5. Cấu trúc luận văn
2.2.1 Không gian bối cảnh xã hội
2.2.1.1 Không gian nông thôn nghèo khổ, lam lũ, tăm tối
Lê Lựu là người con của quê hương đồng bãi Châu thổ sông Hồng – Phủ Khoái Châu – Hưng Yên. Nhà văn gắn bó máu thịt với quê hương mình. Cái chất quê kiểng thứ thiệt mà Trần Đăng Khoa phát hiện được về Lê Lựu đó chính là hương vị, hồn cốt quê hương của nhà văn. Có lẽ vì điều này mà những sáng tác thành công và gây được tiếng vang nhất của Lê Lựu là những tác phẩm nói về người nông dân và nông thôn Việt Nam. Lê Lựu từng tâm sự:
“Hai ba chục năm tôi không dám viết về thành phố vì mình ở đó nhưng vẫn chưa thuộc nó. Tôi chỉ viết về những người nông dân ở thành phố, gọi ra tất
cả những gì thuộc về nông thôn và nó có ra thành phố tôi cũng vác bằng được nó về quê” [59, 71]. Có thể nói rằng: trong cuộc chạy tiếp sức của cuộc hành trình viết về nông thôn và người nông dân Việt Nam, Lê Lựu chính là nhà văn tiếp nối, kế thừa thành công các bậc tiền bối như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, và sau này là Kim Lân, Nguyễn Khắc Trường … Viết về nông dân Việt Nam là mong ước, là tâm niệm đau đáu trong tiềm thức nhà
văn. Vốn xuất thân từ nông thôn mang đậm bản chất nông dân “ngấm chất
bùn đất của thôn quê”, từ nhỏ đã sống với niềm vui, nỗi buồn của làng quê nên Lê Lựu luôn nghĩ về quê hương, chú ý những gì liên quan đến nông dân, nông thôn và những vấn đề xung quanh việc đổi mới, cải cách ruộng đất … Nông thôn và người nông dân là cội nguồn, là quê hương văn học của nhà văn từ những tác phẩm đầu tay đến những sáng tác gần đây. Nông thôn là đề tài gợi nhiều cảm hứng của các cây bút ở mọi thời kỳ và để lại nhiều tác phẩm có
giá trị. Lê Lựu được xem là “nhà văn của nông thôn” khi ông khai thác vẻ
thô mộc, sần sùi của những con người từ làng quê, đi ra từ làng quê.
Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1993) đã khắc họa không gian nông thôn với cuộc sống đói nghèo, lũ lụt, với những phong tục tập quán, nếp sống, ý nghĩ… của con người. Nhà văn cũng đề cập đến những sự kiện lịch sử quan trọng ở nông thôn: Hợp tác hóa nông nghiệp, cải cách ruộng đất…Tuy nhiên những sự kiện lịch sử này được cảm nhận qua tâm hồn con người. Từ những mốc lịch sử này, nhà văn bày tỏ mong muốn phản ánh chân thực bức tranh thời đại với những mảng màu sáng tối đan xen để từ đó nói lên được những vấn đề sâu sắc về con người và cuộc đời.
Thời xa vắng in lần đầu tháng 4 năm 1986 nhưng được viết xong từ tháng 9 năm 1984. Nhìn vào thời điểm sáng tác có thể thấy sự mẫn cảm của nhà văn đối với công cuộc đổi mới. Bối cảnh của câu chuyện là làng Hạ Vị - một làng quê nghèo khó. Người dân ở đây chỉ quen bảo thủ với tâm lí làm
thuê cố hữu đang đè nặng lên tầm nhìn và suy nghĩ của họ. Những người nông dân Hạ Vị chỉ mong ngóng bát cơm thiên hạ, họ dửng dưng với bãi bồi mênh mông, màu mỡ của làng mình. Không hiểu từ đời nào họ chỉ quen đi làm thuê, họ không yêu tha thiết đồng ruộng nhưng không đủ sức dứt bỏ những gì quen thuộc thuộc từ thuở cha sinh mẹ đẻ ở cái nơi mà ai cũng gọi là
quê hương. “Họ có thể bỏ ruộng chứ không bỏ nghề làm thuê. Họ chỉ quen
với việc làm tôi làm tớ, ăn xin ăn nhặt, ngửa tay xin việc kiếm miếng ăn. Còn lúc tự mình làm chủ lấy việc, làm chủ lấy ruộng, làm chủ lấy đời mình thì lại phá ngang” [42, 34].
Hình ảnh làng Hạ Vị chính là sự thu nhỏ của nông thôn Việt Nam Đồng Bằng Bắc Bộ trước thời kỳ đổi mới. Mặc dù chủ trương của đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã tạo ra bước ngoặt lịch sử: khoán thẳng ruộng đất cho người nông dân để họ có thể an tâm thâm canh trên thửa ruộng của mình. Ruộng đất là tư liệu sản xuất. Đoạn tuyệt, chối bỏ ruộng đất chẳng khác gì cắt đứt mạch máu trong cơ thể sống của mình. Lê Lựu đã thẳng thắn chỉ ra rõ tâm lý bạc nhược, đớn hèn, sẵn sàng chấp nhận kiếp nô lệ, làm thuê – một điều nghịch lý - chối từ tự do mà dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ con người mới có được.
Viết về cuộc sống người nông dân đồng bằng châu thổ Sông Hồng không thể không nhắc đến những trận lụt kinh hoàng. Trong Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Lê Lựu đã mô tả cảnh lũ lụt, đó thực sự là một hiểm họa đối với những người nông dân nghèo khó. Khi trời nắng đến mức nước giếng trong bể, trong chum vại như luộc chín đám rêu khiến nó nổi váng lều phều trên mặt thì cũng đúng lúc ấy giông bão nổi lên. Không khí trở nên oi ả, nồng nặc. Nhà nhà gấp rút chống lụt như chống giặc giã. Đàn ông trai tráng pha tre, mua nứa, mua sơn, làm thúng câu, cuốn vó bè, đánh lưới, thả rọ, đi chợ Cống, chợ Hồi sắm sửa đồ nghề; trẻ con mua giậm, mua thời, uốn lưỡi câu; người
già chẻ lạt gác bếp; đàn bà dỡ đống cây ngô ở đồng, nhổ hết đỗ đánh đống ở ngoài đầu nhà… Đê Bồi bị vỡ, nước lũ dâng cao mỗi lúc một nhanh, nước dâng cao mấp mé mái tranh nhà cao, nhà thấp ngập lưng mái. Nước cuộn lên đục ngầu như muốn cuốn phăng tất cả. Cuộc sống của người dân vốn đã túng thiếu lại càng trở quẫn bách. Cảnh nước lụt trong Thời xa vắng khiến cho người đọc liên tưởng tới phóng sự của nhà văn Ngô Tất Tố cũng nói về cảnh tượng lụt lội đầy tang thương, hình ảnh con người bé nhỏ càng trở nên tội nghiệp trong cơn thịnh nộ của dòng lũ ngầu đục.
Trong Chuyện làng Cuội, cơn lũ thực sự đe dọa trực tiếp tới mạng sống
của người dân. Đê vỡ, cả một vùng nước ngập mênh mông trắng xóa. Không gian sinh tồn của cả làng dồn tụ cả trên sông nước lênh đênh. Tiếng khóc lóc, cãi cọ, đánh chửi, quát mắng, tiếng cười om sòm, rộn rã … đều diễn ra trên sông. Song, không chỉ có thế, người làng Cuội còn chứng kiến nỗi tang thương khi cơn lũ cướp đi sinh mạng con người. Thằng cu Bối con anh Thó, 7 tuổi, đã chết vì đói và cảm lạnh vì ngâm nước nhiều. Người ta đành thủy táng người chết, gửi cả linh hồn và thể xác của người xấu số cho dòng nước hung dữ. Khi Lê Lựu viết về cảnh tượng lũ lụt, người đọc đều dễ dàng nhận ra miền đất quen thuộc của nhà văn, đó là làng quê, đồng bãi của một vùng chiêm trũng. Ông viết về nông thôn với bao xót xa, yêu thương. Nhà văn như ngầm trả cái cái duyên nợ với mảnh đất đã sinh ra mình, nuôi lớn mình từ vất vả lo toan, từ đói nghèo cơ cực. Lê Lựu viết về nông thôn bằng những trải nghiệm và những lo âu về biến đổi từng gốc rạ từ lâu đã hằn in trong tâm khảm.
Trong văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945, không gian nông thôn là những vùng quê lam lũ đói nghèo, một môi trường xã hội ngột ngạt, tù túng đầy rẫy những mâu thuẫn, xung đột, những thành kiến, định kiến hẹp hòi; không gian nông thôn trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là một bức tranh đang thay da, đổi thịt hằng ngày, hằng giờ, một gương mặt nông thôn
trong hăng say lao động và sản xuất thì tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới lại tập trung khắc họa một không gian thôn quê đầy biến động phức tạp và chứa đựng bao vấn đề nhức nhối của xã hội: Đó là sự tồn tại của những hủ tục phong kiến lạc hậu, hà khắc, nghiệt ngã ở bao làng quê. Nếu Nguyễn Khắc
Trường trong Mảnh đất lắm người nhiều ma và Dương Hướng trong Bến
không chồng viết về xung đột giữa các dòng họ khiến cho con người mất hết nhân tính, những thù hằn hẹp hòi, những cách báo thù, ứng xử như cầm thú để bảo vệ danh dự của dòng họ: đào mồ mả, cưỡng bức, hãm hại nhau … Lê Lựu bằng tiếng nói riêng của mình cũng đem đến một bức tranh sống động về nông thôn với bao ấu trĩ, lạc hậu, nhiêu khê. Nhà văn đã kiến tạo không gian văn hóa - không gian phong tục tập quán để khắc họa gương mặt tinh thần của nông thôn Việt Nam. Điều này được thể hiện trong Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông.
Sài là một trong những nạn nhân của tập tục tảo hôn ở làng Hạ Vị. Cuộc hôn nhân ép gả ấy đã khiến người trai này trải qua từ bất hạnh nọ đến những bi kịch kia. Bị ép lấy vợ từ năm hơn mười. Từ bé Sài đã cự tuyệt “con bé” ấy một cách rất trẻ con: không bao giờ ăn cơm ngồi gần hoặc đối diện với “nó”, bát nước chấm nào “nó” đã chấm vào thì Sài nhất quyết không đụng
vào, Sài không chịu ngủ gian nhà trái – phòng vợ chồng thằng Sài – mà ngủ
chung với mẹ. Khi bị bắt ép thì sẵn sàng nằm xuống sàn nhà ngủ cả năm đêm … Cố nhiên, những phản ứng của Sài đều rất yếu ớt và bất lực. Cứ tưởng khi lớn lên Sài sẽ thoát khỏi sự ràng buộc, trì níu của gia đình. Song, bóng ma của danh dự, dòng tộc và bổn phận cá nhân cứ luôn luôn bám đuổi Sài suốt cuộc đời, hơn thế nữa, nó trở thành “cú hích” chí tử xô đẩy Sài vào những bi kịch
đau đớn trong cuộc đời. Nỗi lo sợ dư luận luôn luôn ám ảnh, đè nặng. “Ở đời
này người ta chỉ sẵn sàng chết đói, chết rét, chết bom, chết đạn để che chở, nuôi nấng cho con mình tai qua nạn khỏi, con mình được sung sướng, được
vinh hoa chứ không ai chịu tai tiếng, chịu xỉ nhục để con mình được tự do theo ý nó” [42, 78]. Dư luận xã hội trở thành khuôn thước, là chuẩn mực cho đời sống, tuy không được ghi bằng văn bản nhưng có sức mạnh rất lớn, có thể đè bẹp, ép khô, làm thui chột cả những phẩm chất và tính cách con người. Đó là gánh nặng lịch sử không thể né tránh mà cần nhận thức rõ để cải tạo, khắc phục.Việc Sài tảo hôn là dấu vết rơi rớt lại của một thời kỳ phong kiến nông
thôn lạc hậu. Đây là chuyện của một thời mà Lê Lựu gọi là Thời xa vắng. Và
nói như Trần Đăng Khoa: nó vẫn treo lơ lửng đâu đó trên đầu mỗi người như một bóng ma. Nó tồn tại vô hình nên ai cũng sợ.
Không giống Sài, nhân vật Phạm Quang Núi trong Sóng ở đáy sông
phải trải qua nỗi đau đớn, thậm chí là nỗi nhục nhã ê chề, sự bẽ bàng, tủi hổ, chua xót vì trót yêu và có con với người cô họ cách nhau… 7 đời. Dù pháp luật nhà nước quy định cho phép cách nhau năm đời lấy nhau nhưng ở cái làng quê của Hiền thì rõ là “phép vua thua lệ làng”! Không ai được phép đi ngược lại với những lề thói đã “bất thành văn” của làng. Những quan niệm phong kiến lạc hậu, ấu trĩ ấy không chỉ khiến Núi và Hiền không lấy được nhau mà sức mạnh của nó khủng khiếp ở chỗ: nó đã quăng quật, giày vò cả hai đến tận xế bóng cuộc đời: Hiền phải tha phương để sinh con, để trốn chạy nỗi nhơ nhuốc cho gia đình, dòng tộc; Núi sau đó trở thành tội phạm, cứ trượt dài mãi trên con đường tha hóa.
Phản ánh không gian hiện thực nông thôn một thời, Lê Lựu khơi sâu vào bi kịch của con người là nạn nhân của những tập quán lạc hậu đồng thời nhà văn như cũng gióng lên một thông điệp về tương lai: cần phải dũng cảm thay đổi, xóa bỏ những hủ tục để xã hội tiến bộ, đem lại giá trị nhân văn cho cuộc sống con người.
Mô tả khung cảnh thôn quê, Lê Lựu tỏ ra sắc sảo khi dựng hình ảnh
là người. Quả là đám tang của cụ Đồ Khang là hiện tượng có một không hai của vùng này. Ngày xưa đám tang bố tổng Lơi mổ hàng trăm con lợn, trâu bò, giã giò, ăn uống rậm rịch cả hàng mười ngày giời cũng không đông được như đám này” [42, 198]. Lê Lựu cũng khá táo bạo khi hạ bút: “Họ đi đám chỉ vì không đi sẽ không tiện thành ra không phải họ đi đưa đám cụ Đồ mà là đưa đám ông Hà đã về làm bí thư huyện ủy được nửa năm nay và đưa đám anh Tính ủy viên trực phụ trách nội chính của ủy ban hành chính huyện” [42,198].
Nhà văn đã phê phán gay gắt lối sống trục lợi của những kẻ băng hoại đạo đức, lợi dụng đám tang cụ Đồ để cầu cạnh cá nhân. Họ đến đám tang chỉ vì biết rằng trong túi áo đại cán của ông Hà (em cụ Đồ Khang) có những lá đơn xin việc hoặc đơn xin vài nghìn gạch của họ, bởi thế, những con người
này sang đám tang bằng những bộ mặt đầy chất kịch, nặng nề phô diễn: “Ở
ngoài đường họ đùa nghịch huyên náo, vào đến nhà là họ lặng lẽ, nghiêm trang. Ở ngoài đường họ dò la xem phong tục làng này ra sao, vào đến nhà họ thành thạo mọi lễ nghi và làm mọi việc thành thạo như người chủ” [42, 198].
Trong Chuyện làng Cuội, trước tình cảnh bà Hiêu Đất tự vẫn cũng tạo
nên một “khí thế tưng bừng sôi nổi” và mỗi người đến viếng đám tang bà cụ
đều có một mục đích riêng. Tuy vậy, điểm chung gặp gỡ của những con người ấy là muốn tỏ lòng trước ông phó Chủ tịch tỉnh Lưu Minh Hiếu (con trai người chết) vì những cầu cạnh cá nhân.
Nếu Số đỏ (1936) của Vũ Trọng Phụng là một tiểu thuyết trào phúng hoạt kê trong đó chương truyện thứ XV vẫn được đánh giá là một trong những màn đại hài kịch đặc sắc nhất có sức mạnh tố cáo một xã hội bịp bợm, đểu cáng, phi nhân tính (coi đám tang cụ cố Tổ là một hoàn cảnh thuận lợi để thực hiện những mưu đồ cá nhân) thì cả hai đám tang của cụ Đồ Khang và bà Hiêu Đất cũng cùng chung ý nghĩa như vậy. Tất nhiên không thể so sánh cái
xã hội bát nháo, dâm đãng trong Số đỏ với xã hội nông thôn trong tiểu thuyết
Lê Lựu bởi bản chất khác biệt của xã hội tư sản thành thị với không gian nông thôn truyền thống Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Có thể nói, trong
Thời xa vắng, Lê Lựu có khá nhiều trang viết nồng ấm, nhân hậu về người nông dân một nắng hai sương. Nhà văn đã giúp người đọc có cái nhìn đúng đắn, biện chứng về quá khứ như nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa đã nhận
xét: “Không coi việc phán xét của cuốn tiểu thuyết là hành động “bắn súng
đại bác vào quá khứ” mà cho rằng viên đại bác Thời xa vắng khoan thủng các tấm màn vô hình che giấu nhiều điều mà lâu nay chúng ta không nói tới. Quá khứ đâu chỉ là một chiếc bánh ngọt ngào mà còn có cả những điều đắng cay”[59, 604].
Khắc họa không gian nông thôn, nhà văn cũng đề cập đến những vấn đề nổi cộm phía sau lũy tre làng: Vấn đề cải cách ruộng đất. Chuyện làng Cuội đã phản ánh hiện thực đầy đau xót này: Đội cải cách ruộng đất đã về làng qua lời giới thiệu và tiếng hát rộn rã của thiếu nhi. Chính sách “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm của Đội cải cách những tưởng đem đến no ấm, hạnh phúc cho nhân dân nhưng không biết bao bi kịch trong cuộc đời đã diễn ra: Đằng sau cái gọi là “cắm rễ”, “xâu chuỗi”, thực chất là những trò dâm đãng, đểu cáng, giả dối. Đó là anh đội Quyền - người có thâm niên ba đời đánh giậm. Quyền chưa thuộc đủ 24 chữ cái, chỉ biết đánh vần có một chữ