ, hoặc xác định khoảng cách giao tiếp với đối phương. Tiếp theo chúng ta sẽ xét đến vai trò của các tiểu từ tình thái mang sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát.

2.2.2.1. Tiểu từ tình thái mang sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát

Cũng như nhóm tiểu từ tình thái đã xét ở trên, các tiểu từ có sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát thường được sử dụng trong hội thoại với một trong hai mục đích sau:

- Một là, khi người ở vị thế cao, có áp lực quyền thế mạnh muốn khẳng định vị thế của mình đồng thời xác định khoảng cách giao tiếp với đối phương.

- Hai là, người ở vị thế thấp nhưng khá tự tin, muốn nâng cao vị thế của mình đồng thời rút ngắn khoảng cách giao tiếp với đối phương.

Các tiểu từ này có thể đứng ở đầu hay cuối câu song vẫn giữ nguyên vai trò trong việc biểu thị quan hệ quyền thế giữa các nhân vật giao tiếp. Điều này sẽ được cụ thể hoá qua các ví dụ sau.

Xét hội thoại 10:

“(…) - Còn cái chuông thì xử trí ra sao ạ? - Đã hạ xuống được chưa?

- Dạ, bọn em đã dùng kích và đòn bẩy hạ xuống được rồi. Trên chuông có nhiều chữ lắm.

- Không biết là nội dung viết gì nhỉ?

- Thưa chủ tịch, không ai đọc được - Liêu nhanh nhảu nói - Toàn chữ nho thôi. Làng ta có lẽ chỉ bác Được là đọc và hiểu được. Hay ta mời bác ấy dịch hộ xem. Ông Đới nhìn thẳng vào mắt Liêu:

- Thôi, bày ra làm gì cho rách việc. Tin thế nào được mấy ông hủ nho! (…) Tốt hơn cả, cậu cho dân quân ném xuống giếng chùa ấy.”

(Hữu Đạt - Hồi ức tuổi mười ba - 174) Cuộc thoại này diễn ra giữa một bên là ông Đới - chủ tịch xã và một bên là Liêu - nhân viên uỷ ban xã. Xét về vị thế xã hội thì rõ ràng ông Đới ở vị thế cao hơn so với Liêu do địa vị xã hội, chức vụ, tuổi tác…, hơn nữa hai người đều đang thi hành công vụ (đó là phá các đình thờ, miếu mạo để bài trừ mê tín dị đoan. Trong đoạn thoại này, nhân vật Đới vì chủ ý khẳng định vị thế cao vốn có của mình, cũng không muốn thay đổi khoảng cách giao tiếp, do đó lựa chọn tiểu từ “Thôi” đứng đầu câu mang sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát; một mặt để tỏ rõ thía độ bác bỏ, phủ nhận của mình về sự việc Liêu hỏi xin ý kiến, một mặt cũng để tỏ

rõ áp lực quyền thế của mình với Liêu. Trong khi đó, nhân vật Liêu lại lựa chọn các tiểu từ có tính mềm mỏng, sắc thái khiêm nhường nhằm tỏ ý đề cao cấp trên:

“Thưa”, “Dạ”... Ngoài ra, xét về ảnh hưởng của các nhân tố giao tiếp, trong hội thoại này, nhân tố về địa vị xã hội đóng vai trò chủ chốt, tiếp đó là nhân tố tuổi tác, ngữ cảnh giao tiếp...

Tiếp theo, chúng ta xét đến các tiểu từ tình thái mang sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát thường đứng ở vị trí cuối câu để làm sáng tỏ vai trò của chúng trong hội thoại. Xét hội thoại 11:

“Hảo cổ đếm mấy đồng 10 đô la. Gã đếm đi đếm lại rồi bỗng kêu lên: - Ơ kìa, mới có hai tư tờ.

- Đủ rồi còn gì?

- Thiếu mười đô. Hai rưỡi cơ mà.

- Ông anh húp nước cả cặn à. Cho thằng em một giá chứ. (…)

- Chú quá lắm. Ăn cả hai mang. Ăn dầy thế. Đã thế lại vừa mua vừa mắng. Mày bắt nạt anh, anh đành chịu. Hậu sinh khả uý .”

(Nguyễn Đình Chính, Mùa hè vội vã, 30) Đây là cuộc thoả thuận về tiền nong giữa hai tên lưu manh buôn đồ cổ, do đó ta thấy ngôn ngữ hội thoại sử dụng nhiều tiếng lóng và đặc biệt là số lượng khá lớn các tiểu từ tình thái. Xét về vị thế xã hội thì Hảo ở vị thế cao hơn do tuổi tác, kinh nghiệm trong nghề, do đó xác định vị thế giao tiếp cao hơn khi bắt đầu cuộc thoại. Tuy nhiên, theo dõi tiến trình phát triển của cuộc thoại, ta nhận thấy rằng Hưng tuy tuổi còn trẻ song lại ma mãnh và láu cá hơn, chủ động làm chủ cuộc thoả thuận, từ đó thay đổi vị thế giao tiếp từ bị động sang chủ động. Một bên là Hảo - kẻ bán đồ cổ đang nhận tiền và Hưng - kẻ mua đang trả tiền, ngữ

cảnh này đã chi phối đến việc lựa chọn các từ biểu cảm để thể hiện cảm xúc của mỗi bên trong cuộc thương lượng này.

Về phía nhân vật Hưng, kẻ làm chủ cuộc thương lượng, mặc dù xuất phát ở vị thế thấp song lại chủ ý rút ngắn khoảng cách giao tiếp đồng thời khá tự tin, muốn nâng cao vị thế của mình nên đã sử dụng một loạt tiểu từ có tính mạnh mẽ, dứt khoát: còn gì, à, chứ,… Trong khi đó, do mục đích của nhân vật Hảo là muốn Hưng trả tiền nên đã chủ động hạ thấp vị thế của mình bằng việc sử dụng các tiểu từ cuối câu có sắc thái trung hoà. Các trạng thái cảm xúc của Hảo đi từ sự ngạc nhiên, thảng thốt hay khêu gợi sự chú ý của đối phương:“cơ mà”, đến sự bức bối, kể lể sự việc: “cơ mà”, “thế” song kết thúc vẫn là sự cam chịu: “mà”.

Như vậy, ở đoạn hội thoại này, người có vị thế xã hội cao song do đích giao tiếp lại chủ động hạ thấp vị thế của mình bằng việc lựa chọn các tiểu từ có sắc thái trung hoà. Ngược lại, nhân vật ở vị thế thấp hơn song do nắm quyền chủ động dẫn dắt cuộc thoại, cố ý tự tin nâng cao vị thế của mình nên sử dụng các tiểu từ có tính mạnh mẽ, dứt khoát.

Trong quá trình xử lý tư liệu, chúng tôi nhận thấy rằng, những người có vị thế xã hội cũng như vị thế giao tiếp thấp trong cuộc thoại khi muốn duy trì vị thế của mình thường sử dụng các tiểu từ có tính chất mềm mỏng, mang sắc thái khiêm nhường, biểu thị thái độ tôn trọng, đề cao đối phương hay mong muốn được đối phương chú ý hoặc chấp nhận nguyện vọng đã nêu ra của mình. Ngược lại, người ở vị thế xã hội cũng như vị thế giao tiếp cao khi muốn xác định khoảng cách giao tiếp với đối phương, khẳng định vị thế cao vốn có của mình lại thường sử dụng các tiểu từ có tính mạnh mẽ, dứt khoát, có tính khuyến lệnh, yêu cầu đối phương thực hiện đề nghị của mình. Điều này được thể hiện rõ qua bảng sau:

Vị thế Chiến lược

giao tiếp Chiến lược sử dụng ngôn ngữ điển hình

Tỷ lệ (%)

Cao

Giữ nguyên vị thế Sử dụng các tiểu từ tình thái có tính mạnh mẽ, dứt khoát

35,90

Hạ thấp vị thế Sử dụng các tiểu từ tình thái mang sắc thái trung hoà, mềm mỏng

18,70

Thấp

Tự nâng cao vị thế Sử dụng các tiểu từ tình thái có tính mạnh mẽ, dứt khoát

26,14

Giữ nguyên vị thế Sử dụng các tiểu từ tình thái mang sắc thái

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Biểu hiện của quan hệ quyền thế trong các diễn ngôn hội thoại (Khảo sát trên tư liệu một số truyện ngắn hiện đại) (Trang 64 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)